Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Ca sĩ Tuấn Ngọc

       


 Ca sĩ Tuấn Ngọc
                  
Mộng du riêng một góc trời
  
Vương Tâm
       
Ca sĩ Tuấn Ngọc là một hiện tượng dị biệt trên sân khấu ca nhạc hải ngoại suốt ba mươi năm nay. Anh theo cha ca hát ngay từ khi còn nhỏ, 11 tuổi đã từng hát trên đài phát thanh, nhưng chả mấy ai biết tới. Bởi lẽ anh chỉ hát bằng tiếng Anh và từng được coi là thành viên chủ chốt của ban nhạc trẻ hồi năm 1970, như The Strawberry, hoặc The Top Five, và cũng không hề mọc mũi sủi tăm…
1-Một mình một kiểu chơi
        Ngay khi theo gia đình sang định cư ở Mỹ, năm 1975, Tuấn Ngọc vẫn chìm ngỉm trong làng ca nhạc. vì cũng chỉ hát tiếng Anh ở một số CLB và khách sạn kiếm tiền mưu sinh, tại Cali. Anh đã thử sức mình với cuốn băng ca nhạc đầu tiên hát tiếng Việt, với ca sĩ Lệ Thu năm 1981, mang tiêu đề “Thuở đầu tiên”. Nhưng mọi thứ lại trở về “More”. Thế là Tuấn Ngọc lại tiếp tục dấn thân với những đêm ca hát tiếng Anh ở Hawaii. Cứ thế kéo dài thêm 5 năm vì sinh kế mà vẫn chưa tìm ra lối đi và phong cách nghệ thuật của riêng mình. Mãi tới năm 1989, Tuấn Ngọc lại thử sức thu cuốn băng thứ hai, hát tiếng Việt với ca sĩ Thái Hiền. Thật sự bất ngờ, Album “Lời gọi chân mây” này bán khá chạy, đã tiếp cận được với người nghe. Từ đó anh bắt đầu có khán giả của mình với những ca khúc trữ tình của Phạm Duy và Ngô Thụy Miên. Cho dù lúc đó anh đã bước sang tuổi 42, nhưng cái tên Tuấn Ngọc đã có sức quyễn rũ người nghe.
       Tuy vậy quả là sự muộn mằn đối với Tuấn Ngọc, bởi các em anh đã nổi tiếng và được đánh giá cao như Khánh Hà, Lưu Bích, từ trước đó. Nhưng điều bí ẩn nằm trong giọng hát Tuấn Ngọc khi hát tiếng Việt là gì? Đó chính là sự ám ảnh trong từng cách xử lý ngôn ngữ thể hiện tình cảm. Dường như anh hát bằng sự trải nghiệm của con tim. Mỗi câu ca cất lên đều thấm đượm nỗi buồn nhân thế. Khi ấy tâm hồn anh được phiêu du với tình cảm của thi nhân. Mà mỗi ca khúc là một thi phẩm của nhạc sĩ. Một nỗi buồn được chuyển tải bằng giai điệu và lời thơ xao xuyến. Tuấn Ngọc không còn biểu diễn nữa mà âm thanh từ trái tim anh cất lên tiếng lòng chia sẻ và hòa điệu với niềm tự sự khốn cùng của tình yêu. Người nghe phiêu cùng anh với sắc độ âm thanh nồng nàn của ngọn lửa tình cảm âm ỉ cháy, bền bỉ với thời gian. Phiêu là vậy. Mơ là thế. Mỗi ca khúc của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, hay Từ Công Phụng, hoặc Trịnh Công Sơn qua giọng hát của Tuấn Ngọc đều được sưởi ấm bằng ngọn lửa tâm hồn đó.  
       Họ đặt tên cho giọng hát của anh là “Riêng một góc trời”, bởi lẽ họ đã nghe anh tâm sự, kể chuyện và chia sẻ với ngọn lửa ấm trong tâm hồn nghệ sĩ. Ngay từ ban đầu, anh cũng giống như một số ca sĩ khác nổi danh, khi được khẳng định sự thành công và thu hút người nghe qua một ca khúc. Chỉ một ca khúc thôi đã thể hiện được phong cách nghệ thuật của mình. Sự nổi tiếng khi ấy đã bắt đầu. Mỗi khi nhắc đến tên một ca sĩ là người nghe nhớ ngay đến ca khúc đó. Tuấn Ngọc là như thế, nổi tiếng với ca khúc “Riêng một góc trời” của Ngô Thụy Miên, vào đầu năm 1990. Không ít ca sĩ trước đó đã trình bày ca khúc này. Nhưng có thể nói bài “Riêng một góc trời” chỉ để dành cho giọng hát Tuấn Ngọc, với sắc độ trầm ấm da diết và bỏng rát. Không ít khán giả nói, nghe anh hát ca khúc này mãi không chán, bởi chân tình quá, thấm đẫm nỗi đau tình đời. Lời bài hát dường như trở nên đẹp và ấm áp qua giọng hát của Tuấn Ngọc. Thật khó ai quên sự chan chứa nỗi niềm ấy: “Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ. Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu đời tôi…Hạ còn nắng ấm, thấy lòng sao buốt giá. Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau…”. Người ta nói Tuấn Ngọc khởi nghiệp bằng “Riêng một góc trời” thật có lý.
2-Nỗi niềm cố hương
       Nhưng có lẽ, chính sự chầm chậm tới mình ấy mà âm sắc của Tuấn Ngọc rỡ ràng, tạo nên một phong cách khác lạ. Hàng trăm ca khúc trữ tình sau này được Tuấn Ngọc khai thác và biểu diễn càng tô đậm thêm sự sâu lắng và ám ảnh của anh. Chính anh có lần tâm sự, về sự trở lại với những bài hát Việt, rằng chỉ khi hát tiếng mẹ đẻ, người ta sẽ hiểu được những tận cùng cảm xúc trong giai điệu và ca từ. Tuấn Ngọc dồn tâm sức biểu diễn những ca khúc của những nhạc sĩ mà mình tâm đắc nhất. Đầu tiên có thể kể đến những nhạc phẩm của Phạm Duy (bố vợ anh), sau đó là những ca khúc của Ngô Thụy Miên và Trịnh Công Sơn. Anh có phong cách biểu diễn gây ấn tượng qua hàng chục Album ca nhạc như “Riêng một góc trời”, “Ngày đó chúng mình”, “Rong rêu”,, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Hoài cảm”…Đặc biệt phong cách âm nhạc của Tuấn Ngọc còn có sức ảnh hưởng đến không ít ca sĩ trẻ, từ trong nước đến hải ngoại. Một số ca sĩ tài năng đã có giọng hát và phong cách biểu diễn khá gần gũi với anh. Có người còn hát giống hệt. Sự ảnh hưởng ấy mạnh đến nỗi tạo nên “Trường phái Tuấn Ngọc” trên sân khấu ca nhạc trong và ngoài nước. Nhân nói về chuyện này, ca sĩ Tuấn Ngọc đã tâm sự, việc hát giống ca sĩ này hay ca sĩ khác không quan trọng, mà hát sao làm rung động tâm hồn người nghe mới thành công.
        Ca sĩ Tuấn Ngọc về sân khấu như một tượng đài. Còn ở ngoài đời anh cũng là một mẫu mực sống chân tình và sâu sắc. Anh luôn luôn nghiêm khắc và nhẫn nại trên con đường nghệ thuật. Gia đình anh có tới năm nghệ sĩ tài năng được người cha là nhạc sĩ Lữ Liên đào tạo mà nên. Họ sống trong một gia đình lấy âm nhạc là mục đích dựng nghiệp và mưu sinh. Tuấn Ngọc được coi là bản sao của người cha, tài năng và hài hước. Anh luôn luôn ước vọng được trở về quê hương để hát cho đồng bào mình nghe. Chuyến trở về đầu tiên, năm 2006, với chương trình ca nhạc mang tên “Riêng một góc trời” Tuấn Ngọc coi như một cuộc biểu diễn lớn nhất trong cuộc đời mình. Anh hát với nỗi nhớ nhung khôn nguôi và sự bồi hồi nặng trĩu tâm can của người con tha hương trở về đất mẹ. Sự thành công của đêm diễn vượt sự mong đợi của mọi người và của chính anh trong suốt nửa thế kỷ ca hát.
        Từ đó anh được đón nhận và yêu thương của khán giả trong nước. Anh sản xuất CD và tham gia nhiều chương trình hoạt động khác với mục địch dâng hiến và đóng góp với cộng đồng xã hội. Dường như đó là sự bù đắp của anh với những năm tháng xa quê. Mỗi lần về nước hát là niềm vui trong anh được nhân đôi. Anh luôn đón nhận những lời mời và hợp đồng biểu diễn dù là nhỏ nhất, và theo mọi yêu cầu của khán giả. Sau năm sau (2012), ca sĩ Tuấn Ngọc trở lại và hát tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chuyến biểu diễn này của anh khá đặc biệt, với người dẫn chương trình (MC) là nhạc sĩ Phạm Duy, trong đêm ca nhạc “In The Spotlight số 1 Riêng một góc trời”. Đây là trường hợp đầu tiên trên sân khấu ca nhạc, khi một nhạc sĩ lớn như Phạm Duy, đầy hưng phấn làm MC cho một ca sĩ. Tất nhiên đó là sự may mắn đã đem lại sự hấp dẫn của chương trình ca nhạc có một không hai của Tuấn Ngọc.
3-“Tiếng hát mãi xanh”
         Điều thú vị nhất đối với Tuấn Ngọc trong năm 2016 là việc anh được ban tổ chức cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” mời về làm giám khảo. Năm nay ca sĩ Tuấn Ngọc vừa tròn tuổi 70, nên anh rất hứng thú với công việc chọn và đánh giá những giọng hát nghiệp dư và đã có tuổi nhất định. Ca sĩ Tuấn Ngọc coi trọng việc này và luôn luôn yêu tiếng hát của mọi thí sinh. Anh quan niệm việc hát hay không dễ dàng gì và mỗi giọng hát đến đây luôn luôn là sự trao gửi và giao lưu giữa những người nghệ sĩ với nhau. Tâm hồn là quan trọng. Sự truyền cảm mới là tính quyết định của mọi giọng hát chứ không phải tuổi tác. Đó cũng chính là quan niệm xuyến suốt trong cuộc đời ca hát của anh. Bởi thế anh nói sẽ chấm điểm cao cho ai hát khiến tôi xúc động, cho dù giọng hát đã mòn mỏi theo năm tháng.
        Điều kỳ lạ nhất là không ít ca sĩ dự thi đã chọn những bài hát mà chính Tuấn Ngọc đã từng biểu diễn thành công và nổi tiếng nhiều năm qua. Họ hát để trải lòng mình chứ không phải cạnh tranh. Nhưng không ngờ Tuấn Ngọc luôn tìm được những cái hay của họ mà chính anh cần tham khảo. Bởi giọng hát không bao giờ già nua theo năm tháng khi tâm hồn luôn trong trẻo. Chính đó là tiêu chí của cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh”. Đúng như một đời anh cống hiến cho tiếng hát của mình mãi mãi xanh tươi.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét