Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Nguyễn Quang Thiều

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
                   Chân dung bốn mặt



Vương Tâm
        Nguyễn Quang Thiều lúc nào cũng cuồn cuộn cảm xúc, trong công việc hay cả khi ngồi im lặng với điếu thuốc, trong giây phút trầm tư. Gương mặt anh hiện lên bốn phía trong làn khói thuốc bồng bềnh. Cặp mày rướn lên và đôi mắt mở to muốn nhìn thấu những điều “Khuất khuất sau mây”, cả những tiếng “Âm âm trong gió”, cùng sắc mầu bay lên, trong không gian vô tận của cơn mơ…
1-Thi sĩ của làng quê
       Từ cách đây 26 năm, nói đến Thiều là nói đến thơ, bởi ngay từ tập thơ đầu tiên “Ngôi nhà 17 tuổi” (XB năm 1990), đã lọt vào chung kết Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991). Đó là một sự kiện đáng khích lệ cho dù tập thơ sau đó đã không được nhận giải. Nhưng có lẽ đó cũng là một trải nghiệm đột biến khi Nguyễn Quang Thiều nhìn lại gương mặt thơ ban đầu của mình. Đó là sự nhạt nhòa và pha trộn, một giọng nói của ai đó đã chen vào, một ánh mắt khác lạ chợt hiện trong thơ mình. Thức tỉnh. Thiều muốn tìm lại chính mình. Bản thánh ca trong tâm hồn được cất lên dẫn dụ trái tim. Đó là những đêm thức trắng với cõi mơ mộng và diệu huyền của trí tưởng tượng. Dường như tất cả những đề tài mà Thiều đã viết trước đó như ông bà, cha mẹ, đình chùa, con sông, đồng cỏ, lúa khoai…đã được chiếu rọi với ngọn nguồn cảm xúc tươi mới và được dát lên những vỏ ốc xù xì đầy cảm biến của con chữ cùng gió cát biển khơi. Những thi ảnh dồn dập, xô táp làm lay động tâm hồn người đọc. Những ý tưởng bất ngờ được nảy sinh, găm vào trí nhớ của người đọc những hình ảnh độc đáo, với nhịp điệu “đảo phách”, ngưng ngắt khác lạ. Chính vì thế, tập thớ thứ hai của Nguyễn Quang Thiều ra đời, sau đó chỉ một năm, đã gây chấn động làng thơ Việt Nam, với cái tên “Sự mất ngủ của lửa” (NXB Lao Động-1992. Đúng vậy đó là sự thao thức của ngọn lửa thơ mang tên Nguyễn Quang Thiều đã làm xáo động đường thơ và là ánh sáng mới của thi ca, sau hàng chục năm ngủ li bì trong cơn sốt của “cảm xúc bao cấp”. Ngay năm sau tập thơ đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1993).
       Sự ảnh hưởng của thơ Thiều lạ lắm. Nó tạo nên một trường phái, hay dòng thơ  “Thiều”, trong 25 năm qua. Nhất là các bạn làm thơ trẻ, họ thường đi tìm mình như Thiều đã từng làm và họ cũng có những sáng tạo riêng và có những thành công nhất định. Cho dù đến nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cho xuất bản tới mười tập thơ (tập sau cùng là “Châu thổ”-2012), nhưng người đọc vẫn luôn luôn nhớ tới cú đột phá ban đầu của anh với “Sự mất ngủ của lửa”. Tiếp bước những miền “Châu thổ” thơ sau này, Nguyễn Quang Thiều có những sự phát triển đường thơ của mình với góc nhìn xuyên suốt: “Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ lại cho người đọc cái khoảnh khắc của đời sống mà họ không bao giờ tìm lại được nếu không có thơ” (Charles Simic-nhà thơ nổi tiếng người Mỹ); Trọn đời thủy chung với không gian văn hóa làng quê trong sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Quang Thiều cứ bóc hết lớp không gian này đến lớp khác, soi rọi quá vãng, ký ức với con mắt mỹ cảm luôn luôn chuyển động, gây bất ngờ với bạn đọc. Đó là những câu thơ lạ có chất tạo hình đồng thời ẩn chứa chất triết lý tự sinh, trong các thi phẩm. Có thể kể đến như: “Bản tuyên ngôn của giấc mơ”, “Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ”, “Nhịp điệu châu thổ mới” hoặc còn đó là “Sông Đáy”, “Mười một khúc cảm”, “Một bài hát của làng Chùa”, hoặc “Tiếng chó và những ngôi sao”, “Chuyển động”, và “Cây ánh sáng”…Dường như cảm xúc chỉ là cái cớ xuất phát cho mỗi ý tưởng, nhưng thế giới sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều lại nằm ở những thi ảnh chồng mờ kỳ lạ tuân thủ một ý tưởng tập trung. Tứ thơ vì thế mà trở nên thâm sâu, tạo ấn tượng khó quên với người đọc.
       Tác phẩm “Bài hát về cố hương” là một trong những ví dụ điển hình thể hiện rõ hồn cốt, tâm linh của thi nhân. Anh hát bài ca về làng chùa với sự mê man “Dưới những vì sao ướt át. Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về”. Đây đó những hình ảnh đồng hiện “Tiếng nói mê đàn ông trong mé tóc đàn bà”, hay “Những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất”. Nhưng tiếp sau đó là những chi tiết sinh động, gợi cảm: “Tiếng ho người già khúc khắc. Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống”. Cảm xúc mỗi lúc một dâng trào khi anh hát tiếp về cố hương: “Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó. Nó không tiêu tan. Nó thành con giun đât. Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao. Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ. Bò qua bãi tha ma người làng chết đói. Đất đùn lên máu chảy ròng ròng”. Đúng là một quê hương hiện lên nặng trĩu tấm lòng thi nhân. Nhưng chưa hết, người con của làng vẫn còn hát khúc cuối đê mê hơn: “Tôi hát, hát về cố hương tôi. Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm. Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó. Kiếp này tôi là người. Kiếp sau phải là vật. Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ. Để canh giữ nỗi buồn-báu vật cố hương tôi”. Một cảm xúc thật u buồn tê tái.
2-Những giấc mơ sắc màu
       Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có khả năng phân thân rạch ròi giữa những công việc khác nhau, báo chí, văn chương, thi ca và hội họa. Đó là bốn lĩnh vực mà anh đều thành công và nổi tiếng với những tác phẩm có giá trị. Nguyễn Quang Thiều luôn mơ ước: “Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa”. Khi đến với hội họa, hay những trang văn đầy thao thức cũng vậy. Ngoài làm báo để thoát nợ mưu sinh, Nguyễn Quang Thiều còn nổi tiếng với những truyện ngắn tràn đầy niềm thương cảm với cuộc đời. Song song với những khát vọng thơ ca, Nguyễn Quang Thiều viết văn như một nhu cầu sáng tạo mang hoài bão chia sẻ với những số phận đau khổ hay thiệt thòi trong cuộc đời. Sau khi xuất bản tập thơ đầu tiên, anh cũng cho in liền hai tập tiểu thuyết “Vòng nguyệt quế cô đơn” (1991) và “Cỏ hoang” (1992). Đặc biệt, cùng với sự bay bổng với “Sự mất ngủ của lửa” (NXB Lao động-1992), thì tiếp ngay năm sau anh cho in tập tiểu thuyết thứ ba “Tiếng gọi tình yêu” (1993); rồi liên tiếp anh say sưa với những câu chuyện rất gần gũi với làng quê, anh cho in liên tục tập truyện ngắn “Người đàn bà tóc trắng” (1994) và tiểu thuyết thứ tư “Kẻ ám sát cánh đồng” (1995). Chưa hết, cũng trong năm 1995 anh còn xuất bản tập thơ thứ ba “Những người đàn bà gánh nước sông”…Cứ thế một mạch từ đó đến nay, bạn đọc đã đón cuốn sách thứ 40 của anh cả văn lẫn thơ. Riêng năm 2016, anh đã được các nhà xuất bản cho in liền ba cuốn, gồm truyện và bút ký. Cuốn ghi chép và chân dung “Trong căn phòng một người bài liệt” mới nhất của anh vừa được NXB họp báo giới thiệu vào ngày 13-11-2016. Dường như tốc độ anh làm việc đến nghẹt thở.
       Ấy là chưa nói đến chuyện làm báo của Nguyễn Quang Thiều. Anh là một biểu tượng cho dòng báo thị trường với phong cách làm báo hiện đại, hấp dẫn bạn đọc ở chất nhân văn, trong từng bài báo viết về thân phận con người. Người ta ví anh là ông bầu báo “lá cải” cũng có lý khi có thời trong tay anh có tới bốn tờ báo. Có lần anh kể, cứ hai ngày phải ra một số báo 32 trang. Mà trong tay anh khi đó chỉ có 7 người thực hiện. Ai cũng từng biết anh là người đã thiết kế và trực tiếp thực hiện làm hai tờ bào An ninh thế giới và Cảnh sát toàn cầu (số tháng), mở đầu cho dòng báo thị trường thu hút bạn đọc. Riêng tờ Cảnh sát toàn cầu anh mới bàn giao lại cho đơn vị chủ quản là báo Công an nhân dân vào đầu năm 2016. Nghĩ mà thấy chóng mặt vì sự xốc vác, bươn trải của anh. Tôi cực kỳ ngạc nhiên bởi không biết anh thường được nghỉ ngơi vào lúc nào với khối lượng công việc cuồn cuộn như thế. Vậy mà anh còn dành sức để đến với hội họa. Thật kỳ lạ. Chẳng hề học vẽ một ngày nào. Anh bắt đầu quét vết sơn dầu đầu tiên trên toan vào năm 2005.
      Có lần tâm sự với tôi, anh nói mối lương duyên với hội họa như trời đầy vậy, nhưng lại bị sắc màu cuốn hút. Có những đêm thức trắng với bố cục và sắc màu. Vẽ rồi xóa, rồi lại vẽ, cứ quay cuồng với những hình tượng chợt tới. Thiều vẽ cũng như làm thơ vậy, đó là cuộc dạo chơi kỳ ảo nhất trong đời. Anh nói, với hội họa khi cầm cọ cũng phải chính là mình. Quả là nhiều bản vẽ của anh đều do thơ ca mách bảo. Anh thể hiện lại những bài thơ của mình bằng một ngôn ngữ mới trong một khung trời vuông thấm đẫm sắc màu và hình tượng. Vậy nên tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng nổi bật ở những mảng quê hương. Đó là những “Cậu bé làng chùa”, “Sông Đáy”, “Hoa cải bên sông”, hay “Người thổi sáo”, “Mười cô gái làng Chùa”…Sau 7 tháng theo nghiệp họa sĩ, “tự sướng” với sắc mầu, Nguyễn Quang Thiều theo mọi người bày tranh và bán được gần hết. Bạn bè bất ngờ. Nguyễn Quang Thiều cũng bất ngờ với chính mình. Anh kể có bức bán được với giá cao nhất là 2000 USD. Đận ấy anh gom đủ tiền về sửa lại căn nhà cấp bốn cho bố mẹ và lát lại cái ngõ ở làng Chùa quê anh. Mấy năm nay anh trở lại với hội họa nhiều hơn, vẽ được khoảng 100 bức cả lớn và nhỏ. Nhà thơ ngộ ra, hội họa mang lại cho mình tinh thần tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Có lần anh vui vẻ nói: “Tôi toàn quyền vẽ những gì tôi thích, dùng bất cứ màu gì tôi muốn và công bố những tác phẩm không cần xin giấy phép”
3-Bình minh phía trước
      Mấy năm nay, cứ vào dịp tết Nguyễn Quang Thiều hay vẽ con giống của năm tặng bạn. Năm rồi anh có một bộ Khỉ (ba tranh) rất lạ lùng. Theo sự đánh giá của họa sĩ Thành Chương thì tranh của Thiều đẹp nhất trong các họa sĩ đã cùng vẽ khỉ trong năm. Tôi hỏi 2017, đúng năm tuổi của Thiều (sinh năm 1957) có vẽ gà cho chính mình không. Anh cười gật đầu và nói đã có ý vẽ những chú gà quê làng Chùa. Những tiếng nắng bừng lên trong âm thanh gà gáy vang. Tôi nghĩ thế chắc vẽ gà phải hợp với Thiều với những cách điệu và sắc mầu ở tuổi 60. Tôi chợt nhớ đến câu thơ rất hay về gà của Thiều trong khổ một của “Mười một khúc cảm” rằng: “Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ. Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn
       Dường như mỗi khổ thơ của Thiều là một bức họa. Đó là những bức họa đồng quê thân thương, ruột thịt mà Thiều một đời trọng tình, trọng nghĩa. Riêng có bức tranh trong bài thơ “Sông Đáy” làm tôi xúc động mỗi khi nhớ đến. Anh viết: “Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại. Mẹ tôi đã già như cát bên bờ. Ôi mùi cát khô, mùi tóc của mẹ tôi. Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt. Tôi khóc. Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng sông”. Đó là những cảm xúc lắng sâu của một tâm hồn thi sĩ đích thực của quê hương. Với anh, tôi nghĩ ngả về phía nào cũng đầy ắp nỗi niềm về thân phận con người. Kiếp người của làng Chùa. Kiếp phận tha hương của những người anh bắt gặp trên đường đều làm trái tim anh rung động. Chính vì lẽ đó, thơ anh không khi nào vơi cạn sự trăn trở, văn anh không bao giờ ngừng tuôn trào nỗi niềm đắng cay, và sắc mầu anh luôn luôn u buồn, chia sẻ. Người ta nói tranh anh thường ẩn giấu niềm hư ảo xa xôi và nỗi buồn về kiếp người. Đó là những bông hoa “Thảo mưa” của riêng Thiều, trong những giấc mơ hiện lên, và bao giờ cũng chan chứa vẻ đẹp thi ca.


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Chông chênh một nỗi Cẩm Giàng

                  
 Chông chênh một nỗi Cẩm Giàng






                                                                                Bút ký Vương Tâm
     Hẹn hò mãi, tôi mới được ông Đạm đón tiếp tại khu vườn trại nhà anh em Tự lực Văn đoàn (TLVĐ), ngay cạnh ga Cẩm Giàng, Hải Dương. Lâu nay, ông Đạm được coi là người tạm quản lý khu đất rộng tới 2ha này, bởi gia đình ông đã mua 2000m2 đất, ở giữa khu trang trại này, và đã sinh sống ở đây từ năm 1970 đến nay.
      Gặp tôi, ông Đạm cười gượng vì đã cám cảnh mấy anh nhà báo đến quấy nhiễu, nhưng lại chả có tác dụng gì, cho dù đã có hàng chục bài báo đã lên tiếng sự chậm trễ của dự án xây dựng Khu Lưu niệm TLVĐ. Trong lúc chờ ông đi lấy chìa khóa cổng, tôi tạt vào chợ huyện ở gần đầu đường, như một sự tình cờ. Nhưng tôi bỗng thấy bâng khuâng làm sao, khi hình dung cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà văn Thạch Lam đã từng dạo bước, với gương mặt nho nhã, luôn luôn đượm nỗi phiền muộn...
      Chợ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) xinh như một bài thơ. Nhưng lại là những câu thơ buồn khi tôi sực nhớ lại chuyện của “Cô hàng xén”, mà Thạch Lam đã viết tại nơi đây. Mỗi lần qua chợ là tôi không kìm được bước chân nhẹ gót tạt qua dãy hàng xén. Ngắm từng người bán hàng và tôi cứ mường tượng rằng kia là cô Tâm, nọ là cô Tâm, đấy là cô Tâm và tôi là anh giáo nghèo ngày nào mê ly cô bé ấy. Nhưng rồi hạnh phúc khuất nẻo ở nơi nào. Cô hàng xén vẫn phải chắt chiu từng cắc, từng xu để nuôi mấy miệng ăn, rồi vẫn phải lo cho đứa em ăn học. Mỗi lần về nhà là lại một lần thổn thức với nỗi buồn nghèo khó. Nó đeo đẳng với những lo toan không bao giờ dứt ra khỏi cuộc đời. Tiếng thở dài nẫu ruột của Tâm như muốn nuốt vào lòng những niềm hy vọng mơ hồ về một tương lai mông lung, nơi xóm chợ nghèo...Tôi như mộng mị, ngơ ngẩn, với nỗi buồn cô hàng xén ấy, nếu không có ông Đạm gọi tôi, nào có đi không kẻo nắng. Lúc này tôi mới tỉnh cơn mơ ngày, rảo chân đi theo ông Đạm ngược chợ đến đầu con đường mang tên Thạch Lam, người đã làm thổn thức hàng triệu con tim bởi những nỗi buồn Cẩm Giàng, day dứt trong nỗi cô đơn.  
      Tôi và ông Đạm đi dọc trên còn đường nhỏ của thị trấn cắt ngang lộ Độc Lập. Người ta đặt tên nhà văn cho con đường này từ năm 1996, có lẽ bởi tình cảm hiền hậu, hết mực yêu thương những con người cần lao, nghèo khổ của tác giả được thể hiện trong hầu hết những nhân vật, hay câu chuyện đã viết, đều xảy ra ở tại thị trấn ga hoang lạnh một thời. Nó có thể nói đó là một thế giới tâm hồn cô đơn, bơ vơ được an ủi, vỗ về. Cùng với đó con đường mang tên Thạch Lam ghi dấu một lối đi của một đường văn, tuy thời đoạn 10 năm của TLVĐ, nhưng lại cháy sáng một sắc mầu thiên thanh, không thể nào quên.
     Mười năm, nào là những tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay, rồi Nhà Xuất bản Đời Nay, TLVĐ đã bồi dưỡng và phát hiện ra không ít nhân tài văn chương cho đất nước. Mười năm với ba lần trao giải thưởng Văn học, TLVĐ gắn bó với những cái tên như Tế Hanh, Anh Thơ, Nguyên Hồng, Đỗ Xuân Thu, Mộng Tuyết...Cùng với đó là hàng chục cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn ra đời đã làm sao động đời sống văn học. bạn đọc yêu mến những tác giả như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Xuân Diệu...và đặc biệt Thạch Lam đã làm rơi nước mắt của bao người khi được chia sẻ trong cuộc sống. Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam là một bài thơ buồn trong cõi nhân gian. Tác phẩm của ông thuộc về những người nghèo và những thân phận vất vả với những lo toan, khắc khoải với miếng cơm manh áo hàng ngày. Có thể nói, trừ cuốn “Hà Nội ba sáu phố phường”, còn lại tất cả truyện ngắn hay của ông đều viết về những con người ở phố huyện Cẩm Giàng heo hút một thuở này...
    Mải nghĩ, tôi chợt suýt vấp vào một cột đá mọc bên lề đường, thì ra đó là cái mốc báo bên trái có một lớp học mẫu giáo, và nhà Văn hóa của khu vực gần đó. Thật bất ngờ, bên phải con đường, thui thủi một căn nhà nhỏ, đó là một cửa hàng khám bệnh miễn phí của một ông lang nghèo của phố huyện. Vậy là, phố Thạch Lam còn hoang vu lắm, và còn nhoi nhói những nỗi buồn quanh quất ở đâu đó, bảng lảng nhẹ tênh những con gió rụt rè lùa tới. Mới hay, con đường dẫn vào khu nhà vườn trại, nơi sinh hoạt gặp gỡ của các nhà văn TLVĐ ngày nào, cũng còn nhiều trắc trở lắm. Vẫn cứ phải vòng vào đường sắt ga Cẩm Giàng. Lại có chỗ vật vã những gạch, vôi, phế liệu hay cỏ hoang che kín dấu chân người.
      Ông Đạm giờ đã hơn tám mươi tuổi, chân đi như đếm bước vậy, lúc lúc lại dừng để cười, nhưng thực ra để thở cho đỡ mệt. Cho dù tôi biết con đường cũng chỉ dài khoảng 320 mét, một con số ánh xạ của đoạn đời 32 năm của nhà văn Thạch Lam. Đó cũng là một sự ngẫu nhiên đến kỳ lạ của hai con số. Nhưng ông Đạm lại thốt lên một câu rằng, mình đã đợi hàng chục năm nay rồi, mấy cái đận 32 năm chỉ mong mỏi cái ngày khởi công khu tưởng niệm TLVĐ đến cháy ruột, cháy gan, mà vẫn chưa thấy đâu. Trước khi mở cổng cho tôi vào trong ông chỉ lên bản sơ đồ quy hoạch được dựng bên đường sắt, rồi lắc đầu tỏ ra thất vọng.
        Sự thất vọng của ông Đạm càng tô thêm một mầu đen khi cho tôi biết, ông là chủ nhân 2000 mét đất trong khu tưởng niệm này, sẵn sàng bàn giao cho chính quyền, khi bắt tay vào dự án. Nỗi buồn ông hoang hoải làm sao, khi chung quanh ngôi nhà, mà ông tạm làm bảo tàng nhỏ TLVĐ, cây cỏ mọc um tùm, hoa dại côi cút mênh mông. Nhưng rồi nỗi trầm tư cũng thoáng qua. Tôi được ông Đạm cho xem một số tài liệu, sách và ảnh lưu trữ được tại nhà ông. Tự nhiên ông mang nợ vào thân, chả ai bảo nhưng ông lại xuống cả ao để mò xem có còn kỷ vật gì của nhà TLVĐ đoàn rơi rớt. Có cái hộp phấn, rồi lại có cái đĩa trầu, hay cây bút chì ngắn cụt...ông đều giữ lại biết đâu có ngày ai cần tới. Hay có ai yêu văn chương của nhóm TLVĐ đến tặng sách, ảnh, tài liệu ông đều trực tiếp thu nhận và bày lên. Vô hình chung, ông Đạm trở thành cụ “Giám đốc” bảo tàng TLVĐ. Có lần con gái nhà văn Thạch Lam, là bà Nguyễn Tường Dung từ nước ngoài về thăm lại quê, ông vui như đón người bạn hồi trẻ về vậy. Ông kể cái hồi năm đói, 45 cách mạng cướp chính quyền bà này mới bảy tuổi, còn tham gia hát nhi đồng cùng với mình ở thị trấn, vậy mà đều đã lên ông, lên bà cả rồi. Nhưng ông kể buồn nhất là mộ của nhà văn Thạch Lam vẫn chưa đưa được về đây. Nghe nói, nhà văn mất vì bệnh lao nặng, trên Hà Nội xa xôi, nên cất mộ tạm tại nghĩa trang Hợp Thiện, quận Hai Bà Trưng. Nhưng hiện con cháu đều ở nước ngoài, không có điều kiện chăm nom, thật ái ngại. Ông Đạm vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
     Rồi ông thắc thỏm kể, mình có mảnh đất ở giữa cái khu TLVĐ này như một sự tính cờ. Khu đất ba mẫu của gia đình TLVĐ, bị bỏ hoang sau ngày tiêu thổ kháng chiến. Nhất là khi nhà văn Thạch Lam mất năm 1942, sau đó nhà văn Nhất Linh cũng chết bên Trung Quốc, năm 1948, bà Phán Nhu đã làm lễ cầu siêu cho các con, rồi đi tu tận trong Sài Gòn. Vợ con của Thạch Lam cũng theo chân vào Sài Gòn sinh sống. Mảnh đất của anh em nhà TLVĐ bị ông trưởng ga hồi đó, vào năm 1954 chiếm ở, nghiễm nhiên là chủ nhân cho đến năm 1970. Ông Đạm đã mua lại của người này 2000 mét, và đã ở tại đây 43 năm qua. Ngôi nhà ông xây dựng hiện chính là nhà lưu giữ những kỷ vật của anh em nhà TLVĐ, bấy lâu nay.
      Tôi ngồi bên ông Đạm ngước nhìn lên bàn thờ, bày hình ảnh của nhóm TLVĐ, với bao nỗi rưng rưng trong tâm cảm. Này đó là ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Còn kia là những Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ, Xuân Diệu. Nhưng chân dung Thạch Lam là trẻ nhất và ẩn giấu những nét cô đơn dâng lên từ đôi mắt. Ông Đạm ngồi thừ trong giây lát rồi than, nếu không có căn bệnh quái ác ngày ấy, thì ông trời đã không cướp đi một ngôi sao văn học Thạch Lam đang đến độ sáng chói. Rồi ông nhớ về ngôi nhà cây liễu bên hồ Tây, nhỏ bé và luôn luôn lộng gió, nơi nhà văn Thạch Lam trở về cát bụi. Tôi không ngờ ông Đạm lại có nhiều nỗi niềm đến vậy.
      Chợt ông đưa tôi xem mấy cuốn sách của nhà văn Thạch Lam được xuất bản từ những năm 40, do những khách thập phương mang dến tặng, để làm tư liệu. Ngay sau đó, ông giở đến truyện ngắn “Nhà mẹ Lê”, rồi nói ngôi nhà ấy đâu có xa xôi, ngay cuối phố huyện. Ông ngồi xuống ghế, thở dài như đau khổ cho một người mẹ có đến mười một người con, bữa đói bữa no. Nhiều hôm không có ai mướn làm việc gì thì chỉ có việc đi ăn xin. Rồi tình cảnh đến cay đắng khi bà Lê đã phải đi xin gạo và bị chó nhà cậu Phúc cắn nát chân, lên cơn sốt rồi chết. Người mẹ khốn khó chỉ biết kêu trời vì sao lại để cho các con bà bị đói. Người mẹ chết đi để lại một bầy con nhỏ dại giờ biết nương tựa vào đâu. Những đôi mắt trẻ nhỏ dõi con tầu trong đêm và mơ tưởng tới một chân trời xa xôi, mà chẳng bao giờ mình đi tới được...Nỗi thương cảm cứ chông chênh trong lòng tôi. Giọng nói trầm ấm của ông Đạm pha chút ngập ngừng theo thời gian đã làm lòng tôi trĩu nặng.  
     Tôi bồi hồi đứng dậy rồi lang thang ra ngoài vườn mong tìm lại bóng dáng “Ngôi nhà Ánh Sáng” ngày nào bà Nhu đã xây cho các con tạo dựng nghiệp văn. Nhưng còn đâu nữa, cái thềm nhà ấy cũng đã bị tàn phá sau cái ngày bom Mỹ ném ga Cẩm Giàng. Giờ đây chỉ còn lại cái ao đầy hoa súng, với sắc đỏ tím một không gian gợi nhớ về thời quá vãng bị khuất lấp u hoài. Còn phía xa kia là những ngôi nhà nhỏ làm kho gạo. Những vòm mài tròn trống rỗng hết sức hoang vu. Những bầy chim sẻ làm tổ và chíu chit bay nhảy hồn nhiên, tạo nên chùm âm thanh làm xao động những hàng cây suốt ngày ủ rũ dưới cái nắng ngột ngạt. Quảng cảnh một thời của khu nhà ánh sáng TLVĐ tiêu điều làm sao. Ông Đạm ngồi như đi vào cõi thiền trên giấc mộng hư vô.
      Tôi lặng lẽ đi dọc bức tường rêu, kéo dài tới con đường nhỏ dẫn ra cái ao cũ, gợi nhớ cho tôi bóng dáng cây hoa Hoàng Lan ngày nào đã tạo hương thơm ngào ngạt cho câu chuyện tình man mác, giữa cậu chủ Thanh ngày nào với cô hàng xóm. Tôi nghĩ đây như một tự truyện của tác giả. Cũng như câu chuyện hai đứa trẻ vậy. “Hai đứa trẻ” chính là nhà văn Thạch Lam khi 8 tuổi, và người chị tên là Thế, mới 9 tuổi. Hai chị em thường được mẹ giao trông nom gian hàng bán rượu, gạo, xà phòng, và thuốc lào buổi tối, trước cửa ga, chờ đến khi tầu từ Hà Nội về Hải Phòng hoặc ngược lại.
       Niềm bâng khuâng trong đêm ấy đã làm tôi cứ tha thẩn tìm lại gốc cây Hoàng Lan trong câu chuyện tình ngày nào. Đâu là dấu chân của Nga, cô gái hàng xóm từng ngong ngóng tiếng bước chân của cậu chủ trở về sau tiếng còi tầu báo hiệu tình yêu. Và đâu là gói hoa Hoàng Lan mà Nga vẫn hái để ủ hương thơm đón cậu chủ. Tôi ước đến một ngày nào đó, khi xây khu tưởng niệm này họ sẽ trồng một hàng cây Hoàng Lan, trên con đường Thạch Lam để các cô gái thường đến nhặt những cánh hoa rơi thơm phức mụi hương, trao lại cho những người bạn trai cùng sánh vai trong khu vườn này. Khu vườn tình yêu của nhà anh em TLVĐ sẽ ngào ngạt hương bay.
       Trên đường về, tôi hỏi ông Đạm đã nghĩ gì trong lúc thiền, và có mơ về con đường 320m mang tên Thạch Lam sẽ hoàn thành trong năm tới. Ông lắc đầu, mơ đấy ước đấy, nhưng khó lắm. Ông dừng lại lấy khăn tay lau mồ hôi, trong cái ẩm mốc của thời gian, rồi nói mấy câu vô thanh mà chỉ trong lòng ông rõ. Hình như hồn của người xưa bay về nương trú trên vai người già. Tôi ở tuổi 70. Ông ở tuổi 80. Không biết đến bao giờ khu nhà anh em TLVĐ mới xong theo dự án. Một áng mây đen lừng lững trôi về phía Nam. Tôi và ông đi rất chậm trên con phố Thạch Lam. Ông nói gì đó thì thào, rất khẽ, rất khẽ. Bụi đường nhè nhẹ bay lên trong ngọn gió hoang chợt lùa tới. May sao khi đó tiếng con trẻ từ lớp mẫu giáo bên đường rộn ràng chạy ùa ra khỏi lớp. Chúng đứng ở cổng trường ríu rít cười nói, la hét, rồi vẫy tay chào chúng tôi. Những bàn tay nhỏ xíu. Nhưng nụ cười xinh xinh. Những đôi mắt long lanh như những hạt ngọc vậy. Tất cả chúng cứ đi theo hai chúng tôi cho đến đầu con đường Thạch Lam.   
 

Ca sĩ Thanh Thúy (Hải ngoại)


Ca sĩ Thanh Thúy
                                




                          Sức quyến rũ kỳ lạ
 VƯƠNG TÂM
      
 Ca sĩ Thanh Thúy (ở hải ngoại) là người được khán giả đặt nhiều danh hiệu nhất, trước năm 1975. Nào là “Nữ hoàng” của âm sắc Bolero hay Rumba-Bolero. Buồn và lắng sâu. Có lúc gắng gượng vui nhưng vẫn ẩn chứa nỗi nghẹn ngào. Hay có người gọi giọng hát này là “Tiếng hát lúc 0 giờ” nghĩa là chia sẻ với những mảnh đời cô quạnh. Hoặc lại nữa, nàng là một giọng hát liêu trai, hay nhà ảo thuật âm thanh…
1-Kiếp cầm ca sầu muộn
       Sinh ra từ sông Hương núi Ngự, thấm đẫm chất thơ chất mộng trăm năm rêu phong, giọng hát Thanh Thúy ẩn chứa nét huyền ảo của đất cố đô trong cơn mưa dầm dề với thời gian. Khi mới 15 tuổi (1958), Thanh Thúy đã đi hát kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ tại Sài Gòn. Như một bản năng sinh tồn của một cô gái hiểu thảo, nhưng Thanh Thúy lại thể hiện một tố chất nghệ sĩ khi lên sân khấu. Với cái dáng gày gò, trong tà áo dài thướt tha, giọng hát trầm buồn man mác đã làm tan chảy tâm hồn người nghe. Có sự nghẹn ngào trong âm sắc khê khàn qua làn hơi và nhả chữ rất riêng biệt, giọng hát Thanh Thúy có sức thu hút người nghe. Hát theo nhịp đập của trái tim cùng nỗi thương đau trong kiếp nghệ sĩ nghèo nơi xóm vắng. Ngày ấy cô bé thui thủi đến hát ở quán trà Việt Long của Đức Quỳnh, phố Cao Thắng để kiếm từng đồng bạc lẻ về mua thuốc cho mẹ. Nhưng không ngờ chỉ một thời gian ngắn giọng hát của cô đã được mời chào và vang vọng trên đài phát thanh tạo nên một hiện tượng đặc biệt với dòng nhạc tiền chiến và âm sắc lãng mạn của chất liệu Bolero da diết.
       Thanh Thúy như một cơn gió lạ xuất hiện bất ngờ trên các trung tâm âm nhạc ngày đó và chiếm lĩnh sân khấu với những ca khúc để đời như “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, cùng với các tình khúc của nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương như “Nửa đêm ngoài phố”, “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Phố đêm”, hay còn đó những bài “Phố buồn”, “Một chuyến bay đêm”, “Chuyện chúng mình”, hoặc “Buồn trong kỷ niệm”…Có những ca khúc mà chỉ để riêng cho Thanh Thúy hát và khó mấy ai trình diễn thành công hơn được. Có những ca khúc độc quyền cho Thanh Thúy mỗi khi biểu diễn tại các đêm Đại Nhạc Hội thường kỳ. Thanh Thúy càng hát càng làm say mê lòng người với những âm thanh bật ra từ con tim chan chứa nỗi niềm xót xa về thân phận kiếp cầm ca. Mỗi lần Thanh Thúy bước lên sân khấu là tạo nên một không khí khác lạ, rưng rưng, bồi hồi trong từng lời ca và dáng dấp dịu buồn trong tà áo xanh nhạt mảnh mai. Sau hai năm ca hát Thanh Thúy trở thành ngôi sao ca nhạc một mình một cõi với những sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương viết riêng cho cô. Thanh Thúy bước lên đài danh vọng như diều gặp gió vậy. Nhưng tiền bạc cũng không thể cứu được mẹ trong cơn hiểm nghèo. Vào tháng 6-1960 người mẹ thân yêu đã ra đi càng làm cho giọng hát Thanh Thúy truyền cảm hơn, da diết hơn với sự cô đơn trống vắng. Từ đó Thanh Thúy thay mẹ chăm nuôi hai em nhỏ, còn đang tuổi ăn tuổi lớn và cố ăn học cho đến nơi đến chốn, bù đắp lại sự thiệt thòi cho chính mình. Một cõi âm thanh của nỗi buồn vĩnh cửu luôn luôn chế ngự giọng hát Thanh Thúy. Chả vậy mà  nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã viết về giọng hát này như sau: “Từ em tiếng hát lên trời. Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh. Sợi buồn chẻ xuống lòng anh. Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”. Nghĩa là không còn là hát nữa mà đó là tiếng lòng của một kiếp cầm ca gieo vào tâm hồn người nghe nỗi sầu muộn khôn nguôi.
2-Nàng thơ của những cuộc tình đơn phương  
       Cùng với giọng hát trời cho, Thanh Thúy còn có nét đẹp dịu dàng với đôi mắt buồn đến rũ lòng người. Thanh Thúy đã làm xao động bao trái tim văn nghệ sĩ mỗi khi tiếp xúc và nghe cô hát. Nét đẹp hồn nhiên quyến rũ ấy đã trở thành tiêu điểm cho không ít những văn nhân ngưỡng mộ và ngầm yêu thương. Nếu không họ cũng mơ ước được gần gũi tâm hồn người đẹp. Phải nói Thanh Thúy là ca sĩ được báo chí ca ngợi nhiều nhất, với những lời vàng ý ngọc về giọng hát của mình. Đặc biệt có những nhạc sĩ hoặc văn sĩ nguyện xin chết một đời vì giọng hát liêu trai này. Nói về những cuộc tình, trước hết phải nói đến sự si mê của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với ca khúc “Ướt mi” viết tặng cho Thanh Thúy, hồi 1958. Nhiều người đều biết đến cái đêm ấy, Trịnh Công Sơn đã viết mành giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy trình diễn bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Khi đó với nỗi buồn vì cha mới mất, mẹ lại đang lâm bệnh trầm trọng, Thanh Thúy vừa hát vừa nghẹn ngào rơi nước mắt làm cho Trịnh Công Sơn đau thắt cõi lòng.
       Vậy là sau khi về Huế đã trằn trọc với giọt lệ đau buồn của người ca sĩ, trong một đêm mưa rơi lạnh trên sông Hương, Trịnh Công Sơn đã viết nên những giai điệu của bài “Ướt mi”. Và, người hát đầu tiên ca khúc này, không ai khác chính là Thanh Thúy. Lập tức ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn đã được mọi người biết đến và trở nên nổi tiếng. Có lần Trịnh Công Sơn tâm sự: “Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và, tôi đã viết ra như không kiềm giữ được: “Buồn ơi trong đêm thâu. Ôm ấp giùm ta nhé. Người em thương mưa ngâu. Hay khóc sầu nhân thế. Tình ta đêm về có ấm từng cơn mưa em chưa…”. Nhạc sĩ đã lấy phần tiền nhuận bút (bản quyền) khi đó tặng lại cho Thanh Thúy để chia sẻ với những khó khăn trước mắt. Và, cũng chỉ ngay năm sau (1959), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại viết tiếp ca khúc “Thương một người” tặng Thanh Thúy. Thêm một lần, nhạc sĩ muốn phần nào thương cảm cô ca sĩ trẻ sớm phải gánh chịu nỗi nhọc nhằn, buồn tủi. Đó chính là cuộc tình âm nhạc đầu tiên mang nỗi ẩn giấu trong trái tim Trịnh Công Sơn rung động với thân phận cầm ca của Thanh Thúy. Chính người yêu âm nhạc biết đến Trịnh Công Sơn là nhờ giọng hát liêu trai này.
      Còn nhiều văn nhân thi sĩ mơ mộng, say đắm giọng hát Thanh Thúy, đã thổ lộ tình cảm qua những sáng tác. Danh sách những người này được nối dài sau những cái tên quen thuộc; như nhà thơ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, thi sĩ Viên Linh, nhà văn Huy Tuấn, nhà thơ Lưu Trọng Lư, kể cả nhà triết học nổi tiếng Nguyễn Văn Trung cùng các nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh và điện ảnh như Hoàng Thi Thơ, Vũ Hối, Nguyễn Long,, Phạm Duy, Y Vân… Riêng trong năm 1962, ca sĩ Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ. Sau đó trong ba năm liền (1972-1974) Thanh Thúy được báo chí bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất với giải Kim Khánh danh giá. Không những thế Thanh Thúy còn được dựng phim là nhân vật trong một kịch bản điện ảnh của Nguyễn Long với cái tên đích danh “Thúy đã đi rồi”. Chính anh còn viết lời cho bài hát do nhạc sĩ Y Vân phổ thơ. Nhân vật Thanh Thúy đã được ca sĩ Minh Hiếu thể hiện, làm nổi bật hình ảnh yêu kiều, chân dung người ca sĩ xứ Huế này. Chưa hết, hình ảnh của Thanh Thúy còn được đưa lên sân khấu và truyền hình với các kịch mục hấp dẫn. Những nghệ sĩ nổi tiếng khi đó như Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung đã vào vai ca sĩ Thanh Thúy.
       Đặc biệt Thanh Thúy còn là ca sĩ duy nhất được nhiều nhạc sĩ viết ca khúc tặng riêng, sau “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn. Không ai không nhớ đến các bài hát viết riêng tặng cô như “Được tin em lấy chồng” (Châu Kỳ); “Tôi yêu Thúy”, “Lời hát tạ ơn” (Hoàng Thi Thơ); “Thúy đã đi rồi” (Nhạc Y Vân, lời Nguyễn Long); “Chuyện buồn của Thúy” (Anh Bằng); “Tiếng hát về khuya” (Tôn Thất Lập)…và nhất là nhạc sĩ Trúc Phương, người yêu Thanh Thúy cho đến lúc chết, đã tỏ tình qua nhiều ca khúc. Đó là những ca khúc để đời như: “Mắt em buồn”, “Tình yêu trong mắt một người”, “Lời ca nữ” hay “Hình bóng cũ…Dường như toàn bộ sáng tác của ông viết chỉ để cho Thanh Thúy hát. Có thể nói sự nghiệp âm nhạc Trúc Phương là tài sản của ca sĩ Thanh Thúy không sai. Bởi chính cô là suối mạch tình yêu và cội nguồn cảm xúc đơn phương hướng tới cõi hư vô không bao giờ đến được.
3-Còn mãi với thời gian
      Khi nhạc sĩ Trúc Phương kiệt sức đã nằm gục trên những dòng nhạc đang viết cho tình yêu tuyệt vọng của mình. Đó chính là bản nhạc cuối cùng, với những lời ca xót xa: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại. Giọt văn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ. Ta và em đã trót thiên thu nhầm lỡ” (Mắt chân dung để lại). Cho đến nay sống ở phương trời tha hương, ca sĩ Thanh Thúy vẫn chưa một lần quay về quê mẹ vì lý do sức khỏe, nhưng trong tâm hồn vẫn hướng về cố hương. Xứ Huế mộng mơ đã nuôi dưỡng và làm tên tuổi của Thanh Thúy.
       Sau khi sang Mỹ (1975), ca sĩ Thanh Thúy vẫn tiếp tục đi hát và cho ra đời gần 50 Album ca nhạc. Báo chí vẫn viết về Thanh Thúy với những dòng chữ ưu ái, không chỉ ca tụng giọng hát thiên phú mà còn dành cho người ca sĩ này những lời nhận xét ưu ái về nhân cách. Nhiều năm qua bà đã hướng tâm làm công quả trong chương trình phát thanh Tiếng nói Hương Sen của Phật giáo. Bà tự nhận mình có phước ngay từ ngày đầu bước lên sân khấu ca nhạc, nên đã được khán giả yêu thương và bạn bè tạo dựng. Nay bà xin trả nợ với những CD về phật giáo như: “Mẹ Hiền”, Phật ca (I, II, III…).  Chính có lẽ vì thế giọng hát của bà còn được lưu giữ với thời gian, sống trong lòng người nghe cũng là phước mà mọi người đã ban cho.
 

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Ca sĩ Khánh Ly






                   
Đường đời bao nỗi
Vương Tâm
        Ca sĩ lừng danh Khánh Ly năm nay đã bước sang tuổi 72. Bà sinh năm 1945, tại Hà Nội trong một hoàn cảnh gia đình khá đông con và éo le. Bố mất sớm. Mẹ đi bước nữa. Nhưng cái gien ca hát cô bé Lệ Mai (tên khai sinh của ca sĩ Khánh Ly) lại được thừa hưởng từ người bố. Những giai điệu huyền diệu của dòng nhạc tiền chiến đã quyến rũ tâm hồn Lệ Mai. Hình ảnh người bố với cây đàn luôn luôn hiện lên trong những ngày tháng Lệ Mai cô đơn bươn trải trên mọi nẻo đường
1-Những bến tình lận đận
       Lệ Mai lớn lên với tính cách mạnh mẽ và luôn luôn muốn tìm ra con đường riêng của mình. Say mê hát và học lỏm rất nhanh. Từ bé đã tự đi ghi danh dự thi hát ở Hà Nội. Năm 1954, theo gia đình cùng cha dượng di cư vào Nam, rồi hai năm sau lại cùng cả nhà lên Đà Lạt sinh sống. Lệ Mai hay tin có cuộc thi ca hát cho tuổi nhi đồng ở Sài Gòn, thế là lại trốn nhà đi thi, đoạt liền giải nhì. Nhưng sau đó Lệ Mai đón giải bằng một trận đòn chí chết. Lúc này hình ảnh bố với cây đàn lại hiện lên như niềm anh ủi và khích lệ cho niềm hy vọng đến với con đường ca hát trong tương lai. Và, mỗi ngày một lớn lên, giọng hát càng hay. Lệ Mai bắt đầu hát kiếm tiền ở Nigh Club Đà Lạt với danh xưng là Khánh Ly, năm 1962.
       Nhưng mọi sự lại không hề xuôn xẻ khi Khánh Ly bất ngờ lấy chồng và sinh con. Bắt đầu đường đời lận đận. Đây là một hôn nhân không thật sự mong muốn chỉ vì sự bi phẫn trong lòng, nếu không gọi là phá phách để chống trọi nỗi cô đơn, khi bị gia đình ruồng bỏ. Đó là hình ảnh người bị trôi trên sông vớ được một bàn tay nghĩ đó là cái phao cứu cánh. Thế là lấy và đẻ liền một mạch hai đứa con. Chính vào thời điểm này, chừng năm 1964, Khánh Ly đã tình cờ gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt. Hai người đã hợp ý tâm đầu về âm nhạc nhưng rồi mọi sự lại chỉ dừng ở những bản thu những bài ca mới sáng tác và cũng chưa mấy ai  biết tới. Tất nhiên cuộc sống hôn nhân đã trói buộc Khánh Ly với những sự mưu sinh nặng nề. Cho dù người chồng đầu tiên này là một sĩ quan quân đội ở Đà Lạt và cũng là người giầu có. Nhưng quả là không hợp nhau. Hằng đêm, Khánh Ly vẫn mải miết với những cung bậc sầu thương vương vấn, nhưng trong lòng đầy khắc khoải. Đâu là hạnh phúc. Đâu là tương lai. Khánh Ly lại bơ vơ trên con đường âm nhạc. Hôn nhân vội vàng không phủ đầy khoảng trống rỗng trong tâm hồn người nghệ sĩ. Bi kịch ngày một dồn tụ và sau vài năm, Khánh Ly đã ly hôn và ôm hai con về lại Sài Gòn, trong nỗi tuyệt vọng không cùng.
        Đó là câu chuyện kết thúc của năm 1967. Và, Lại như một sự tình cờ, Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn cũng vừa rời bỏ Bảo Lộc, về Sài Gòn. Bắt đầu cuộc viễn du ca nhạc của hai người từ đây. Khánh Ly trở thành hình tượng một nữ hoàng chân đất cùng với chàng nhạc sĩ lãng từ Trịnh Công Sơn với chiếc ghi ta thùng bập bùng trong những đêm ở Quán Văn (sau trường Văn khoa Sài Gòn). Nhưng rồi cuộc đời thật trớ trêu, mấy năm sau Khánh Ly đã mở một quán cà phê ca nhạc và đi hát ở vũ trường với mục địch mưu sinh, để nuôi hai con còn nhỏ dại. Chính vì thế, nữ hoàng chân đất này lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới, khi dính vào một cuộc hôn nhân không giá thú với một sĩ quan quân đội khác và cũng sinh được một mặt con. Cuộc hôn nhân thứ hai vội vã không kém lần thứ đầu tiên, và kết thúc còn sớm hơn mà không hề có chút vấn vương.
       Chưa hết, chẳng bao lâu sau lại một sĩ quan trẻ tìm đến, nảy sinh tiếng sét ái tình mới và thế là cả hai quấn quýt trở thành một cặp đôi tình nhân được không ít người ngưỡng mộ. Nhưng cái chết trong chiến trận (vào đầu năm 1975) của anh ta tại Đà Nẵng đã chấm dứt tất cả. Còn sau đó là một cuộc hối hả ra đi của Khánh Ly trước ngày Sài Gòn giải phóng. Đó là cuộc bỏ chạy của những thuyền nhân mà vô tình Khánh Ly trở thành nạn nhân vượt biển trong hiểm nguy. Cũng từ đó kết thúc hình ảnh một ca sĩ chân đất với giọng hát ma mị và ám ảnh lòng người gần 10 năm qua. Khi ấy Khánh Ly vừa tròn 30 tuổi.
2-Khánh Ly-Trịnh Công Sơn-một chữ “Duyên”
        Hàng chục năm nay, vẫn còn nhiều người nghi vấn chuyện tình duyên giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca sĩ Khánh Ly. Không dễ mấy ai tin rằng gần mười năm gần gũi, vai sánh vai, ngày đêm ca hát cùng nhau mà hai người lại không nảy sinh tơ lòng, và tình yêu cất tiếng. Nhất là sau này, dường như Trịnh Công Sơn trong nhiều sáng tác đã lấy quãng giọng của Khánh Ly làm chuẩn. Nhạc sĩ luôn luôn có ý thức viết để cho Khánh Ly hát. Không lẽ hai người gắn bó đến thế mà lại chẳng hề có chút vấn vương? Hàng trăm câu hỏi và có phần xăm xoi để phát hiện ra cho dù chỉ một tình huống lộ diện. Đúng là uổng công. Bởi lẽ thời gian gặp Khánh Ly, vào năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang say đắm với mối tình Dao Ánh. Ấn tượng gặp và mến mộ giọng hát Khánh Ly đã được Trịnh Công Sơn viết trong cuốn “Thư tình gửi cho một người”, với một cảm xúc như một sự phát hiện trong ca hát mà thôi. Hơn nữa nhạc sĩ cũng biết cô ca sĩ này đã có chồng. Mọi sự giao lưu chỉ ở công việc thu bài hát mới và biểu diễn. Nhưng có lẽ thời gian này Khánh Ly phải nhớ ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chỉ dẫn về kỹ thuật thanh nhạc, hát và lấy hơi thể hiện đúng giọng thực của mình, chứ không được hát giọng óc khi lên cao. Nhạc sĩ đã hướng dẫn và luyện giọng cho Khánh Ly rất kỹ qua bài “Xin mặt trời ngủ yên”, hay “Tiếng hát Dạ Lan”…Giọng hát liêu trai của Khánh Ly quyến rũ người nghe bắt đầu từ đây.
       Tiếp theo cuộc gặp gỡ 1967, giữa hai người ở Sài Gòn cũng là sự tình cờ, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng ngạc nhiên và mừng rỡ. Nhạc sĩ mừng vì những ca khúc của mình từ nay đã có giọng hát Khánh Ly chắp cánh bay. Sau thời gian “du ca” trong những đêm sinh viên, cho dù hai người đã từng ngủ cùng với bạn bè nơi quán Văn, nhưng không hề có sự xao xuyến gì giữa hai con tim. Ngay kể cả khi có dịp đi sang Nhật hay châu Âu biểu diễn vào những năm 1969 và 1970, hai người cũng chỉ như một cặp bài trùng khi thể hiện xuất sắc ca khúc mà thôi.
       Sau này Khánh Ly lại vương vào những cuộc tình mới và mải miết tìm cách kiếm tiền để nuôi con nhỏ. Trịnh Công Sơn chỉ nhìn theo tiếc nuối và có phần trách móc vì không còn những ngày hát cho sinh viên nghe nữa. Quan hệ hai người chỉ dừng lại ở ơn nghĩa: “anh là hình em là bóng”. Nếu nói không có Trịnh Công Sơn thì không có Khánh Ly hoặc ngược lại cũng đều đúng vì sự gặp gỡ của họ chính là một định mệnh ở một chữ “Duyên” trời cho. “Duyên” nghiệp ấy đã hết khi Khánh Ly tìm phương trời khác ra đi.
3-Bến đỗ cuối cùng trên nẻo đường tha hương
      Rất may mắn, khi mới bắt đầu trên đất Mỹ năm 1975, mẹ con ca sĩ Khánh Ly đã gặp được một người đàn ông hào hoa và có tài. Đó là nhà báo kiêm nhà văn Nguyễn Hoàng Đoan, cũng cùng với hai con gái vượt biển sang đây, trước đó ít lâu. Phải nói đây cũng chính là cuộc gặp gỡ “định mệnh” lạ lùng giữa hai người. Bởi vì ngay thời kỳ ở trong nước, Nguyễn Hoàng Đoan không hề thích giọng hát Khánh Ly cho lắm. Thậm chí anh còn ít nghe Khánh Ly hát. Nhưng rồi có lẽ với nét duyên trời cho và tính cách mạnh mẽ của Khánh Ly đã chinh phục được nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan. Anh cầu hôn và tận tình đến với mẹ con Khánh Ly. Ba tháng sau Khánh Ly đã nghĩ hết mọi nhẽ và đã gật đầu đồng ý. Đám cưới nghèo của hai người chỉ tốn đúng 100USD, nhưng ấm cúng và có hơn chục bạn bè đồng nghiệp đến dự và chúc mừng. Thế là từ đó, con anh, con tôi và cả con chúng ta sau này, cùng sống và nương tựa vào nhau trong cuộc mưu sinh, nơi đất khách quê người.
       Đặc biệt một thời gian sau, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan bỏ nghề báo để đứng phía sau trông nom con cái và công việc gia đình để cho Khánh Ly toàn tâm toàn ý phục dựng lại sự nghiệp ca hát trên đất Mỹ. Nguyễn Hoàng Đoan tập trung lo mọi thứ phía sau hỗ trợ cho việc Khánh Ly hát hay nhất. Riêng bộ trang phục áo dài và mái tóc quê hương đã được thống nhất tạo dựng phong cách và hình tượng sân khấu của Khánh Ly có phần ủng hộ và chăm lo chu đáo của đức lang quân Nguyễn Hoàng Đoan. Đáng chú ý người chồng này rất chăm chút về vóc dáng trên sân khấu cho vợ. Nghĩa là phải đẹp và cân đối với mái tóc dài và dịu dàng trong tà áo lụa. Do dó Khánh Ly thường bị chồng kiểm soát chế độ ăn uống làm sao luôn luôn giữ được hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.
       Phải nói đây là trường hợp hết sức thú vị với hình ảnh “người đàn ông phía sau vinh quang của vợ”. Hỗ trợ, giúp việc, cả phong cách nghệ thuật đến phương thức kinh doanh trên thị trường âm nhạc. Chính vì thế, trung tâm sản xuất băng đĩa Khánh Ly đã phát đạt và bán được hàng triệu Album ca nhạc, trên đất Mỹ. Nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan trở thành người quản lý của vợ từ việc nhận “Show” đến quản lý tiền bạc…Hạnh phúc đã hanh thông được tới 40 năm, vậy mà bất ngờ nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan ngã bệnh và mất khi mới bước qua tuổi 70 (8-1-2015). Chuyến đi cuối cùng của nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan với Khánh Ly là chương trình “Live Show” tại Việt Nam vào tháng 7-2014. Sau đó ông về giúp vợ công việc xuất bản cuốn hồi ký “Phía sau những nụ cười”, do Nhà Xuât bản Văn Học in vào quý II năm 2015.

        Trước khi ca sĩ Khánh Ly về nước giới thiệu và phát hành cuốn sách thì nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan ra đi vĩnh viễn. Một đòn choáng váng dội lên cuộc đời của ca sĩ Khánh Ly đã bước vào tuổi xế chiều. Nỗi đau cuộc đời vẫn không tha cho phận tha hương. Trở về nguồn cội. Đó là tiếng vọng của trái tim mà bấy lâu nay ca sĩ Khánh Ly ước muốn: “Một cõi đi về”. Cuốn sách “Phía sau những nụ cười”, một dấu mốc sau 40 năm xa quê; Đồng thời đó cũng là ký ức thăng trầm một chặng đường nửa thế kỷ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. 

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Giọng chèo vàng đất Hoa Lư

NSND Mai Thủy
                             Giọng chèo vàng đất Hoa Lư
Vương Tâm
      Thật tình cờ tôi được nghe NSND Mai Thủy hát bài “Về với đất mẹ Ninh Bình”, theo một làn điệu chèo, trong buổi lễ kỷ niệm 55 năm dân Ninh Bình lên phát triển kinh tế và văn hóa ở Tuyên Quang (10-1961/10-2016). Giọng hát trong trẻo ngọt ngào của Mai Thủy thu hút người nghe gợi nhớ những năm tháng phấn đấu không biết mệt mỏi của chị trên con đường dựng nghiệp…
1-Từ “Trần tình” tuổi thơ đến những nàng công chúa
      Nói đến bài “Trần Tình” là nói đến làn điệu chèo cổ, chất chứa tâm trạng của thân phận Thị Phương, trong tích chuyện “Trương Viên”. Phức tạp và ẩn giấu nỗi lòng cay đắng trong từng lời ca và giai điệu. Vậy mà cô bé Mai Thủy ngày nào mới 13 tuổi đã dám hát với trích đoạn “Trần tình”, để xin dự tuyển vào Đoàn múa Rối Hà Nam Ninh (hồi còn ghép tỉnh năm-1983). Một câu chuyện như mơ đối với một cô bé nhà quê ở Yên Mô, Ninh Bình. Tâm sự với tôi, NSND Mai Thủy nói, lúc đó còn gày còm nhỏ xíu nhưng được mẹ dậy suốt hai ngày, luyện từng con chữ, cho đến sáng hôm thứ ba ra đình dự thi.
      Câu chuyện nàng Thị Phương dắt mẹ chồng chạy loạn gặp muôn trùng hiểm nguy, nhưng đã bằng mọi cách kể cả hy sinh thân mình để cứu mẹ chồng, đã làm cô bé Mai Thủy sụt sùi thương xót. Nhất là khi mẹ kể đến chuyện Thị Phương phải khoét mắt thay mẹ chồng và cắt thịt để cứu mẹ khỏi chết đói thì Mai Thủy không thể chịu được nữa và bất ngờ cất tiếng hát cháy ruột cháy gan với những câu ca: “Ới ông trời ơi…i..ì…í tới miếu ông thần linh. Người đòi khoét mắt mà để lòng thành kính dâng…là bởi thế cho nên mù mịt mà tối tăm…i..í…ì học nghề đàn hát mà để kiếm ăn qua ngày. Tôi nuôi mẹ chồng; Cắt thịt cánh tay…”. Giọng hát của cô bé Mai Thủy đã làm tan chảy lòng người, lấy được nước mắt của những giám khảo, trong buổi tuyển chọn. Đó là khởi đầu kỳ lạ của giọng chèo tý hon xứ Hoa lư đất cố đô Ninh Bình.
      Sau hai năm được đào tạo, biên chế chính thức về Đoàn múa rối, nghệ sĩ trẻ Mai Thủy chuyên được phân vai công chúa. Với tài năng bẩm sinh, hát hay múa dẻo, diễn xuất chân thực và truyền cảm, Mai Thủy đã chiếm trọn những vai chính. Nào là công chúa Babudua trong vở “A-la-đanh và cây đèn thần”, Công chúa tóc vàng trong vở cùng tên; còn nữa đó là vai Công chúa Ma-nô-la trong vở “Hoàng tử Xi Thom”, hay Công chúa Quỳnh Nga trong vở Thạch Sanh. Đặc biệt vai Công chúa tóc vàng của Mai Thủy đã được trao HCV trong hội diễn năm 1990. Khi đó cô vừa tròn 20 tuổi. Một cột mốc đầu tiên khẳng định một tài năng diễn xuất đầy triển vọng. Quả nhiên đến khi tách tỉnh (1992), nghệ sĩ Mai Thủy trở về Đoàn văn công Ninh Bình (tiền thân của Nhà hát Chèo Ninh Bình ngày nay), chuyên hát chèo và được phát huy sở trường diễn xuất của mình trên sân khấu. Đó là những vai diễn đặc sắc trong hàng chục vở chèo suốt 25 năm qua.
2-Một Xúy Vân nổi loạn cõi tình
      Hàng chục năm lăn lộn với nghệ thuật chèo, nghệ sĩ Mai Thủy đã để lại ấn tượng khá sâu sắc, qua nhiều vai diễn Đào Thương (nữ chín). Ở vai nào Mai Thủy đều diễn hết mình với sự hóa thân sâu sắc và chân thực. Những làn điệu nhuần nhuyễn giữa giọng hát và động tác múa của Mai Thủy luôn có sức thu hút khán giả. Tự nhiên như cuộc sống vậy. Chân thực và say đắm đến từng chi tiết. NSƯT Bích Thục thầy dậy chèo cho Mai Thủy đã nhận xét: “Mai  Thủy bước ra sân khấu nhẹ nhàng, thanh thoát không tỏ ra diễn, mà đã sống cuộc đời của nhân vật. Chính điều đó làm xúc động lòng người”.  Khán giả không thể quên những nhân vật của chị như Kiều Nhi, trong trích đoạn “Thức dậy tình xưa” (HCV-Liên hoan chèo toàn quốc tại Ninh Bình); Hoặc vai Hồng Ngọc (HCV) trong vở “Hoa khôi dậy chồng”, Hội diễn chèo toàn quốc tại Thái Bình; hay vài A Hoàn (HCB) vở “Nước mắt vua Đinh”. Nhất là vai Xúy Vân trong với “Kim Nhan”, tại hội diễn chèo tại Quảng Ninh, năm 2001…
      Nhắc đến nhân vật Xúy Vân, nghệ sĩ Mai Thủy không khỏi bồi hồi nhớ lại cảm xúc tươi mới, cho dù đã diễn ra cách đây hơn 15 năm. Đây là vai mẫu của làng chèo Việt Nam. Đồng thời Xúy Vân cũng là một thách thức với mọi nghệ sĩ, khi muốn vượt qua cửa ải “vũ môn”, để khẳng định tài năng của mình. Nếu nhìn về bản chất Xúy Vân phải giả điên, thoát khỏi ràng buộc (với chàng Kim Nhan), để tìm đến tình yêu say đắm (với tên Trần Phương) là một cuộc nổi loạn chống phá những ràng buộc của luật định xưa cũ (Phá cũi xổ lồng). Do vậy nghệ sĩ cần diễn cho ra chất điên ý thức, với một ánh mắt mang tính giễu cợt phá phách. Tiếng cười và giọng hát trong cơn điên giả định nhằm che đậy thái độ phản kháng bên bên trong. Ánh sáng cơn rồ dại, sắc lém trong ánh mắt thăm dò thái độ của mọi người. Vậy nên giọng hát cũng lảnh lót và đanh nọc tạo nết bung phá một bức màn vô hình ngăn cách.
      Nhưng khi đến với người mình yêu, Xúy Vân mới biết mình bị phản bội, bỏ rơi nên chịu muôn vàn cay đắng. Tâm lý nhân vật trở nên bi phẫn. Sự chuyển màu diễn xuất, từ phá phách đến đau khổ thất vọng, đòi hỏi thể hiện một cảm xúc sâu lắng từ bên trong. Thật không đơn giản. Chiều sâu tâm trạng nhân vật được thể hiện nỗi đau trong từng lời ca. Nghẹn ngào xót xa cho thân phận nữ nhi cô đơn. Lời lời nặng trĩu nỗi đau. Thật đắng lòng khi nghe Xúy Vân hát: “Tôi kêu đò, đò nỏ không thưa. Tôi càng chờ, càng đợi, càng thưa chuyến đò”. Bi kịch đẩy đến tận cùng khi nỗi đau, xen lẫn sự tủi phận trong cuộc đời lận đận ăn xin, nơi cửa chùa. Xúy Vân gặp lại Kim Nhan đã phát điên vì sự tuyệt vọng và tìm đến cái chết. Đây là trường đoạn điên thật của nhân vật. Do đó, diễn ra màu điên thật khác sắc thái điên giả, cần đòi hỏi sự hóa thân cao độ mới lột tả được chính xác tâm lý vai diễn. Do đó người nghệ sĩ mới chuyển tải hồn cốt nhân vật đến với khán giả.
       Tôi nghe nghệ sĩ Mai Thủy vừa dẫn giải câu chuyện, vừa cất tiếng hát minh họa, mới thấy nhân vật thực kỳ ảo. Chị giải thích vai Xúy Vân thuộc loại Đào Pha (Vai có hai tính cách trộn lẫn, khi là Đào Chín, lúc lại là Đào Lệch). Những đồng nghiệp của Mai Thủy nói, chị đã phải tập vai này dòng dã ba tháng liền. Mỗi ngày luyện hát ba buổi. Nhân vật đã ám ảnh Mai Thủy suốt ngày đêm. Sự hóa thân cao độ trong đêm liên hoan đã đem lại cho Mai Thủy nhận liền ba giải thưởng: HCV cho vai diễn; Diễn viên xuất sắc vai nữ Pha; và Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (2001). Hiếm có nghệ sĩ chèo nào trong cùng một hội diễn đạt  nhiều thành tích như vậy. Cũng trong năm đó, nghệ sĩ Mai Thủy còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Chị nhớ trong những chuyến đi phục vụ biên giới, hải đảo, hay đến những đơn vị thương bệnh binh, nơi nào khán giả cũng yêu cầu được xem trích đoạn “Xúy Vân giả dại”. Đó là một đỉnh cao của nghệ thuật chèo mà nghệ sĩ Mai Thủy tạo dấu ấn không thể nào quên.
        Từ năm 2008 đến nay nghệ sĩ Mai Thủy được bầu giữ chức Phó giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình. Vậy là đã hơn 25 năm trôi qua, với thành tích đạt 6 HCV, 2HCB, 1 Giải xuất sắc vai nữ Pha và nhiều giải thưởng VHNT của tỉnh, nghệ sĩ Mai Thủy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), năm 2015.
3-Thầy già con hát trẻ
        NSND Mai Thủy sớm nghĩ đến công việc đào tạo những giọng hát chèo cho tỉnh nhà. Mỗi khi gặp học trò nhỏ, chị lại nhớ đến tuổi thơ của mình khi mới chập chững bước vào con đường nghệ thuật. Những lời ru của bà và mẹ lại hiện lên trong tâm khảm sâu đằm nỗi niềm quê hương. Đào tạo nghệ sĩ trẻ được coi như là một nghĩa vụ và tình cảm đối với sân khấu chèo mà NSND Mai Thủy đã theo đuổi hơn 30 năm qua.
        Bốn khóa học sinh do NSND Mai Thủy đào tạo từ năm 2005 đến nay đã trưởng thành và trong số đó có những diễn viên chèo trẻ  đạt được thành tích đáng khích lệ. Có thể kể đến các gương mặt sáng giá như diễn viên Anh Tú (1 HCV, 1 Giải triển vọng); Thanh Tuyền (1 HCV, 1 HCB và 1 Giải triển vọng) Ngọc Anh (1 HCV), Lan Anh (1 Giả triển vọng), Hải Lý…
      Đúng như các cụ xưa truyền dậy, “Thày già con hát trẻ”, NSND Mai Thủy đã thực hiện công việc đào tạo một đội ngũ diễn viên trẻ tràn đầy sức thanh xuân. Họ  say mê sáng tạo và tiếp nối sự nghiệp của các nghệ sĩ lớp trước đã trọn đời cống hiến cho sân khấu chèo, một bộ môn nghệ thuật được ông cha gìn giữ hàng trăm năm qua.