Về Gò Bồi “Nhớ quê Nam” của Xuân Diệu
Vương
Tâm
Vừa qua kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố
thi sĩ Xuân Diệu (18-12-1985/18-12-2015), tôi có may mắn đến Quy Nhơn, và được
nhà thơ Trần Thị Huyền Trang (Hội Văn nghệ Bình Định) đưa đến vạn Gò Bồi, xã
Phước Hòa, huyện Tuy Phước, nơi Xuân Diệu chào đời. Sau này chính nhà thơ Xuân
Diệu đã nhận định, Gò Bồi là “cái nôi đầu
tiên của văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến
bao la của quê hương thứ nhất: Quê má đẻ ra mình”...
1-Ngôi
nhà bên sông
Gò Bồi hình thành một thị trấn từ năm
1610, là phố buôn bán của người Hoa trên bờ sông Kôn. Đoạn sông chảy qua vạn Gò
Bồi khá dài, men theo xã Phước Hòa thông ra đầm Thị Nại, rồi thoát ra biển. Có
thời tầu thuyền các nước còn vào tận nơi lấy hàng. Gò Bồi trở thành bến cảng “Nước
mặn” tấp nập, người người khắp nơi đổ về làm ăn. Do hàng thế kỷ trôi qua, phù
sa dồn tụ làm lòng sông dâng lên, các tàu lớn không thể vào, nên trấn Gò Bồi chỉ
còn lại những ký ức cùng mái ngói rêu phong và dấu vết thời gian mà người dân
nơi đây khó thể quên. Một người ở đây ghi dấu lại những vần thơ nói về quê
mình: “Gò Bồi tiếp biển một dòng sông.
Tôm cá tươi màu thuận gió đông. Cá thu sắp dãy người chen chúc. Xuôi ngược thuyền
ghe nước mấy dòng” (Gò Bồi quê mẹ).
Chúng tôi vượt qua con cầu khá đẹp trên con sông Gò Bồi, rẽ qua phố chợ để đi tới
ngôi nhà kỷ niệm Xuân Diệu. Vạn Gò Bồi vẫn sầm uất đông vui, với khu chợ Gò Bồi
thu hút khách hàng từ bảy làng xã chung quanh Tuy Phước tìm về. Hàng năm cứ vào
mùng hai tết, trên sông Gò Bồi cả mấy xã chung quanh còn tổ chức hội đua thuyền
rồng, làm khuấy động cả một vùng Tuy Phước.
“Nhà lưu niệm- Nhà thơ Xuân Diệu” nằm
ngay trên bờ sông Gò Bồi. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang chỉ ra bến sông nói, tuổi
thơ Xuân Diệu (còn có cái tên gọi là cậu Bàng) gắn bó hơn 15 năm, với sông nước
nơi đây. Sinh năm 1916, là con vợ lẽ nên tới năm 1927, cậu Bàng phải theo cha
ra học tại Quy Nhơn và ở nội trú trong trường. Tuy vậy, thỉnh thoảng cậu Bàng vẫn
về thăm mẹ, và bơi lội trên con sông quê hương. Cậu nhớ mãi giọng hò của mẹ
ngày nào đã cùng cha đối đáp trên sông giữa hai phường, hai xã. Nào là, những lời
oán trách tình duyên; nào là lời hô bài chòi: “Cu kêu ba tiếng chim kêu. Cho mau đến tết dựng nêu ăn chè”. Lại cho
khi chính cậu Bàng còn hát bắt chước người lớn rằng: “Nhất là vợ dại trong nhà. Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đời”, cho dù
chẳng hiểu gì cả. Tám năm sau, Xuân Diệu rời Quy Nhơn ra Hà Nội học, nhưng vẫn
mang theo những câu hát của mẹ hay của bà trong tâm trí của mình.
Trí nhớ của nhà thơ thật siêu việt.
Trong nhiều lớp giảng về sáng tác cho chúng tôi một thời trên đất Quảng Bá, Hà
Nội, ông vẫn đọc vanh vách những câu thuộc từ lời ru của mẹ: “Tiếng ai than khóc nỉ non. Phải vợ chú lính
trèo hòn Cù Mông”. Hay lại có câu: “Trò
Ba đi học đường xa. Cơm canh ai nấu, cửa nhà ai coi”; hoặc tâm sự đắng cay
chua xót của người con gái: “Anh cầm cây
viết, danh dứt đường ân nghĩa. Em cầm cây kim, em thêu chữ ân tình”. Hay kể
có lần ông sực nhớ về sự cô đơn buồn tủi trong cuộc đời cô gái quê rằng: “Sớm mai em xách cái thỏng ra đồng. Em bắt
con cua em bỏ vô thỏng. Nó kêu cái rỏng. Nó kêu cái rảnh. Nó kêu chàng ôi!
Chàng giờ an phận tốt đôi. Em đây lỡ lứa mồ côi một mình.”. Nhà thơ còn nói
đó là nghe bà ngoại đọc mà thuộc.
Chúng tôi dừng chân bên bức tượng đồng,
chân dung nhà thơ Xuân Diệu, với nhiều cảm xúc thân thương và những ký ức tràn
về, từ mái tóc bồng bềnh và đôi mắt thăm thẳm nỗi buồn. Đúng là mái tóc rất đặc
trưng của Xuân Diệu ngày nào ở Hà Nội. Dài và lượn sóng, bồng mượt trước ngọn
đèn, trên bục nói chuyện làm cánh thơ trẻ chúng tôi bị mê hoặc. Ông có nụ cười
hiền lành và dễ gần. Tôi sực nhớ có lần nhà thơ nói chuyện về thơ tình ở thư viện
Hà Nội vào năm 1970. Mái tóc ấy như làn mây bồng bềnh trôi dưới ngọn gió, cùng
ánh sáng lung linh. Cái giọng nói đặc sệt thổ âm “Nẫu” của xứ Gò Bồi nghe quyến
rũ như rót vào tai vậy. Tôi nhớ mãi câu thơ, định nghĩa tình yêu mới của ông, rất
độc đáo: “Đến như tia chớp ấy thôi. Mà
gieo trận bão kinh người trong anh”. Ấn tượng và mạnh mẽ chứ không còn là
cái thuở “yêu là chết ở trong lòng một ít...”.
Đúng là mái tóc ấy, giờ đây gặp lại ở Gò Bồi đã làm những ký ức trong tôi trỗi
dậy, bồng bềnh.
2-Những
nỗi niềm từ đất
Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang còn kể đất
vạn Gò Bồi này còn là nới lưu giữ nhiều kỷ niệm với những nhà thơ nổi tiếng
trên văn đàn thi ca nước nhà. Đầu tiên là nhà thơ Hàn Mặc Tử có thời về đây để
theo thày chữa bệnh nan y. Đó là vào năm 1939, Hàn Mặc Tử về Gò Bồi, trú ngụ với
mẹ để trị bệnh phong. Cũng trong thời gian này Hàn Mặc Tử còn tặng nhà thơ Xuân
Diệu tập thơ của mình và còn đề tặng với những dòng lưu niệm thân tình về cuộc
sống: “Tôi gửi Anh tập thơ của tôi, vì đọc
thơ anh tôi thấy nỗi đau của tôi được xoa dịu nhiều lắm”. Tuy vậy khi đến
Gò Bồi, nhà thơ Hàn Mặc Tử không dám xuất hiện thường mặc cảm với cuộc đời, nên
trốn chui trong túp lều cuối vườn nhà. Người mẹ đã ngày đêm cơm cháo thuốc thang
nuôi con, nhưng rồi bệnh tình không thuyên giảm. Thời gian sau Hàn Mặc Tử về trại
phong Quy Hòa, rồi mất. Mẹ của Hàn vẫn ở lại mưu sinh và chết tại Gò Bồi. Mộ của
bà hiện ở bên kia sông Gò Bồi, cô đơn lạnh lẽo như số phận buồn tủi của người
con. Vậy là hiện ở Gò Bồi có hai ngôi mộ, một là nơi yên nghỉ của mẹ của nhà
thơ Xuân Diệu và một là mộ của mẹ nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Khi đứng trước tủ sách tư liệu trong
phòng lưu niệm, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nhắc đến cuốn sách mà nhà thơ Xuân
Diệu viết về nhà thơ và soạn kịch nổi tiếng Đào Tấn. Chị cho biết, chính nhà viết
kịch Đào Tấn cũng được sinh ra ở vạn Gò Bồi này, trước ngày chào đời của Xuân
Diệu chừng 70 năm. Gia đình Đào Tấn nổi tiếng là nhà làm thuốc ở trấn Gò Bồi,
nên dân chúng trọng vọng và tin yêu. Đào Tấn làm thơ nổi tiếng với nhiều bài
thơ về quê hương và thế sự. Sau này ông mới viết kịch, sinh thời sự nghiệp và
cuộc đời của ông có nhiều uẩn khúc và tạo nhiều dư luận trái chiều khó lý giải,
trong thời gian ông đi làm quan của triều Nguyễn. Ai cũng biết nhà thơ Xuân Diệu
muốn làm nhiều việc để đền đáp nơi sinh thành. Ông đã viết sách về dân ca quê
hương mình, cùng với đó còn có công trình nghiên cứu lớn cuối cùng về danh nhân
Đào Tấn, một đồng hương ở Tuy Phước. Ông dành nhiều năm trời để viết tham luận
và viết sách về Đào Tấn để minh chứng cho một nhân tài nghệ thuật đặc biệt của
đất Bình Định. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang cho biết những dòng cuối cùng của
công trình nghiên cứu về Đào Tấn được Xuân Diệu hoàn thành vào ngày 7-12-1985,
chỉ trước khi ông trút hơi thở cuối cùng 11 ngày (18-12-1985).
Đúng là cả một đời nhà thơ sống và luôn
mong nhớ về quê mẹ, với những sáng tác và công việc nghiên cứu văn hóa và danh
nhân quê hương Gò Bồi, Bình Định. Chúng tôi ngồi bên thềm nhà lưu niệm và nhớ đến
những câu thơ mà ông viết về nơi đây: “Đêm
ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ. Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh.
Thức những ngôi sao, thức những bóng cành. Đêm quê hương thương cái hương của đất”.
Sau đó nhà thơ Trần Thị Huyền Trang bồi hồi đọc tiếp, với mầu âm đúng chất “Nẫu”
mà nhà thơ Xuân Diệu thường đọc cho mọi người nghe, vẫn bài “Đêm ngủ ở Tuy Phước” rằng: “Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển lên
cứ nhắc. Khi má anh sinh ra. Anh đã thở hơi nước mắm cùa vạn Gò Bồi...”.
Tôi thấy rưng rưng nỗi niềm với những ký ức của nhà thơ bỗng dội về ngay bên
con sông của tuổi thơ ông.
3-Vẫn
còn đó một ngôi nhà Xuân Diệu “24 Cột cờ”
Sau khi chia tay người quản lý “Nhà lưu niệm -Nhà thơ Xuân Diệu” ở Gò Bồi,
Câu chuyện giữa chúng tôi bỗng chợt nhắc đến ngôi nhà, mà Xuân Diệu sinh thời
đã sống và lưu dấu nhiều kỷ niệm, từ sau ngày giải phóng thủ đô. Đó là địa chỉ
24 Cột cờ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Với 30 năm sống ở đây, cùng gia đình nhà
thơ Huy Cận, nhà thơ Xuân Diệu thường mời bạn bè đồng nghiệp về đàm đạo và trao
đổi những vấn đề văn học và thời sự. Sự nghiệp văn học của Xuân Diệu cũng được
tiếp nối và rực rỡ từ căn nhà này, với số lượng hàng chục cuốn sách ra đời. Số
nhà 24, Cột cờ là một địa chỉ văn hóa của giới văn nghệ và luôn mở cửa đón tiếp
mọi người với câu thơ nổi tiếng, mà nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Nhà tôi 24 Cột Cờ. Ai yêu thì ghé ai hờ thì
qua”. Sau khi nhà thơ mất (18-12-1985), Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thủ tướng
chính phủ đã có chủ trương thành lập “Phòng
Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu” và giao cho gia đình quản lý. Nhưng vậy là từ
đó đến nay, dự án vẫn chỉ là dự án...
Tuy ở Gò Bồi, Tuy Phước, “Nhà lưu niệm-
Nhà thơ Xuân Diệu” đã là di tích văn hóa-lịch sử cấp tỉnh (Bình Định); nhưng ở
Hà Nội, 24 Cột cờ trở thành ngôi nhà văn chương của hàng chục triệu người yêu
văn học trên toàn quốc. Vậy sao giờ đây mọi chuyện vẫn nằm trong im lặng. Tôi
chợt nhớ đến những câu thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu viết trong bài Chiều chờ đợi, với bao tâm sự: “Cho lòng xin chút hương. Cho lòng xin chút lửa.
Cho lòng xin chút thương. Cho lòng xin chút nữa”. Thật đáng buồn cho cuộc đời
một “Ông Hoàng thơ tình”, trọn đời cống
hiến cho cách mạng. Đã ba mươi năm ông đi xa, mà ngôi nhà 24, Cột Cờ, Hà Nội, “Phòng Lưu niệm Xuân Diệu” vẫn chưa mở cửa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét