Lên động tình yêu
Vương Tâm
Trên dãy
núi Sài Sơn, còn gọi là núi Thầy ở huyện Quốc Oai, Hà Nội có những cái hang thật
kỳ thú; thâm trầm như hang Bụt mọc, cuồn cuộn mây bay luồn qua hang Gió, hay âm
u vô định lối vào hang Bò. Nhưng có lẽ nhiều nam thanh, nữ tú lên đây đều bị
thu hút như ma ám, nếu không tìm đường lên hang Cắc Cớ. Bởi đó còn là nơi tình
duyên kết nối và những sóng mắt trao nhau hẹn hò trong ngày trẩy hội…
1-Kỳ bí hang động
dưới lòng đất
Những ai
đã từng đến chùa Thầy cũng đều biết đến câu ca dao: “Gái chưa chồng trông hang
Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Người đời còn coi nó như một hang động
tình yêu. Niềm hy vọng hạnh phúc lứa đôi, mong trời đất phù hộ cho những chàng
trai, cô gái muốn tìm đến cầu xin tại chùa Thầy. Vậy nên, sau khi lễ phật ở
chùa họ thường dắt tay nhau leo lên cõi động mơ mộng với niềm tin rằng, tình
yêu sẽ đến, mãi mãi đắm say. Chính vì thế, hội chùa Thầy bao giờ cũng đông, nhất
là các bạn trẻ ở lứa tuổi mười bay mười lăm. Họ chen vai, sát cánh dắt tay nhau
như một sợi dây hai con tim, vượt qua những hiểm trở để leo lên tận cửa hang
Các Cớ thắp hương cầu nguyện cho tình yêu đến. Hang mơ mộng cũng là nó-Cắc Cớ.
Những trái tim non trẻ luôn đập nhịp sống hối hả và hướng tới một tình yêu thủy
chung. Vậy hang Cắc Cớ có bùa phép gì mà mang lại niềm hy vọng cho những lứa
đôi…?
Đó là một
câu hỏi bao đời nay gợi sự tò mò cho mọi người đến dự hội. Bởi những câu chuyện
trong hang Cắc Cớ chẳng hề có liên quan gì về tình yêu và hạnh phúc của người đời
cả. Thậm chí theo truyền thuyết cửa hang là nơi dẫn người ta xuống chín tầng địa
ngục, cho dù nó còn được gọi cái tên cổ là động “Thần Quang”, nơi đây có am thờ
Thần quỷ kiểm soát cổng trời. Thần quỷ làm một công việc “Chọn lọc” những linh
hồn, trước khi cho lên cõi niết bàn, đầu thai làm kiếp khác; hay đầy xuống âm
phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu…Vả lại trong hang hiện vẫn còn hàng ngàn di vật
xương cốt bị vùi lấp tự ngàn năm, ghi dấu ấn cuộc kháng chiến chống quân xâm
lăng giặc Hán, hết sức bi tráng của tướng quân Lữ Gia (...111TCN). Phía sau bàn
thờ tướng Lữ Gia bằng đá là một cái bể sâu, được xây gắn vào vách núi chính là
bể hài cốt, trên thành bể còn ghi “Bể hận ngàn năm mãi khắc ghi”. Mà từ cửa
hang xuống tới bể hài cốt chỉ có con đường độc đạo dựng đứng theo những bậc đá
cũ ẩm ướt trơn trượt khó đi, sâu tới gần trăm mét, cheo leo âm u. Vậy mà người
ta nói cái bể xương này mới chỉ là ở tầng đầu tiên, nơi giao hòa giữa thiên đường
và địa ngục. Và cái gọi là “9 tầng địa ngục” kia còn ở sâu dưới lòng núi đi xuống
không biết đâu là điểm dừng. Nơi bắt đầu đi xuống tiếp là cửa hang thứ hai nhỏ
chỉ vừa một người chui sâu thăm thẳm vô phương…
Vậy khoảng
1000 năm sau, khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến đây dựng am tu trên lưng đỉnh Sài
Sơn, nay là chùa Cao -“Đỉnh Sơn Tự”, có liên quan gì đến hang Cắc Cớ?. Tương
truyền kể, ban đầu thiền sư Từ Đạo Hạnh đến sinh sống và xây chùa tu luyện, trồng
cây thuốc chữa bệnh, cứu người quanh vùng. Ngài còn dậy trẻ em học và chỉ dẫn
làm ăn, truyền nghề đan lát và chế tác nông cụ cho dân chúng. Không những thế
ngài còn là người khai mở ra nghệ thuật múa rối, giải trí và lấy đó làm công việc
giáo dục đạo đức làm người và quan hệ cộng đồng giao hòa thân thiện. Có thể nói
ngài là ông tổ của nghề múa rối cổ truyền ở nước ta cách đây ngàn năm. Dân
chúng quanh vùng kính trong thiền sư Từ Đạo Hạnh, gọi ngài là “Thầy”. Từ đó
làng Sài còn được gọi là làng Thầy và núi Sài Sơn còn gọi là núi Thầy. Vậy là
câu chuyện của thiền sư không có dấu hiệu dính líu gì với hang Cắc Cớ.
2-Ám ảnh một
chữ “Duyên”
Cho đến
sau này, khi thiền sư Từ Đạo Hạnh hạ sơn dựng chùa Dưới, càng thấy xa lạ với chuyện
“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ”.
Hơn thế, cho đến nay đường lên hang vẫn còn “thiên nhiên” lắm. Nghĩa là chưa có
đường mòn trên vách núi. Nếu ai leo lên hang Cắc Cớ từ chùa Cao lên cho dù chỉ
khoảng hai trăm mét, cũng phải gai người vì mạo hiểm. Họ căn theo những mái
quán bán hàng để dò dẫm tìm đường quanh co dẫn lối. Nhiều người hết sức hồi hộp
định hướng trên vách núi và mới thấm cái sự thở ra đằng tai như thế nào. Ngỡ
như chỉ những hôm nóng bức mồ hôi mới vã ra như tắm, nhưng cả đến những ngày lạnh
giá, gió hun hút từ trên núi đổ xuống thì cũng toát mồ hôi vì sợ trượt chân.
Thì ra, cơ sự để tìm những cuộc tình nơi cheo leo vách núi này, không dễ dàng
chút nào. Các chàng trai, cô gái dắt tay nhau tự tìm ra con đường của riêng
mình, lên hang tình yêu. Gian khó mấy, hiểm trở thế nào vẫn không ngại ngần, vì
đó chính là nẻo đường tìm đến mộng ước chốn mây bay, gió lộng.
Vào lễ hội năm nay, tôi đã được nghe một giọng
hát văn cất lên trên con thuyền rồng chơi vơi giữa hồ Long Chiểu (Ao Rồng) rằng:
“Rủ nhau lên chốn Sài Sơn. Ai làm đá ướt
đường trơn hỡi mình?. Hỏi non, non những làm thinh. Phải rằng non đã vô tình với
ai?. Nước non ví chẳng chiều đời. Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?. Yêu
nhau ta dắt nhau cùng. Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.” (Thơ của Á
Nam Trần Tuấn Khải). Giọng hát đến mê hồn của chàng cung văn, ngỡ như anh ta
hát về cõi lòng khắc khoải của mình vậy. Nhiều cô gái đứng ngẩn ngơ bên hai cầu
Nhật Tiên và Nguyệt Tiên mà xao xuyến với lời ca tình yêu. Nghe nói nhiều chí
sĩ, thi nhân đã tìm đến đây, vịnh ngâm trong lễ hội và khắc trên đá những vần
thơ lãng mạn về tình yêu. Vậy là từ xưa, cảnh sắc núi non hữu tình, nơi đầu rồng
mắt ngọc đã là nơi hò hẹn tình nhân. Họ đã vượt qua 251 bậc đá lên lưng núi, thắp
hương tưởng nhớ đến phật Từ Đạo Hạnh, rồi lại tiếp tục lên đỉnh với những bàn cờ
để uống rượu bình thơ, sau đó mới lên tới cửa hang, nơi mở ra chốn thiên đường
của tình yêu. Trên vách đá vẫn còn ghi những lời mộng mị với sắc cảnh hữu tình
của các danh nhân như Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trực, Nguyễn Thượng Hiền, Á
Nam Trần Tuấn Khải…cả Chúa Trịnh Căn cũng viết về chùa Thầy “Như viên đá ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng
vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa…”
Nhưng có
lẽ mọi sự bỗng trở nên lãng mạn, bay bổng từ cái hang Cắc Cớ này, khi nữ sĩ Hồ
Xuân Hương đến đây. Trước khi xuống nơi có nguồn ánh sáng chiếu rọi bàn thờ Lữ
Gia, bà đã đến thắp hương lễ Tượng Cậu, ở giữa con đường gập ghềnh ngóc ngách.
Đây là bức tượng đá tự nhiên linh thiêng, chính là một bí ẩn trong hang, bấy
lâu nay đã kết nối nhân duyên cho bao đôi lứa. Có thể coi đây là tượng “Thần
Tình yêu”, ban phúc cho những tình nhân, và dẫn lối cho họ tới thiên đường hạnh
phúc. Người đến cầu duyên, nếu là nữ thì phải lấy tay trái xoa ba vòng vào trái
tim tượng, con nam thì xoa bẳng tay phải, ắt sẽ tìm được người mà mình thương
yêu. Còn những người đã có người yêu hay gia đình thì dùng cả hai tay xoa vào
tim tượng cầu cho hạnh phúc được mãi mãi dài lâu. Bà chúa thơ Nôm ngắm bức tượng,
dùng cả hai bàn tay xoa vào tim tượng, trong lòng phơi phơi cảm xúc. Nơi cửa trời
lấp lóa, những vần thơ bài “Vịnh Hang Cắc Cớ” tuôn trào bất ngờ. Bài thơ khắc ghi
trong lòng người dân khắp vùng, với niềm vui về khát khao hạnh phúc, qua hình
tượng độc đáo: “Trời đất sinh ra đá một
chỏm. Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom. Kẽ hầm rêu mốc thơ toen hoẻn. Luồng gió
thông reo vỗ phập phòm. Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm. Con đường vô ngạn tối
om om. Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc. Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm”. Quả là chỉ
có nữ sĩ Hồ Xuân Hương mới có hình tượng thơ kỳ ngộ đến như vậy. Bài thơ đã gây
xôn xao dự luận trên văn đàn và trong công chúng. Cũng từ đó “trai chưa vợ nhớ đến chùa Thầy” nhiều
hơn và ai cũng phải xuống hang Cắc Cớ xoa vào tim Tượng Cậu, rồi xuống tới cánh
cửa trời chiếu rọi để mơ mộng với thần tình ái của mình.
3-Những chùm
hoa gạo đỏ
Tháng ba.
Mùa hoa gạo thắm tung tỏa những sợi bông bay. Ngày 7 vào lễ chính Hội chùa Thầy,
nhưng từ ngày 5 người đi lễ đã đông và nô nức, với những điều hy vọng trong
tương lai. Đó là tình yêu. Nhiều người đã đi cả ba ngày hội, tham gia mọi trò
vui, từ chọi gà, đá cầu, xem múa rối và nghe hát chèo…Trên con hồ có sân khấu
thủy đình bao giờ cũng tràn ngập lời ca tiếng hát và những chú tễu làm trò.
Riêng tốp ca nữ yếm thắm má đào bằng con rối
đung đưa trên mặt hồ, cất lên những lời tình yêu bao giờ cũng làm say đắm
lòng người. Đó là những thiếu nữ làng Thầy, ở tuổi trăng tròn đứng nấp sau cánh
mành tre, cất tiếng hát bảy tỏ lòng mình.
Tháng
ba. Hoa gạo đỏ thắm như những bông lửa trên bầu trời xanh. Bất ngờ những lọn
bông bay vút lên trên núi Thầy như rủ rê, mời chào những chàng trai cô gái lên
với tượng tình yêu, nơi cửa hang Cắc Cớ. Những lời hát lâng lâng trên ngọn cây
hoa gạo, lung linh kỳ ảo: “Em ngẩn ngơ ngắm
hoa đỏ phiêu diêu. Gió lả lơi, nắng ngọt mềm đến lạ. Men ái tình bỗng nhen lên
má. Chạnh nỗi niềm trong khắc khoải đầy vơi…”(Lời thơ Trần Thanh Xuân-Hà Nội).
Mùa xuân trẩy hội chùa Thầy. Những bạn trẻ dắt tay nhau chênh vênh trên vách
núi tìm đến hang Cắc Cớ. Dưới chân núi dòng người vẫn nô nức vào chùa. Giọng
chèo trên con thuyền rồng ngân lên mênh mang, nỗi niềm khao khát, trong cung điệu
xuân tình…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét