Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Gã lãng tử Đức Huy


                         Gã lãng tử Đức Huy


 Vương Tâm
        Nhỏ nhẹ duyên dáng và tài hoa. Ai cũng nhận xét về ca nhạc sĩ Đức Huy như vậy. Anh là một trong những số ít ca sĩ chỉ hát những ca khúc của mình sáng tác. Ấm áp chân tình. Mơ mộng và ngọt ngào đúng như một gã du ca trên những nẻo đường đời. Anh là hiện thân của một nghệ sĩ sống với muôn nẻo truân chuyên từ khi còn nhỏ. Âm nhạc đã chọn anh như một sự cứu rỗi trong cuộc sống…
1-Bắt đầu từ “Cơn mưa phùn”
       Mới 4 tuổi, cậu bé Đức Huy đã mang một nỗi buồn vô hạn, khi cha mẹ phải chia tay. Đức Huy theo mẹ cùng sống với cha dượng nay đây mai đó. Sinh (1947) trong một gia đình công giáo ở Sơn Tây (Hà Nội), bé Đức Huy sớm đã hòa mình với không khí âm nhạc thánh ca, và tình yêu âm nhạc đã nảy mầm từ những ngày theo cha mẹ đi lễ nhà thờ. Năm 1954, gia đình di cư vào phía nam, Đức Huy bắt đầu một cuộc sống lang thang theo công việc di chuyển của cha dượng khắp đó đây. Mỗi nơi sống vài năm ngỡ như vô định. Nay ở Đà Nẵng, lúc lại sống tại biển Nha Trang, khi lại lên Đà Lạt. Cuối cùng đơn vị của cha dượng được chuyển về Sài Gòn (1961). Khi đó Đức Huy đã bước sang tuổi 15. Tuy vậy, đến đâu Đức Huy vẫn được mẹ và cha dượng cho ăn học đến nơi đến chốn và tiếp xúc với âm nhạc nhà thờ thường xuyên. Dường như ngọn nguồn cảm xúc âm nhạc vẫn còn nằm ở đâu đó trong góc tâm hồn của Đức Huy. Nó chỉ phát huy sở trường bắt đầu từ ngày được về Sài Gòn ăn học. Kèm với đó, gia đình lại ở gần với một nhạc sĩ nổi tiếng, đồng thời cũng là bà con họ hàng từ bắc vào. Đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tác giả của ca khúc “Bài thánh ca buồn”, người anh họ của Đức Huy. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thấy cậu em có năng khiếu âm nhạc nên đã truyền dậy.
       Vừa đi học, Đức Huy vừa chăm chút từng ngón đàn ghi ta đầu tiên, trong cuộc đời mình. Do có năng khiếu trời ban và tâm hồn nhạy cảm, chỉ trong vòng một năm Đức Huy đã thành thạo những bài học cơ bản. Đúng như cá gặp nước vậy, Đức Huy say mê cây đàn ghi ta suốt ngày đêm, chăm chỉ luyện tập không biết mệt mỏi. Học mọi nơi mọi lúc. Luyện từng ngón đàn khó học được từ các bậc đàn anh. Có ngày nghe đĩa nhạc tới 40 lần để tìm cho ra những hợp âm của bản nhạc. Anh không hề bỏ qua những bộ phim ca nhạc nào. Nhất là những bản độc tấu ghi ta. Đức Huy dành mọi số tiền ít ỏi để mua đĩa hay vào rạp lắng nghe các nghệ sĩ biểu diễn. Lúc nào Đức Huy cũng sống trong cơn mộng du với những hợp âm trong những bản hòa tấu ghi ta. Chỉ trong hai năm khổ luyện và chịu khó học hỏi, Đức Huy bất ngờ xin tuyển vào ban nhạc Les Vampires, nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Đức Huy khi đó mới 16 tuổi đã nổi lên như một hiện tượng âm nhạc trẻ có tài năng. Anh là học sinh của trường Chu Văn An, trong khi đó các thành viên khác của ban nhạc đều được đào tạo từ những trường Tây có danh tiếng ở Sài Gòn.
        Không những là một nhạc công có tài, Đức Huy còn sớm thể hiện năng khiếu sáng tác ca khúc, và viết những bản phối khí cho ban nhạc. Sau này lên học Đại học Văn khoa, năm 1969, bất ngờ Đức Huy trình làng ca khúc “Cơn mưa phùn”. Anh hát cùng với nữ ca sĩ Thanh Tuyền và được bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, giọng hát của Đức Huy trong trẻo ngọt ngào và dịu dàng, gây ấn tượng truyền cảm dễ thương. Vừa chơi ghi ta, Đức Huy vừa hát tạo nên hình ảnh đáng yêu trong lòng bạn trẻ vào đầu thập niên 1970 ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Đức Huy xác định sự nghiệp mình theo đuổi  là âm nhạc, nên đã tham gia biểu diễn với những ban nhạc nổi tiếng nhất để mưu sinh và theo đuổi con đường sáng tác ca khúc. Với anh âm nhạc là người tình trăm năm. Sự quyến rũ của nó đã làm trái tim anh tan chảy. Sống với những cung bậc của giai điệu mê say. Mỗi khi cầm cây đàn ghi ta, nguồn cảm xúc trong anh trào dâng, và những tình khúc ra đời. Ngỡ như cuộc sống sẽ thăng hoa và mê say bất tận với âm nhạc, nếu không có cuộc ra đi bất ngờ trong cuộc đời anh, vào năm 1975, khi theo gia đình tha hương trên đất Mỹ.
2-Những năm tháng du ca trên tàu biển
        Lại bắt đầu con đường đi của mình trong đường đời. Cái mệnh thiên di của Đức Huy là vậy. Anh chàng thư sinh và tài hoa ngày nào, giờ đây phải làm người bảo mẫu, hay phục vụ trong một nhà hàng để kiếm ăn lần hồi. Lận đận trong gần 10 năm tìm việc mưu sinh, Đức Huy đã trải qua hàng chục công việc không đâu vào đâu. Khi bưng bê, khi quét dọn, rồi lăn vào bếp nấu ăn trong một nhà hàng. Có lúc sang hơn chút là làm chân văn thư lưu trữ hồ sơ. Cuối cùng âm nhạc lại tìm đến anh và cất tiếng gọi thử thách đến bất ngờ. Bắt đầu là làm nhạc công hát tiếng Anh cho một nhà hàng Trung Hoa. Nhưng sau đó hết việc lại xin vào hát cho một quán Bar của người Nhật. Thế là anh ngày đêm lao vào học tiếng Nhật, luyện hát những bài hát của xứ sở mặt trời mọc, Đức Huy nhanh chóng đứng lên sân khấu chỉ sau vài tháng rèn tập. Và đây chính là thời gian anh viết được ca khúc “Và tôi cũng yêu em”. Khán giả trong quán Bar vô cùng yêu thích ca khúc này, khi được nghe anh trình diễn bằng tiếng Nhật cùng hòa tấu với ban nhạc. Có thể nói đây là bài hát định dấu mốc “Son” cho nghiệp sáng tác của Đức Huy trong cộng đồng hải ngoại.
        Nhưng rồi cái số thiên di lại lôi kéo anh ra khỏi quán Bar người Nhật và ném anh lên con tầu định mệnh. Đó chính là con tầu du lịch lớn lênh đênh khắp các vùng đại dương bao la. Anh hát phục vụ du khách trong mỗi chuyến đi và dịch chuyển hết từ Hawaii, đến Tahiti, Carribbean, rồi sang Jamaica, hay Mexico…nghĩa là nay đây mai đó, với cả ngàn du khách, với con tàu cắm cờ Liên Hiệp Quốc của 64 quốc gia. Trên con tàu đó, Đức Huy vừa đàn vừa hát tiếng Anh và sáng tác. Anh biểu diễn theo chương trình và theo yêu cầu của người nghe. Một cuộc viễn du bằng âm nhạc của Đức Huy, bắt đầu từ năm 1984, kéo dài tới 1989. Có lẽ đây là 5 năm huy hoàng nhất về sáng tác và biểu diễn của Đức Huy. Chính từ chuyến du ca định mệnh này, tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào và có sức thu hút mạnh mẽ của âm nhạc Đức Huy. Đó chính là những tác phẩm để đời như: “Người tình trăm năm”; “Một tình yêu”, “Để quên con tim”, hay như “Tiếng mưa đêm”. “Bay đi cánh chim biển”, “Và con tim đã vui trở lại”…Hơn thế nữa, cũng tại nơi đây nguồn cảm hứng cho những tình khúc khác cho Đức Huy trong dịp này ra đời, đó chính là ca sĩ Thảo My. Cuộc tình thơ mộng giữa hai người được ghi dấu ấn sáng tác của Đức Huy, khi anh viết tặng riêng Thảo My các ca khúc nổi tiếng: “Đừng xa em đêm nay”, “Những đêm trăng tròn”, “Còn mãi thương nhau”
       Nhưng trớ trêu thay, sau cuộc viễn du âm nhạc và cuộc hôn nhân giữa hai người (vào năm 1991) là cuộc vật lộn vì mưu sinh không mấy thuận chèo mát mái. Vợ chồng Đức Huy-Thảo My chuyển hướng sang kinh doanh để nuôi các con ăn học. Hai người mở phòng thu, rồi mở Studio, quay sang làm nhà hàng kiếm tiền. Cùng với thời gian này, sân khấu hoạt động ca nhạc ở Hải ngoại thoái trào, các Show ca nhạc không còn được thịnh hành như trước. Đa số các nghệ sĩ đều phải làm nghề khác để mưu sinh. Đức Huy và Thảo My cũng nằm trong vòng quay khắc nghiệt đó. Nhưng càng làm ăn càng khó khăn. Cuộc sống hai vợ chồng nuôi ba con ăn học không dễ dàng gì. Mâu thuẫn gia đình một ngày một nặng nề. Họ đã chia tay sau hơn 13 năm chung sống. Ngay sau đó, nhạc sĩ Đức Huy tìm đường trở về Việt Nam, với mục đích tìm lại thị trường âm nhạc. Anh luôn mong ước được biểu diễn cho khán giả trong nước, nơi mà mình đã ra đi. Thêm một lần nữa, anh khát khao tìm lại chính mình trên quê hương và muốn xóa đi nỗi buồn dằng dặc, sau bao năm tha hương trên đất khách quê người.
3-Và con tim đã vui trở lại
       Thêm một lần “như cá gặp nước”, sau khi nhạc sĩ Đức Huy trở về định cư hẳn ở trong nước, với những hoạt động từng bừng trên sân khấu ca nhạc. Anh tham gia biểu diễn và đã xuất hiện trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, với cây đàn ghi ta quen thuộc. Giọng hát trong trẻo ngọt ngào vẫn như ngày nào. Năm 2005, nhạc sĩ Đức Huy lần đầu tiên phát hành Album “Và con tim đã vui trở lại” tại Việt Nam. Sau đó hai năm, anh đã tổ chức Liveshow riêng, thể hiện niềm vui trở về với khán giả trong nước. Những năm sau, nhạc sĩ Đức Huy còn được mời tham gia làm giám khảo cho các cuộc thi như “Bước nhảy hoàn vũ” và “Gương mặt thân quen”. Cũng từ đó, nhạc sĩ càng trở nên thân quen hơn với khán giả trong nước, khi anh về định cư hẳn từ năm 2012.
       Còn hơn thế nữa, một hạnh phúc mới đến với anh, đó là cuộc hôn nhân thứ hai vào năm 2013. Người vợ trẻ, sinh năm 1991, một khán giả yêu âm nhạc Đức Huy từ khi còn nhỏ. Say nhạc và say tình. Quả là trời cho nhạc sĩ Đức Huy sau chuyến trở về này. “Và con tim đã vui trở lại” đúng với nghĩa của nó. Giờ đây lời bài hát của Đức Huy mỗi khi được cất lên càng ẩn chứa niềm vui không bao giờ vơi cạn trong anh. Khán giả cũng hòa chung vơi niềm vui ấy: “…Và tôi cũng yêu em. Yêu em nồng nàn. Yêu em chứa chan…



Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Mắt Phồn Xương

MẮT PHỒN XƯƠNG

Hồn về cõi xa xăm bi tráng
Đầu ta rơi vì kẻ đớn hèn
Máu nhuộm đỏ sa cơ thất thế
Ngạo nghế cười lộng gió
Phồn Xương

Yên Thế 11-2017

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Vương Tâm- Nữ hoàng Bolero Hương Lan



Ca sĩ Hương Lan
         
Nữ hoàng Bolero với giai điệu quê hương

      Tôi đoan chắc, bất cứ ai say mê dòng nhạc nào, cũng đều yêu thích giọng hát ấm áp và buồn da diết của Hương Lan. Ắt hẳn, mọi người đều công nhận ca sĩ Hương Lan có một giọng hát với màu sắc riêng biệt, ở mọi cung bậc tình cảm, thu hút lòng người. Cho dù hát cải lương hay tân nhạc, Hương Lan bao giờ cũng thể hiện được nét đặc sắc của tác phẩm. Thấm đậm chất dân ca. Chân tình và nồng ấm…
1-Một thuở hào quang và đổ vỡ
Ca sĩ Hương Lan là một trong những số giọng ca hiếm hoi, khi mới 5 tuổi bước lên sân khấu biểu diễn, đã thu hút người xem. Đó là ấn tượng khó quên trong vở cải lương “Thiếu phụ Nam Xương”. Giọng hát của cô bé Trần Thị Ngọc Ánh (tên khai sinh của Hương Lan) ngày ấy, thể hiện một màu sắc và âm vực độc đáo, đầy triển vọng. Đượm buồn, trong trẻo làm xao xuyến lòng người. Ngọc Ánh được sự dìu dắt của người cha là nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, cùng với những người bạn trong đoàn hát như Sáu Tửng, Thanh Minh, Thanh Nga…Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, Ngọc Ánh đã bị khủng hoảng tinh thần, khi chứng kiến sự chia tay của bố mẹ (năm 1965). Lúc đó cô mới lên 9. Một tuổi thơ mênh mang nỗi buồn ám vào giọng hát làm cho người nghe nặng trĩu tâm tư. Từ đó Ngọc Ánh phải theo bố đi hát để vượt qua nỗi vất vả trong sự mưu sinh. Mỗi vai nhỏ trên sân khấu đều thấm đậm nỗi buồn cô đơn khi thiếu vắng người mẹ.
       Năm 1966, được nhạc sĩ Trúc Phương tình cờ phát hiện, Ngọc Ánh có giọng hát phù hợp với tân nhạc hơn, nên ông khuyến khích nghệ sĩ Hữu Phước cho con theo đuổi dòng nhạc mới. Được sự đồng ý của người cha, Ngọc Ánh chuyển sang một lĩnh vực mới, hy vọng đi hát sẽ kiếm được nhiều tiền hơn đỡ cho gia đình, thoát khỏi nghèo khó. Cái tên Hương Lan ra đời từ đó, bắt đầu một hành trình dấn thân vào xứ sở âm nhạc Bolero, tràn đầy hy vọng. Sự định hướng của Trúc Phương đã đem lại hiệu quả lớn cho cuộc đời âm nhạc của Hương Lan. Hầu như ca khúc nào do Hương Lan hát trên đài phát thanh đều được khán giả ái mộ và gửi thư khen ngợi. Kể cả những ca khúc được thu trên đĩa nhựa, giọng hát ngọt ngào, thanh khiết như ru lòng người của Hương Lan cũng để lại dấu ấn khó quên. Đặc biệt ai nấy đều yêu thích Hương Lan khi biểu diễn bài “Ai ra xứ Huế” của Duy Khánh. Báo chí trầm trồ khen ngợi, tôn vinh cô bé Hương Lan là “Thần đồng” ca nhạc. Từ đó sự nghiệp Bolero của Hương Lan bừng sáng, kéo dài được 8 năm. Có trung tâm ca nhạc định tổ chức thu âm và phát hành “Tiếng hát Hương Lan”, thì bị ngừng lại bởi những sự biến xã hội, vào năm 1975. Miền nam được hoàn toàn giải phóng. Một cuộc đời mới mở ra trước mắt đối với mỗi người nghệ sĩ vào ngày đó. Nhưng không ngờ, ca sĩ Hương Lan đột ngột quay lại với sân khấu cải lương, cùng cha về diễn cho đoàn Kim Chung. Đây quả là bước ngoặt đặc biệt của Hương Lan khi cô gặp nghệ sĩ Chí Tâm trên sàn diễn. Hai người tỏa sáng, thu hút khán giả qua các vở diễn nổi tiếng như: “Hán đế biệt Chiêu Quân”; “Cây sầu riêng trổ bông”; “Nắng thu về ngõ trúc”; “Tình yêu và bạo chúa”…Đồng thời, bên cạnh sự thành công nghệ thuật, giữa hai người cũng nảy sinh tình cảm và dẫn đến hôn nhân, vào cuối năm 1975. Hương Lan vừa tròn 19 tuổi. Rạng rỡ trong tình yêu và vinh quang trên sân khấu. Ngay năm sau Hương Lan sinh cậu con trai đặt tên là Bảo Nhi.
        Nhưng kèm theo một gia đình hạnh phúc là sự diễn biến trắc trở trong cuộc sống. Ba năm sau (1978), hai vợ chồng Hương Lan cùng con trai di cư sang Pháp, theo sự bảo lãnh của gia đình. Đầu tiên, họ định cư tại ngoại ô Paris, bắt đầu một cuộc sống tha hương, vất vả. Bởi khi mới sang, Hương Lan lại sinh con trai thứ hai, trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Cả hai nghệ sĩ phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Hương Lan kiếm việc ở một nhà hàng, hỗ trợ cho chồng đi học tiếng Pháp và học nghề, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Hơn một năm sau, nghệ sĩ Chí Tâm xin được việc làm ở một công ty điện tử, cuộc sống phần nào đỡ vất vả hơn. Gia đình dọn về quận 13, thành phố Paris, tạm gọi là ổn định cuộc sống. Nhưng không ngờ khi dấn thân vào cuộc sống vì miếng cơm manh áo, cuộc tình nghệ sĩ đã vơi cạn, sự lo toan đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người. Những rạn nứt không thể hàn gắn theo thời gian. Bốn năm sau mỗi người một ngả. Hương Lan dẫn hai con sang Mỹ định cư (năm 1982). Tại đây, Hương Lan tìm lại niềm đam mê âm nhạc, đã từng gắn bó hơn 10 năm trước, với những niềm tin yêu và sự khích lệ của khán giả.  
2-Bến bờ huy hoàng và hạnh phúc mới
        Vượt qua sự đổ vỡ, Hương Lan vững bước tiến lên phía trước, khi tìm được động lực sống và khát kháo sáng tạo nghệ thuật. Ngay chỉ năm sau, Hương Lan được Trung tâm Thúy Nga mới thu âm và ghi hình cho một tuyển tập chương trình Paris By Night, với hai nhạc phẩm “Muộn màng” và “Trên đỉnh mùa đông”. Đó là mốc son đầu tiên trên đất Mỹ. Giọng hát Hương Lan lại thêm một lần tỏa sáng trên nền tảng âm nhạc Bolero tân kỳ. Khán giả nô nức đi tìm băng đĩa ghi âm giọng hát Hương Lan. Từ đó, giọng hát Hương Lan gắn bó với Trung tâm Thúy Nga, và trở thành hiện tượng trong dàn nghệ sĩ hải ngoại ngày đó. Hàng loạt Album ra đời, giọng hát ngọt ngào chán chứa nỗi niềm tha hương của Hương Lan, trở thành sự khích lệ tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Đó là sự xa nhớ quê hương, hy vọng một ngày về. Liên tiếp những bài hát của Hương Lan được nhiều người yêu thích như: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”; “Em đi trên cỏ non”; “Chiếc áo bà ba”; “Điệu buồn phương Nam”; “Mùa xuân của mẹ”; “Mắt Huế xưa”; “Dạ cổ hoài lang”; “Quê nghèo”…Khán giả và đồng nghiệp coi 10 năm ca hát liên tiếp sau đó là “Thập niên của Hương Lan”. Trong thời gian này, Hương Lan còn tìm được giọng hát song ca ăn ý với mình, đó là ca sĩ Tuấn Vũ. Hai người cũng được coi là cặp đôi âm nhạc tuyệt vời nhất trên sân khấu ca nhạc Paris By Night.
        Lộc tổ ban phát cho Hương Lan, một người con hết lòng vì sự nghiệp âm nhạc, cùng những hoạt động trên sân khấu. Bên cạnh đó, có thể nói lộc tổ còn đem lại hạnh phúc cho Hương Lan, bù đắp cho những ngày tháng lận đận. Bởi đúng vào ngày lễ tổ chức sinh nhật ca sĩ Evis Phương năm 1986, Hương Lan đã gặp được ý trung nhân, như một sự tình cờ. Đó là kỹ sư Đặng Quốc Toàn, người cũng đã từng một lần đổ vỡ hôn nhân, nuôi ba con riêng. Họ làm quen như những người bạn tâm giao ban đầu. Sau những lần gặp gỡ tìm hiểu, hai người có những chia sẻ tâm đầu hợp ý. Có lần bộc bạch chân tình, anh Toàn nói mình yêu Hương Lan không chỉ vì giọng hát, mà đó là tấm lòng của một người con hiếu thảo với cha mẹ và sự chăm nuôi con trẻ. Đúng là hai người đến với nhau vì sự cảm thông và thành thật. Mỗi bên đều có những nỗi đau buồn đã trải qua và những nỗi lo toan về những đàn con thân yêu trước mắt. Nhưng phải hai năm sau họ mới kết hôn, trở thành tổ ấm gia đình, cùng nuôi dưỡng, che chở cuộc sống cho cả 5 người con ngày một lớn khôn.
         Tính đến nay hai người đã gắn bó hạnh phúc gia đình đã được 30 năm. Đi đâu hai người cũng có mặt, vượt qua mọi khó khăn và là điểm tựa tinh thần cho nhau. Ngày từ những chuyến trở về quê hương đầu tiên năm 1996, Hương Lan cũng được chồng ủng hộ hết mình, bởi anh biết vợ mình một lòng cống hiến cho nghệ thuật, khao khát được trở về quê hương biểu diễn. Mãi đến sau này, vào năm 2009, anh cũng có mặt cùng Hương Lan về Việt Nam, tổ chức Liveshow với chủ đề “Ơn đời một khúc dân ca”. Những giọt nước mắt rơi vì tình yêu quê hương sâu nặng. Ơn nghĩa ấy giờ mới được trả. Tình yêu của khán giả bao lâu nay mới có dịp đền đáp. Hai vợ chồng Hương Lan hạnh phúc trong từng nét yêu thương ấy. Sống vì những niềm vui trong nhau.
3-Bí quyết tình yêu
       Gần đây, khi các con đã khôn lớn và trưởng thành, hai vợ chồng Hương Lan đã về quê mua một mảnh đất rộng ở Bình Phước, lập nông trại. Đây là chốn đi về sau những đêm biểu diễn, hay làm từ thiện của ca sĩ Hương Lan. Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, anh Toàn mỉm cười từ tốn nói: “Tất cả vì tình yêu. Giữa chúng tôi luôn có sự tôn trọng, tuyệt đối thành thật, không giấu diếm điều gì”. Còn ca sĩ Hương Lan tâm sự: “Chỉ biết rằng giờ đây lúc nào chồng tôi cũng đòi tôi hát cải lương cho nghe và luôn đứng bên cánh gà nghe tôi hát những ca khúc về quê hương và những bản nhạc say đắm về tình yêu”.  Đúng là cả hai cùng yêu tiếng quê hương và nguyện sống chết trên mảnh đất quê hương. Đó chính là cặp đôi lý tưởng trong cuộc đời nghệ sĩ.  

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Chiếc áo cưới để dành



 Như Quỳnh và chiếc áo cưới để dành
         
        Giọng hát Như Quỳnh đẹp và ngọt ngào tựa tơ trúc, sáo diều ngân nga trên trời xanh vậy. Mãi mãi quê hương với điều hò, điệu lý; ngậm ngùi nhớ nhung trên những con đò cô đơn, giữa mênh mang sông nước. Đó là ấn tượng về giọng hát Như Quỳnh với bất cứ ai mỗi khi nghe chị hát. Tha thiết đấy nhưng lại phảng phất nỗi buồn ẩn giấu. Một cuộc đời ca sĩ nhiều nỗi ưu tư…
1-Một giọng hát vượt lên từ gian khó
        Khi bé Lâm Lê Quỳnh Như (tên khai sinh của ca sĩ Như Quỳnh) được sinh ra, mùa thu năm 1970, tại Huế đã yếu ớt lắm. Xinh xắn gày còm. Năm sau bị sốt xuất huyết nặng ngỡ khó qua khỏi, vậy mà bé Như đã được cứu sống trong cần kề của cái chết. Đó là thời điểm gia đình chuyển từ Huế vào Sài Gòn do cuộc sống đưa đẩy. Hơn thế nữa, sau cuộc giải phóng đất nước, vì số phận trớ trêu người cha phải đi cải tạo, gia đình lại càng gặp nhiều trắc trở. Kinh tế khó khăn, gia đình bán dần đồ đạc quý trong nhà để sinh nhai. Cô bé Lâm Lê Quỳnh Như lớn lên trong gian khó với nỗi buồn lắng đọng trong tâm hồn. Quỳnh Như say sưa hát hàng ngày, để át đi những khắc khoải nỗi nhớ cha thương mẹ, bởi thời cuộc và vận hạn cuộc đời. Ai cũng khen cô hát hay. Giọng hát ngọt và mát trong như suối nguồn sông nước vậy, nhưng lại pha chút ưu tư, bâng khuâng lòng người.
        Lâm Lê Quỳnh Như tham gia công tác thiện nguyện của thanh niên, trong Nhà văn hóa Thiếu nhi, dậy hát và múa cho các em. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Quỳnh Như xin mẹ cho đi học âm nhạc để nuôi mộng ước sau này sẽ đi hát kiếm tiền đỡ mẹ. Nhưng cuộc sống càng nhiều khó khăn khi hai em trai lớn lên với tuổi ăn tuổi học. Trăm sự mưu sinh dồn vào vai người mẹ làm Quỳnh Như lo lắng và phải ngừng việc học tập về âm nhạc, chôn giấu ước mơ trở thành ca sĩ bấy lâu nay. Cuộc sống trôi qua trong thầm lặng cùng những khắc khoải vô phương. Gia đình hy vọng vào sự đổi thay, trong cuộc ra đi mưu sinh nước ngoài, theo diện HO, nên mọi sự vẫn còn băn khoăn muôn nỗi. Trong khi chờ đợi, Lâm Lê Quỳnh Như vẫn tham gia công tác thanh niên, với niềm an ủi lớn là được ca hát và thể hiện tình yêu cuộc sống. Và, dịp may đã đến, khi được mẹ và các bạn khuyến khích, Lâm Lê Quỳnh Như ghi tên tham dự cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình”, lần đầu tiên được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1991. Khi đó Lâm Lê Quỳnh Như lấy danh xưng thí sinh dự thi là Như Quỳnh, cốt để tránh trùng tên “Quỳnh Như”, một ca sĩ nổi tiếng từ trước đó ở Sài Gòn. Không ngờ từ những ngày thi kiểm tra từ vòng ngoài, cái tên Như Quỳnh đã gây xôn xao dư luận, trở thành niềm hy vọng cho cuộc thi. Một giọng hát trẻ trung, trong trẻo và bay bổng làm xao xuyến lòng người. Đã nhiều đêm các bạn trẻ hô vang cái tên Như Quỳnh với niềm vui thật sự phấn khích. Càng hát càng hay, giọng hát Như Quỳnh dường như không có đối thủ qua từng vòng thi. Đêm chung kết, tất cả giám khảo đã chấm cho Như Quỳnh điểm tối đa, đó là số điểm tuyệt đối duy nhất của cuộc thi. Như Quỳnh đoạt giải đặc biệt năm đó, với ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (sáng tác của…). Một tương lai sáng lạn mở ra trước mắt. Niềm hy vọng bay bổng trong tâm hồn người ca sĩ trẻ. Nhưng không ngờ chỉ cách một năm sau, Như Quỳnh phải theo gia đình đi định cư ở Mỹ. Những hứa hẹn cùng bạn bè đã phải ngừng lại, vì sự mưu sinh không thể cưỡng lại số phận đường đời. Tạm biệt một mùa xuân cùng tà áo dài trắng xinh tươi bừng sáng trong cuộc thi. Đó là câu chuyện của tháng 4-1993, khi Như Quỳnh ngơ ngác theo cha mẹ bước chân lên xứ người, bắt đầu cuộc sống tha hương, ở tuổi 23.
2-Cuộc tình ngọt ngào đầy bí ẩn
        Khi sang đất Mỹ, ca sĩ Như Quỳnh không gặp nhiều khó khăn như một số người khác, mà sớm được bước chân vào làng ca nhạc chuyên nghiệp. Cái tiếng của giọng hát đoạt Giải đặc biệt của Đài Truyền hình trong nước đã vang trên đất Mỹ. Kèm theo đó, một dáng vóc cân đối, cùng gương mặt xinh đẹp dịu hiền, ca sĩ Như Quỳnh có sức thu hút mạnh mẽ trên sân khấu Asian ngày đó. Đặc biệt chiếc áo dạ đỏ của Như Quỳnh tạo nên ấn tượng kỳ lạ trong bài hát “Người tình mùa đông”. Sau đó, nhiều ca khúc biểu diễn của Như Quỳnh đã tạo sóng qua những cuộc băng Video khi được đưa về quê hương. Khán giả săn đón những cuộn băng có tiếng hát Như Quỳnh. Nhất là các bạn trẻ càng say sưa cùng những vóc dáng nhẹ nhàng và bước nhảy gọn gàng gợi cảm của Như Quỳnh. Họ vẫn còn nhớ đến một cô bé Như Quỳnh học sinh ngày nào. Đó là những kỷ niệm khó phai với người nghe. Chính vì thế mà Như Quỳnh được đón nhận hồ hởi mỗi khi ra Album. Hiếm người mới đi hát ở Hải ngoại mà lại được liên tục ra Album như cô.
        Sau một năm định cư ở hải ngoại, Như Quỳnh đã bước lên sân khấu với thước phim quay hình đầu tiên với ca khúc “Chuyện hoa sim”. Và đó cũng là tên đề cho Album khai sinh cho sự nghiệp ca hát của Như Quỳnh, vào năm sau. Như Quỳnh 1 rồi Như Quỳnh II…Hết hãng Asia, rồi đến Thúy Nga đều cho ra đời những Album Như Quỳnh, và gặt hái được nhiều thành công. Số lượng băng đĩa Như Quỳnh biểu diễn bán rất chạy. Các hãng băng đĩa thu lãi lớn. Tiếng tăm Như Quỳnh nổi như cồn. Hàng trăm Album giọng hát Như Quỳnh ra đời liên tiếp trong hàng chục năm qua. Cho đến nay, Album giọng hát Như Quỳnh vẫn đứng vào hàng đầu trong thị trường ca nhạc với những ca khúc quê hương, trữ tình và làm say đắm lòng người. Xinh đẹp và dịu dàng trên sân khấu, ca sĩ Như Quỳnh có sức thu hút khán giả, cùng phong cách biểu diễn truyền cảm và dễ thương. Tính đến nay cũng đã bước sang năm thứ 24 (1994-2017), giọng hát Như Quỳnh luôn đứng vững trên sân khấu ca nhạc hải ngoại, và cũng là giọng hát quê hương được khán giả trong nước mến mộ lâu nay. Như Quỳnh đã phát hành hàng trăm Album ca nhạc, gây ấn tượng sâu sắc với những cái tên như: “Chuyện tình hoa sim”, “Rừng chưa thay lá”, “Chuyện tình hoa trắng”; Hay “Tơ tằm”, “Tình ơi có hay”, “Duyên phận, “Mưa buồn”; Hoặc “Yêu tiếng hát ngày xưa”, “Trên đỉnh mùa đông”, “Tình yêu vỗ cánh”…
        Nhưng ngược với sự nghiệp ca hát đầy thăng hoa và cất cánh rực rỡ, thì chuyện tình yêu, hạnh phúc của Như Quỳnh lại khá chìm lắng và bí ẩn. Không ít những đồn thổi này nọ, bởi cô là một ca sĩ có tài và xinh đẹp, được nhiều nơi săn đón. Và cuộc đời của Như Quỳnh cũng có nhiều đận truân chuyên đúng như bài hát “Mưa buồn” mà nhạc sĩ Anh Bằng đã từng viết tặng cho riêng cô. “Yêu đời” bằng giọng hát ngọt ngào và đắm say, còn “yêu người” lại là nỗi trắc trở khôn cùng của Như Quỳnh. Tình duyên của Như Quỳnh mãi mãi là một ẩn số, nếu không có chuyện phát lộ, khi cô có con với một chàng kỹ sư hàng không. Đó là Nguyễn Thắng, cha của cô con gái Melody Đông Nghi (năm 2007), như một như bùng phát bất ngờ với mọi người. Đó là một cuộc hôn nhân không đám cưới. Chiếc áo cưới mà Như Quỳnh chuẩn bị bao năm qua chưa được mặc một lần, thì đã đến phận làm mẹ. Số mệnh thật oái oăm. Nhưng từ đó, sự hiện diện của hai người khắp nơi, đã chứng minh cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thời gian nhiều năm sau đó, đúng với nghĩa là một “Thế giới tình yêu”, hiển hiện như những giai điệu mơ mộng nhất mà Như Quỳnh đã từng biểu diễn. Nhưng không ngờ, cách đây hai năm, bỗng nhiên hai người nói lời chia tay. Như Quỳnh tuyên bố trước, với lý do hết sức khiêm tốn và nhẹ nhàng rằng, vì không đem lại hạnh phúc cho người mình yêu nữa. Giờ đây, bé Melody Đông Nghi đã 8 tuổi, vẫn theo mẹ trong những đêm biểu diễn. Hình ảnh đã minh chứng cho sự chia tay “Duyên phận” của Như Quỳnh. Cuộc phân ly trong sự mệt mỏi của sự chịu đựng về cả hai phía. Âu đó cũng là mệnh trời sắp đặt. 
3-Niềm vui phía trước
        Chiếc váy cưới màu trắng tinh khiết đã được cất vào dĩ vãng. Nó sẽ được mặc trong một ngày vui khác đang được chờ đợi ở một nơi nào đó và ở một thời khắc bất ngờ nhất. Cuộc đời là vậy mà. Niềm hy vọng luôn nuôi những giấc mơ cho sự sinh sôi. Giờ đây, ngay lúc này niềm vui vô bờ bến cho người ca sĩ đã bước sang tuổi 47 là cô con gái xinh đẹp Đông Nghi. Như Quỳnh còn nhiều việc phải làm. Không những với các dự án âm nhạc của công ty gia đình, còn đó là những hoạt động âm nhạc của hai người em trai là Tường Khuê và Tường Nguyên, mà chị cũng phải đầu tư sau này.
       Như Quỳnh luôn ước mơ được trở về quê hương biểu diễn như các ca sĩ khác đã từng về Việt Nam. Ai cũng biết ca sĩ Như Quỳnh còn nhút nhát và do dự với những lời mời, những hợp đồng biểu diễn trong nước. Chị luôn luôn lo sợ, nhỡ đêm đầu tiên về hát diễn ra không suôn sẻ, khiến khán giả thất vọng. Nhưng trong trái tim cô bé học sinh Như Quỳnh ngày nào nhí nhảnh, quàng khăn đỏ hát bài “Mùa xuân em hát” (sáng tác Nguyễn Nam), vẫn ấp ủ ước mơ “Trở về” hát trên đất mẹ. Cô vẫn nguyện một lòng, nhất định sẽ về nước biểu diễn, vì dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
           Chị tâm sự như cởi mở cõi lòng về chuyến về quê sắp tới rằng: “Hy vọng năm 2017, sẽ là cột mốc cuối cùng tôi không thể trì hoãn được nữa, để có thể về hát cho những người thương yêu đã chờ đợi mình nhiều năm qua. Tuy rằng tôi không còn hát hay như xưa những cũng có những niềm trăn trở, khao khát riêng muốn trở về quê hương. Khán giả mong chờ như thế, tôi không thể làm trái lương tâm…”. Đó cũng là niềm hy vọng của khán giả yêu tiếng hát Như Quỳnh. Họ vẫn đang ngóng chờ, sự trở về của người ca sĩ chuyên hát những ca khúc quê hương và tình yêu, người đã gây ấn tượng và thu hút tâm hồn khán giả suốt hàng chục năm qua.



Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Ca sĩ Thanh Tuyền

                Thanh Tuyền-Nữ hoàng nhạc Bolero
     
Vương Tâm

     

     Hôm đến xem ca nhạc tại sân khấu phòng trà WE, số 8 Phố Lê Quý Đôn, vào cuối năm 2016, tôi mới thấy niềm vui thực sự tràn ngập, trên gương mặt của ca sĩ Thanh Tuyền, nữ hoàng nhạc vàng một thời. Tuy giờ chị hát nồng nàn hơn, mê đắm hơn trước, nhưng giọng hát trầm đã pha chút khê khàn theo năm tháng. Biết sao được thời gian mà. Mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua…
1-Một thời đắm say và dữ dội
       Lại nhớ, khi cô bé Như Mai (tên khai sinh của ca sĩ Thanh Tuyền), mỗi lần trốn đi hát về là bị bố cho ăn đòn chết thôi. Mẹ chỉ biết ôm con khóc. Khuyên can mãi cũng không được. Cứ thế giọng hát trong vắt của cô bé Mai thi gan với những chiếc đòn roi. Thế rồi cô bé Mai nổi tiếng khi đoạt giải nhất xứng danh “Thần đồng” ca nhạc ở Đà Lạt, vào năm 1959, khi ấy vừa tròn 10 tuổi. Nhưng “Thần đồng” cũng không được đi hát, xướng ca vô loài, ở nhà. Bố cấm và đánh đòn dữ mấy cô bé vẫn thi gan cùng tuế nguyệt. Mấy năm sau, cô bé Như Mai rời trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) về Sài Gòn học tiếp bậc Trung học. Và, từ đây sự nghiệp ca hát của cô bé Như Mai được chắp cánh. Cũng từ đây cái tên Thanh Tuyền ra đời. Giọng hát của cô ngọt ngào trong vắt tựa dòng suối trong của xứ sở hoa Đà Lạt vậy. Mới 15 tuổi ca sĩ nhí Thanh Tuyền đã được ký hợp đồng ca hát “độc quyền” của hãng băng nhạc Continetal. Giám đốc của Hãng băng đĩa này chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, người đỡ đầu của Thanh Tuyền. Chỉ một năm sau, băng đĩa phát hành giọng hát Thanh Tuyền nở rộ, làm say đắm lòng người. Báo chí đưa tin, ca ngợi hết lời về giọng hát trẻ này, một suối nguồn âm thành ngọt ngào trong trẻo và cao vút. Dường như khắp đường phố đến từng xóm ngõ đều vang lên những bài ca do Thanh Tuyền hát. Đó là ca khúc “Vàng” làm khắc khoải lòng người như: “Nỗi buồn hoa phượng”, “Nắng đẹp miền nam”. “Xin thời gian qua mau” hay “Kiếp nghèo”, “Mầu hoa thiên lý”, “Chiều mưa biên giới”…Đúng là con chim sơn ca của xứ sở xương mù Đà Lạt làm lay động trái tim các chàng trai cô gái nơi đô thành ngày đó.
       Nhưng rồi cuộc đời mơ mộng bay bổng của Thanh Tuyền sau đó còn gắn với cuộc mưu sinh cơm áo, khi cô phải lo toan cho hơn mười đứa em cùng cha mẹ già. Vì vậy, giọng hát Thanh Tuyền mỗi lúc một đằm thắm hơn, vì mỗi lần hát ánh mắt của người cha buồn rầu lại hiện về. Bởi vậy, giọng hát của Thanh Tuyền dường như ngậm sầu, với dòng lệ trong con tim. Lớn lên, càng ngày Thanh Tuyền càng xinh đẹp, có sức quyến rũ lạ thường. Một vẻ đẹp rực rỡ như hoa pha mầu hoang dã của miền sơn cước Tây nguyên đã làm siêu lòng bao chàng trai Sài Gòn. Thanh Tuyền trở thành hiện tượng và ăn khách nhất vào thời kỳ đó (1965 và 1966). Mỗi đêm Thanh Tuyền hát được nhận tới 5 cây vàng. Thêm nữa hai năm sau, giọng hát của Thanh Tuyền càng nổi lên khi hát song ca với Chế Linh. Mặc dù nổi tiếng trước Chế Linh, nhưng giọng phù họa của nam ca sĩ người Chăm này càng tôn vinh giọng hát của Thanh Tuyền sáng đẹp và ngọt ngào hơn. Từ đó người xem tìm đến Thanh Tuyền ngày càng đông bởi giọng hát đầy âm hưởng liêu trai và hết sức quyến rũ của cô. Quả là tài năng và tiền bạc đến với cô như một định mệnh trời ban. Có lần mang tiền về cho bố mẹ. Người bố cầm tiền mà rưng rưng ứa lệ chỉ im lặng. Chắc ông nhớ lại những trận đòn của ông quá tệ hại với con gái mình. Nhưng ngược lại Thanh Tuyền lại cám ơn thượng đế, bởi chính những trận đòn dữ dội ấy càng hun đúc sự quyết tâm của mình trên đường đời.
2-Tình duyên đẫm lệ
       Các cụ xưa nói cấm có sai, hồng nhan bạc mệnh, nhiều nỗi truân chuyên. Vận đúng vào ca sĩ Thanh Tuyền vào thời kỳ sung sức nhất, khi cô lấy chồng vào năm 1968. Khi ấy vừa tròn 19 tuổi. Năm sau Thanh Tuyền đã làm mẹ. Chồng của Thanh Tuyền là một sĩ quân đội cao cấp, nên luôn bận rộn vào cuộc chiến thời điểm nóng bỏng nhất. Đồng thời ca sĩ Thanh Tuyền lại sinh nở liên tục. Đến khi miền nam được giải phóng năm 1975, ca sĩ Thanh Tuyền đã có ba con. Đứa thứ ba mới một tháng tuổi, người chồng đã di tản sang Mỹ trước đó, hẹn ngày đón cả ba mẹ con sang. Thanh Tuyền vừa đi hát vừa nuôi con trong muôn vàn khó khăn. Bởi đời sống ca sĩ đâu còn được dồi dào như trước, mà chỉ thỉnh thoảng mới có lời gọi hát ở những nhà hàng hay quán cà phê. Ba mẹ con Thanh Tuyền chờ đợi mòn mỏi suốt ba năm trời, nhưng không hề thấy tin tức của người chồng hẹn đón. Niềm hy vọng đã trở thành tuyệt vọng. Thanh Tuyền càng cay đắng khi biết người chồng đã có bến đỗ mới. Trong một đêm đẫm lệ với rượu và nỗi cay đắng trào lên, Thanh Tuyền đã uống thuốc độc tự tử. Thật may cô đã được cứu thoát. Nhưng từ đó tiếng hát của Thanh Tuyền càng đẫm lệ hơn, buồn da diết, sầu thảm đến vô cùng.
       Có chuyện lạ xảy ra, khi đúng vào thời đoạn báo chí rộ tin ca sĩ Thanh Tuyền tự tử, thì có một người đàn ông xuất hiện. Người đó gặp được cô trong sự tò mò và thương hại. Vì sao đến nỗi vậy. Cuộc đời hồng nhan tủi phận đến thế sao. Thế rồi tình cờ một lần đưa Thanh Tuyền từ một cuộc nhậu về, người đàn ông đó nhìn ba mẹ con nhếch nhác trong căn nhà nhỏ, lòng người xao động. Cuộc tình thầm kín nảy sinh nhưng hai người đều cố giấu trong lòng. Bởi thời cuộc cuốn trôi đi bao số phận và gia đình sau cuộc tổng tiến công năm 1975. Có những lớp người hoang mang dao động bỏ đất nước ra đi trong biển khơi bão tố, hòng tìm đến chân trời mới. Thanh Tuyền bị cuốn theo dòng đời đó. Một mặt cô cũng muốn vượt biển sang Mỹ để tìm bố của những đứa trẻ mà mình đã mang nặng đẻ đau và sống kham khổ trong mấy năm trời. Thế là, năm 1978, Thanh Tuyền cùng gia đình người đàn ông kia, bí mật xuống tầu vượt biên, qua sóng gió biển khơi. Một cuộc ra đi phiêu lưu đầy hiểm nguy đối với Thanh Tuyền cùng ba con thơ. Tay ôm con nhỏ mà lòng Thanh Tuyền run lên vì lạnh buốt trong nỗi cô đơn.
        Còn đâu cảnh huy hoàng của con chim sơn ca rừng núi một thời. Còn đâu những cảnh sống giàu sang nơi Sài Gòn hoa lệ. Ngồi bên người đàn ông bí ẩn kia, trái tim người nghệ sĩ chỉ còn biết hàm ơn và ghi nhận sự nương tựa trong hoàn cảnh bơ vơ. Thanh Tuyền vẫn hy vọng tìm lại người chồng cũ và xây dựng lại cuộc sống gia đình yên ấm. Nhưng ác thay, chân ướt chân ráo đến đất Mỹ, người chồng đã quay lưng không nhận lại vợ con. Đã cay đắng lại thêm phần tuyệt vọng đến khốn cùng. Thanh Tuyền, phải đi lao động kiếm sống để nuôi bày con dại, không còn mơ màng gì đến ca hát.
3-Và con tim đã vui trở lại
        Cuộc đời Thanh Tuyền trở nên ấm áp vì người đàn ông, một bạn đường nhân hậu ấy, đã lại thêm một lần tìm đến vỗ về. Người đàn ông ấy cũng phải chia tay vợ trong tiếc nuối chỉ vì trong cuộc vượt biển, hai người đã bị lạc nhau. Sau đó, cho dù chỉ một thời gian ngắn, hay tin người vợ đã lấy chồng mới ở bên Pháp, nên ông ta đã tìm chỗ dựa tinh thần là ba mẹ con Thanh Tuyền. Một gia đình mới. Một người cha mới của ba đứa con bị bỏ rơi. Và, một người chồng mới của Thanh Tuyền, hiền hòa chịu thương chịu khó. Sau đó hai người còn có thêm một người con trai. Đúng là lộc trời lại đến với Thanh Tuyền trong lúc cam go, bơ vơ nhất. Hạnh phúc mới bắt đầu trong cuộc lưu vong tha hương, nơi đất khách quê người.
       Hạnh phúc dâng đầy khi ca sĩ Thanh Tuyền được mời đi hát lại vào năm 1982. Vậy là sự nghiệp tiếp tục được thăng hoa. Thanh Tuyền vừa hát vừa khóc vì nỗi buồn ẩn giấu bao năm. Con chim sơn ca của Đà Lạt năm nào cất tiếng sau những nỗi đau. Vết thương lòng được sự bù đắp của gia đình mới nên tiếng hát của nữ hoàng sầu muộn có phần nghẹn ngào pha trộn niềm hân hoan, mơ màng. Tiếng hát Thanh Tuyền được hồi sinh và trở lại trong niềm yêu thương của cộng đồng xa xứ. Từ đó Thanh Tuyền liên tục ra được nhiều Album mới và trở thành giọng hát nhạc quê hương và nhạc vàng lừng danh ở hải ngoại.
       Theo như nhiều người biết, ca sĩ Thanh Tuyền đã tham gia công việc làm từ thiện hàng chục năm nay. Nỗi niềm thương cảm với những người nghèo khó đến với Thanh Tuyền từ những khó khăn mà chị đã trải qua. Nhiều lúc nhớ lại hoàn cảnh của cha mẹ với đàn em lít nhít, cả thảy 15 người, sống trong rét mướt đói khổ mà Thanh Tuyền rớt nước mắt. Thanh Tuyền đã dành cả một đêm diễn, tiền thu được nạp quỹ ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Giờ đây ở tuổi 68, việc làm từ thiện của Thanh Tuyền tựa như một sự an ủi lớn nhất cho chính mình, đúng như phật dậy.  
 

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Ca sĩ Tuấn Ngọc

       


 Ca sĩ Tuấn Ngọc
                  
Mộng du riêng một góc trời
  
Vương Tâm
       
Ca sĩ Tuấn Ngọc là một hiện tượng dị biệt trên sân khấu ca nhạc hải ngoại suốt ba mươi năm nay. Anh theo cha ca hát ngay từ khi còn nhỏ, 11 tuổi đã từng hát trên đài phát thanh, nhưng chả mấy ai biết tới. Bởi lẽ anh chỉ hát bằng tiếng Anh và từng được coi là thành viên chủ chốt của ban nhạc trẻ hồi năm 1970, như The Strawberry, hoặc The Top Five, và cũng không hề mọc mũi sủi tăm…
1-Một mình một kiểu chơi
        Ngay khi theo gia đình sang định cư ở Mỹ, năm 1975, Tuấn Ngọc vẫn chìm ngỉm trong làng ca nhạc. vì cũng chỉ hát tiếng Anh ở một số CLB và khách sạn kiếm tiền mưu sinh, tại Cali. Anh đã thử sức mình với cuốn băng ca nhạc đầu tiên hát tiếng Việt, với ca sĩ Lệ Thu năm 1981, mang tiêu đề “Thuở đầu tiên”. Nhưng mọi thứ lại trở về “More”. Thế là Tuấn Ngọc lại tiếp tục dấn thân với những đêm ca hát tiếng Anh ở Hawaii. Cứ thế kéo dài thêm 5 năm vì sinh kế mà vẫn chưa tìm ra lối đi và phong cách nghệ thuật của riêng mình. Mãi tới năm 1989, Tuấn Ngọc lại thử sức thu cuốn băng thứ hai, hát tiếng Việt với ca sĩ Thái Hiền. Thật sự bất ngờ, Album “Lời gọi chân mây” này bán khá chạy, đã tiếp cận được với người nghe. Từ đó anh bắt đầu có khán giả của mình với những ca khúc trữ tình của Phạm Duy và Ngô Thụy Miên. Cho dù lúc đó anh đã bước sang tuổi 42, nhưng cái tên Tuấn Ngọc đã có sức quyễn rũ người nghe.
       Tuy vậy quả là sự muộn mằn đối với Tuấn Ngọc, bởi các em anh đã nổi tiếng và được đánh giá cao như Khánh Hà, Lưu Bích, từ trước đó. Nhưng điều bí ẩn nằm trong giọng hát Tuấn Ngọc khi hát tiếng Việt là gì? Đó chính là sự ám ảnh trong từng cách xử lý ngôn ngữ thể hiện tình cảm. Dường như anh hát bằng sự trải nghiệm của con tim. Mỗi câu ca cất lên đều thấm đượm nỗi buồn nhân thế. Khi ấy tâm hồn anh được phiêu du với tình cảm của thi nhân. Mà mỗi ca khúc là một thi phẩm của nhạc sĩ. Một nỗi buồn được chuyển tải bằng giai điệu và lời thơ xao xuyến. Tuấn Ngọc không còn biểu diễn nữa mà âm thanh từ trái tim anh cất lên tiếng lòng chia sẻ và hòa điệu với niềm tự sự khốn cùng của tình yêu. Người nghe phiêu cùng anh với sắc độ âm thanh nồng nàn của ngọn lửa tình cảm âm ỉ cháy, bền bỉ với thời gian. Phiêu là vậy. Mơ là thế. Mỗi ca khúc của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, hay Từ Công Phụng, hoặc Trịnh Công Sơn qua giọng hát của Tuấn Ngọc đều được sưởi ấm bằng ngọn lửa tâm hồn đó.  
       Họ đặt tên cho giọng hát của anh là “Riêng một góc trời”, bởi lẽ họ đã nghe anh tâm sự, kể chuyện và chia sẻ với ngọn lửa ấm trong tâm hồn nghệ sĩ. Ngay từ ban đầu, anh cũng giống như một số ca sĩ khác nổi danh, khi được khẳng định sự thành công và thu hút người nghe qua một ca khúc. Chỉ một ca khúc thôi đã thể hiện được phong cách nghệ thuật của mình. Sự nổi tiếng khi ấy đã bắt đầu. Mỗi khi nhắc đến tên một ca sĩ là người nghe nhớ ngay đến ca khúc đó. Tuấn Ngọc là như thế, nổi tiếng với ca khúc “Riêng một góc trời” của Ngô Thụy Miên, vào đầu năm 1990. Không ít ca sĩ trước đó đã trình bày ca khúc này. Nhưng có thể nói bài “Riêng một góc trời” chỉ để dành cho giọng hát Tuấn Ngọc, với sắc độ trầm ấm da diết và bỏng rát. Không ít khán giả nói, nghe anh hát ca khúc này mãi không chán, bởi chân tình quá, thấm đẫm nỗi đau tình đời. Lời bài hát dường như trở nên đẹp và ấm áp qua giọng hát của Tuấn Ngọc. Thật khó ai quên sự chan chứa nỗi niềm ấy: “Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ. Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu đời tôi…Hạ còn nắng ấm, thấy lòng sao buốt giá. Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau…”. Người ta nói Tuấn Ngọc khởi nghiệp bằng “Riêng một góc trời” thật có lý.
2-Nỗi niềm cố hương
       Nhưng có lẽ, chính sự chầm chậm tới mình ấy mà âm sắc của Tuấn Ngọc rỡ ràng, tạo nên một phong cách khác lạ. Hàng trăm ca khúc trữ tình sau này được Tuấn Ngọc khai thác và biểu diễn càng tô đậm thêm sự sâu lắng và ám ảnh của anh. Chính anh có lần tâm sự, về sự trở lại với những bài hát Việt, rằng chỉ khi hát tiếng mẹ đẻ, người ta sẽ hiểu được những tận cùng cảm xúc trong giai điệu và ca từ. Tuấn Ngọc dồn tâm sức biểu diễn những ca khúc của những nhạc sĩ mà mình tâm đắc nhất. Đầu tiên có thể kể đến những nhạc phẩm của Phạm Duy (bố vợ anh), sau đó là những ca khúc của Ngô Thụy Miên và Trịnh Công Sơn. Anh có phong cách biểu diễn gây ấn tượng qua hàng chục Album ca nhạc như “Riêng một góc trời”, “Ngày đó chúng mình”, “Rong rêu”,, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Hoài cảm”…Đặc biệt phong cách âm nhạc của Tuấn Ngọc còn có sức ảnh hưởng đến không ít ca sĩ trẻ, từ trong nước đến hải ngoại. Một số ca sĩ tài năng đã có giọng hát và phong cách biểu diễn khá gần gũi với anh. Có người còn hát giống hệt. Sự ảnh hưởng ấy mạnh đến nỗi tạo nên “Trường phái Tuấn Ngọc” trên sân khấu ca nhạc trong và ngoài nước. Nhân nói về chuyện này, ca sĩ Tuấn Ngọc đã tâm sự, việc hát giống ca sĩ này hay ca sĩ khác không quan trọng, mà hát sao làm rung động tâm hồn người nghe mới thành công.
        Ca sĩ Tuấn Ngọc về sân khấu như một tượng đài. Còn ở ngoài đời anh cũng là một mẫu mực sống chân tình và sâu sắc. Anh luôn luôn nghiêm khắc và nhẫn nại trên con đường nghệ thuật. Gia đình anh có tới năm nghệ sĩ tài năng được người cha là nhạc sĩ Lữ Liên đào tạo mà nên. Họ sống trong một gia đình lấy âm nhạc là mục đích dựng nghiệp và mưu sinh. Tuấn Ngọc được coi là bản sao của người cha, tài năng và hài hước. Anh luôn luôn ước vọng được trở về quê hương để hát cho đồng bào mình nghe. Chuyến trở về đầu tiên, năm 2006, với chương trình ca nhạc mang tên “Riêng một góc trời” Tuấn Ngọc coi như một cuộc biểu diễn lớn nhất trong cuộc đời mình. Anh hát với nỗi nhớ nhung khôn nguôi và sự bồi hồi nặng trĩu tâm can của người con tha hương trở về đất mẹ. Sự thành công của đêm diễn vượt sự mong đợi của mọi người và của chính anh trong suốt nửa thế kỷ ca hát.
        Từ đó anh được đón nhận và yêu thương của khán giả trong nước. Anh sản xuất CD và tham gia nhiều chương trình hoạt động khác với mục địch dâng hiến và đóng góp với cộng đồng xã hội. Dường như đó là sự bù đắp của anh với những năm tháng xa quê. Mỗi lần về nước hát là niềm vui trong anh được nhân đôi. Anh luôn đón nhận những lời mời và hợp đồng biểu diễn dù là nhỏ nhất, và theo mọi yêu cầu của khán giả. Sau năm sau (2012), ca sĩ Tuấn Ngọc trở lại và hát tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chuyến biểu diễn này của anh khá đặc biệt, với người dẫn chương trình (MC) là nhạc sĩ Phạm Duy, trong đêm ca nhạc “In The Spotlight số 1 Riêng một góc trời”. Đây là trường hợp đầu tiên trên sân khấu ca nhạc, khi một nhạc sĩ lớn như Phạm Duy, đầy hưng phấn làm MC cho một ca sĩ. Tất nhiên đó là sự may mắn đã đem lại sự hấp dẫn của chương trình ca nhạc có một không hai của Tuấn Ngọc.
3-“Tiếng hát mãi xanh”
         Điều thú vị nhất đối với Tuấn Ngọc trong năm 2016 là việc anh được ban tổ chức cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” mời về làm giám khảo. Năm nay ca sĩ Tuấn Ngọc vừa tròn tuổi 70, nên anh rất hứng thú với công việc chọn và đánh giá những giọng hát nghiệp dư và đã có tuổi nhất định. Ca sĩ Tuấn Ngọc coi trọng việc này và luôn luôn yêu tiếng hát của mọi thí sinh. Anh quan niệm việc hát hay không dễ dàng gì và mỗi giọng hát đến đây luôn luôn là sự trao gửi và giao lưu giữa những người nghệ sĩ với nhau. Tâm hồn là quan trọng. Sự truyền cảm mới là tính quyết định của mọi giọng hát chứ không phải tuổi tác. Đó cũng chính là quan niệm xuyến suốt trong cuộc đời ca hát của anh. Bởi thế anh nói sẽ chấm điểm cao cho ai hát khiến tôi xúc động, cho dù giọng hát đã mòn mỏi theo năm tháng.
        Điều kỳ lạ nhất là không ít ca sĩ dự thi đã chọn những bài hát mà chính Tuấn Ngọc đã từng biểu diễn thành công và nổi tiếng nhiều năm qua. Họ hát để trải lòng mình chứ không phải cạnh tranh. Nhưng không ngờ Tuấn Ngọc luôn tìm được những cái hay của họ mà chính anh cần tham khảo. Bởi giọng hát không bao giờ già nua theo năm tháng khi tâm hồn luôn trong trẻo. Chính đó là tiêu chí của cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh”. Đúng như một đời anh cống hiến cho tiếng hát của mình mãi mãi xanh tươi.






Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Nguyễn Quang Thiều

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
                   Chân dung bốn mặt



Vương Tâm
        Nguyễn Quang Thiều lúc nào cũng cuồn cuộn cảm xúc, trong công việc hay cả khi ngồi im lặng với điếu thuốc, trong giây phút trầm tư. Gương mặt anh hiện lên bốn phía trong làn khói thuốc bồng bềnh. Cặp mày rướn lên và đôi mắt mở to muốn nhìn thấu những điều “Khuất khuất sau mây”, cả những tiếng “Âm âm trong gió”, cùng sắc mầu bay lên, trong không gian vô tận của cơn mơ…
1-Thi sĩ của làng quê
       Từ cách đây 26 năm, nói đến Thiều là nói đến thơ, bởi ngay từ tập thơ đầu tiên “Ngôi nhà 17 tuổi” (XB năm 1990), đã lọt vào chung kết Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991). Đó là một sự kiện đáng khích lệ cho dù tập thơ sau đó đã không được nhận giải. Nhưng có lẽ đó cũng là một trải nghiệm đột biến khi Nguyễn Quang Thiều nhìn lại gương mặt thơ ban đầu của mình. Đó là sự nhạt nhòa và pha trộn, một giọng nói của ai đó đã chen vào, một ánh mắt khác lạ chợt hiện trong thơ mình. Thức tỉnh. Thiều muốn tìm lại chính mình. Bản thánh ca trong tâm hồn được cất lên dẫn dụ trái tim. Đó là những đêm thức trắng với cõi mơ mộng và diệu huyền của trí tưởng tượng. Dường như tất cả những đề tài mà Thiều đã viết trước đó như ông bà, cha mẹ, đình chùa, con sông, đồng cỏ, lúa khoai…đã được chiếu rọi với ngọn nguồn cảm xúc tươi mới và được dát lên những vỏ ốc xù xì đầy cảm biến của con chữ cùng gió cát biển khơi. Những thi ảnh dồn dập, xô táp làm lay động tâm hồn người đọc. Những ý tưởng bất ngờ được nảy sinh, găm vào trí nhớ của người đọc những hình ảnh độc đáo, với nhịp điệu “đảo phách”, ngưng ngắt khác lạ. Chính vì thế, tập thớ thứ hai của Nguyễn Quang Thiều ra đời, sau đó chỉ một năm, đã gây chấn động làng thơ Việt Nam, với cái tên “Sự mất ngủ của lửa” (NXB Lao Động-1992. Đúng vậy đó là sự thao thức của ngọn lửa thơ mang tên Nguyễn Quang Thiều đã làm xáo động đường thơ và là ánh sáng mới của thi ca, sau hàng chục năm ngủ li bì trong cơn sốt của “cảm xúc bao cấp”. Ngay năm sau tập thơ đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1993).
       Sự ảnh hưởng của thơ Thiều lạ lắm. Nó tạo nên một trường phái, hay dòng thơ  “Thiều”, trong 25 năm qua. Nhất là các bạn làm thơ trẻ, họ thường đi tìm mình như Thiều đã từng làm và họ cũng có những sáng tạo riêng và có những thành công nhất định. Cho dù đến nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cho xuất bản tới mười tập thơ (tập sau cùng là “Châu thổ”-2012), nhưng người đọc vẫn luôn luôn nhớ tới cú đột phá ban đầu của anh với “Sự mất ngủ của lửa”. Tiếp bước những miền “Châu thổ” thơ sau này, Nguyễn Quang Thiều có những sự phát triển đường thơ của mình với góc nhìn xuyên suốt: “Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ lại cho người đọc cái khoảnh khắc của đời sống mà họ không bao giờ tìm lại được nếu không có thơ” (Charles Simic-nhà thơ nổi tiếng người Mỹ); Trọn đời thủy chung với không gian văn hóa làng quê trong sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Quang Thiều cứ bóc hết lớp không gian này đến lớp khác, soi rọi quá vãng, ký ức với con mắt mỹ cảm luôn luôn chuyển động, gây bất ngờ với bạn đọc. Đó là những câu thơ lạ có chất tạo hình đồng thời ẩn chứa chất triết lý tự sinh, trong các thi phẩm. Có thể kể đến như: “Bản tuyên ngôn của giấc mơ”, “Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ”, “Nhịp điệu châu thổ mới” hoặc còn đó là “Sông Đáy”, “Mười một khúc cảm”, “Một bài hát của làng Chùa”, hoặc “Tiếng chó và những ngôi sao”, “Chuyển động”, và “Cây ánh sáng”…Dường như cảm xúc chỉ là cái cớ xuất phát cho mỗi ý tưởng, nhưng thế giới sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều lại nằm ở những thi ảnh chồng mờ kỳ lạ tuân thủ một ý tưởng tập trung. Tứ thơ vì thế mà trở nên thâm sâu, tạo ấn tượng khó quên với người đọc.
       Tác phẩm “Bài hát về cố hương” là một trong những ví dụ điển hình thể hiện rõ hồn cốt, tâm linh của thi nhân. Anh hát bài ca về làng chùa với sự mê man “Dưới những vì sao ướt át. Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về”. Đây đó những hình ảnh đồng hiện “Tiếng nói mê đàn ông trong mé tóc đàn bà”, hay “Những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất”. Nhưng tiếp sau đó là những chi tiết sinh động, gợi cảm: “Tiếng ho người già khúc khắc. Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống”. Cảm xúc mỗi lúc một dâng trào khi anh hát tiếp về cố hương: “Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó. Nó không tiêu tan. Nó thành con giun đât. Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao. Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ. Bò qua bãi tha ma người làng chết đói. Đất đùn lên máu chảy ròng ròng”. Đúng là một quê hương hiện lên nặng trĩu tấm lòng thi nhân. Nhưng chưa hết, người con của làng vẫn còn hát khúc cuối đê mê hơn: “Tôi hát, hát về cố hương tôi. Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm. Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó. Kiếp này tôi là người. Kiếp sau phải là vật. Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ. Để canh giữ nỗi buồn-báu vật cố hương tôi”. Một cảm xúc thật u buồn tê tái.
2-Những giấc mơ sắc màu
       Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có khả năng phân thân rạch ròi giữa những công việc khác nhau, báo chí, văn chương, thi ca và hội họa. Đó là bốn lĩnh vực mà anh đều thành công và nổi tiếng với những tác phẩm có giá trị. Nguyễn Quang Thiều luôn mơ ước: “Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa”. Khi đến với hội họa, hay những trang văn đầy thao thức cũng vậy. Ngoài làm báo để thoát nợ mưu sinh, Nguyễn Quang Thiều còn nổi tiếng với những truyện ngắn tràn đầy niềm thương cảm với cuộc đời. Song song với những khát vọng thơ ca, Nguyễn Quang Thiều viết văn như một nhu cầu sáng tạo mang hoài bão chia sẻ với những số phận đau khổ hay thiệt thòi trong cuộc đời. Sau khi xuất bản tập thơ đầu tiên, anh cũng cho in liền hai tập tiểu thuyết “Vòng nguyệt quế cô đơn” (1991) và “Cỏ hoang” (1992). Đặc biệt, cùng với sự bay bổng với “Sự mất ngủ của lửa” (NXB Lao động-1992), thì tiếp ngay năm sau anh cho in tập tiểu thuyết thứ ba “Tiếng gọi tình yêu” (1993); rồi liên tiếp anh say sưa với những câu chuyện rất gần gũi với làng quê, anh cho in liên tục tập truyện ngắn “Người đàn bà tóc trắng” (1994) và tiểu thuyết thứ tư “Kẻ ám sát cánh đồng” (1995). Chưa hết, cũng trong năm 1995 anh còn xuất bản tập thơ thứ ba “Những người đàn bà gánh nước sông”…Cứ thế một mạch từ đó đến nay, bạn đọc đã đón cuốn sách thứ 40 của anh cả văn lẫn thơ. Riêng năm 2016, anh đã được các nhà xuất bản cho in liền ba cuốn, gồm truyện và bút ký. Cuốn ghi chép và chân dung “Trong căn phòng một người bài liệt” mới nhất của anh vừa được NXB họp báo giới thiệu vào ngày 13-11-2016. Dường như tốc độ anh làm việc đến nghẹt thở.
       Ấy là chưa nói đến chuyện làm báo của Nguyễn Quang Thiều. Anh là một biểu tượng cho dòng báo thị trường với phong cách làm báo hiện đại, hấp dẫn bạn đọc ở chất nhân văn, trong từng bài báo viết về thân phận con người. Người ta ví anh là ông bầu báo “lá cải” cũng có lý khi có thời trong tay anh có tới bốn tờ báo. Có lần anh kể, cứ hai ngày phải ra một số báo 32 trang. Mà trong tay anh khi đó chỉ có 7 người thực hiện. Ai cũng từng biết anh là người đã thiết kế và trực tiếp thực hiện làm hai tờ bào An ninh thế giới và Cảnh sát toàn cầu (số tháng), mở đầu cho dòng báo thị trường thu hút bạn đọc. Riêng tờ Cảnh sát toàn cầu anh mới bàn giao lại cho đơn vị chủ quản là báo Công an nhân dân vào đầu năm 2016. Nghĩ mà thấy chóng mặt vì sự xốc vác, bươn trải của anh. Tôi cực kỳ ngạc nhiên bởi không biết anh thường được nghỉ ngơi vào lúc nào với khối lượng công việc cuồn cuộn như thế. Vậy mà anh còn dành sức để đến với hội họa. Thật kỳ lạ. Chẳng hề học vẽ một ngày nào. Anh bắt đầu quét vết sơn dầu đầu tiên trên toan vào năm 2005.
      Có lần tâm sự với tôi, anh nói mối lương duyên với hội họa như trời đầy vậy, nhưng lại bị sắc màu cuốn hút. Có những đêm thức trắng với bố cục và sắc màu. Vẽ rồi xóa, rồi lại vẽ, cứ quay cuồng với những hình tượng chợt tới. Thiều vẽ cũng như làm thơ vậy, đó là cuộc dạo chơi kỳ ảo nhất trong đời. Anh nói, với hội họa khi cầm cọ cũng phải chính là mình. Quả là nhiều bản vẽ của anh đều do thơ ca mách bảo. Anh thể hiện lại những bài thơ của mình bằng một ngôn ngữ mới trong một khung trời vuông thấm đẫm sắc màu và hình tượng. Vậy nên tranh của Nguyễn Quang Thiều cũng nổi bật ở những mảng quê hương. Đó là những “Cậu bé làng chùa”, “Sông Đáy”, “Hoa cải bên sông”, hay “Người thổi sáo”, “Mười cô gái làng Chùa”…Sau 7 tháng theo nghiệp họa sĩ, “tự sướng” với sắc mầu, Nguyễn Quang Thiều theo mọi người bày tranh và bán được gần hết. Bạn bè bất ngờ. Nguyễn Quang Thiều cũng bất ngờ với chính mình. Anh kể có bức bán được với giá cao nhất là 2000 USD. Đận ấy anh gom đủ tiền về sửa lại căn nhà cấp bốn cho bố mẹ và lát lại cái ngõ ở làng Chùa quê anh. Mấy năm nay anh trở lại với hội họa nhiều hơn, vẽ được khoảng 100 bức cả lớn và nhỏ. Nhà thơ ngộ ra, hội họa mang lại cho mình tinh thần tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Có lần anh vui vẻ nói: “Tôi toàn quyền vẽ những gì tôi thích, dùng bất cứ màu gì tôi muốn và công bố những tác phẩm không cần xin giấy phép”
3-Bình minh phía trước
      Mấy năm nay, cứ vào dịp tết Nguyễn Quang Thiều hay vẽ con giống của năm tặng bạn. Năm rồi anh có một bộ Khỉ (ba tranh) rất lạ lùng. Theo sự đánh giá của họa sĩ Thành Chương thì tranh của Thiều đẹp nhất trong các họa sĩ đã cùng vẽ khỉ trong năm. Tôi hỏi 2017, đúng năm tuổi của Thiều (sinh năm 1957) có vẽ gà cho chính mình không. Anh cười gật đầu và nói đã có ý vẽ những chú gà quê làng Chùa. Những tiếng nắng bừng lên trong âm thanh gà gáy vang. Tôi nghĩ thế chắc vẽ gà phải hợp với Thiều với những cách điệu và sắc mầu ở tuổi 60. Tôi chợt nhớ đến câu thơ rất hay về gà của Thiều trong khổ một của “Mười một khúc cảm” rằng: “Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ. Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn
       Dường như mỗi khổ thơ của Thiều là một bức họa. Đó là những bức họa đồng quê thân thương, ruột thịt mà Thiều một đời trọng tình, trọng nghĩa. Riêng có bức tranh trong bài thơ “Sông Đáy” làm tôi xúc động mỗi khi nhớ đến. Anh viết: “Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại. Mẹ tôi đã già như cát bên bờ. Ôi mùi cát khô, mùi tóc của mẹ tôi. Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt. Tôi khóc. Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng sông”. Đó là những cảm xúc lắng sâu của một tâm hồn thi sĩ đích thực của quê hương. Với anh, tôi nghĩ ngả về phía nào cũng đầy ắp nỗi niềm về thân phận con người. Kiếp người của làng Chùa. Kiếp phận tha hương của những người anh bắt gặp trên đường đều làm trái tim anh rung động. Chính vì lẽ đó, thơ anh không khi nào vơi cạn sự trăn trở, văn anh không bao giờ ngừng tuôn trào nỗi niềm đắng cay, và sắc mầu anh luôn luôn u buồn, chia sẻ. Người ta nói tranh anh thường ẩn giấu niềm hư ảo xa xôi và nỗi buồn về kiếp người. Đó là những bông hoa “Thảo mưa” của riêng Thiều, trong những giấc mơ hiện lên, và bao giờ cũng chan chứa vẻ đẹp thi ca.


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Chông chênh một nỗi Cẩm Giàng

                  
 Chông chênh một nỗi Cẩm Giàng






                                                                                Bút ký Vương Tâm
     Hẹn hò mãi, tôi mới được ông Đạm đón tiếp tại khu vườn trại nhà anh em Tự lực Văn đoàn (TLVĐ), ngay cạnh ga Cẩm Giàng, Hải Dương. Lâu nay, ông Đạm được coi là người tạm quản lý khu đất rộng tới 2ha này, bởi gia đình ông đã mua 2000m2 đất, ở giữa khu trang trại này, và đã sinh sống ở đây từ năm 1970 đến nay.
      Gặp tôi, ông Đạm cười gượng vì đã cám cảnh mấy anh nhà báo đến quấy nhiễu, nhưng lại chả có tác dụng gì, cho dù đã có hàng chục bài báo đã lên tiếng sự chậm trễ của dự án xây dựng Khu Lưu niệm TLVĐ. Trong lúc chờ ông đi lấy chìa khóa cổng, tôi tạt vào chợ huyện ở gần đầu đường, như một sự tình cờ. Nhưng tôi bỗng thấy bâng khuâng làm sao, khi hình dung cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà văn Thạch Lam đã từng dạo bước, với gương mặt nho nhã, luôn luôn đượm nỗi phiền muộn...
      Chợ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) xinh như một bài thơ. Nhưng lại là những câu thơ buồn khi tôi sực nhớ lại chuyện của “Cô hàng xén”, mà Thạch Lam đã viết tại nơi đây. Mỗi lần qua chợ là tôi không kìm được bước chân nhẹ gót tạt qua dãy hàng xén. Ngắm từng người bán hàng và tôi cứ mường tượng rằng kia là cô Tâm, nọ là cô Tâm, đấy là cô Tâm và tôi là anh giáo nghèo ngày nào mê ly cô bé ấy. Nhưng rồi hạnh phúc khuất nẻo ở nơi nào. Cô hàng xén vẫn phải chắt chiu từng cắc, từng xu để nuôi mấy miệng ăn, rồi vẫn phải lo cho đứa em ăn học. Mỗi lần về nhà là lại một lần thổn thức với nỗi buồn nghèo khó. Nó đeo đẳng với những lo toan không bao giờ dứt ra khỏi cuộc đời. Tiếng thở dài nẫu ruột của Tâm như muốn nuốt vào lòng những niềm hy vọng mơ hồ về một tương lai mông lung, nơi xóm chợ nghèo...Tôi như mộng mị, ngơ ngẩn, với nỗi buồn cô hàng xén ấy, nếu không có ông Đạm gọi tôi, nào có đi không kẻo nắng. Lúc này tôi mới tỉnh cơn mơ ngày, rảo chân đi theo ông Đạm ngược chợ đến đầu con đường mang tên Thạch Lam, người đã làm thổn thức hàng triệu con tim bởi những nỗi buồn Cẩm Giàng, day dứt trong nỗi cô đơn.  
      Tôi và ông Đạm đi dọc trên còn đường nhỏ của thị trấn cắt ngang lộ Độc Lập. Người ta đặt tên nhà văn cho con đường này từ năm 1996, có lẽ bởi tình cảm hiền hậu, hết mực yêu thương những con người cần lao, nghèo khổ của tác giả được thể hiện trong hầu hết những nhân vật, hay câu chuyện đã viết, đều xảy ra ở tại thị trấn ga hoang lạnh một thời. Nó có thể nói đó là một thế giới tâm hồn cô đơn, bơ vơ được an ủi, vỗ về. Cùng với đó con đường mang tên Thạch Lam ghi dấu một lối đi của một đường văn, tuy thời đoạn 10 năm của TLVĐ, nhưng lại cháy sáng một sắc mầu thiên thanh, không thể nào quên.
     Mười năm, nào là những tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay, rồi Nhà Xuất bản Đời Nay, TLVĐ đã bồi dưỡng và phát hiện ra không ít nhân tài văn chương cho đất nước. Mười năm với ba lần trao giải thưởng Văn học, TLVĐ gắn bó với những cái tên như Tế Hanh, Anh Thơ, Nguyên Hồng, Đỗ Xuân Thu, Mộng Tuyết...Cùng với đó là hàng chục cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn ra đời đã làm sao động đời sống văn học. bạn đọc yêu mến những tác giả như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Xuân Diệu...và đặc biệt Thạch Lam đã làm rơi nước mắt của bao người khi được chia sẻ trong cuộc sống. Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam là một bài thơ buồn trong cõi nhân gian. Tác phẩm của ông thuộc về những người nghèo và những thân phận vất vả với những lo toan, khắc khoải với miếng cơm manh áo hàng ngày. Có thể nói, trừ cuốn “Hà Nội ba sáu phố phường”, còn lại tất cả truyện ngắn hay của ông đều viết về những con người ở phố huyện Cẩm Giàng heo hút một thuở này...
    Mải nghĩ, tôi chợt suýt vấp vào một cột đá mọc bên lề đường, thì ra đó là cái mốc báo bên trái có một lớp học mẫu giáo, và nhà Văn hóa của khu vực gần đó. Thật bất ngờ, bên phải con đường, thui thủi một căn nhà nhỏ, đó là một cửa hàng khám bệnh miễn phí của một ông lang nghèo của phố huyện. Vậy là, phố Thạch Lam còn hoang vu lắm, và còn nhoi nhói những nỗi buồn quanh quất ở đâu đó, bảng lảng nhẹ tênh những con gió rụt rè lùa tới. Mới hay, con đường dẫn vào khu nhà vườn trại, nơi sinh hoạt gặp gỡ của các nhà văn TLVĐ ngày nào, cũng còn nhiều trắc trở lắm. Vẫn cứ phải vòng vào đường sắt ga Cẩm Giàng. Lại có chỗ vật vã những gạch, vôi, phế liệu hay cỏ hoang che kín dấu chân người.
      Ông Đạm giờ đã hơn tám mươi tuổi, chân đi như đếm bước vậy, lúc lúc lại dừng để cười, nhưng thực ra để thở cho đỡ mệt. Cho dù tôi biết con đường cũng chỉ dài khoảng 320 mét, một con số ánh xạ của đoạn đời 32 năm của nhà văn Thạch Lam. Đó cũng là một sự ngẫu nhiên đến kỳ lạ của hai con số. Nhưng ông Đạm lại thốt lên một câu rằng, mình đã đợi hàng chục năm nay rồi, mấy cái đận 32 năm chỉ mong mỏi cái ngày khởi công khu tưởng niệm TLVĐ đến cháy ruột, cháy gan, mà vẫn chưa thấy đâu. Trước khi mở cổng cho tôi vào trong ông chỉ lên bản sơ đồ quy hoạch được dựng bên đường sắt, rồi lắc đầu tỏ ra thất vọng.
        Sự thất vọng của ông Đạm càng tô thêm một mầu đen khi cho tôi biết, ông là chủ nhân 2000 mét đất trong khu tưởng niệm này, sẵn sàng bàn giao cho chính quyền, khi bắt tay vào dự án. Nỗi buồn ông hoang hoải làm sao, khi chung quanh ngôi nhà, mà ông tạm làm bảo tàng nhỏ TLVĐ, cây cỏ mọc um tùm, hoa dại côi cút mênh mông. Nhưng rồi nỗi trầm tư cũng thoáng qua. Tôi được ông Đạm cho xem một số tài liệu, sách và ảnh lưu trữ được tại nhà ông. Tự nhiên ông mang nợ vào thân, chả ai bảo nhưng ông lại xuống cả ao để mò xem có còn kỷ vật gì của nhà TLVĐ đoàn rơi rớt. Có cái hộp phấn, rồi lại có cái đĩa trầu, hay cây bút chì ngắn cụt...ông đều giữ lại biết đâu có ngày ai cần tới. Hay có ai yêu văn chương của nhóm TLVĐ đến tặng sách, ảnh, tài liệu ông đều trực tiếp thu nhận và bày lên. Vô hình chung, ông Đạm trở thành cụ “Giám đốc” bảo tàng TLVĐ. Có lần con gái nhà văn Thạch Lam, là bà Nguyễn Tường Dung từ nước ngoài về thăm lại quê, ông vui như đón người bạn hồi trẻ về vậy. Ông kể cái hồi năm đói, 45 cách mạng cướp chính quyền bà này mới bảy tuổi, còn tham gia hát nhi đồng cùng với mình ở thị trấn, vậy mà đều đã lên ông, lên bà cả rồi. Nhưng ông kể buồn nhất là mộ của nhà văn Thạch Lam vẫn chưa đưa được về đây. Nghe nói, nhà văn mất vì bệnh lao nặng, trên Hà Nội xa xôi, nên cất mộ tạm tại nghĩa trang Hợp Thiện, quận Hai Bà Trưng. Nhưng hiện con cháu đều ở nước ngoài, không có điều kiện chăm nom, thật ái ngại. Ông Đạm vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
     Rồi ông thắc thỏm kể, mình có mảnh đất ở giữa cái khu TLVĐ này như một sự tính cờ. Khu đất ba mẫu của gia đình TLVĐ, bị bỏ hoang sau ngày tiêu thổ kháng chiến. Nhất là khi nhà văn Thạch Lam mất năm 1942, sau đó nhà văn Nhất Linh cũng chết bên Trung Quốc, năm 1948, bà Phán Nhu đã làm lễ cầu siêu cho các con, rồi đi tu tận trong Sài Gòn. Vợ con của Thạch Lam cũng theo chân vào Sài Gòn sinh sống. Mảnh đất của anh em nhà TLVĐ bị ông trưởng ga hồi đó, vào năm 1954 chiếm ở, nghiễm nhiên là chủ nhân cho đến năm 1970. Ông Đạm đã mua lại của người này 2000 mét, và đã ở tại đây 43 năm qua. Ngôi nhà ông xây dựng hiện chính là nhà lưu giữ những kỷ vật của anh em nhà TLVĐ, bấy lâu nay.
      Tôi ngồi bên ông Đạm ngước nhìn lên bàn thờ, bày hình ảnh của nhóm TLVĐ, với bao nỗi rưng rưng trong tâm cảm. Này đó là ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Còn kia là những Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ, Xuân Diệu. Nhưng chân dung Thạch Lam là trẻ nhất và ẩn giấu những nét cô đơn dâng lên từ đôi mắt. Ông Đạm ngồi thừ trong giây lát rồi than, nếu không có căn bệnh quái ác ngày ấy, thì ông trời đã không cướp đi một ngôi sao văn học Thạch Lam đang đến độ sáng chói. Rồi ông nhớ về ngôi nhà cây liễu bên hồ Tây, nhỏ bé và luôn luôn lộng gió, nơi nhà văn Thạch Lam trở về cát bụi. Tôi không ngờ ông Đạm lại có nhiều nỗi niềm đến vậy.
      Chợt ông đưa tôi xem mấy cuốn sách của nhà văn Thạch Lam được xuất bản từ những năm 40, do những khách thập phương mang dến tặng, để làm tư liệu. Ngay sau đó, ông giở đến truyện ngắn “Nhà mẹ Lê”, rồi nói ngôi nhà ấy đâu có xa xôi, ngay cuối phố huyện. Ông ngồi xuống ghế, thở dài như đau khổ cho một người mẹ có đến mười một người con, bữa đói bữa no. Nhiều hôm không có ai mướn làm việc gì thì chỉ có việc đi ăn xin. Rồi tình cảnh đến cay đắng khi bà Lê đã phải đi xin gạo và bị chó nhà cậu Phúc cắn nát chân, lên cơn sốt rồi chết. Người mẹ khốn khó chỉ biết kêu trời vì sao lại để cho các con bà bị đói. Người mẹ chết đi để lại một bầy con nhỏ dại giờ biết nương tựa vào đâu. Những đôi mắt trẻ nhỏ dõi con tầu trong đêm và mơ tưởng tới một chân trời xa xôi, mà chẳng bao giờ mình đi tới được...Nỗi thương cảm cứ chông chênh trong lòng tôi. Giọng nói trầm ấm của ông Đạm pha chút ngập ngừng theo thời gian đã làm lòng tôi trĩu nặng.  
     Tôi bồi hồi đứng dậy rồi lang thang ra ngoài vườn mong tìm lại bóng dáng “Ngôi nhà Ánh Sáng” ngày nào bà Nhu đã xây cho các con tạo dựng nghiệp văn. Nhưng còn đâu nữa, cái thềm nhà ấy cũng đã bị tàn phá sau cái ngày bom Mỹ ném ga Cẩm Giàng. Giờ đây chỉ còn lại cái ao đầy hoa súng, với sắc đỏ tím một không gian gợi nhớ về thời quá vãng bị khuất lấp u hoài. Còn phía xa kia là những ngôi nhà nhỏ làm kho gạo. Những vòm mài tròn trống rỗng hết sức hoang vu. Những bầy chim sẻ làm tổ và chíu chit bay nhảy hồn nhiên, tạo nên chùm âm thanh làm xao động những hàng cây suốt ngày ủ rũ dưới cái nắng ngột ngạt. Quảng cảnh một thời của khu nhà ánh sáng TLVĐ tiêu điều làm sao. Ông Đạm ngồi như đi vào cõi thiền trên giấc mộng hư vô.
      Tôi lặng lẽ đi dọc bức tường rêu, kéo dài tới con đường nhỏ dẫn ra cái ao cũ, gợi nhớ cho tôi bóng dáng cây hoa Hoàng Lan ngày nào đã tạo hương thơm ngào ngạt cho câu chuyện tình man mác, giữa cậu chủ Thanh ngày nào với cô hàng xóm. Tôi nghĩ đây như một tự truyện của tác giả. Cũng như câu chuyện hai đứa trẻ vậy. “Hai đứa trẻ” chính là nhà văn Thạch Lam khi 8 tuổi, và người chị tên là Thế, mới 9 tuổi. Hai chị em thường được mẹ giao trông nom gian hàng bán rượu, gạo, xà phòng, và thuốc lào buổi tối, trước cửa ga, chờ đến khi tầu từ Hà Nội về Hải Phòng hoặc ngược lại.
       Niềm bâng khuâng trong đêm ấy đã làm tôi cứ tha thẩn tìm lại gốc cây Hoàng Lan trong câu chuyện tình ngày nào. Đâu là dấu chân của Nga, cô gái hàng xóm từng ngong ngóng tiếng bước chân của cậu chủ trở về sau tiếng còi tầu báo hiệu tình yêu. Và đâu là gói hoa Hoàng Lan mà Nga vẫn hái để ủ hương thơm đón cậu chủ. Tôi ước đến một ngày nào đó, khi xây khu tưởng niệm này họ sẽ trồng một hàng cây Hoàng Lan, trên con đường Thạch Lam để các cô gái thường đến nhặt những cánh hoa rơi thơm phức mụi hương, trao lại cho những người bạn trai cùng sánh vai trong khu vườn này. Khu vườn tình yêu của nhà anh em TLVĐ sẽ ngào ngạt hương bay.
       Trên đường về, tôi hỏi ông Đạm đã nghĩ gì trong lúc thiền, và có mơ về con đường 320m mang tên Thạch Lam sẽ hoàn thành trong năm tới. Ông lắc đầu, mơ đấy ước đấy, nhưng khó lắm. Ông dừng lại lấy khăn tay lau mồ hôi, trong cái ẩm mốc của thời gian, rồi nói mấy câu vô thanh mà chỉ trong lòng ông rõ. Hình như hồn của người xưa bay về nương trú trên vai người già. Tôi ở tuổi 70. Ông ở tuổi 80. Không biết đến bao giờ khu nhà anh em TLVĐ mới xong theo dự án. Một áng mây đen lừng lững trôi về phía Nam. Tôi và ông đi rất chậm trên con phố Thạch Lam. Ông nói gì đó thì thào, rất khẽ, rất khẽ. Bụi đường nhè nhẹ bay lên trong ngọn gió hoang chợt lùa tới. May sao khi đó tiếng con trẻ từ lớp mẫu giáo bên đường rộn ràng chạy ùa ra khỏi lớp. Chúng đứng ở cổng trường ríu rít cười nói, la hét, rồi vẫy tay chào chúng tôi. Những bàn tay nhỏ xíu. Nhưng nụ cười xinh xinh. Những đôi mắt long lanh như những hạt ngọc vậy. Tất cả chúng cứ đi theo hai chúng tôi cho đến đầu con đường Thạch Lam.