Nhà thơ Vương Tâm:
“Trái tim lặng đau giấu một vết thương”
Trần Hoàng Thiên Kim
Nhiệt tình với bè bạn, đam mê với nghề nghiệp, luôn có mặt trên mọi nẻo
đường của đất nước để sáng tác thơ ca, viết văn, viết báo. Dễ hiểu vì sao,
Vương Tâm là một trong những nhà thơ có sách in đều đặn, những tập tiểu thuyết,
truyện ngắn, thơ ca, bút ký với những chân dung “kỳ nhân dị thảo” ra đời hàng
năm đã một lần nữa khẳng định, dù đã xấp xỉ cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng
tâm hồn, trái tim yêu nghề, yêu đời, yêu người của ông vẫn luôn tươi trẻ và đầy
đam mê dù trong chặng hành trình với nghề ấy, đã có không ít lần ông gặp nhiều
trắc trở.
Nhà thơ Vương Tâm, ban đầu vốn không liên quan gì đến văn thơ. Ông tốt
nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhiều năm liền sau khi ra trường ông
làm việc ở Tổng cục khí tượng Thủy Văn. Cuộc sống của một người làm khí tượng
thủy văn, giống như cuộc sống của người thanh niên làm công tác khí tượng và
vật lý địa cầu trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long, đã mang
lại cho nhà thơ Vương tâm một tâm hồn thơ đầy ắp. Ông viết văn, làm thơ như
chính định mệnh đã sinh ra mình.
Nhà thơ Vương Tâm chia sẻ: Thực ra thì từ thuở học sinh, tôi đã mê văn
học, đã đọc nhiều sáng tác văn học Nga. Khi đang học cấp II tôi đã có thơ in
trên báo Thiếu niên tiền phong. Năm 1958, tôi cùng gia đình chuyển từ Hà Tây
(cũ) ra Hà Nội sống. Tôi còn viết cả kịch bản cho đội kịch thiếu nhi địa phương
dàn dựng biểu diễn để dự Hội diễn toàn thành phố. Năm 1966 tôi đã có những bài
thơ đầu tay in trên báo Hà Nội mới. Những tưởng sẽ thi vào một trường liên quan
đến văn chương, nhưng tôi lại học Bách Khoa và làm công tác khí tượng. Nhưng
chính thời gian này, tôi đã sáng tác thơ và truyện ngắn theo đề tài ngành nghề
và một số nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1974, tôi được đi học
lớp sáng tác do Hội Nhà văn mở (khóa 7). Sau khi kết thúc khóa học, trở về cơ
quan cũ một thời gian, tôi chuyển sang báo Hà Nội mới và làm việc ở đây cho đến
ngày nghỉ hưu”.
Nếu nói rằng, văn chương là trời cho, thì nhà thơ Vương Tâm có được cái
lộc trời ấy để mà theo đuổi nó đến tận bây giờ. Ông là người hiền lành, dễ
tính, nhưng lại luôn quyết liệt theo đuổi đam mê của mình. Chưa bao giờ thấy
ông “bó tay” trước bất cứ một đề tài nào, dù đó là về những sáng tác của riêng
ông, hay đó là những bài báo nhỏ. Ông viết đủ các thể loại, từ truyện ngắn,
tiểu thuyết, bút ký, thơ ca, ký chân dung, giới thiệu tập sách. Dường như mọi
thứ đến với ông đều dễ dàng và nhẹ bẫng. Cần bài gì, hỏi đến ông, hôm sau sẽ có
bài đáp ứng. Chính vì vậy, cho dù là thời còn tuổi trẻ, hay cho đến nay, trên
đầu đã hai thứ tóc, nhà thơ Vương Tâm vẫn luôn có bạn đồng hành là rất nhiều
người trẻ tuổi. Có cháu là sinh viên mới ra trường nhưng cũng có những người
bạn là đã làm những vị trí cao trong một số tòa soạn báo, khi nhắc đến nhà thơ
Vương Tâm đều nói về ông với một vẻ trìu mến đầy trân trọng. Có một thời, khi
họ còn là những sinh viên mới ra trường thì nhà thơ Vương Tâm nguyên trưởng ban
báo Hà Nội mới Cuối Tuần, đã luôn nâng đỡ cho họ từ những bài báo đầu tiên để
kiếm tiền nhuận bút sống và viết. Vậy mà trong mấy chục năm qua ấy, dù đã được
nhà nước cho nghỉ hưu, thì nhà thơ Vương Tâm vẫn luôn trên những chặng hành
trình tìm tư liệu cho mình để viết báo, viết văn. Dường như đối với ông không
bao giờ có cụm từ “nghỉ ngơi”, dù tiền bạc, danh vọng đối với anh chỉ là điều
đã nằm trong dĩ vãng.
Nhiều người bảo rằng, ông không ngừng đi, ngừng viết là vì... cái đẹp?
Nhà thơ Vương Tâm cười thật lòng “Ai mà
không mê cái đẹp!”. Cái đẹp đối với ông, có thể là một người đẹp cụ thể, có thể
là một cái đẹp của vùng miền, của nền văn hóa, cũng có thể từ một vật tưởng vô
tri vô giác như chiếc ấm, bộ li trà... cũng khiến ông mê mẩn. Bởi mê đắm cái
đẹp ấy, nên đi đến đâu, ông cũng tìm về cho mình những đồ vật kỷ niệm cho căn
nhà ấm áp. Nếu ai đã từng ghé qua căn nhà bé nhỏ của nhà thơ Vương Tâm, sẽ thấy
hàng trăm bộ ấm chén đủ các hình hài, màu sắc, chủng loại được ông sưu tầm
trong mấy chục năm qua, như ghi lại dấu ấn cả một chặng đường sống của nhà thơ
hay rong ruổi.
Nhưng đối với tôi, điều đặc biệt nhất của nhà thơ Vương Tâm, đó chính
là sự “trả giá” đầy... đau đớn với nghề nghiệp của mình. Sự “đau đớn” này là ba
cuộc tai nạn... suýt chết trong những chuyến ông đi thực tế bằng xe máy đến
những tỉnh ngoại thành Hà Nội để viết bài. Cú ngã đầu tiên gãy ba xương sườn.
Đó là cú ngã ngay trước khi anh đi dự trại viết tiểu thuyết, do nhà xuất bản
Công An tổ chức ở Đồ Sơn, cách đây 8 năm. Ông kể: tôi vừa đi gặp cô gái nguyên
mẫu trong tiểu thuyết “Máu đất” của mình về, bất ngờ một thanh niên phóng xe
nhanh tới, không kịp phanh lại nữa, húc luôn vào xe nhà thơ. Thế là tôi bị hất
văng ra và đổ lưng từ trên cao xuống đường, đánh hự một cái rất mạnh. Khi mọi
người kéo được tôi vào lề đường, rồi nhờ người đưa đi khám, mới hay bị gãy ba
xương sườn. Cú ngã thứ hai gãy xương đòn gánh trong chuyến đi viết bài báo về
bản người đẹp ở xã Văn Luông huyện Tân Sơn,
Phú Thọ. Ông nghe nói đây là một xã Mường có nhiều người đẹp nổi tiếng và đến
bất cứ ngõ xóm nào đều gặp người xinh. Xưa, còn có cả quan binh người Tầu sang
tìm vợ ở nơi này. Lại còn có chuyện, gần đây không ít đại gia tìm đến để chọn
vợ, bởi nơi đây toàn nhan sắc trời cho. Thế là nhà thơ Vương Tâm tìm đường mò
lên. Ông phi xe máy đến tận nơi chừng hơn 100 km, tìm đường vào bản. Thật may,
ông đã gặp hai bà vợ của nhà văn Sao Mai, đang sinh sống ở đây. Hai người chỉ
dẫn nhà thơ vào những xóm toàn người đẹp. Sau đó, con trai nhà văn Sao Mai cũng
đưa đến trường phổ thông Trung học để chụp ảnh và lấy tài liệu về những nhan
sắc vùng sơn cước. Ông hối hả làm việc, trời bất chợt đổ mưa, nhưng vẫn phóng
xe máy đi khắp làng tìm thêm những chân dung trẻ đẹp. Trời đã về chiều cơn mưa
vẫn chưa ngớt. Khi ông đi lên đường cái thì chợt nhìn thấy một cô gái có gương
mặt rất xinh xắn với gò mũi cao và đôi mắt to tròn đi xe đạp ngược chiều về
bản. Thế là nhà thơ Vương Tâm bất chợt quay ngoắt xe lại và xin chụp ảnh. Ông
kể lúc đó mới thấy yên tâm vì chụp được đúng người đẹp nhất bản và rưng rưng
trong lòng và phấn khởi đi về trong cơn mưa miên man suốt dọc đường. Trời mưa
khá to, nhưng tính giờ chỉ khoảng 20 giờ là về tới nhà nên nhà thơ Vương Tâm cứ
phóng xe máy đi dọc con đường 32, vượt qua cầu Trung Hà, qua Sơn Tây, rồi cầu
Phùng. Trên đường gương mặt của cô gái Mường cứ hiện lên trong bóng mưa...
Nhưng thật rủi thay, đột nhiên một ô tô rượt tới, đuôi xe hích mạnh vào xe máy
của nhà thơ. Một tác động lực nhanh, mạnh làm ông bay lên cao như một người làm
xiếc vậy. Người lộn nhào rơi xuống tự do làm cái đánh rắc, thế là bị gãy xương
đòn gánh bên trái. Tai nạn xảy ra tại cây số 19 trên đường 32. Cú ngã thứ 3
trẹo khớp gối, cẳng chân lủng lẳng quay tròn. Sau khi đi lên Kim Bôi (Hòa Bình)
làm việc với một đội cồng chiêng Mường, vừa qua Chúc Sơn được vài cây số, thì
bất chợt có bóng người băng qua đường. Định thần, nhà thơ nhận ra đó là một cô
gái có bím tóc dài. Cô ta mở to mắt nhìn ông già là nhà thơ Vương Tâm, rồi
nhoẻn cười tỏ ý muốn sang đường. Sững người vì nụ cười tươi trẻ, nhà thơ bèn
phanh gấp xe máy, nhưng vẫn ngoái nhìn theo cô gái ấy băng qua. Chiếc xe bị rít
phanh lật nghiêng, làm chân trái nhà thơ bị bẻ ngoặt đánh khục, xương bảnh chè
bật ra khỏi khớp gối. Cẳng chân chỉ còn gân dính lại nên lủng lẳng là vì thế.
Điều “khốn khổ” nhất, theo như ông nói, chính cái đêm bị nẹp cứng chân ấy ở một
trạm y tế ở Hòa Bình, nhà thơ vẫn chỉ nhớ đến nụ cười của cô gái ấy mà quên cả
đau. Rồi ông đọc mấy câu thơ thú vị: “Gặp
em. Anh liều như một chàng phi công. Khi gặp nạn. Nhẩy bật ra không trung.
Mà...quên bấm dây dù”. Chưa hết, cũng đêm ấy nhà thơ đã gò lưng trên máy
tính viết nháp xong bài báo “Người mơ mộng cuối cùng ở Kim Bôi”, kể chuyện về
người nghệ nhân bán hết gia sản, trọn đời sưu tầm bộ cồng chiêng cổ, giữ lại
vốn văn hóa cho quê hương.
Nhà thơ Vương Tâm có lần tự ví mình là ngựa hoang hay là kẻ giang hồ
vặt. Bởi trong ông chứa đựng nhiều cảm hứng “đi”, những chuyến đi không hẹn
trước và ông, dù trên đầu đã hai thứ tóc, nhưng nhiều lúc như một kẻ dồ dại
ngẫu hứng trong cơn đam mê cuối đời. Chính vì thế những bài viết của ông đều
thấm đẫm chất du ký và dồi dào chi tiết bất ngờ. Nhà thơ Võ Văn Trực có lần
nhận xét, qua những bài báo của Vương Tâm, người đọc ngỡ như đang đi cùng với
ông và tiếp nhận được nhiều điều trong chuyến đi ấy. Cảm xúc cùng nhà thơ và thổn
thức với những phận đời mà ông chia sẻ. Sự nỗ lực của ông đã được nhận Giải
Nhất cuộc thi phóng sự, bút ký (11-2010), do báo Người Hà Nội trao, nhân Kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, qua chùm ba bài: “Mộng Hoa Ban trên đường Bắc
Sơn”; “Xác nhà hay hồn phố” và “Ga Hàng Cỏ trăm năm thương nhớ”.
Nhiều đam mê, nhiều công việc và lúc nào cũng mê mải với những câu
chuyện văn chương báo chí, những câu chuyện cuộc đời, nhưng tôi biết, nhà thơ
Vương Tâm có một hồn thơ trĩu nặng với nhiều nỗi lòng trắc ẩn, cô đơn. Ông có
một cuộc đời nhiều sóng gió trong hôn nhân, có những tình yêu không đến bến bờ
hạnh phúc, có những cái đẹp đeo đuổi mãi cứ xa rời tầm tay. Và những lúc ấy,
ông lại níu vào trang thơ, trang văn để có thể bình thản đi tiếp trong cuộc đời. Ông đã từng đoạt giải A cuộc thi thơ tình, do báo Văn
Nghệ tổ chức (2006-2007). Thơ của ông, chính vì thế có nhiều bài hồn nhiên,
nhưng có nhiều bài thẫm đẫm một nỗi buồn vô định. Và tôi thích nỗi buồn ấy của
riêng ông, lẫn trong rất nhiều trò vui của cuộc đời mà ông đã trang bị cho
mình: “Sẽ có một ngày tự dưng tôi ngã/
Như kẻ lang thang cô lẻ bên đường/ Rồi gượng dậy giữa dòng người hối hả/ Trái
tim nghẹn đau giấu một vết thương…”
BOX
NHÀ THƠ VƯƠNG
TÂM
Tuổi Bính Tuất
Quê: Hương Ngải Thạch
Thất Hà Nội
Hội viên Hội
Nhà Văn VN và HN
Hội viên Hội Nhà Báo VN và HN
Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian VN
Tác
phẩm đã xuất bản:
Gồm 40 đầu sách truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ trữ tình
Giải thưởng văn học:
1. Giải thơ 5
năm đầu tiên của HLHVHNT Hà Nội ( 1980-1985)
2. Giải bút ký
Báo Văn Nghệ và Bộ Nông Nghiệp VN 1987
3.Giải nhì
truyện ngắn cuộc thi báo Người Hà Nội năm - 2006
4.Giải A cuộc thi thơ Tình
báo Văn Nghệ năm(2006- 2007)
5.Giải
ba truyện ngắn 1200 từ báo Tuổi
Trẻ năm 2008
6.Giải nhất cuộc thi phóng
sự, bút ký báo Người Hà Nội 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét