Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Nhà thơ Vương Tâm

Nhà thơ Vương Tâm:
Nợ tình là món nợ lớn nhất.
Y Ban

        Tôi thường nói đùa với nhà thơ Vương Tâm: “Làng báo có bác Vương Tâm. Cả văn cả báo đều là ngang nhau”. Quả là với nhà thơ Vương Tâm thì không thể nào gọi một cách phân minh: nhà văn hay nhà thơ. Với tên gọi nhà thơ ông đã xuất bản trên 10 tập thơ và gặt hái nhiều giải thưởng, đến năm 60 tuổi ông còn gặt hái thêm giải nhất cuộc thi viết thơ tình trên báo Văn nghệ. Với tên nhà văn ông cũng xuất bản gần chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết và cũng gặt hái mấy giải thưởng. Về tên gọi nhà báo thì thôi rồi ông tung hoành trên khắp các mặt báo, từ báo nhớn đến báo nhỏ, từ báo chính thống đến báo thị trường, từ báo có thâm niên trên vài chục đến báo vừa mới tập tọng ra sàn…Chính vì thế có thể nói, hiện ông là một nhà báo có nhiều bút danh nhất hiện nay.
   Gãy tay rồi què chân.
        Phàm cái anh nhà báo không lăn đường thì sao có bài vở nhưng tôi chưa thấy ai đi nhiều và không biết sợ đi như Vương Tâm. Trước đây còn đang đi làm thì có muốn đi cũng khó, về hưu rồi thì chân đấy là đi. Ông đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ông đi bằng đủ các phương tiện, từ tầu bay tầu bò, xe lửa xe ngựa xe đò xe trâu nhưng phương tiện ông ưa thích nhất chính là xe máy. Chuyện một mình một xe máy thì nhiều dân phượt phải gọi Vương Tâm bằng..cụ. Chuyện là thế này, ngoài việc đam mê viết lách ông còn một đam mê nữa là sưu tầm ấm pha trà. Cứ nghe ở đâu có ấm cổ quý hiếm và giá cả phải chăng mà ông chạy đến liền. Lần ấy ông săn được một ấm trà cổ, nghe nói thời nhà Minh, nhưng gia chủ dứt khoát không bán. Trao đi đổi lại hàng chúc cú điện thoại. Đến cả tháng trời mới ngã giá. Sợ người bán thay đổi ý định Vương Tâm liền lấy xe máy chạy một mạch gần 300 cây số lên tận thâm sơn cùng cốc ở Yên Bái. Cái thú làm báo cũng phát triển ngang thú chơi. Khi phát hiện ra đề tài hay là ông lên đường. Cách đây hơn hai năm ông lên Thanh Sơn-Phú Thọ viết bài về một nhân vật. Ngại phiền gia chủ lấy xong tư liệu ông về ngay. Trời nhập nhoạng lại mưa, về gần đến Hà Nội thì gặp tai nạn. Chiếc xe ô tô chạy cùng chiều tông vào ông. May chỉ gãy xương đòn. Vào bệnh viện dăm ngày ông lại đi, chỉ khác là đi bằng xe ôm.
        Lại cách đây dăm tháng, khi từ Hòa Bình về qua Trúc Sơn ông bị tai nạn tiếp Không gãy cẳng nhưng khớp gối trượt lủng lẳng. Một thân một mình với cái cẳng chân có thể quay 360 độ. Có một khách qua đường đã đưa ông vào bệnh viện huyện. Đưa ông đi khám, rồi làm thủ tục nhập viện, đóng tiền viện phí. Xong xuôi mới ba chân bốn cẳng chạy về đón con. Lần này có vẻ nặng đây. Các bác sỹ đã dặn ông rất kỹ, chịu khó kiêng đi lại kẻo cái nẩy nó sẩy cái ung, què dệt. Bạn bè rồng rắn đến thăm ông. Chẳng ai nói ra, sợ gở mồm, chắc phen này ông Vương Tâm sợ không dám đi nữa rồi. Ấy vậy mà chưa đầy nửa tháng sau ông đã tập tễnh bê chiếc chân nẹp ra phố. Rồi chửa đến tháng sau đã thấy ông phóng xe máy vi vu. Chúng tôi bảo nhau, trong ngôn từ của Vương Tâm không có hai từ sợ đi. Hỏi ông có phải thế không, ông cười khá duyên, cái duyên chúm chím hoa rau muống của ông đã cưa đổ bao cô gái, không đi được ngứa ngáy lắm, với lại báo nọ báo kia họ đặt bài nhận lời rồi thì phải đi. Ông tự ví mình suốt ngày chạy rông như chó ngoài đường (Ông tuổi Bính Tuất mà)
  -Ở tuổi ông cần gì nhiều tiền nữa đâu mà ông cứ phải đi phải viết thế?
  -Thì nghề nó ăn vào máu rồi. Với lại tiền thì càng nhiều càng ít chứ sao.
       Nhưng bất ngờ ông lại nói, viết lấy cái vui là chính, chứ nhuận bút giờ rẻ như béo ấy mà. Trên đời có mấy ai sống được bằng nhuận bút viết báo viết văn đâu. Chẳng qua đó là duyên nợ văn chương thôi mà.
Nợ tình
     Trong câu chuyện của cánh nhà báo hay tò mò tọc mạch thì ông Vương Tâm mải cầy cuốc để lấy tiền cho các em. Ông ăn ở chu đáo với các em lắm. Em nào khó khăn là ông giúp, dù em đó từ đời nảo đời nào. Tôi cũng không rõ thực hư ra sao. Là đồng nghiệp và cộng tác với nhau hai mươi năm qua, chinh tôi cũng nhận được ở ông sự ăn ở chu đáo. Nhất là khi đặt bài ông viết thì luôn nhận được sự chu đáo, nhạy bén của ông. Tôi hỏi ông về cái việc mà thiên hạ đồn thổi. Em nọ em kia, trong nam, ngoài bắc, trên núi, dưới biển!?. Ông mủm mỉm cười và thủng thẳng kể câu chuyện về cô bé ở Rạch Gốc:
      Lần ấy một mình tôi đi thành phố Cà Mau. Ra bến tầu định đi về xóm Mũi Cà Mau, thì vừa hay chủ tàu hô: Ai về bến cuối thì tôi nhảy lên chiếc tàu đó vì nghĩ, bến cuối có nghĩa là đất mũi Cà Mau. Trời sập tối rất nhanh. Khi tầu dừng bến thì đã nhọ mặt người. Tôi hỏi thăm về mũi Cà Mau thì có một cô bé quãng 18, 19 tuổi nhanh nhảu trả lời:
-Chú đi lộn tầu rồi. Chú phải bắt tầu quay lại, rồi đi theo hướng khác. Đây là Rạch Gốc chú à.
     Tôi cám ơn cô bé rồi đi tìm nhà trọ bởi không còn chuyến tầu nào nữa. Đi vài bước chân đã hết nhà, chẳng thấy cái nhà trọ nào. Thấy biển đề là UBND xã, tôi liền vào trình thẻ nhà báo để xin nghỉ nhờ. Người thường trực nói không có cái giường nào cho nhà báo nghỉ cả. Tôi lại đi, thấy một nhà có ánh sáng đèn điện bèn đi vào. Thì hóa ra nhà cô bé đã chỉ đường cho tôi. Thấy tôi cô bé reo lên:
-Chú, cháu đã định mời chú vô nhà cháu nghỉ. Ở đây hổng có khách sạn, nhà nghỉ chi chi đó đâu.
Rồi cô bé dẫn tôi đến gặp cha:
-Cha, đây là chú lạc đường, cha cho chú ngủ nhờ nhà ta đi.
       Cha con cô bé Ngoan (cô bé tên Ngoan) sởi lởi đón khách. Hôm đó là cô có đám giỗ. Tôi ngại nên nói dối là đã ăn cơm rồi. Đêm Rạch Gốc có chợp mắt được tí nào đâu, bụng đói cồn cào, muỗi đồng xình lầy kêu như bản hòa tấu. Một đêm thao thức.
       Sáng ra tôi dậy sớm nói chuyện với ông bố, rồi để lại tấm các vi dít và lời cám ơn. Mấy tháng sau khi bài báo Đêm Rạch gốc in rôi gửi biếu họ. Bé Ngoan đã viết thư cám ơn tôi và nói:
-Con đã bỏ quê lên Bình Dương làm việc. Khi nào rảnh chú ghé qua thăm cơn. Khi con gặp chú thì con đang học nghề thợ may để tính mở tiệm ở quê nhà. Nhưng con không có vốn để mở tiệm nên phải lên đây kiếm việc chú à.
         Tôi nhớ gương mặt vô tư trong sáng của bé Ngoan nên nhủ lòng, có dịp ghé qua thăm. Vài tháng sau tôi có dịp nghé qua Bình Dương tìm vào nhà trọ của Ngoan. Cô bé không còn vẻ mặt vô tư nữa, rầu rầu bảo tôi:
-Đây là con cháu.
      Cô em ở cùng pha nước mời tôi. Tôi nhìn quanh quất, không thấy có bàn tay đàn ông. Tôi cho cháu bé vài triệu mua sữa rồi đi.
        Mấy tháng sau tôi lại nhận được thư của Ngoan, cô nói rằng cô đã lên Sài Gòn để làm việc. Công việc của cô vất vả quá, cô muốn đổi qua việc khác nhưng chủ không cho nghỉ vì cô đã tạm ứng tiền lương để gửi về quê cho cha mẹ. Tôi đến chỗ Ngoan, trả cho chủ của Ngoan số tiền nợ. Sau đấy Ngoan viết thư cho tôi nói cô đang giúp việc cho hàng cơm, công việc không vất vả. Tôi cũng mừng cho Ngoan.
      Lần thứ ba, mới đây thôi Ngoan viết thư nói, cô muốn mua lại hàng cơm nhưng còn thiếu nhiều tiền chưa lo nổi. Cô bé trần tình:
-Chú, con có đang lạm dụng lòng tốt của chú không? Nhưng con rất muốn có tiệm cơm này để chị em con có thu nhập ổn định, để nuôi được thân và gửi chút đỉnh về cho cha mẹ. Chú đã rất tốt với con. Con mà nên cơ đồ con sẽ gửi lại vốn chú đã giúp con.
   -Và..ông đã bị lừa lần nữa đúng không? Tôi cười hi hí chọc ông.
      Ông bật cười nói, với mươi triệu mà giúp người đẹp dựng nghiệp thì còn gì bằng. Vui í mà. Rồi ông dí dỏm đọc cho tôi nghe mấy câu thơ ngẫu hứng mới nảy ra: “70 tuổi vẫn rong chơi. 70 năm lá vàng rơi lúc nào. 70 đời vẫn xôn xao. 70 lòng vẫn cồn cào gió mưa...”
 Nghe mà thấy ngộ, tôi hỏi độp ông:
 -A thì ra vậy. Ông có thuộc hàng dại gái không nhỉ?
-Cái anh nhà thơ, nhà văn nào mà chẳng dại...Rồi ông cười tự diễu mình.
       Tôi cười khoái chí vì sự thành thực của ông. Nhưng bất ngờ ông còn nhấn mạnh thêm lời phật đã dậy rằng, món nợ lớn nhất của đời người là nợ tình cảm. Và tôi chợt hiểu vì sao, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông vẫn tự xếp mình vào loại “vẫn cồn cào gió mưa”...Ông quả là một thi sĩ luôn trĩu nặng tình đời.

       Không hiểu sao bất ngờ lúc này tôi chợt nhớ bài thơ của ông viết cho người vợ trước cho dù đã từng cay đắng chia tay: “Nửa đêm mơ thấy em về. Giật mình phương Bắc bốn bề tuyết rơi. Giận bao giờ nữa mới thôi. Hèn chi sấm vẫn rền trời phương Nam”. Nhà thơ Vương Tâm là vậy. Ông luôn nhớ đến và vẫn mắc nợ với những gì đã trải qua cuộc đời mình. 

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Vương Tâm- Ca sĩ Chế Linh với những chuyện khó tin

           Ca sĩ Chế Linh với những chuyện khó tin
         Vương Tâm
        Trong chuyến về nước biểu diễn xuyên Việt năm ngoái, ca sĩ Chế Linh (dân tộc Chăm, sinh năm 1942 ở Ninh Thuận) luôn luôn có sức hút kỳ lạ. Mặc dù nay đã đến tuổi 74, anh hát liên tục mươi bài mà vẫn mùi mẫn. Âm sắc có chút khê khàn, nhưng lại thêm độ nồng nàn như một thuở trẻ trai. Mái tóc anh đã bạc thêm với thời gian, những nếp nhăn vắt lên vầng trán. Mới đó mà đã 36 năm tha hương…
1-Những kỳ án mười năm khởi nghiệp
       Giọng hát Chế Linh quả là thiên phú có sức ám ảnh làm mê hoặc lòng người. Xem ra phần kỹ thuật thanh nhạc không phô trương ồn ào, nhưng âm sắc ma mỵ hợp với những giai điệu nặng trĩu u hoài đã làm nên một phong cách Chế Linh, mở đầu cho một hình loại nhạc “Sến” an ủi phận đời. Vào những năm đầu thập niên 60, ca sĩ Chế Linh nổi lên như một ngôi sao mới lạ, với những luyến láy làm mê mẩn lòng người. Anh sớm cho ra đời Album đầu tiên vào năm 1964, khi mới 22 tuổi, sau 5 năm bươn trải nhọc nhằn và nỗ lực rèn luyện ca hát và âm nhạc. Đó là đĩa nhạc “Vùng biển Trời và màu áo em”. Đặc biệt trong đó có những ca khúc anh sáng tác như “Đêm buồn tỉnh lẻ”, “Bài ca kỷ niệm”… để chia sẻ với những nỗi đời tủi phận. Ca sĩ Chế Linh nổi lên như một hiện tượng, giọng hát vàng ngày đó.
       Nhưng cũng từ đây duyên phận của anh lại lắm điều tiếng và không ít nghi vấn trong làng nghệ sĩ. Lấy vợ năm 21 tuổi, anh có liền 5 con sau bốn năm chung sống. Nhưng vì mâu thuẫn phải chia tay nhau thì anh lại kết hôn với chính em gái của vợ trước. Chuyện tình chị duyên em cũng không hẳn là tình cờ ở trường hợp này. Nhưng thực ra duyên em đã nảy sinh từ trước nên cả hai mới thành hôn nhanh như vậy. Thật khó bày tỏ cho mọi người thông cảm. Ca sĩ Chế Linh vẫn đi hát và không cần giải thích với ai. Đột nhiên ba năm sau thiên hạ lại một phen đồn thổi ồn ào bởi Chế Linh lại bỏ cô vợ thứ hai này, khi đã có ba mặt con. Sự cố bỏ vợ hai không có lý do thật rõ ràng, thì bất ngờ Chế Linh ngả sang đối tượng khác.
        Đó là Thúy Hằng, một cô gái trẻ ngưỡng mộ giọng hát anh, mới 17 tuổi. Cuộc tình mỗi ngày một nồng thắm. Hai người tính đến chuyện hôn nhân. Nhưng không ngờ gia đình Thúy Hằng phản đối kịch liệt. Đã ba lần Chế Linh chỉnh tề chính thức ăn hỏi mà không được. Tình càng bền chặt khó cưỡng. Có lẽ không còn cách nào khác, Chế Linh tính chuyện “bắt cóc” con gái người ta mới xong. Làm mọi chuyện đã rồi sẽ đành phải cho cưới. Nghĩ là làm, Chế Linh cùng với một người bà con họ hàng tìm cách dụ Thúy Hằng bỏ nhà, trốn theo mình. Kế hoạch “bắt cóc” ngỡ đã thành công, nhưng gia đình Thúy Hằng lập tức báo cảnh sát về tội bắt con gái họ đang ở tuổi vị thành niên (17 tuổi). Tưởng như ngôi sao nhạc vàng sẽ phải ngồi nhà đá một phen, nhưng rồi mọi chuyện được thu xếp đâu vào đấy. Không những thoát tội mà Chế Linh còn được chính thức làm đám cưới với Thúy Hằng. Dư luân ngày đó rầm rộ đưa tin và đẩy câu chuyện Chế Linh “bắt cóc” trẻ vị thành niên hết sức ly kỳ. Khi hai người làm lễ thành hôn mới được coi như xóa tan mọi nghi hoặc về một vụ án hình sự ngày đó.
       Sự đời thật oái oăm, lại một scandal Chế Linh nữa nổi cộm làm dư luận thiên hạ và truyền thông thổi bùng lên. Đó là chuyện cô vợ ba của Chế Linh bất ngờ tự tử tại một khách sạn, mà không rõ lý do. Sau ba năm chúng sống hai người đã có hai mặt con với nhau. Vậy vì sao cô vợ này tự vẫn!?. Mọi đồn đoán, mọi nghi vấn treo trên đầu ngôi sao ca nhạc này. Ngay đến khi cảnh sát khám nghiệm và có cả di thư của Thúy Hằng để lại nói về cái chết vì bệnh tật của mình, để minh chứng cho Chế Linh vô can, nhưng đâu dễ trấn an được dư luận. Phải nói sự chịu đựng của Chế Linh cũng rất mạnh mẽ. Một mình mình biết, cam chịu sự đau khổ và cay đắng, khi mất đi người thân yêu. Chính vì thế giọng hát Chế Linh trong thời gian này càng ảm đạm và nặng trĩu tâm tư. Tâm hồn người nghệ sĩ u buồn với sự mất mát không thể nào quên. Anh liên tục ra đĩa và đoạt giải nhất “Kim Khánh” trong cuộc thi đơn ca vào năm 1972. Nhưng kèm theo đó là nỗi đau được ca sĩ bảy tỏ trong bài ca mà ai cũng biết Chế Linh đã khóc vợ bằng âm nhạc. Những lời ca thống thiết, buồn thảm: “Em đi rồi đường em đi quá xa. Tôi đâu ngờ tình ta sẽ phôi pha. Lòng người như mây chiều thôi xa vời…” (Người về trong chiêm bao). Không ít lần, anh vừa hát vừa rơi nước mắt, khóc thương người vợ quá cố. 
       Vậy mà chỉ ba năm sau, Chế Linh lại thêm một lần mắc vào lưới nhân duyên, khi nảy sinh mối tình sét đánh, với một cô gái xinh đẹp hàng xóm, tên là Vương Nga (18 tuổi). Chế Linh không ngờ dung nhan của nàng có nhiều nét giống Thúy Hằng, cô vợ thứ ba, thế là say sóng. Tất nhiên Vương Nga thuận tình bởi nàng cũng là một “fan” hâm mộ chàng ca sĩ này. Thêm một chuyện “Hẹn hò” say đắm bất tận. Mấy tháng sau, Chế Linh cho người mai mối và xin cưới, nhưng đã bị cha mẹ Vương Nga từ chối thẳng thừng. Ắt hẳn là ai cũng sợ cái lý lịch tình ái quá rắc rối của Chế Linh. Ai dè Chế Linh lại tiếp tục chơi trò “bắt cóc” Vương Nga. Nói là vậy nhưng chính là chàng đã dụ nàng khăn gói đi theo mình. Vụ án “bắt cóc” lại ầm ĩ giới truyền thông. Ai cũng nghĩ Chế Linh là người dân tộc Chăm, nên hay có những cách tỏ tình kiểu rất “dị” như vậy. Sau ba tháng chơi trò “cút bắt” Chế Linh đã thành công. Gia đình Vương Nga đành phải chấp nhận quy luật “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”. Cuối năm 1975 họ cưới nhau. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn ca sĩ người Chăm này là sự chân thành, nồng thắm. Anh bày tỏ về tình yêu của mình với Vương Nga khi sáng tác ca khúc “Xin yêu tôi bằng cả tình người”. Anh viết riêng cho người vợ thứ tư, rằng: “Tình yêu ơi đến nữa mà chi. Tình yêu ơi đến nữa làm gì.Tôi sợ rồi một ngày nào đó. Tình đến rồi tình vụt bay đi”. Nghĩa là anh cầu mong cho Vương Nga đừng bỏ dở cuộc tình giữa chừng như người đẹp Thúy Hằng. Chớ để kiếp nạn bơ vơ khổ đau xảy ra một lần nữa. Quả nhiên, lời cầu nguyện ấy đã thành hiện thực, khi người vợ thứ tư đã sống với anh cho đến nay đã được hơn 40 năm, và đã có ba mặt con với nhau.
2-Những cái nhất trong làng ca nhạc
        Vậy là tính đến nay ca sĩ Chế Linh đã định cư ở Canada được 36 năm với người vợ thứ tư. Một cuộc đồng hành trên con đường tha hương của hai người thực gắn bó chặt chẽ và hạnh phúc. Trước đó, không ít người đặt dấu hỏi về chuyện tình thứ tư của Chế Linh được bao lâu sẽ chấm dứt. Nhưng con người đào hoa miên man này đã có một dây cương phong tỏa, trở nên trầm tĩnh, tập trung vào ca hát. Càng ngày khán giả càng thấy Chế Linh truyền cảm và day dứt hơn trong âm sắc u buồn. Độ nồng nàn trong men say tình ái càng đê mê hơn khi hát về những nỗi cô đơn, buồn tủi. Vẫn một hình ảnh mơ mộng và trĩu nặng với sự ly tan trong giọng hát. Anh luôn luôn là số một trong lòng khán giả ở hải ngoại hay trong nước, mặc dù cùng thế hệ với anh đã có các sĩ nổi tiếng như Duy Khánh, Nhật Trường, hay Hùng Cường. Hoặc kể cả lớp sau cũng có những nam ca sĩ hát cùng dòng nhạc với anh, rất nổi tiếng như Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh…
       Quả thế, hiện ca sĩ Chế Linh được người đời phong danh hiệu nhiều kỷ lục nhất trong làng ca nhạc. Nhiều vợ nhất (4 vợ), đông con nhất (14 con); Nhiều con trai theo nghề ca hát nhất (7 người con). Và đặc biệt anh còn là người tự viết ca khúc cho mình hát với con số kỷ lục trên 100 tình khúc. Cũng là nhiều nhất trong số các ca sĩ tự viết bài hát như Nhật Trường, Duy Khánh, hoặc Từ Công Phụng…Kèm theo đó số lượng Album của Chế Linh cũng được phát hành với số lượng vào hàng đầu với hơn một ngàn bài hát được thu âm trong suốt nửa thế kỷ qua, tính từ Album đầu tiên năm 1964.
      Nhưng có lẽ ai cũng thán phục anh khi đi biểu diễn, không bao giờ anh chịu hát “nhép”, cho dù có những chương trình quan trọng nhằm biểu diễn ghi băng hình, hoặc phục vụ đại lễ. Yêu cầu đầu tiên của anh là giữ lấy cái hồn cốt của cảm xúc trong con tim. Những bản thu sẵn có thể sạch sẽ tròn vành rõ chữ, người ca sĩ chỉ việc “đớp” khẩu hình theo, nhưng anh không chịu và luôn luôn cầm mix hát với cảm xúc nồng nàn nhất. Có những đêm anh hát trực tiếp hàng chục bài, không hề suy chuyển âm sắc. Để giữ gìn được giọng hát như vậy quả là một quá trình khổ luyện trường kỳ. Theo như vợ anh, chị Vương Anh cho biết, Chế Linh tập thể dục đều đặn và chăm chỉ luyện thanh hai tiếng mỗi ngày. Kể cả những ngày rét mướt đầy băng tuyết ở Canada. Anh kiên quyết từ chối những thói quen sinh hoạt, ăn uống khi có ảnh hường không tốt tới giọng hát. Đó cũng là một bản lĩnh và có trách nhiệm với khán giả của một ca sĩ.
3-Giọt nước mắt của tuổi 70
       Anh thường tâm sự khi nói về sự tồn tại của mình chính là khán giả ban cho. Vậy nên tấm thân này, giọng hát này đã thuộc về người nghe, cần phải chăm chút giữ gìn nó như một báu vật của đời mình. Lần đầu tiên được phép trở về nước biểu diễn năm 2011, Chế Linh đã lặng người đi và ứa nước mắt đứng trước hàng ngàn khán giả. Một cảm xúc bất ngờ vì được khán giả yêu mến. Lời ca đầu tiên bất ngờ thảng thốt, tê tái trong giai điệu “Ai cho tôi tình yêu”. Đó được coi là đêm biểu diễn hay nhất của Chế Linh sau hơn 30 năm xa xứ. Sau đó là chuyến biểu diễn “Xuyên Việt” năm 2015, với các tỉnh miền Bắc, càng cho thấy Chế Linh đúng là giọng hát thuộc về người nghe của mọi tầng lớp dân chúng, chứ không chỉ còn “Sến” với một số khán giả bình dân như người ta thường quan niệm.
        Đặc biệt, trong chuyến biểu diễn “Xuyên Việt” mới đây (3-2016), dường như có một Chế Linh khác biệt hẳn, tươi tắn, nồng nàn và hạnh phúc. Một chuyến du ca tới những thành phố và địa phương ở miền Nam. Đêm nào và ở đâu cũng chật kín khán giả. Nhiều lần, Chế Linh đã bước xuống dưới hàng ghế khán giả, vừa hát vừa bắt tay mọi người, tỏ lòng biết ơn họ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống vì được người nghe yêu thương. Nhiều lần Chế Linh cố ghìm nỗi xúc động lặn sâu cùng lời ca, nhưng giọng anh vẫn nghẹn đi bất chợt trong những nốt trầm xao xuyến. Khán giả vỗ tay cổ vũ. Chính lúc đó, những giọt nước mắt trào ra lăn theo những vết rạn thời gian, trên gò má người ca sĩ. 


Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Nhà thơ Vương Tâm:
“Trái tim lặng đau giấu một vết thương”

Trần Hoàng Thiên Kim

Nhiệt tình với bè bạn, đam mê với nghề nghiệp, luôn có mặt trên mọi nẻo đường của đất nước để sáng tác thơ ca, viết văn, viết báo. Dễ hiểu vì sao, Vương Tâm là một trong những nhà thơ có sách in đều đặn, những tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, bút ký với những chân dung “kỳ nhân dị thảo” ra đời hàng năm đã một lần nữa khẳng định, dù đã xấp xỉ cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng tâm hồn, trái tim yêu nghề, yêu đời, yêu người của ông vẫn luôn tươi trẻ và đầy đam mê dù trong chặng hành trình với nghề ấy, đã có không ít lần ông gặp nhiều trắc trở.

Nhà thơ Vương Tâm, ban đầu vốn không liên quan gì đến văn thơ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhiều năm liền sau khi ra trường ông làm việc ở Tổng cục khí tượng Thủy Văn. Cuộc sống của một người làm khí tượng thủy văn, giống như cuộc sống của người thanh niên làm công tác khí tượng và vật lý địa cầu trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long, đã mang lại cho nhà thơ Vương tâm một tâm hồn thơ đầy ắp. Ông viết văn, làm thơ như chính định mệnh đã sinh ra mình.
Nhà thơ Vương Tâm chia sẻ: Thực ra thì từ thuở học sinh, tôi đã mê văn học, đã đọc nhiều sáng tác văn học Nga. Khi đang học cấp II tôi đã có thơ in trên báo Thiếu niên tiền phong. Năm 1958, tôi cùng gia đình chuyển từ Hà Tây (cũ) ra Hà Nội sống. Tôi còn viết cả kịch bản cho đội kịch thiếu nhi địa phương dàn dựng biểu diễn để dự Hội diễn toàn thành phố. Năm 1966 tôi đã có những bài thơ đầu tay in trên báo Hà Nội mới. Những tưởng sẽ thi vào một trường liên quan đến văn chương, nhưng tôi lại học Bách Khoa và làm công tác khí tượng. Nhưng chính thời gian này, tôi đã sáng tác thơ và truyện ngắn theo đề tài ngành nghề và một số nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1974, tôi được đi học lớp sáng tác do Hội Nhà văn mở (khóa 7). Sau khi kết thúc khóa học, trở về cơ quan cũ một thời gian, tôi chuyển sang báo Hà Nội mới và làm việc ở đây cho đến ngày nghỉ hưu”.
Nếu nói rằng, văn chương là trời cho, thì nhà thơ Vương Tâm có được cái lộc trời ấy để mà theo đuổi nó đến tận bây giờ. Ông là người hiền lành, dễ tính, nhưng lại luôn quyết liệt theo đuổi đam mê của mình. Chưa bao giờ thấy ông “bó tay” trước bất cứ một đề tài nào, dù đó là về những sáng tác của riêng ông, hay đó là những bài báo nhỏ. Ông viết đủ các thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, thơ ca, ký chân dung, giới thiệu tập sách. Dường như mọi thứ đến với ông đều dễ dàng và nhẹ bẫng. Cần bài gì, hỏi đến ông, hôm sau sẽ có bài đáp ứng. Chính vì vậy, cho dù là thời còn tuổi trẻ, hay cho đến nay, trên đầu đã hai thứ tóc, nhà thơ Vương Tâm vẫn luôn có bạn đồng hành là rất nhiều người trẻ tuổi. Có cháu là sinh viên mới ra trường nhưng cũng có những người bạn là đã làm những vị trí cao trong một số tòa soạn báo, khi nhắc đến nhà thơ Vương Tâm đều nói về ông với một vẻ trìu mến đầy trân trọng. Có một thời, khi họ còn là những sinh viên mới ra trường thì nhà thơ Vương Tâm nguyên trưởng ban báo Hà Nội mới Cuối Tuần, đã luôn nâng đỡ cho họ từ những bài báo đầu tiên để kiếm tiền nhuận bút sống và viết. Vậy mà trong mấy chục năm qua ấy, dù đã được nhà nước cho nghỉ hưu, thì nhà thơ Vương Tâm vẫn luôn trên những chặng hành trình tìm tư liệu cho mình để viết báo, viết văn. Dường như đối với ông không bao giờ có cụm từ “nghỉ ngơi”, dù tiền bạc, danh vọng đối với anh chỉ là điều đã nằm trong dĩ vãng.
Nhiều người bảo rằng, ông không ngừng đi, ngừng viết là vì... cái đẹp? Nhà thơ Vương Tâm cười thật lòng  “Ai mà không mê cái đẹp!”. Cái đẹp đối với ông, có thể là một người đẹp cụ thể, có thể là một cái đẹp của vùng miền, của nền văn hóa, cũng có thể từ một vật tưởng vô tri vô giác như chiếc ấm, bộ li trà... cũng khiến ông mê mẩn. Bởi mê đắm cái đẹp ấy, nên đi đến đâu, ông cũng tìm về cho mình những đồ vật kỷ niệm cho căn nhà ấm áp. Nếu ai đã từng ghé qua căn nhà bé nhỏ của nhà thơ Vương Tâm, sẽ thấy hàng trăm bộ ấm chén đủ các hình hài, màu sắc, chủng loại được ông sưu tầm trong mấy chục năm qua, như ghi lại dấu ấn cả một chặng đường sống của nhà thơ hay rong ruổi.
Nhưng đối với tôi, điều đặc biệt nhất của nhà thơ Vương Tâm, đó chính là sự “trả giá” đầy... đau đớn với nghề nghiệp của mình. Sự “đau đớn” này là ba cuộc tai nạn... suýt chết trong những chuyến ông đi thực tế bằng xe máy đến những tỉnh ngoại thành Hà Nội để viết bài. Cú ngã đầu tiên gãy ba xương sườn. Đó là cú ngã ngay trước khi anh đi dự trại viết tiểu thuyết, do nhà xuất bản Công An tổ chức ở Đồ Sơn, cách đây 8 năm. Ông kể: tôi vừa đi gặp cô gái nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Máu đất” của mình về, bất ngờ một thanh niên phóng xe nhanh tới, không kịp phanh lại nữa, húc luôn vào xe nhà thơ. Thế là tôi bị hất văng ra và đổ lưng từ trên cao xuống đường, đánh hự một cái rất mạnh. Khi mọi người kéo được tôi vào lề đường, rồi nhờ người đưa đi khám, mới hay bị gãy ba xương sườn. Cú ngã thứ hai gãy xương đòn gánh trong chuyến đi viết bài báo về bản người đẹp ở xã Văn Luông huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Ông nghe nói đây là một xã Mường có nhiều người đẹp nổi tiếng và đến bất cứ ngõ xóm nào đều gặp người xinh. Xưa, còn có cả quan binh người Tầu sang tìm vợ ở nơi này. Lại còn có chuyện, gần đây không ít đại gia tìm đến để chọn vợ, bởi nơi đây toàn nhan sắc trời cho. Thế là nhà thơ Vương Tâm tìm đường mò lên. Ông phi xe máy đến tận nơi chừng hơn 100 km, tìm đường vào bản. Thật may, ông đã gặp hai bà vợ của nhà văn Sao Mai, đang sinh sống ở đây. Hai người chỉ dẫn nhà thơ vào những xóm toàn người đẹp. Sau đó, con trai nhà văn Sao Mai cũng đưa đến trường phổ thông Trung học để chụp ảnh và lấy tài liệu về những nhan sắc vùng sơn cước. Ông hối hả làm việc, trời bất chợt đổ mưa, nhưng vẫn phóng xe máy đi khắp làng tìm thêm những chân dung trẻ đẹp. Trời đã về chiều cơn mưa vẫn chưa ngớt. Khi ông đi lên đường cái thì chợt nhìn thấy một cô gái có gương mặt rất xinh xắn với gò mũi cao và đôi mắt to tròn đi xe đạp ngược chiều về bản. Thế là nhà thơ Vương Tâm bất chợt quay ngoắt xe lại và xin chụp ảnh. Ông kể lúc đó mới thấy yên tâm vì chụp được đúng người đẹp nhất bản và rưng rưng trong lòng và phấn khởi đi về trong cơn mưa miên man suốt dọc đường. Trời mưa khá to, nhưng tính giờ chỉ khoảng 20 giờ là về tới nhà nên nhà thơ Vương Tâm cứ phóng xe máy đi dọc con đường 32, vượt qua cầu Trung Hà, qua Sơn Tây, rồi cầu Phùng. Trên đường gương mặt của cô gái Mường cứ hiện lên trong bóng mưa... Nhưng thật rủi thay, đột nhiên một ô tô rượt tới, đuôi xe hích mạnh vào xe máy của nhà thơ. Một tác động lực nhanh, mạnh làm ông bay lên cao như một người làm xiếc vậy. Người lộn nhào rơi xuống tự do làm cái đánh rắc, thế là bị gãy xương đòn gánh bên trái. Tai nạn xảy ra tại cây số 19 trên đường 32. Cú ngã thứ 3 trẹo khớp gối, cẳng chân lủng lẳng quay tròn. Sau khi đi lên Kim Bôi (Hòa Bình) làm việc với một đội cồng chiêng Mường, vừa qua Chúc Sơn được vài cây số, thì bất chợt có bóng người băng qua đường. Định thần, nhà thơ nhận ra đó là một cô gái có bím tóc dài. Cô ta mở to mắt nhìn ông già là nhà thơ Vương Tâm, rồi nhoẻn cười tỏ ý muốn sang đường. Sững người vì nụ cười tươi trẻ, nhà thơ bèn phanh gấp xe máy, nhưng vẫn ngoái nhìn theo cô gái ấy băng qua. Chiếc xe bị rít phanh lật nghiêng, làm chân trái nhà thơ bị bẻ ngoặt đánh khục, xương bảnh chè bật ra khỏi khớp gối. Cẳng chân chỉ còn gân dính lại nên lủng lẳng là vì thế. Điều “khốn khổ” nhất, theo như ông nói, chính cái đêm bị nẹp cứng chân ấy ở một trạm y tế ở Hòa Bình, nhà thơ vẫn chỉ nhớ đến nụ cười của cô gái ấy mà quên cả đau. Rồi ông đọc mấy câu thơ thú vị: “Gặp em. Anh liều như một chàng phi công. Khi gặp nạn. Nhẩy bật ra không trung. Mà...quên bấm dây dù”. Chưa hết, cũng đêm ấy nhà thơ đã gò lưng trên máy tính viết nháp xong bài báo “Người mơ mộng cuối cùng ở Kim Bôi”, kể chuyện về người nghệ nhân bán hết gia sản, trọn đời sưu tầm bộ cồng chiêng cổ, giữ lại vốn văn hóa cho quê hương.
Nhà thơ Vương Tâm có lần tự ví mình là ngựa hoang hay là kẻ giang hồ vặt. Bởi trong ông chứa đựng nhiều cảm hứng “đi”, những chuyến đi không hẹn trước và ông, dù trên đầu đã hai thứ tóc, nhưng nhiều lúc như một kẻ dồ dại ngẫu hứng trong cơn đam mê cuối đời. Chính vì thế những bài viết của ông đều thấm đẫm chất du ký và dồi dào chi tiết bất ngờ. Nhà thơ Võ Văn Trực có lần nhận xét, qua những bài báo của Vương Tâm, người đọc ngỡ như đang đi cùng với ông và tiếp nhận được nhiều điều trong chuyến đi ấy. Cảm xúc cùng nhà thơ và thổn thức với những phận đời mà ông chia sẻ. Sự nỗ lực của ông đã được nhận Giải Nhất cuộc thi phóng sự, bút ký (11-2010), do báo Người Hà Nội trao, nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, qua chùm ba bài: “Mộng Hoa Ban trên đường Bắc Sơn”; “Xác nhà hay hồn phố” và “Ga Hàng Cỏ trăm năm thương nhớ”.
Nhiều đam mê, nhiều công việc và lúc nào cũng mê mải với những câu chuyện văn chương báo chí, những câu chuyện cuộc đời, nhưng tôi biết, nhà thơ Vương Tâm có một hồn thơ trĩu nặng với nhiều nỗi lòng trắc ẩn, cô đơn. Ông có một cuộc đời nhiều sóng gió trong hôn nhân, có những tình yêu không đến bến bờ hạnh phúc, có những cái đẹp đeo đuổi mãi cứ xa rời tầm tay. Và những lúc ấy, ông lại níu vào trang thơ, trang văn để có thể bình thản đi tiếp trong cuộc đời. Ông đã từng đoạt giải A cuộc thi thơ tình, do báo Văn Nghệ tổ chức (2006-2007). Thơ của ông, chính vì thế có nhiều bài hồn nhiên, nhưng có nhiều bài thẫm đẫm một nỗi buồn vô định. Và tôi thích nỗi buồn ấy của riêng ông, lẫn trong rất nhiều trò vui của cuộc đời mà ông đã trang bị cho mình: “Sẽ có một ngày tự dưng tôi ngã/ Như kẻ lang thang cô lẻ bên đường/ Rồi gượng dậy giữa dòng người hối hả/ Trái tim nghẹn đau giấu một vết thương



BOX
NHÀ THƠ VƯƠNG TÂM
             Tuổi Bính Tuất
             Quê: Hương Ngải Thạch Thất Hà Nội
             Hội viên   Hội Nhà Văn VN và HN
             Hội  viên  Hội Nhà Báo VN và HN
             Hội viên  Hội Văn nghệ Dân gian VN
 Tác phẩm đã xuất bản:
           Gồm 40 đầu sách truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ trữ tình
  Giải thưởng văn học:
  1. Giải thơ 5 năm đầu tiên của HLHVHNT Hà Nội ( 1980-1985)
  2. Giải bút ký Báo Văn Nghệ và Bộ Nông Nghiệp VN 1987
  3.Giải nhì truyện ngắn cuộc thi báo Người Hà Nội năm - 2006
       4.Giải A cuộc thi thơ Tình báo Văn Nghệ năm(2006- 2007)
       5.Giải  ba truyện ngắn 1200 từ  báo Tuổi Trẻ năm 2008
       6.Giải nhất cuộc thi phóng sự, bút ký báo Người Hà Nội 2010
         

 


























Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Có thể


Vương Tâm
CÓ THỂ  


Ngày mai
Tôi gặp người con gái khác
Có đôi mắt to
Đượm nắng đường tơ
Có thể
Nhưng hồn tôi không hề xao xác
Vì vẫn còn vương ánh mắt
Đượm những giọt lệ xưa

Có thể
Tôi được trao một nụ cười
Như hoa đỏ chót
Thắm tươi trong nắng ban mai
Lại bỗng nhớ em
Nụ cười mím khoé môi
Thảng thốt
Cùng nỗi nhớ thiết tha

Và có khi
Mái tóc dài nào óng ả
Quàng vai tôi
Có thể như làn gió tình lơi lả
Bất ngờ
Thì làn hương em
Ngạt ngào bừng dậy
Bao ký ức buồn vui

Có thể tôi
Sẽ ngã
Bởi những lời dịu ngọt lạ lùng
Nhưng trái tim tôi
Chỉ hoà nhịp con tim em rét buốt
Trong muộn sầu
Lặng lẽ chia xa


Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Lên động tình yêu


                                         Lên động tình yêu
Vương Tâm

        Trên dãy núi Sài Sơn, còn gọi là núi Thầy ở huyện Quốc Oai, Hà Nội có những cái hang thật kỳ thú; thâm trầm như hang Bụt mọc, cuồn cuộn mây bay luồn qua hang Gió, hay âm u vô định lối vào hang Bò. Nhưng có lẽ nhiều nam thanh, nữ tú lên đây đều bị thu hút như ma ám, nếu không tìm đường lên hang Cắc Cớ. Bởi đó còn là nơi tình duyên kết nối và những sóng mắt trao nhau hẹn hò trong ngày trẩy hội…
1-Kỳ bí hang động dưới lòng đất
        Những ai đã từng đến chùa Thầy cũng đều biết đến câu ca dao: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Người đời còn coi nó như một hang động tình yêu. Niềm hy vọng hạnh phúc lứa đôi, mong trời đất phù hộ cho những chàng trai, cô gái muốn tìm đến cầu xin tại chùa Thầy. Vậy nên, sau khi lễ phật ở chùa họ thường dắt tay nhau leo lên cõi động mơ mộng với niềm tin rằng, tình yêu sẽ đến, mãi mãi đắm say. Chính vì thế, hội chùa Thầy bao giờ cũng đông, nhất là các bạn trẻ ở lứa tuổi mười bay mười lăm. Họ chen vai, sát cánh dắt tay nhau như một sợi dây hai con tim, vượt qua những hiểm trở để leo lên tận cửa hang Các Cớ thắp hương cầu nguyện cho tình yêu đến. Hang mơ mộng cũng là nó-Cắc Cớ. Những trái tim non trẻ luôn đập nhịp sống hối hả và hướng tới một tình yêu thủy chung. Vậy hang Cắc Cớ có bùa phép gì mà mang lại niềm hy vọng cho những lứa đôi…?
       Đó là một câu hỏi bao đời nay gợi sự tò mò cho mọi người đến dự hội. Bởi những câu chuyện trong hang Cắc Cớ chẳng hề có liên quan gì về tình yêu và hạnh phúc của người đời cả. Thậm chí theo truyền thuyết cửa hang là nơi dẫn người ta xuống chín tầng địa ngục, cho dù nó còn được gọi cái tên cổ là động “Thần Quang”, nơi đây có am thờ Thần quỷ kiểm soát cổng trời. Thần quỷ làm một công việc “Chọn lọc” những linh hồn, trước khi cho lên cõi niết bàn, đầu thai làm kiếp khác; hay đầy xuống âm phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu…Vả lại trong hang hiện vẫn còn hàng ngàn di vật xương cốt bị vùi lấp tự ngàn năm, ghi dấu ấn cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng giặc Hán, hết sức bi tráng của tướng quân Lữ Gia (...111TCN). Phía sau bàn thờ tướng Lữ Gia bằng đá là một cái bể sâu, được xây gắn vào vách núi chính là bể hài cốt, trên thành bể còn ghi “Bể hận ngàn năm mãi khắc ghi”. Mà từ cửa hang xuống tới bể hài cốt chỉ có con đường độc đạo dựng đứng theo những bậc đá cũ ẩm ướt trơn trượt khó đi, sâu tới gần trăm mét, cheo leo âm u. Vậy mà người ta nói cái bể xương này mới chỉ là ở tầng đầu tiên, nơi giao hòa giữa thiên đường và địa ngục. Và cái gọi là “9 tầng địa ngục” kia còn ở sâu dưới lòng núi đi xuống không biết đâu là điểm dừng. Nơi bắt đầu đi xuống tiếp là cửa hang thứ hai nhỏ chỉ vừa một người chui sâu thăm thẳm vô phương…
       Vậy khoảng 1000 năm sau, khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến đây dựng am tu trên lưng đỉnh Sài Sơn, nay là chùa Cao -“Đỉnh Sơn Tự”, có liên quan gì đến hang Cắc Cớ?. Tương truyền kể, ban đầu thiền sư Từ Đạo Hạnh đến sinh sống và xây chùa tu luyện, trồng cây thuốc chữa bệnh, cứu người quanh vùng. Ngài còn dậy trẻ em học và chỉ dẫn làm ăn, truyền nghề đan lát và chế tác nông cụ cho dân chúng. Không những thế ngài còn là người khai mở ra nghệ thuật múa rối, giải trí và lấy đó làm công việc giáo dục đạo đức làm người và quan hệ cộng đồng giao hòa thân thiện. Có thể nói ngài là ông tổ của nghề múa rối cổ truyền ở nước ta cách đây ngàn năm. Dân chúng quanh vùng kính trong thiền sư Từ Đạo Hạnh, gọi ngài là “Thầy”. Từ đó làng Sài còn được gọi là làng Thầy và núi Sài Sơn còn gọi là núi Thầy. Vậy là câu chuyện của thiền sư không có dấu hiệu dính líu gì với hang Cắc Cớ.
2-Ám ảnh một chữ “Duyên”
        Cho đến sau này, khi thiền sư Từ Đạo Hạnh hạ sơn dựng chùa Dưới, càng thấy xa lạ với chuyện “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ”. Hơn thế, cho đến nay đường lên hang vẫn còn “thiên nhiên” lắm. Nghĩa là chưa có đường mòn trên vách núi. Nếu ai leo lên hang Cắc Cớ từ chùa Cao lên cho dù chỉ khoảng hai trăm mét, cũng phải gai người vì mạo hiểm. Họ căn theo những mái quán bán hàng để dò dẫm tìm đường quanh co dẫn lối. Nhiều người hết sức hồi hộp định hướng trên vách núi và mới thấm cái sự thở ra đằng tai như thế nào. Ngỡ như chỉ những hôm nóng bức mồ hôi mới vã ra như tắm, nhưng cả đến những ngày lạnh giá, gió hun hút từ trên núi đổ xuống thì cũng toát mồ hôi vì sợ trượt chân. Thì ra, cơ sự để tìm những cuộc tình nơi cheo leo vách núi này, không dễ dàng chút nào. Các chàng trai, cô gái dắt tay nhau tự tìm ra con đường của riêng mình, lên hang tình yêu. Gian khó mấy, hiểm trở thế nào vẫn không ngại ngần, vì đó chính là nẻo đường tìm đến mộng ước chốn mây bay, gió lộng.
        Vào lễ hội năm nay, tôi đã được nghe một giọng hát văn cất lên trên con thuyền rồng chơi vơi giữa hồ Long Chiểu (Ao Rồng) rằng: “Rủ nhau lên chốn Sài Sơn. Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?. Hỏi non, non những làm thinh. Phải rằng non đã vô tình với ai?. Nước non ví chẳng chiều đời. Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?. Yêu nhau ta dắt nhau cùng. Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.” (Thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải). Giọng hát đến mê hồn của chàng cung văn, ngỡ như anh ta hát về cõi lòng khắc khoải của mình vậy. Nhiều cô gái đứng ngẩn ngơ bên hai cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên mà xao xuyến với lời ca tình yêu. Nghe nói nhiều chí sĩ, thi nhân đã tìm đến đây, vịnh ngâm trong lễ hội và khắc trên đá những vần thơ lãng mạn về tình yêu. Vậy là từ xưa, cảnh sắc núi non hữu tình, nơi đầu rồng mắt ngọc đã là nơi hò hẹn tình nhân. Họ đã vượt qua 251 bậc đá lên lưng núi, thắp hương tưởng nhớ đến phật Từ Đạo Hạnh, rồi lại tiếp tục lên đỉnh với những bàn cờ để uống rượu bình thơ, sau đó mới lên tới cửa hang, nơi mở ra chốn thiên đường của tình yêu. Trên vách đá vẫn còn ghi những lời mộng mị với sắc cảnh hữu tình của các danh nhân như Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trực, Nguyễn Thượng Hiền, Á Nam Trần Tuấn Khải…cả Chúa Trịnh Căn cũng viết về chùa Thầy “Như viên đá ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa…”
       Nhưng có lẽ mọi sự bỗng trở nên lãng mạn, bay bổng từ cái hang Cắc Cớ này, khi nữ sĩ Hồ Xuân Hương đến đây. Trước khi xuống nơi có nguồn ánh sáng chiếu rọi bàn thờ Lữ Gia, bà đã đến thắp hương lễ Tượng Cậu, ở giữa con đường gập ghềnh ngóc ngách. Đây là bức tượng đá tự nhiên linh thiêng, chính là một bí ẩn trong hang, bấy lâu nay đã kết nối nhân duyên cho bao đôi lứa. Có thể coi đây là tượng “Thần Tình yêu”, ban phúc cho những tình nhân, và dẫn lối cho họ tới thiên đường hạnh phúc. Người đến cầu duyên, nếu là nữ thì phải lấy tay trái xoa ba vòng vào trái tim tượng, con nam thì xoa bẳng tay phải, ắt sẽ tìm được người mà mình thương yêu. Còn những người đã có người yêu hay gia đình thì dùng cả hai tay xoa vào tim tượng cầu cho hạnh phúc được mãi mãi dài lâu. Bà chúa thơ Nôm ngắm bức tượng, dùng cả hai bàn tay xoa vào tim tượng, trong lòng phơi phơi cảm xúc. Nơi cửa trời lấp lóa, những vần thơ bài “Vịnh Hang Cắc Cớ” tuôn trào bất ngờ. Bài thơ khắc ghi trong lòng người dân khắp vùng, với niềm vui về khát khao hạnh phúc, qua hình tượng độc đáo: “Trời đất sinh ra đá một chỏm. Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom. Kẽ hầm rêu mốc thơ toen hoẻn. Luồng gió thông reo vỗ phập phòm. Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm. Con đường vô ngạn tối om om. Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc. Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm”. Quả là chỉ có nữ sĩ Hồ Xuân Hương mới có hình tượng thơ kỳ ngộ đến như vậy. Bài thơ đã gây xôn xao dự luận trên văn đàn và trong công chúng. Cũng từ đó “trai chưa vợ nhớ đến chùa Thầy” nhiều hơn và ai cũng phải xuống hang Cắc Cớ xoa vào tim Tượng Cậu, rồi xuống tới cánh cửa trời chiếu rọi để mơ mộng với thần tình ái của mình. 
3-Những chùm hoa gạo đỏ  
      Tháng ba. Mùa hoa gạo thắm tung tỏa những sợi bông bay. Ngày 7 vào lễ chính Hội chùa Thầy, nhưng từ ngày 5 người đi lễ đã đông và nô nức, với những điều hy vọng trong tương lai. Đó là tình yêu. Nhiều người đã đi cả ba ngày hội, tham gia mọi trò vui, từ chọi gà, đá cầu, xem múa rối và nghe hát chèo…Trên con hồ có sân khấu thủy đình bao giờ cũng tràn ngập lời ca tiếng hát và những chú tễu làm trò. Riêng tốp ca nữ yếm thắm má đào bằng con rối  đung đưa trên mặt hồ, cất lên những lời tình yêu bao giờ cũng làm say đắm lòng người. Đó là những thiếu nữ làng Thầy, ở tuổi trăng tròn đứng nấp sau cánh mành tre, cất tiếng hát bảy tỏ lòng mình.
         Tháng ba. Hoa gạo đỏ thắm như những bông lửa trên bầu trời xanh. Bất ngờ những lọn bông bay vút lên trên núi Thầy như rủ rê, mời chào những chàng trai cô gái lên với tượng tình yêu, nơi cửa hang Cắc Cớ. Những lời hát lâng lâng trên ngọn cây hoa gạo, lung linh kỳ ảo: “Em ngẩn ngơ ngắm hoa đỏ phiêu diêu. Gió lả lơi, nắng ngọt mềm đến lạ. Men ái tình bỗng nhen lên má. Chạnh nỗi niềm trong khắc khoải đầy vơi…”(Lời thơ Trần Thanh Xuân-Hà Nội). Mùa xuân trẩy hội chùa Thầy. Những bạn trẻ dắt tay nhau chênh vênh trên vách núi tìm đến hang Cắc Cớ. Dưới chân núi dòng người vẫn nô nức vào chùa. Giọng chèo trên con thuyền rồng ngân lên mênh mang, nỗi niềm khao khát, trong cung điệu xuân tình…


Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Vương Tâm- Về Gò Bồi "Nhớ quê Nam" của Xuân Diệu




         Về Gò Bồi “Nhớ quê Nam” của Xuân Diệu
  
 Vương Tâm




        Vừa qua kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố thi sĩ Xuân Diệu (18-12-1985/18-12-2015), tôi có may mắn đến Quy Nhơn, và được nhà thơ Trần Thị Huyền Trang (Hội Văn nghệ Bình Định) đưa đến vạn Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, nơi Xuân Diệu chào đời. Sau này chính nhà thơ Xuân Diệu đã nhận định, Gò Bồi là “cái nôi đầu tiên của văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất: Quê má đẻ ra mình”...
1-Ngôi nhà bên sông
        Gò Bồi hình thành một thị trấn từ năm 1610, là phố buôn bán của người Hoa trên bờ sông Kôn. Đoạn sông chảy qua vạn Gò Bồi khá dài, men theo xã Phước Hòa thông ra đầm Thị Nại, rồi thoát ra biển. Có thời tầu thuyền các nước còn vào tận nơi lấy hàng. Gò Bồi trở thành bến cảng “Nước mặn” tấp nập, người người khắp nơi đổ về làm ăn. Do hàng thế kỷ trôi qua, phù sa dồn tụ làm lòng sông dâng lên, các tàu lớn không thể vào, nên trấn Gò Bồi chỉ còn lại những ký ức cùng mái ngói rêu phong và dấu vết thời gian mà người dân nơi đây khó thể quên. Một người ở đây ghi dấu lại những vần thơ nói về quê mình: “Gò Bồi tiếp biển một dòng sông. Tôm cá tươi màu thuận gió đông. Cá thu sắp dãy người chen chúc. Xuôi ngược thuyền ghe nước mấy dòng” (Gò Bồi quê mẹ). Chúng tôi vượt qua con cầu khá đẹp trên con sông Gò Bồi, rẽ qua phố chợ để đi tới ngôi nhà kỷ niệm Xuân Diệu. Vạn Gò Bồi vẫn sầm uất đông vui, với khu chợ Gò Bồi thu hút khách hàng từ bảy làng xã chung quanh Tuy Phước tìm về. Hàng năm cứ vào mùng hai tết, trên sông Gò Bồi cả mấy xã chung quanh còn tổ chức hội đua thuyền rồng, làm khuấy động cả một vùng Tuy Phước.
        Nhà lưu niệm- Nhà thơ Xuân Diệu” nằm ngay trên bờ sông Gò Bồi. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang chỉ ra bến sông nói, tuổi thơ Xuân Diệu (còn có cái tên gọi là cậu Bàng) gắn bó hơn 15 năm, với sông nước nơi đây. Sinh năm 1916, là con vợ lẽ nên tới năm 1927, cậu Bàng phải theo cha ra học tại Quy Nhơn và ở nội trú trong trường. Tuy vậy, thỉnh thoảng cậu Bàng vẫn về thăm mẹ, và bơi lội trên con sông quê hương. Cậu nhớ mãi giọng hò của mẹ ngày nào đã cùng cha đối đáp trên sông giữa hai phường, hai xã. Nào là, những lời oán trách tình duyên; nào là lời hô bài chòi: “Cu kêu ba tiếng chim kêu. Cho mau đến tết dựng nêu ăn chè”. Lại cho khi chính cậu Bàng còn hát bắt chước người lớn rằng: “Nhất là vợ dại trong nhà. Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đời”, cho dù chẳng hiểu gì cả. Tám năm sau, Xuân Diệu rời Quy Nhơn ra Hà Nội học, nhưng vẫn mang theo những câu hát của mẹ hay của bà trong tâm trí của mình.
       Trí nhớ của nhà thơ thật siêu việt. Trong nhiều lớp giảng về sáng tác cho chúng tôi một thời trên đất Quảng Bá, Hà Nội, ông vẫn đọc vanh vách những câu thuộc từ lời ru của mẹ: “Tiếng ai than khóc nỉ non. Phải vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”. Hay lại có câu: “Trò Ba đi học đường xa. Cơm canh ai nấu, cửa nhà ai coi”; hoặc tâm sự đắng cay chua xót của người con gái: “Anh cầm cây viết, danh dứt đường ân nghĩa. Em cầm cây kim, em thêu chữ ân tình”. Hay kể có lần ông sực nhớ về sự cô đơn buồn tủi trong cuộc đời cô gái quê rằng: “Sớm mai em xách cái thỏng ra đồng. Em bắt con cua em bỏ vô thỏng. Nó kêu cái rỏng. Nó kêu cái rảnh. Nó kêu chàng ôi! Chàng giờ an phận tốt đôi. Em đây lỡ lứa mồ côi một mình.”. Nhà thơ còn nói đó là nghe bà ngoại đọc mà thuộc.
       Chúng tôi dừng chân bên bức tượng đồng, chân dung nhà thơ Xuân Diệu, với nhiều cảm xúc thân thương và những ký ức tràn về, từ mái tóc bồng bềnh và đôi mắt thăm thẳm nỗi buồn. Đúng là mái tóc rất đặc trưng của Xuân Diệu ngày nào ở Hà Nội. Dài và lượn sóng, bồng mượt trước ngọn đèn, trên bục nói chuyện làm cánh thơ trẻ chúng tôi bị mê hoặc. Ông có nụ cười hiền lành và dễ gần. Tôi sực nhớ có lần nhà thơ nói chuyện về thơ tình ở thư viện Hà Nội vào năm 1970. Mái tóc ấy như làn mây bồng bềnh trôi dưới ngọn gió, cùng ánh sáng lung linh. Cái giọng nói đặc sệt thổ âm “Nẫu” của xứ Gò Bồi nghe quyến rũ như rót vào tai vậy. Tôi nhớ mãi câu thơ, định nghĩa tình yêu mới của ông, rất độc đáo: “Đến như tia chớp ấy thôi. Mà gieo trận bão kinh người trong anh”. Ấn tượng và mạnh mẽ chứ không còn là cái thuở “yêu là chết ở trong lòng một ít...”. Đúng là mái tóc ấy, giờ đây gặp lại ở Gò Bồi đã làm những ký ức trong tôi trỗi dậy, bồng bềnh.
2-Những nỗi niềm từ đất
       Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang còn kể đất vạn Gò Bồi này còn là nới lưu giữ nhiều kỷ niệm với những nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn thi ca nước nhà. Đầu tiên là nhà thơ Hàn Mặc Tử có thời về đây để theo thày chữa bệnh nan y. Đó là vào năm 1939, Hàn Mặc Tử về Gò Bồi, trú ngụ với mẹ để trị bệnh phong. Cũng trong thời gian này Hàn Mặc Tử còn tặng nhà thơ Xuân Diệu tập thơ của mình và còn đề tặng với những dòng lưu niệm thân tình về cuộc sống: “Tôi gửi Anh tập thơ của tôi, vì đọc thơ anh tôi thấy nỗi đau của tôi được xoa dịu nhiều lắm”. Tuy vậy khi đến Gò Bồi, nhà thơ Hàn Mặc Tử không dám xuất hiện thường mặc cảm với cuộc đời, nên trốn chui trong túp lều cuối vườn nhà. Người mẹ đã ngày đêm cơm cháo thuốc thang nuôi con, nhưng rồi bệnh tình không thuyên giảm. Thời gian sau Hàn Mặc Tử về trại phong Quy Hòa, rồi mất. Mẹ của Hàn vẫn ở lại mưu sinh và chết tại Gò Bồi. Mộ của bà hiện ở bên kia sông Gò Bồi, cô đơn lạnh lẽo như số phận buồn tủi của người con. Vậy là hiện ở Gò Bồi có hai ngôi mộ, một là nơi yên nghỉ của mẹ của nhà thơ Xuân Diệu và một là mộ của mẹ nhà thơ Hàn Mặc Tử.
       Khi đứng trước tủ sách tư liệu trong phòng lưu niệm, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nhắc đến cuốn sách mà nhà thơ Xuân Diệu viết về nhà thơ và soạn kịch nổi tiếng Đào Tấn. Chị cho biết, chính nhà viết kịch Đào Tấn cũng được sinh ra ở vạn Gò Bồi này, trước ngày chào đời của Xuân Diệu chừng 70 năm. Gia đình Đào Tấn nổi tiếng là nhà làm thuốc ở trấn Gò Bồi, nên dân chúng trọng vọng và tin yêu. Đào Tấn làm thơ nổi tiếng với nhiều bài thơ về quê hương và thế sự. Sau này ông mới viết kịch, sinh thời sự nghiệp và cuộc đời của ông có nhiều uẩn khúc và tạo nhiều dư luận trái chiều khó lý giải, trong thời gian ông đi làm quan của triều Nguyễn. Ai cũng biết nhà thơ Xuân Diệu muốn làm nhiều việc để đền đáp nơi sinh thành. Ông đã viết sách về dân ca quê hương mình, cùng với đó còn có công trình nghiên cứu lớn cuối cùng về danh nhân Đào Tấn, một đồng hương ở Tuy Phước. Ông dành nhiều năm trời để viết tham luận và viết sách về Đào Tấn để minh chứng cho một nhân tài nghệ thuật đặc biệt của đất Bình Định. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang cho biết những dòng cuối cùng của công trình nghiên cứu về Đào Tấn được Xuân Diệu hoàn thành vào ngày 7-12-1985, chỉ trước khi ông trút hơi thở cuối cùng 11 ngày (18-12-1985).
       Đúng là cả một đời nhà thơ sống và luôn mong nhớ về quê mẹ, với những sáng tác và công việc nghiên cứu văn hóa và danh nhân quê hương Gò Bồi, Bình Định. Chúng tôi ngồi bên thềm nhà lưu niệm và nhớ đến những câu thơ mà ông viết về nơi đây: “Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ. Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh. Thức những ngôi sao, thức những bóng cành. Đêm quê hương thương cái hương của đất”. Sau đó nhà thơ Trần Thị Huyền Trang bồi hồi đọc tiếp, với mầu âm đúng chất “Nẫu” mà nhà thơ Xuân Diệu thường đọc cho mọi người nghe, vẫn bài “Đêm ngủ ở Tuy Phước” rằng: “Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển lên cứ nhắc. Khi má anh sinh ra. Anh đã thở hơi nước mắm cùa vạn Gò Bồi...”. Tôi thấy rưng rưng nỗi niềm với những ký ức của nhà thơ bỗng dội về ngay bên con sông của tuổi thơ ông.
3-Vẫn còn đó một ngôi nhà Xuân Diệu “24 Cột cờ”
      Sau khi chia tay người quản lý “Nhà lưu niệm -Nhà thơ Xuân Diệu” ở Gò Bồi, Câu chuyện giữa chúng tôi bỗng chợt nhắc đến ngôi nhà, mà Xuân Diệu sinh thời đã sống và lưu dấu nhiều kỷ niệm, từ sau ngày giải phóng thủ đô. Đó là địa chỉ 24 Cột cờ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Với 30 năm sống ở đây, cùng gia đình nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Xuân Diệu thường mời bạn bè đồng nghiệp về đàm đạo và trao đổi những vấn đề văn học và thời sự. Sự nghiệp văn học của Xuân Diệu cũng được tiếp nối và rực rỡ từ căn nhà này, với số lượng hàng chục cuốn sách ra đời. Số nhà 24, Cột cờ là một địa chỉ văn hóa của giới văn nghệ và luôn mở cửa đón tiếp mọi người với câu thơ nổi tiếng, mà nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Nhà tôi 24 Cột Cờ. Ai yêu thì ghé ai hờ thì qua”. Sau khi nhà thơ mất (18-12-1985), Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thủ tướng chính phủ đã có chủ trương thành lập “Phòng Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu” và giao cho gia đình quản lý. Nhưng vậy là từ đó đến nay, dự án vẫn chỉ là dự án...  
      Tuy ở Gò Bồi, Tuy Phước, “Nhà lưu niệm- Nhà thơ Xuân Diệu” đã là di tích văn hóa-lịch sử cấp tỉnh (Bình Định); nhưng ở Hà Nội, 24 Cột cờ trở thành ngôi nhà văn chương của hàng chục triệu người yêu văn học trên toàn quốc. Vậy sao giờ đây mọi chuyện vẫn nằm trong im lặng. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu viết trong bài Chiều chờ đợi, với bao tâm sự: “Cho lòng xin chút hương. Cho lòng xin chút lửa. Cho lòng xin chút thương. Cho lòng xin chút nữa”. Thật đáng buồn cho cuộc đời một “Ông Hoàng thơ tình”, trọn đời cống hiến cho cách mạng. Đã ba mươi năm ông đi xa, mà ngôi nhà 24, Cột Cờ, Hà Nội, “Phòng Lưu niệm Xuân Diệu” vẫn chưa mở cửa.  

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Vương Tâm - Thơ- Phôn Cho anh



Vương Tâm

Phôn cho anh

Phôn cho anh nhé
Dù chỉ một lời nhắn hỏi
Hay nụ cười bối rối
Thoảng qua

Phôn cho anh mặc nỗi chia xa
Đừng ngại ngần điều ngăn cách
Anh hằng mong nghe lời từ ánh mắt
Dù chẳng thấy nhau

Phôn cho anh gửi một lời đau
Tiếng lòng ấy nửa chừng bay mất
Thì hơi thở sẽ vang lên dồn dập
Anh lắng nghe an ủi ấm lòng

"Phôn" cho anh dù chỉ nói không
Em áp ngực để trái tim cất tiếng
Khoảng thinh không ngàn cánh chim bay lượn
Ríu rít bầu trời trong xanh

"Phôn" cho anh, có thể em chẳng đành
Thì cứ khóc thầm cùng tiếc nuối
Tiếng tình yêu lại miên man thầm gọi
Đập rung lên tín hiệu ban đầu.