Đường đời bao nỗi
Vương Tâm
Ca sĩ lừng danh Khánh Ly năm nay đã bước
sang tuổi 72. Bà sinh năm 1945, tại Hà Nội trong một hoàn cảnh gia đình khá
đông con và éo le. Bố mất sớm. Mẹ đi bước nữa. Nhưng cái gien ca hát cô bé Lệ
Mai (tên khai sinh của ca sĩ Khánh Ly) lại được thừa hưởng từ người bố. Những
giai điệu huyền diệu của dòng nhạc tiền chiến đã quyến rũ tâm hồn Lệ Mai. Hình ảnh
người bố với cây đàn luôn luôn hiện lên trong những ngày tháng Lệ Mai cô đơn
bươn trải trên mọi nẻo đường
1-Những bến tình lận đận
Lệ Mai lớn lên với tính cách mạnh mẽ và
luôn luôn muốn tìm ra con đường riêng của mình. Say mê hát và học lỏm rất
nhanh. Từ bé đã tự đi ghi danh dự thi hát ở Hà Nội. Năm 1954, theo gia đình
cùng cha dượng di cư vào Nam, rồi hai năm sau lại cùng cả nhà lên Đà Lạt sinh sống.
Lệ Mai hay tin có cuộc thi ca hát cho tuổi nhi đồng ở Sài Gòn, thế là lại trốn
nhà đi thi, đoạt liền giải nhì. Nhưng sau đó Lệ Mai đón giải bằng một trận đòn
chí chết. Lúc này hình ảnh bố với cây đàn lại hiện lên như niềm anh ủi và khích
lệ cho niềm hy vọng đến với con đường ca hát trong tương lai. Và, mỗi ngày một
lớn lên, giọng hát càng hay. Lệ Mai bắt đầu hát kiếm tiền ở Nigh Club Đà Lạt với
danh xưng là Khánh Ly, năm 1962.
Nhưng mọi sự lại không hề xuôn xẻ khi
Khánh Ly bất ngờ lấy chồng và sinh con. Bắt đầu đường đời lận đận. Đây là một
hôn nhân không thật sự mong muốn chỉ vì sự bi phẫn trong lòng, nếu không gọi là
phá phách để chống trọi nỗi cô đơn, khi bị gia đình ruồng bỏ. Đó là hình ảnh
người bị trôi trên sông vớ được một bàn tay nghĩ đó là cái phao cứu cánh. Thế
là lấy và đẻ liền một mạch hai đứa con. Chính vào thời điểm này, chừng năm
1964, Khánh Ly đã tình cờ gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt. Hai người đã hợp
ý tâm đầu về âm nhạc nhưng rồi mọi sự lại chỉ dừng ở những bản thu những bài ca
mới sáng tác và cũng chưa mấy ai biết tới.
Tất nhiên cuộc sống hôn nhân đã trói buộc Khánh Ly với những sự mưu sinh nặng nề.
Cho dù người chồng đầu tiên này là một sĩ quan quân đội ở Đà Lạt và cũng là người
giầu có. Nhưng quả là không hợp nhau. Hằng đêm, Khánh Ly vẫn mải miết với những
cung bậc sầu thương vương vấn, nhưng trong lòng đầy khắc khoải. Đâu là hạnh
phúc. Đâu là tương lai. Khánh Ly lại bơ vơ trên con đường âm nhạc. Hôn nhân vội
vàng không phủ đầy khoảng trống rỗng trong tâm hồn người nghệ sĩ. Bi kịch ngày
một dồn tụ và sau vài năm, Khánh Ly đã ly hôn và ôm hai con về lại Sài Gòn,
trong nỗi tuyệt vọng không cùng.
Đó là câu chuyện kết thúc của năm 1967.
Và, Lại như một sự tình cờ, Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn cũng vừa rời bỏ Bảo Lộc,
về Sài Gòn. Bắt đầu cuộc viễn du ca nhạc của hai người từ đây. Khánh Ly trở
thành hình tượng một nữ hoàng chân đất cùng với chàng nhạc sĩ lãng từ Trịnh
Công Sơn với chiếc ghi ta thùng bập bùng trong những đêm ở Quán Văn (sau trường
Văn khoa Sài Gòn). Nhưng rồi cuộc đời thật trớ trêu, mấy năm sau Khánh Ly đã mở
một quán cà phê ca nhạc và đi hát ở vũ trường với mục địch mưu sinh, để nuôi
hai con còn nhỏ dại. Chính vì thế, nữ hoàng chân đất này lại rơi vào một cuộc
khủng hoảng mới, khi dính vào một cuộc hôn nhân không giá thú với một sĩ quan
quân đội khác và cũng sinh được một mặt con. Cuộc hôn nhân thứ hai vội vã không
kém lần thứ đầu tiên, và kết thúc còn sớm hơn mà không hề có chút vấn vương.
Chưa hết, chẳng bao lâu sau lại một sĩ
quan trẻ tìm đến, nảy sinh tiếng sét ái tình mới và thế là cả hai quấn quýt trở
thành một cặp đôi tình nhân được không ít người ngưỡng mộ. Nhưng cái chết trong
chiến trận (vào đầu năm 1975) của anh ta tại Đà Nẵng đã chấm dứt tất cả. Còn
sau đó là một cuộc hối hả ra đi của Khánh Ly trước ngày Sài Gòn giải phóng. Đó
là cuộc bỏ chạy của những thuyền nhân mà vô tình Khánh Ly trở thành nạn nhân vượt
biển trong hiểm nguy. Cũng từ đó kết thúc hình ảnh một ca sĩ chân đất với giọng
hát ma mị và ám ảnh lòng người gần 10 năm qua. Khi ấy Khánh Ly vừa tròn 30 tuổi.
2-Khánh Ly-Trịnh Công
Sơn-một chữ “Duyên”
Hàng chục năm nay, vẫn còn nhiều người
nghi vấn chuyện tình duyên giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca sĩ Khánh Ly.
Không dễ mấy ai tin rằng gần mười năm gần gũi, vai sánh vai, ngày đêm ca hát
cùng nhau mà hai người lại không nảy sinh tơ lòng, và tình yêu cất tiếng. Nhất
là sau này, dường như Trịnh Công Sơn trong nhiều sáng tác đã lấy quãng giọng của
Khánh Ly làm chuẩn. Nhạc sĩ luôn luôn có ý thức viết để cho Khánh Ly hát. Không
lẽ hai người gắn bó đến thế mà lại chẳng hề có chút vấn vương? Hàng trăm câu hỏi
và có phần xăm xoi để phát hiện ra cho dù chỉ một tình huống lộ diện. Đúng là uổng
công. Bởi lẽ thời gian gặp Khánh Ly, vào năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang
say đắm với mối tình Dao Ánh. Ấn tượng gặp và mến mộ giọng hát Khánh Ly đã được
Trịnh Công Sơn viết trong cuốn “Thư tình gửi cho một người”, với một cảm xúc
như một sự phát hiện trong ca hát mà thôi. Hơn nữa nhạc sĩ cũng biết cô ca sĩ
này đã có chồng. Mọi sự giao lưu chỉ ở công việc thu bài hát mới và biểu diễn.
Nhưng có lẽ thời gian này Khánh Ly phải nhớ ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chỉ dẫn
về kỹ thuật thanh nhạc, hát và lấy hơi thể hiện đúng giọng thực của mình, chứ
không được hát giọng óc khi lên cao. Nhạc sĩ đã hướng dẫn và luyện giọng cho
Khánh Ly rất kỹ qua bài “Xin mặt trời ngủ yên”, hay “Tiếng hát Dạ Lan”…Giọng
hát liêu trai của Khánh Ly quyến rũ người nghe bắt đầu từ đây.
Tiếp theo cuộc gặp gỡ 1967, giữa hai người
ở Sài Gòn cũng là sự tình cờ, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng ngạc nhiên và mừng
rỡ. Nhạc sĩ mừng vì những ca khúc của mình từ nay đã có giọng hát Khánh Ly chắp
cánh bay. Sau thời gian “du ca” trong những đêm sinh viên, cho dù hai người đã
từng ngủ cùng với bạn bè nơi quán Văn, nhưng không hề có sự xao xuyến gì giữa
hai con tim. Ngay kể cả khi có dịp đi sang Nhật hay châu Âu biểu diễn vào những
năm 1969 và 1970, hai người cũng chỉ như một cặp bài trùng khi thể hiện xuất sắc
ca khúc mà thôi.
Sau này Khánh Ly lại vương vào những cuộc
tình mới và mải miết tìm cách kiếm tiền để nuôi con nhỏ. Trịnh Công Sơn chỉ
nhìn theo tiếc nuối và có phần trách móc vì không còn những ngày hát cho sinh
viên nghe nữa. Quan hệ hai người chỉ dừng lại ở ơn nghĩa: “anh là hình em là
bóng”. Nếu nói không có Trịnh Công Sơn thì không có Khánh Ly hoặc ngược lại
cũng đều đúng vì sự gặp gỡ của họ chính là một định mệnh ở một chữ “Duyên” trời
cho. “Duyên” nghiệp ấy đã hết khi Khánh Ly tìm phương trời khác ra đi.
3-Bến đỗ cuối cùng trên
nẻo đường tha hương
Rất may mắn, khi mới bắt đầu trên đất Mỹ
năm 1975, mẹ con ca sĩ Khánh Ly đã gặp được một người đàn ông hào hoa và có
tài. Đó là nhà báo kiêm nhà văn Nguyễn Hoàng Đoan, cũng cùng với hai con gái vượt
biển sang đây, trước đó ít lâu. Phải nói đây cũng chính là cuộc gặp gỡ “định mệnh”
lạ lùng giữa hai người. Bởi vì ngay thời kỳ ở trong nước, Nguyễn Hoàng Đoan
không hề thích giọng hát Khánh Ly cho lắm. Thậm chí anh còn ít nghe Khánh Ly
hát. Nhưng rồi có lẽ với nét duyên trời cho và tính cách mạnh mẽ của Khánh Ly
đã chinh phục được nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan. Anh cầu hôn và tận tình đến với mẹ
con Khánh Ly. Ba tháng sau Khánh Ly đã nghĩ hết mọi nhẽ và đã gật đầu đồng ý. Đám
cưới nghèo của hai người chỉ tốn đúng 100USD, nhưng ấm cúng và có hơn chục bạn bè
đồng nghiệp đến dự và chúc mừng. Thế là từ đó, con anh, con tôi và cả con chúng
ta sau này, cùng sống và nương tựa vào nhau trong cuộc mưu sinh, nơi đất khách
quê người.
Đặc biệt một thời gian sau, nhà báo Nguyễn
Hoàng Đoan bỏ nghề báo để đứng phía sau trông nom con cái và công việc gia đình
để cho Khánh Ly toàn tâm toàn ý phục dựng lại sự nghiệp ca hát trên đất Mỹ. Nguyễn
Hoàng Đoan tập trung lo mọi thứ phía sau hỗ trợ cho việc Khánh Ly hát hay nhất.
Riêng bộ trang phục áo dài và mái tóc quê hương đã được thống nhất tạo dựng
phong cách và hình tượng sân khấu của Khánh Ly có phần ủng hộ và chăm lo chu
đáo của đức lang quân Nguyễn Hoàng Đoan. Đáng chú ý người chồng này rất chăm
chút về vóc dáng trên sân khấu cho vợ. Nghĩa là phải đẹp và cân đối với mái tóc
dài và dịu dàng trong tà áo lụa. Do dó Khánh Ly thường bị chồng kiểm soát chế độ
ăn uống làm sao luôn luôn giữ được hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.
Phải nói đây là trường hợp hết sức thú vị
với hình ảnh “người đàn ông phía sau vinh quang của vợ”. Hỗ trợ, giúp việc, cả
phong cách nghệ thuật đến phương thức kinh doanh trên thị trường âm nhạc. Chính
vì thế, trung tâm sản xuất băng đĩa Khánh Ly đã phát đạt và bán được hàng triệu
Album ca nhạc, trên đất Mỹ. Nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan trở thành người quản lý của
vợ từ việc nhận “Show” đến quản lý tiền bạc…Hạnh phúc đã hanh thông được tới 40
năm, vậy mà bất ngờ nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan ngã bệnh và mất khi mới bước qua
tuổi 70 (8-1-2015). Chuyến đi cuối cùng của nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan với Khánh
Ly là chương trình “Live Show” tại Việt Nam vào tháng 7-2014. Sau đó ông về
giúp vợ công việc xuất bản cuốn hồi ký “Phía sau những nụ cười”, do Nhà Xuât bản
Văn Học in vào quý II năm 2015.
Trước khi ca sĩ Khánh Ly về nước giới
thiệu và phát hành cuốn sách thì nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan ra đi vĩnh viễn. Một
đòn choáng váng dội lên cuộc đời của ca sĩ Khánh Ly đã bước vào tuổi xế chiều.
Nỗi đau cuộc đời vẫn không tha cho phận tha hương. Trở về nguồn cội. Đó là tiếng
vọng của trái tim mà bấy lâu nay ca sĩ Khánh Ly ước muốn: “Một cõi đi về”. Cuốn
sách “Phía sau những nụ cười”, một dấu mốc sau 40 năm xa quê; Đồng thời đó cũng
là ký ức thăng trầm một chặng đường nửa thế kỷ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công
Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét