Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Nguyễn Quang Thiều

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
                   Chân dung bốn mặt



Vương Tâm
        Nguyễn Quang Thiều lúc nào cũng cuồn cuộn cảm xúc, trong công việc hay cả khi ngồi im lặng với điếu thuốc, trong giây phút trầm tư. Gương mặt anh hiện lên bốn phía trong làn khói thuốc bồng bềnh. Cặp mày rướn lên và đôi mắt mở to muốn nhìn thấu những điều “Khuất khuất sau mây”, cả những tiếng “Âm âm trong gió”, cùng sắc mầu bay lên, trong không gian vô tận của cơn mơ…
1-Thi sĩ của làng quê
       Từ cách đây 26 năm, nói đến Thiều là nói đến thơ, bởi ngay từ tập thơ đầu tiên “Ngôi nhà 17 tuổi” (XB năm 1990), đã lọt vào chung kết Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991). Đó là một sự kiện đáng khích lệ cho dù tập thơ sau đó đã không được nhận giải. Nhưng có lẽ đó cũng là một trải nghiệm đột biến khi Nguyễn Quang Thiều nhìn lại gương mặt thơ ban đầu của mình. Đó là sự nhạt nhòa và pha trộn, một giọng nói của ai đó đã chen vào, một ánh mắt khác lạ chợt hiện trong thơ mình. Thức tỉnh. Thiều muốn tìm lại chính mình. Bản thánh ca trong tâm hồn được cất lên dẫn dụ trái tim. Đó là những đêm thức trắng với cõi mơ mộng và diệu huyền của trí tưởng tượng. Dường như tất cả những đề tài mà Thiều đã viết trước đó như ông bà, cha mẹ, đình chùa, con sông, đồng cỏ, lúa khoai…đã được chiếu rọi với ngọn nguồn cảm xúc tươi mới và được dát lên những vỏ ốc xù xì đầy cảm biến của con chữ cùng gió cát biển khơi. Những thi ảnh dồn dập, xô táp làm lay động tâm hồn người đọc. Những ý tưởng bất ngờ được nảy sinh, găm vào trí nhớ của người đọc những hình ảnh độc đáo, với nhịp điệu “đảo phách”, ngưng ngắt khác lạ. Chính vì thế, tập thớ thứ hai của Nguyễn Quang Thiều ra đời, sau đó chỉ một năm, đã gây chấn động làng thơ Việt Nam, với cái tên “Sự mất ngủ của lửa” (NXB Lao Động-1992. Đúng vậy đó là sự thao thức của ngọn lửa thơ mang tên Nguyễn Quang Thiều đã làm xáo động đường thơ và là ánh sáng mới của thi ca, sau hàng chục năm ngủ li bì trong cơn sốt của “cảm xúc bao cấp”. Ngay năm sau tập thơ đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1993).
       Sự ảnh hưởng của thơ Thiều lạ lắm. Nó tạo nên một trường phái, hay dòng thơ  “Thiều”, trong 25 năm qua. Nhất là các bạn làm thơ trẻ, họ thường đi tìm mình như Thiều đã từng làm và họ cũng có những sáng tạo riêng và có những thành công nhất định. Cho dù đến nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cho xuất bản tới mười tập thơ (tập sau cùng là “Châu thổ”-2012), nhưng người đọc vẫn luôn luôn nhớ tới cú đột phá ban đầu của anh với “Sự mất ngủ của lửa”. Tiếp bước những miền “Châu thổ” thơ sau này, Nguyễn Quang Thiều có những sự phát triển đường thơ của mình với góc nhìn xuyên suốt: “Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ lại cho người đọc cái khoảnh khắc của đời sống mà họ không bao giờ tìm lại được nếu không có thơ” (Charles Simic-nhà thơ nổi tiếng người Mỹ); Trọn đời thủy chung với không gian văn hóa làng quê trong sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Quang Thiều cứ bóc hết lớp không gian này đến lớp khác, soi rọi quá vãng, ký ức với con mắt mỹ cảm luôn luôn chuyển động, gây bất ngờ với bạn đọc. Đó là những câu thơ lạ có chất tạo hình đồng thời ẩn chứa chất triết lý tự sinh, trong các thi phẩm. Có thể kể đến như: “Bản tuyên ngôn của giấc mơ”, “Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ”, “Nhịp điệu châu thổ mới” hoặc còn đó là “Sông Đáy”, “Mười một khúc cảm”, “Một bài hát của làng Chùa”, hoặc “Tiếng chó và những ngôi sao”, “Chuyển động”, và “Cây ánh sáng”…Dường như cảm xúc chỉ là cái cớ xuất phát cho mỗi ý tưởng, nhưng thế giới sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều lại nằm ở những thi ảnh chồng mờ kỳ lạ tuân thủ một ý tưởng tập trung. Tứ thơ vì thế mà trở nên thâm sâu, tạo ấn tượng khó quên với người đọc.
       Tác phẩm “Bài hát về cố hương” là một trong những ví dụ điển hình thể hiện rõ hồn cốt, tâm linh của thi nhân. Anh hát bài ca về làng chùa với sự mê man “Dưới những vì sao ướt át. Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về”. Đây đó những hình ảnh đồng hiện “Tiếng nói mê đàn ông trong mé tóc đàn bà”, hay “Những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất”. Nhưng tiếp sau đó là những chi tiết sinh động, gợi cảm: “Tiếng ho người già khúc khắc. Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống”. Cảm xúc mỗi lúc một dâng trào khi anh hát tiếp về cố hương: “Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó. Nó không tiêu tan. Nó thành con giun đât. Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao. Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ. Bò qua bãi tha ma người làng chết đói. Đất đùn lên máu chảy ròng ròng”. Đúng là một quê hương hiện lên nặng trĩu tấm lòng thi nhân. Nhưng chưa hết, người con của làng vẫn còn hát khúc cuối đê mê hơn: “Tôi hát, hát về cố hương tôi. Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm. Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó. Kiếp này tôi là người. Kiếp sau phải là vật. Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ. Để canh giữ nỗi buồn-báu vật cố hương tôi”. Một cảm xúc thật u buồn tê tái.
2-Những giấc mơ sắc màu
       Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có khả năng phân thân rạch ròi giữa những công việc khác nhau, báo chí, văn chương, thi ca và hội họa. Đó là bốn lĩnh vực mà anh đều thành công và nổi tiếng với những tác phẩm có giá trị. Nguyễn Quang Thiều luôn mơ ước: “Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa”. Khi đến với hội họa, hay những trang văn đầy thao thức cũng vậy. Ngoài làm báo để thoát nợ mưu sinh, Nguyễn Quang Thiều còn nổi tiếng với những truyện ngắn tràn đầy niềm thương cảm với cuộc đời. Song song với những khát vọng thơ ca, Nguyễn Quang Thiều viết văn như một nhu cầu sáng tạo mang hoài bão chia sẻ với những số phận đau khổ hay thiệt thòi trong cuộc đời. Sau khi xuất bản tập thơ đầu tiên, anh cũng cho in liền hai tập tiểu thuyết “Vòng nguyệt quế cô đơn” (1991) và “Cỏ hoang” (1992). Đặc biệt, cùng với sự bay bổng với “Sự mất ngủ của lửa” (NXB Lao động-1992), thì tiếp ngay năm sau anh cho in tập tiểu thuyết thứ ba “Tiếng gọi tình yêu” (1993); rồi liên tiếp anh say sưa với những câu chuyện rất gần gũi với làng quê, anh cho in liên tục tập truyện ngắn “Người đàn bà tóc trắng” (1994) và tiểu thuyết thứ tư “Kẻ ám sát cánh đồng” (1995). Chưa hết, cũng trong năm 1995 anh còn xuất bản tập thơ thứ ba “Những người đàn bà gánh nước sông”…Cứ thế một mạch từ đó đến nay, bạn đọc đã đón cuốn sách thứ 40 của anh cả văn lẫn thơ. Riêng năm 2016, anh đã được các nhà xuất bản cho in liền ba cuốn, gồm truyện và bút ký. Cuốn ghi chép và chân dung “Trong căn phòng một người bài liệt” mới nhất của anh vừa được NXB họp báo giới thiệu vào ngày 13-11-2016. Dường như tốc độ anh làm việc đến nghẹt thở.
       Ấy là chưa nói đến chuyện làm báo của Nguyễn Quang Thiều. Anh là một biểu tượng cho dòng báo thị trường với phong cách làm báo hiện đại, hấp dẫn bạn đọc ở chất nhân văn, trong từng bài báo viết về thân phận con người. Người ta ví anh là ông bầu báo “lá cải” cũng có lý khi có thời trong tay anh có tới bốn tờ báo. Có lần anh kể, cứ hai ngày phải ra một số báo 32 trang. Mà trong tay anh khi đó chỉ có 7 người thực hiện. Ai cũng từng biết anh là người đã thiết kế và trực tiếp thực hiện làm hai tờ bào An ninh thế giới và Cảnh sát toàn cầu (số tháng), mở đầu cho dòng báo thị trường thu hút bạn đọc. Riêng tờ Cảnh sát toàn cầu anh mới bàn giao lại cho đơn vị chủ quản là báo Công an nhân dân vào đầu năm 2016. Nghĩ mà thấy chóng mặt vì sự xốc vác, bươn trải của anh. Tôi cực kỳ ngạc nhiên bởi không biết anh thường được nghỉ ngơi vào lúc nào với khối lượng công việc cuồn cuộn như thế. Vậy mà anh còn dành sức để đến với hội họa. Thật kỳ lạ. Chẳng hề học vẽ một ngày nào. Anh bắt đầu quét vết sơn dầu đầu tiên trên toan vào năm 2005.
      Có lần tâm sự với tôi, anh nói mối lương duyên với hội họa như trời đầy vậy, nhưng lại bị sắc màu cuốn hút. Có những đêm thức trắng với bố cục và sắc màu. Vẽ rồi xóa, rồi lại vẽ, cứ quay cuồng với những hình tượng chợt tới. Thiều vẽ cũng như làm thơ vậy, đó là cuộc dạo chơi kỳ ảo nhất trong đời. Anh nói, với hội họa khi cầm cọ cũng phải chính là mình. Quả là nhiều bản vẽ của anh đều do thơ ca mách bảo. Anh thể hiện lại những bài thơ của mình bằng một ngôn ngữ mới trong một khung trời vuông thấm đẫm sắc màu và hình tượng. Vậy nên tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng nổi bật ở những mảng quê hương. Đó là những “Cậu bé làng chùa”, “Sông Đáy”, “Hoa cải bên sông”, hay “Người thổi sáo”, “Mười cô gái làng Chùa”…Sau 7 tháng theo nghiệp họa sĩ, “tự sướng” với sắc mầu, Nguyễn Quang Thiều theo mọi người bày tranh và bán được gần hết. Bạn bè bất ngờ. Nguyễn Quang Thiều cũng bất ngờ với chính mình. Anh kể có bức bán được với giá cao nhất là 2000 USD. Đận ấy anh gom đủ tiền về sửa lại căn nhà cấp bốn cho bố mẹ và lát lại cái ngõ ở làng Chùa quê anh. Mấy năm nay anh trở lại với hội họa nhiều hơn, vẽ được khoảng 100 bức cả lớn và nhỏ. Nhà thơ ngộ ra, hội họa mang lại cho mình tinh thần tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Có lần anh vui vẻ nói: “Tôi toàn quyền vẽ những gì tôi thích, dùng bất cứ màu gì tôi muốn và công bố những tác phẩm không cần xin giấy phép”
3-Bình minh phía trước
      Mấy năm nay, cứ vào dịp tết Nguyễn Quang Thiều hay vẽ con giống của năm tặng bạn. Năm rồi anh có một bộ Khỉ (ba tranh) rất lạ lùng. Theo sự đánh giá của họa sĩ Thành Chương thì tranh của Thiều đẹp nhất trong các họa sĩ đã cùng vẽ khỉ trong năm. Tôi hỏi 2017, đúng năm tuổi của Thiều (sinh năm 1957) có vẽ gà cho chính mình không. Anh cười gật đầu và nói đã có ý vẽ những chú gà quê làng Chùa. Những tiếng nắng bừng lên trong âm thanh gà gáy vang. Tôi nghĩ thế chắc vẽ gà phải hợp với Thiều với những cách điệu và sắc mầu ở tuổi 60. Tôi chợt nhớ đến câu thơ rất hay về gà của Thiều trong khổ một của “Mười một khúc cảm” rằng: “Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ. Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn
       Dường như mỗi khổ thơ của Thiều là một bức họa. Đó là những bức họa đồng quê thân thương, ruột thịt mà Thiều một đời trọng tình, trọng nghĩa. Riêng có bức tranh trong bài thơ “Sông Đáy” làm tôi xúc động mỗi khi nhớ đến. Anh viết: “Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại. Mẹ tôi đã già như cát bên bờ. Ôi mùi cát khô, mùi tóc của mẹ tôi. Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt. Tôi khóc. Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng sông”. Đó là những cảm xúc lắng sâu của một tâm hồn thi sĩ đích thực của quê hương. Với anh, tôi nghĩ ngả về phía nào cũng đầy ắp nỗi niềm về thân phận con người. Kiếp người của làng Chùa. Kiếp phận tha hương của những người anh bắt gặp trên đường đều làm trái tim anh rung động. Chính vì lẽ đó, thơ anh không khi nào vơi cạn sự trăn trở, văn anh không bao giờ ngừng tuôn trào nỗi niềm đắng cay, và sắc mầu anh luôn luôn u buồn, chia sẻ. Người ta nói tranh anh thường ẩn giấu niềm hư ảo xa xôi và nỗi buồn về kiếp người. Đó là những bông hoa “Thảo mưa” của riêng Thiều, trong những giấc mơ hiện lên, và bao giờ cũng chan chứa vẻ đẹp thi ca.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét