Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

 

 


NSND Thái Bảo

            PHIÊU BỒNG VỚI CÂY ĐÀN

         Vào giữa thập niên 80 Thái Bảo (sinh năm 1964 ở TP Vinh-Nghệ An) đã nổi danh là ca sĩ tay ngang dị biệt. Có lần tôi tới nhà chị hồi còn ở ngách chùa Phổ Giác trên phố Ngô Sĩ Liên để viết bài (1992). Thật ấn tượng với tôi đó là ngôi nhà âm nhạc của vợ chồng ca sĩ Thái Bảo vào thời khốn khó. Ở đó luôn vang lên những giai điệu của "Một thời hoa đỏ". Giọng hát cùa Thái Bảo là niềm vui cho bà con lao động xóm ga.

 

NÓNG BỎNG TỪ "VẾT CHÂN TRÒN TRÊN CÁT"

 

          Câu chuyện của chúng tôi giờ đây tại một ngôi nhà âm nhạc mới của ca sĩ Thái Bảo ở trước gò Đống Đa. Bên cạnh cây đàn dương cầm mà Thái Bảo vẫn luyện giọng hàng ngày còn có một cây kèn Sacxophone của người con trai. Đôi khi chị vẫn hát và biểu diễn cùng con trai đậm phong cách nhạc Jazz rất liêu trai. Mỗi lúc như thế ca sĩ Thái Bảo như trẻ lại tuổi đôi mươi. Biết bao ký ức tràn về cùng những âm thành bảy bổng. Chị ôm cây đàn ghi ta bên mình như vật báu và kể chuyện. Đó là một thời đi hát trong nhóm "Bồ câu trắng" với ca sĩ Thanh Lam khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Cả hai cùng học đàn ở khoa âm nhạc dân tộc (từ năm 1974) nhưng lại rất mê hát. Họ lặng thầm liên kết cùng bạn bè đi hát theo yêu cầu bất cứ đâu. Cuồng nhiệt và đam mê trong những giai điệu rộn ràng. Dường như trong giọng hát của mỗi người có những bí ẩn kỳ lạ. Họ muốn phô bày và dâng hiến. Đặc biệt giọng hát Thái Bảo lại phô bày quãng giọng Mezo Alto rất ma mị.

 

         Tuy nhiên sự nghiệp ca hát của Thái Bảo bắt đầu không mấy thuận lợi khi mới về Nhà hát ca múa nhạc Trung ương (năm 1983). Thái Bảo được biên chế chính thức là nhạc công biểu diễn đàn bầu. Nhưng rồi bất ngờ trong dịp dự Liên hoan ba nước Đông Dương ở Lào, nghệ sĩ Thái Bảo đã ôm cây đàn ghi ta hát trước mọi người. Ai nấy đều ngạc nhiên với giọng hát khác lạ của chị. Trầm ấm, khê khàn lộ rõ một cá tính nghệ thuật. Đoàn trưởng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khích lệ và đồng ý cho Thái Bảo được hát đơn ca. Nhưng cũng từ đây, khởi động một chặng đường đầy thử thách với giọng hát không được đào tạo thanh nhạc cơ bản như Thái Bảo.

 

       Bài hát đầu tiên mà Thái Bảo biểu diễn chính là ca khúc "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến. Không ít lời khen tiếng chê. Bởi lẽ bên cạnh Thái Bảo là những giọng hát nổi tiếng như: Thanh Huyền, Thu Hiền, Kiều Hưng, Trung Đức, Ái Vân...Có những nhận xét thỏa đáng làm cho Thái Bảo tỉnh ngộ cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Ngoài giờ biểu diễn Thái Bảo ngày ngày nhờ các nghệ sĩ Kiều Hưng và Lê Dung truyền dậy về kỹ thuật thanh nhạc. Năm tháng kiên trì và khiêm tốn học hỏi, Thái Bảo miệt mài tập luyện và khai thác những gì ưu việt của giọng hát mình. Chị đã tìm ra một sự hòa đồng ký thú với những cây đàn. Từ đây giọng hát Thái Bảo có sức thu hút người nghe. Nghệ thuật biểu diễn của Thái Bảo sâu lắng và truyền cảm mạnh qua những âm vực dị biệt. Ngay cả những bài hát mới chị hát cũng trầm ấm lắng sâu cùng với cây ghi ta. Các nghệ sĩ đàn anh chị đều thán phục Thái Bảo có sáng tạo trong xử lý tác phẩm khác người.

 

      Gần đây trong đêm diễn "Ký ức vui vẻ" (5-2021) VTV3, NSND Thái Bảo đã kể lại chuyến lên biên giới hát bài "Vết chân tròn trên cát" cho các chiến sĩ nghe. Khi đó chị còn trẻ. Một giọng hát say mê có sức truyền cảm sâu sắc khi kể chuyện với cây đàn về cuộc sống của một thương binh về làng. Ai ngờ gần nửa đêm các chiến sĩ đã đi bộ từ xa đến để được nghe chị hát lại "Vết chân tròn trên cát". Sau đó có người còn cúi lưng cho chị chép lại bài hát để họ mang về. Ca khúc này gắn bó với Thái Bảo gần 40 năm. Nó là sự khởi nghiệp và đồng hành cùng với cuộc đời ca hát hết sức thành công của Thái Bảo cùng những tác phẩm như: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ", "Bài ca không quên", "Thuyền và biển"; hay như "Quê nhà", "Huyền thoại mẹ", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"; Hoặc còn là "Mùa xuân bên cửa sổ", "Thời hoa đỏ", "Mưa rơi"... Đặc biệt là những ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn. Ca sĩ Thái Bảo được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001.

 



CÂY ĐÀN BẦU VỚI "THĂM BẾN NHÀ RỒNG"

 

         Cách đây không lâu tôi được xem một MV (5-2020) của ca sĩ Thái Bảo dựng lại bài ca "Thăm bến nhà Rồng" của nhạc sĩ Trần Hoàn. Thái Bảo biểu diễn bài hát này suốt 30 năm. Nhưng đây là lần đầu tiên ca sĩ Thái Bảo đến nơi mà chị đã trọn đời kể chuyện về Bác Hồ bằng âm nhạc. MV được quay tại bến Nhà Rồng cùng với cây đàn bầu quen thuộc. Chị hồi hộp nhớ lại ký ức thuở ban đầu đến với ca khúc này. Đó là vào năm 1991, khi nhạc sĩ Trần Hoàn mới viết xong tác phẩm, ca sĩ Thái Bảo đã đến gia đình nhạc sĩ xin bài để biểu diễn trong "Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc". Đây là một ca khúc mang âm hưởng dân gian nên nhạc sĩ Trần Hoàn phân vân không biết ca sĩ trẻ Thái Bảo có hợp không. Bởi lẽ giọng hát Thái Bảo thuộc dòng nhạc nhẹ. Cuối cùng vận may đã đến với Thái Bảo. Chị đã tập luyện cùng với sự theo dõi của nhạc sĩ. Ông muốn ca sĩ thể hiện ngoài tình cảm chân thành ấm áp còn phải đúng với âm sắc dân gian phù hợp với hình tượng Bác Hồ. Ca sĩ trẻ Thái Bảo đã không phụ lòng tác giả. Chị đoạt HCV với tiết mục biểu diễn với cây đàn bầu. Một phong cách nghệ thuật mới lạ cùng với giọng hát thiên phú của Thái Bảo đã làm rung động hàng triệu trái tim khán giả.

 

         Khi tâm sự với tôi, ca sĩ Thái Bảo bất ngờ kể về cha mình cũng có sự đồng hành trong thành công bài hát "Thăm bến nhà Rồng". Chị nói từ bé đã được nghe cha mình kể nhiều chuyện về Bác Hồ. Ông là giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Kim Liên nên nắm rất vững những chặng đường hoạt động cách mạng của Bác. Hơn nữa trong thời gian đi sơ tán cùng với mẹ, Thái Bảo có dịp sinh sống ở làng Sen (1972). Những câu chuyện cuộc đời bôn ba của Bác và ký ức tuổi thơ như đã nhập hồn Thái Bảo một thuở thân thương. Tiếng đàn và lời ca của bài hát đã trở nên gần gũi, tự nhiên. Không phải Thái Bảo hát nữa mà đã kể chuyện đúng như nhạc sĩ hình dung. Những hình ảnh được hiện lên trong câu chuyện có cả tình cảm của người cha thuở nào và hương sen quê Bác dịu dàng với giai điệu quê hương. Nghệ sĩ Thái Bảo hát với tất cả niềm yêu thương và cảm xúc dạt dào như dòng sông Lam nơi mình đã sinh ra.

 

        Trong nhiều chuyến đi biểu diễn khắp đất nước và nước ngoài Thái Bảo luôn giữ được cảm xúc sâu sắc ấy. Khi hát tốp ca với đàn tranh hay biểu diễn đơn ca với cây đàn bầu, Thái Bảo luôn tạo ấn tượng thấm đẫm tâm cảm đối với người nghe. Với MV "Thăm bến Nhà Rồng" dựng lại câu chuyện về một người cha là họa sĩ chuyên vẽ tranh Bác Hồ. Những ký ức của họa sĩ chính là sự trải nghiệm mà Thái Bảo đã đồng hành. Bài hát có sức sống với thời gian qua giọng hát ấm áp và ngọt ngào của Thái Bảo. Thậm chí có người còn nói đó là bài hát độc quyền mang tên Thái Bảo. Năm 2016 ca sĩ Thái Bảo được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", với những thành tựu ca hát gần 40 năm qua.

 



VĨ THANH

 

        Vợ chồng nghệ sĩ Thái Bảo có một con trai cũng làm nhạc công như bố. Đó là nghệ sĩ Saxophone Nguyễn Bảo Anh hiện biên chế Nhà hát Ca múa Việt Nam. Coi như cả nhà có thể lập một ban nhạc đi biểu diễn. Mọi chuyện ngỡ như dễ dàng nhưng tổ chức một đêm biểu diễn cho cả ba người không dễ dàng. Đó chính là ước mơ của NSND Thái Bảo trong tương lai. Một gia đình nghệ sĩ hạnh phúc đã 32 năm tồn tại và cùng hoạt động nghệ thuật. Những chuyến đi biểu diễn những tỉnh biên giới và hải đảo là mối kết giao sâu sắc và củng cố hạnh phúc bền vững.

 

         Đặc biệt chuyến đi Trường Sa đã ghi dấu tình cảm sâu nặng trong tâm cảm nghệ sĩ. Thái Bảo đã từng tâm sự với bạn bè rằng: "18 ngày lênh đênh trên biển, say sóng không ăn được gì, chỉ uống nước và buồn nôn...Nhưng khi dừng lại đảo để biểu diễn thì ai nấy đều khỏe như voi. Diễn mấy tiếng liền không ngưng nghỉ...". Tôi chợt nhớ tới những câu thơ mà nghệ sĩ Thái Bảo đã viết trong chuyến đi biên giới hồi cuối năm 1984. Hồn thơ ngày nào vẫn còn cháy bỏng: "Tôi đã đi suốt cả chặng đường dai/ Tuổi thanh xuân như bài ca năm tháng/ Những háo hức đam mê luôn bừng sáng/ Gió đông về tôi hát ấm tim anh"

 

Vương Tâm

 

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

 

       Chợt gặp em trong phách mộng, trống mê

 

Vương Tâm

 

        Tôi với NSƯT Bạch Vân quen nhau từ 30 năm nay. Hồi chị là nhân viên Sở VHTT &DL Hà Hội (Sở VH,TT) hay sang báo Hà Nội mới nơi tôi làm việc để đăng tin về hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Bạch Vân có năng khiếu viết báo từ lâu nên hay cộng tác. Nhưng có điều bao giờ tôi cũng được chị kéo ra hành lang hát tặng một câu ca trù mới học được. Giọng chị lạ lắm ngân vang bay bổng và đẹp như nắng sớm trải tấm lụa vàng trên bãi cỏ non.

 


Bần thần một cõi bơ vơ

 

          Sau ngày giải phóng Thủ đô các tụ điểm hát cô đầu bị cấm (1954). Ca trù dần rơi vào quên lãng. Nói đến hát cô đầu người ta đều nhìn mặt trái của nó trong hoạt động phía sau. Đó là những tệ nạn xẩy ra từ những cô đầu rượu. Riêng các cô đầu hát lại thuộc đẳng cấp khác. Quan khách đến họ hát theo yêu cầu và nhận những đồng bạc ít ỏi. Xong một đêm lại ra về nhà. Nhưng thiên hạ biết đâu khi nói đến hát ca trù là nói đến hát cô đầu họ đều miệt thị. Thời gian trôi đi vài chục năm ròng. Những dẫy nhà hát cô đầu cũng bị xóa sạch bong. Nhất là sau khi Khâm Thiên bị giặc Mỹ bom B52 (12-1972) làm tan nát không còn dấu vết gì của thập niên 50 hay 60. Nghiệp hát cô đầu coi như bị chôn vùi sâu ba tấc đất.

 

        Ấy vậy mà, Bạch Vân đã mạnh dạn đề nghị Sở VH cho thành lập Câu lạc bộ Ca trù (vào đầu năm 1990). Bạch Vân có bàn thuyết trình sự bảo tồn nghệ thuật ca trù truyền thống của dân tộc rất hay. Khi đó tôi là người được đọc những dòng chữ nóng hổi và ẩn chứa say mê bất thường đó của Bạch Vân. Lúc ấy tôi mới hay Bạch Vân đã từng là một ca sĩ (thuộc Đoàn ca múa Nghệ An) được đào tạo bài bản ở Trường VHNT Nghệ An và Khoa thanh nhạc (Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Nhạc viện Hà Nội). Giọng hát của Bạch Vân có màu sắc an tô riêng biệt và hiếm hoi vào thập kỷ 80. Chị tốt nghiệp Đại học Văn hóa, khoa Văn hóa quần chúng, chuyên ban Âm nhạc năm 1981. Chị dược các trường nghệ thuật miền Nam xin, đặc biệt là Gia Lai - Kon Tum với đề nghị của GĐ Sở VHTT Ngụy Như Kon Tum  Nhưng rồi chỉ một lần nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát trên đài phát thanh thế là Bạch Vân đổi hướng. Trong ký ức thơ ấu của mình, Bạch Vân luôn nhớ rằng mẹ mình chính là người hát dân ca lẩy Kiều, ngâm thơ cổ, ví dặm rất hay. Đất quê Thanh Chương của chị cũng là nơi sản sinh những bài ca trù cổ. Từ đó Bạch Vân càng đam mê dòng âm nhạc này. Chị bắt đầu học hành bài bản từ đầu. Một công trình nghiên cứu về ca trù được khởi thảo từ năm 1982. Đến năm 1986, Bạch Vân về Sở VH làm việc cũng chỉ với mục địch hoạt động phong trào và tiếp tục học hát ca trù trong dân gian. Một mình thầm lặng và trăn trở với hồn phách tơ vương: "Hồng Hồng, Tuyết Tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoát có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới thì tơ liễu..."

 

 Lận đận đời ca nương

 

         Đúng là "Mười lăm năm thấm thoát có xa gì", Bạch Vân nguyện ước trở thành ca nương và ngày đêm luyện tập. Câu chuyện ngỡ như đã lỡ nhịp khi chị bắt đầu sự nghiệp ở gần tuổi 30. Nhưng sẵn có giọng hát hay và đào tạo cơ bản, Bạch Vân dấn thân mày mò tầm sư học đạo. Ngẫm lại quãng đường gian truân khởi nghiệp cho đên nay chị không khỏi xúc động. Chị giật mình vì thời gian qua mau. Không còn lưu giữ được chút xao xuyến riêng tư trong đời người con gái. Bạch Vân bắt đầu hành trình hết sức gian nan của mình. Đúng là những lần đi gặp các nghệ nhân của Hà thành xưa đều bị từ chối. Thậm chí họ còn sợ sệt vì muốn tránh cái tiếng cô đầu xấu xa ám ảnh một thời. 

 

          Đó là những ngày Bạch Vân phải đi xe đạp xuống cơ sở và gặp gỡ những ca nương để học từng câu hát. Có người thương Bạch Vân thì dây cho vài ba câu. Thậm chí cả năm trời Bạch Vân mới học được một bài. Cứ học truyền miệng thế chẳng có văn bản hay khuông nhạc để tự mày mò. Bạch Vân đi khắp chốn tìm thầy. Nào lận đận Lỗ Khê, Quốc Oai. Khi lại tất tả Từ Liêm, Thạch Thất. Rồi mải miết đạp xe lên Bắc Ninh, ra Hải Phòng và quay về Hải Dương, đi xe máy vào Thanh Hóa,  Nghệ An, Hà Tĩnh… Cứ ở đâu có nghệ nhân hay giáo phường ca trù là chị đến. Bạch Vân nằn nì học từng câu ca nhỏ lẻ, những luyến láy rung hơi của mỗi nghệ nhân để tìm hiểu, so sánh.., vận động cácnghệ nhân trở lại nghề, đào tạo thế hệ trẻ.

 

        Đặc biệt Bạch Vân đã theo nghệ nhân Quách Thị Hồ trong bốn năm trời để mong được học một chút kỹ thuật cũng được. Giọng hát cùa Bạch Vân đã ám thị âm hưởng thanh thoát và đổ hột làm mê hoặc lòng người. Hơn nữa chị còn được cụ  Chu Văn Du, người chơi đàn đáy nổi tiếng ở Hưng Yên, phó quản ca giáo phường Khâm Thiên dậy trong ba năm về các thể cách cơ bản. Khi lên sân khấu biểu diễn lần đầu tiên, Bạch Vân đã trải qua một chặng đường khủng khiếp kéo dài cả chục năm trời. Mãi cho đến năm 1991, CLB Ca trù Hà Nội của chị mới được ra đời. Nơi hát ra mắt đầu tiên của CLB ở Quốc Từ Giám sau đó về hát cố định tại Bích Câu đạo quán. Chị đã cần mẫn theo bà Phó Thị Kim Đức ngay từ năm 1986 để thuyết phục bà trở lại nghề và dạy nhưng thử thách 3 năm có đức mới dạy 1 bài, 5 năm có đức dạy tiếp 2 bài.

 

. Ngay lập tức giọng hát Bạch Vân nổi lên như một hiện tượng. Đó là một ca nương đích danh. Những bài hát của các nho sĩ và nhà thơ nổi tiếng như: Dương Khuê,CaoBáQuát,NguyễnCôngTrứ,Tản Đà,Chu Manh Trinh,Nguyễn Khuyến...đều được thể hiện với sắc thái mới qua giọng hát Bạch Vân.

 

         Bạch Vân một mình lầm lụi tiến từng bước trong sự nghiệp gìn giữ văn hóa giáo phường ca trù ở Hà Nội. Đây là một tiền đề cho phong trào thành lập các CLB ca trù ở nhiều nơi. Giọng hát của Bạch Vân được phát huy tối ưu trong nghệ thuật hát ca trù. Kỹ thuật cộng với nội lực của chị hòa tan trong những câu ca cao vút bay bổng cao sang. Mỗi lời ca như vận vào đời mình. Hát bằng trái tim rung động mãnh liệt. Chị hát bằng cả trường đời lận đận cô đơn. Quên ngày, quên tháng sống trong mộng ước và tâm trạng thấm đẫm nỗi đau nhân sinh. Liên tiếp những năm này Bạch Vân đoạt những giải cao trong các cuộc thi: HCB hát dân ca (1988); Giải nhất giọng hát hay ca trù (1992); HCB thi Đơn ca chuyên nghiệp TQ năm 1992; đặc biệt Giải nghệ sĩ tài năng xuất sắc năm 1995… Ngoài ra Bạch Vân còn làm phim và tham gia hát ca trù cho các phim như: " Chợt nghe tiếng hát ca trù", đồng tác giả và cố vấn cho phim” Thể phách ca trù “ đạt giải HCB Liên hoan Phim truyền hình TQ 2004, cố vấn và tham gia chính trong phim” Lạt mềm buộc chặt”giải nhất Phim ngắn 2005."Trò đời" .. Bạch Vân được nhân danh hiệu Nghệ nhân và NSƯT (năm 2012).

 


Nặng nợ tang bồng

 

       Nay ca nương Bạch Vân vẫn một mình một bóng ở tuổi "Lục thập hoa giáp". Trong ngôi nhà nhỏ bé ngày nào, chị đang chuẩn bị công trình nghiên cứu để bào về luận án tiến sĩ. Cuốn sách đã xuất bản trước đó "Đào nương và nghệ thuật hát ca trù" (NXB HN-2019) của Bạch Vân là thành quả bảo vệ thành công luận án thạc sĩ (2004). Đây là một tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về đào nương và nghệ thuật ca trù duy nhất hiện nay. Cuốn sách như tổng kết cuộc đời đeo đuổi nghiệp dựng ca trù ở Thủ đô. Nội dung cuốn sách được trình bày khoa học theo từng chương mục cho những người muốn theo đuổi nghề hát ca trù. Nó còn gói ghém cả sự diễn giải tinh tế về khuôn mẫu âm nhạc trong kỹ thuật trình bày lời ca. Bởi ai cũng biết ca trù là một bộ môn nghệ thuật bác học trong ngôn ngữ âm nhạc và lời ca. Chính vì thế tác phẩm của NSƯT Bạch Vân đã được Hội Nhạc sỹ VN trao giải B thể loại sách (không có giải A) năm 2020.

 

        Giọng hát của Bạch Vân vượt thời gian. Hiện nay chị thường xuyên tham gia đào tạo giảng dậy hát ca trù. Sau khi rời địa điểm về hát tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), CLB Ca trù Hà Nội tạo nên một địa chỉ văn hóa sâu rộng. Tôi chợt nhớ có đêm Bạch Vân hát đến tận 2 giờ sáng để phục vụ khách. Giọng hát của Bạch Vân có sức thu hút lạ thường. Những âm sắc gợi cho du khách những niềm ẩn ức mà bấy lâu nay giữ kín. Đó là sự giải tỏa trong những bài thơ "Tỳ bà hành", "Hỏi gió", "Thét nhạc" hay "Chơi xuân kẻo hết xuân đi", hoặc "Trần ai ai dễ biết ai"...Nửa đêm về sáng Bạch Vân lầm lũi về nhà trong sự mệt mỏi rã rời. Chị thiếp đi trong cơn mơ tay gõ phách và miệng vẫn cất lời ca về những nỗi niềm buồn tủi của thân phận mà Nguyễn Công Trứ đã gieo vào tâm hồn bấy lâu nay rằng: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông"!

 

--

 



Nhà văn Nguyễn Bình Phương

                   Phiêu trên mặt trống đồng

Vương Tâm

        Từ đâu đó, câu thơ “Có đứa trẻ chạm tay vào đấy. Bất chợt vang lên một tiếng gầm. Gió và chim và giấc ngủ giật mình cùng tán loạn. Trên mặt trống đồng, bay, trên mặt trống đồng” (Lam chướng) cứ ám ảnh tôi mỗi khi chợt nhớ đến Nguyễn Bình Phương. Lại có người nói muốn đọc được tiểu thuyết ma mị của Nguyễn Bình Phương hãy khởi đầu từ thơ của anh. Và tôi đã bắt gặp “Bày ngựa phi tím tái lưng trăng” (Canh Tý). Rất phê.

Đường dài mới biết ngựa hay

         Ai cũng kêu sách của Nguyễn Bình Phương rất khó đọc. Đến như nhà văn gạo cội Bảo Ninh cũng nói khi đọc “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương rằng: “Là một tiểu thuyết rất không dễ đọc đối với tôi, nó thách thức lối đọc văn học xưa giờ tôi vẫn quen”. Chính nhà văn Nguyễn Bình Phương còn nói tiểu thuyết của anh rất kén người đọc. Nhưng theo tôi đã đọc được vào mạch văn đậm nét liêu trai của anh thì ai cũng rất mê. Bởi cách chơi cấu trúc tiểu thuyết của anh có những cung bậc khúc khuỷu nhưng nghệ thuật kể chuyện lai rất hấp dẫn. Nhà văn Bảo Ninh sau khi kêu là khó đọc thì ngay sau đó lại anh bộc bạch: “Song trang này tiếp trang khác, trường đoạn này qua trường đoạn khác, “Mình và họ” hoàn toàn chế ngự tôi…Một tiểu thuyết tuyệt vời đối với tôi từ đầu tới dòng chót cùng”. Nhưng quả đọc sách của Nguyễn Bình Phương không dễ. Hồn ma bóng quỷ luôn nhập vào những chương đoạn có yếu tố bất ngờ đã làm nhiều người giật mình. Lại nhớ chính vì những hồn ma đó trong một truyện ngắn mà anh đã gặp tai nạn văn chương đầu tiên. Và người không ai khác liên quan đến sự kiện lại là nhà văn Bảo Ninh.

        Nhớ lại ngày ấy, một lần Nguyễn Bình Phương đạp xe đi lang thang vọt qua cổng báo Văn Nghệ ở 19 Trần Quốc Toản thì gặp nhà văn Bảo Ninh gọi giật lại. Khi đó nhà văn Bảo Ninh đang biên tập truyện ngắn cho tờ Văn nghệ trẻ. Anh hỏi Nguyễn Bình Phương có truyện ngắn nào đưa ngay để chữa cháy cho một truyện ngắn vừa bị gác lại. Vậy là Nguyễn Bình Phương đưa truyện ngắn “Đi”. Nhà văn Bảo Ninh sau khi biên tập đã đưa duyệt. Báo in ra nhưng ngay lập tức có dư luân không hay. Báo bị thu hồi. Nguyễn Bình Phương bị kiểm điểm (hồi còn làm ở NXB Quân đội nhân dân VN). Một lần gặp Nguyễn Bình Phương tôi hỏi tai nạn đó xảy ra vào thời gian nào thì chính anh không nhở cụ thể số báo (bị thu hồi) mà nói là vào năm 2000. Nhưng anh rất nhớ tin sét đánh đó ập đến đúng vào ngày mình cưới vợ. Sáng ăn cưới tưng bừng. Chào đón khách rôm rả tràn ngập niềm vui. Thì ngay chiều hôm đó ông giám đốc thông báo có tin không hay truyện ngắn “Đi” in trên Văn nghệ trẻ có vấn đề chính trị. Ai cũng nghĩ rằng truyện của anh có nói đến hồn ma người chiến sĩ sau chiến trường trở về đi trong ánh trăng huyền ảo nên bị nhắc nhở. Nhưng không phải, truyện ngắn “dính tội” chỉ bởi một câu nói đưa tiễn khi người chiến sĩ lên đường. Câu nói bị suy diễn một cách trớ trêu vào thời điểm chính trị quốc tế năm đó. Cả tuần trăng mật của anh bị chìm ngỉm trong những buổi làm kiểm điểm và nhận kỷ luật. Đó là tai nạn nhớ đời về con ma đầu tiên của Nguyễn Bình Phương trong văn chương. Biết sao được. Tai nạn từ trên trời rơi xuống. Bó tay!

       Chính vì hồn ma chiến sĩ mà tiểu thuyết “Mình và họ” của anh cũng bị không ít cac nhà xuất bản ở trong nước từ chối. Nguyễn Bình Phương nói anh viết xong tác phẩm vào năm 2010 mời chào mãi mới có một nhà in bên Mỹ xuất bản (2011). Nhưng tiểu thuyết đã đổi tên “Xe lên, xe xuống”. Mãi tới ba năm sau NXB Trẻ đã mạnh dạn quyết định in với cái tên chính thức “Mình và họ” (2014). Tuy vậy sự lận đận của tiểu thuyết này cũng không sánh được với gian nan của tác phẩm “Thoạt kỳ thủy”. Đó cũng là một kỷ lục cho một tác phẩm bị tới hơn 20 NXB trong nước từ chối. Nguyễn Bình Phương tâm sự thậm chí đưa xuống NXB Hải Phòng cũng bị trả lại. Vậy là dòng dã vòng quanh tới 9 năm mới được NXB HNV cho duyệt in  năm 2004. Người biên tập là nhà văn Tạ Duy Anh. Vậy ra người ta vẫn sợ những va đập của ma quái, điên và tội ác. Tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy” tuy có sự gào thét của điên rồ hay chết lịm của mộng mị nhưng không có những cái dữ dội và khốc liệt trong câu chuyện ma của “Mình và họ”.

        Nguyễn Bình Phương có lần kể với tôi về nguyên cớ khi viết “Mình và họ”. Đó là câu chuyện về một tội ác của một cô gái trong đường dây buôn ma túy. Cô ta  tên là Trang đã cho đổ xăng đốt lửa, giết chết kẻ đồng lõa với mình vì nghi kỵ lẫn nhau. Vụ án này có thật trong bài viết trên báo ANTG (phụ bản báo Công An nhân dân). Nguyễn Bình Phương nói nhìn ảnh cô Trang đó rất xinh đẹp. Nhưng không ngờ dưới một nhan sắc xinh tươi ấy là ẩn chứa một thú tính dữ tợn. Hành động bạo lực ấy được coi là một tương phản làm rung động trái tim nhà văn. Nguyễn Bình Phương khai thác câu chuyện ở một cấp độ xã hội sâu sắc. Anh kết hợp hai tuyến nhân vật với những câu chuyện đan chéo nhau đầy kỳ dị. Một câu chuyện về chiến tranh hay tiễu phỉ xen lẫn vụ án thiêu xác người. Chúng được kể trong một vòng của chuyến xe lên vùng rừng núi đông bắc. Khi đi lên núi và khi xuống núi. Thời gian khép kín trong vòng vài ngày. Chuyến xe lên với những hiện thực của những ký ức đan xen. Còn với chuyến đi xuống là sự ám ảnh của một hồn ma cặp kè tham gia và câu chuyện.

       Giữa hồn ma và người thật vờn nhau bổ sung cho nhau thể hiện đúng góc nhìn của tác giả về bạo lực, tội ác và lương tri của con người. Nghệ thuật kể chuyện của tác giả có nhiều cung bậc khi thì ám ảnh đến ghê rợn và khi lại buồn tủi nghẹn ngào về thân phận con người. Bạo lực và cái ác bị tác giả soi rọi và lên án dữ dội. Xung quanh những nhân vật như: “Chú”, “Cậu”, “Hắn”, “Anh” (anh của nhân vật Hiếu-hay xưng “mình” đậm đặc những sinh tử, oán hận và bạo lực. Nhà văn đã truy tìm và rất lạnh lùng trong cách nhìn để miêu tả làm người đọc sôi sục và quặn thắt cõi lòng. Chính vì góc nhìn sắc sảo và nghệ thuật “trình diễn sắp đặt” các tình huống và không khí lạnh lùng ma quái của tác giả đã hấp dẫn người đọc. Thành công của tác giả đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm “Mình và họ” (sách đã được tái bản năm 2019).

Xa xăm gõ cửa

     Thực ra nhà văn Nguyễn Bình Phương có lần tự xác định mình còn là nhà thơ. Bởi anh tác phẩm văn học đầu tiên của anh là tập thơ “Lam chướng” in năm 1992. Khi đó anh vừa tròn 27 tuổi (sinh năm 1965 “Ất Tỵ”). Trong một bài thơ anh đã viết ngày ra đời của mình đẫm chất hoang dã: “Con rắn mào rời núi. Một chú bé ra đời cười sằng sặc. Lăn hai vòng. Rồi đi. Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi. Đêm ấy đám người điên. Khơi lên ngọn lửa hoang lạnh lẽo. Đêm ấy những hàng cây đại thụ. Long rễ và héo rũ” (Khách của trần gian-Trường ca-1996). Cho đến nay Nguyễn Bình Phương có tới 6 tập thơ bên cạnh 9 tiểu thuyết đã phát hành. Bạn đọc đã đón nhận anh từ cả hai lĩnh vực. Dường như thơ đã phần nào phản ánh từ sớm phong cách nghệ thuật văn chương của anh. Đó là tính huyền ảo trong hình ảnh hiện thực thơ ca. Rất mơ màng phiêu du. Đậm chất kỳ bí. Đó là những khúc ru: “Ngủ chưa người cái nhớ thắp đầy sân. Cái nhớ đội tán sen vàng ngày hạ” (Lam Chướng).

Nhưng có lẽ tới tập thơ “Buổi câu hững hờ” (2011) đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (2012), Nguyễn Bình Phương mới tỏ rõ chân dung thơ của mình hơn. Đây là một trong ba giải thưởng văn học của anh. Chúng ta có thể gặp 37 thi phẩm của “Buổi câu hững hờ” trong tuyển tập thơ Nguyễn Bình Phương (in năm 2014).

      Nguyễn Bình Phương đã có lần tâm sự với tôi về sự ảnh hưởng của thơ tới tiểu thuyết của chính anh. Đó là sự huyền ảo đậm chất tâm linh. Thơ là thiền tự soi rọi lại bản thân và khám phá thế giới tâm hồn mình. Chính vì thế có lần anh đã tự ngộ rằng: “Tôi từng nghĩ, trong cả thơ và văn của tôi dường như có một con ma nào đó”. Hiện nay anh vẫn làm thơ và đặc biệt rất thuộc thơ mình cho dù đã viết cách đây chừng 20 năm. Có lần tôi đố anh đọc hoàn chỉnh bài “Buổi câu hững hờ” rất trúc trắc và ngưng ngắt liên tục. Không ngờ tôi chào thua khi theo dõi sách để kiểm tra văn bản. Và cũng từ đó tôi thấy phê những câu thơ ảo diệu của anh như: “Con mắt câu giọt sương. Cái cây ấy long lanh toàn mộng”. Hay những câu thơ đã găm vào trí nhớ của tôi: “Nước câu mặt trời. Mặt trời câu gió”; Hoặc có đoạn khá mộng mị: “Người chán nản câu cơn giông. Lũ trẻ online câu hy vọng…”. Toàn chữ bình dị những đã lập tứ tạo hình ảo là thế.

       Điều thú vị với những đề tài hoặc đầu bài tưởng như rất nhẹ thậm chí đến đơn  giản như “Ngoài cuộc”, “Chào hàng”. “Không phân biệt” hay như “Phân chim”, “Quanh quanh”, “Miêu tả những ngày mưa”…Nhưng tâm hồn thi sĩ Nguyễn Bình Phương đã tạo nên cõi thơ riêng biệt. Đó là những cơn lên đồng với thanh điệu “Văn” khắc khoải và say đắm. Đó là “giá đồng” mộng mị như: “Ngờ như những lời ngang ngửa. Đã xanh rêu với u huyền. Những ánh bay ngọt lừ không còn mùa đưa tiễn. Chiều ra ngả bóng làm chi” (Bài thơ này đang ốm). Nhà thơ đã biết khai thác từ những gì đơn giản nhất nhưng đều ẩn chứa tâm trạng về nỗi đời: “Tôi cắt tóc. Buông lơi. Khuôn mặt ngoài mùa hạ. Sau bức tường kia sự thật đã già” (Cắt tóc). Đặc biệt trong “Bài thơ cũ” bạn đọc lại thấy nét hiện đại và tư duy nhân văn sâu sắc của Nguyễn Bình Phương. Anh viết: “Ta sinh ra cô đơn. Giờ cô đơn đã cũ. Ta trưởng thành bởi sợ hãi. Sợ hãi cũng cũ rồi”. Hay nói về cuộc đời con người, anh có những câu thơ trĩu nặng tâm tư: “Số phận già như trời. Lọm khọm đi giữa công viên đầy nắng. Nắng có gì hay hớm nữa đâu”. Dường như nhà thơ muốn kìm nén mọi cảm xúc tuôn trào mà chỉ kể và vẽ lên những hình ảnh khắc sâu vào tâm trạng người đọc. Đúng như phong cách viết tiểu thuyết của anh. Nguyễn Bình Phương muốn dành cho người đọc bước vào ma trận hình họa mà hét lên và yêu ghét những gì trong thế giới hồn ma bóng quỷ của mình. Phải chăng, đó chính là mục đích văn học của Nguyễn Bình Phương.

Vĩ thanh

         Những thành công của Nguyễn Bình Phương đã thể hiện sự lao động nghiêm túc và hết sức coi trọng bạn đọc. Trong không ít cuốn sách anh đã đề ngày viết và ngày hoàn thành cách nhau chừng vài ba năm. Anh tâm sự thường một cuốn sách viết trong một năm thì phải sửa ít nhất hai năm mới hoàn thành theo ý mình. Khi đó mới cho xuất bản. Thậm chí có cuốn như “Kể xong rồi đi”, Nguyễn Bình Phương phải sửa đến lần thứ tư. Nhiều phần phải dỡ ra viết lại. Tác phẩm trong 4 năm mới tới tay bạn đọc. Anh cho tôi xem một số bản thảo viết tay khoảng đầu thập kỷ 90 mới thấy đáng nể trọng. Trang nào cũng chữa dầy đặc những nét mực xanh mực đỏ. Gần như chương đoạn nào đọc lên chưa sướng tai, không nhập hình trong liên tưởng là anh viết lại. Chữ của anh luôn tạo hình như thơ là vì vậy. Câu văn của Nguyễn Bình Phương cũng ngắn gọn như thơ chứ ít khi dùng nhiều mệnh đề. Hệt như những câu thơ cô đọng: “Hai đứa trẻ vò tai tôi sung sướng. Ngân nga ba đứa ba quả chuông” (Chơi với con).

        Chính vì thế trong “Mình và họ” nhà văn đã dành cho những câu đối thoại,  độc thoại tự bật ra tính cách nhân vật hay tình huống của câu chuyện trong chuyến xe lên, xe xuống. Bởi hồn ma đâu có nói dài mà buông vào cõi hư vô với những oán hờn, dận giữ và đau khổ vì tội ác. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ thú vị đẫm chất văn xuôi mà ta đã gặp ở đâu đó trong bất kỳ tiểu thuyết nào của Nguyễn Bình Phương. Khi anh viết: “Họ nhổ nước bọt lên buồn đau, họ di chân vào hy vọng. Họ ăn nhẩn nha, nói nhẩn nha làm tình thì hối hả vì họ biết không ở đây được nữa” (Những cư dân vùng châu thổ sông Hồng”. Và đọng lại trong tôi những câu thơ đã hóa thạch của anh: “Trong thanh gươm đã có sẵn nụ cười. Trong những nụ cười vô vàn gươm sắc” (Tượng đá cầm gươm). Tôi đã hình dung Nguyễn Bình Phương chính là một thanh gươm.

 

 

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Tình nhị hồ vẫn yêu âm xưa






NSND Xuân Hoạch
               Tình nhị hồ vẫn yêu âm xưa
Vương Tâm
         Tôi đã nghe tiếng đàn Nguyệt của anh Xuân Hoạch từ những năm giữa thập niên 70, trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là suối âm thanh ròn rã vui tươi và say đắm lòng người. Sau này lại còn nghe anh kéo nhị Hồ, hát xẩm ở sân khấu ngoài trời, tại chợ Đồng Xuân, tôi càng ngỡ ngàng. Một cảm giác lạ lùng khi nghe tiếng nỉ non, trầm buồn từ tiếng nhị Hồ trên tay anh. Mộng mị làm sao…
1-“Cung thương lầu bậc ngũ âm”
        Tôi muốn mượn câu thơ Kiều để nói về tài năng của NSND Xuân Hoạch, bởi lẽ anh không những thành thạo đàn Nguyệt, bộ môn được đào tạo chính thức tại trường Đại học Âm nhạc, mà anh còn chơi giỏi cả một số cây đàn khác như Nhị, Hồ, Bầu, Đáy, Song Loan. Đặc biệt riêng đàn Bầu hay đàn Nhị thì anh không hề được học một giờ nào trên lớp, chủ yếu tự học theo bạn và mày mò tìm hiểu. Với cây đàn Đáy thì lại có khác đôi chút, đúng với nghĩa không thày đố mày làm nên, anh phải tìm đến nghệ nhân lừng danh Đinh Khắc Ban học hỏi. Chơi đàn Đáy trong hát Ca trù đòi hỏi ngón nghề điêu luyện để có thế dẫn dụ ca nương mỗi khắc một đắm đuối hơn, đổ hột giọng ca thật nhuyễn cùng với lá phách buông đến độ ngây ngất lòng người. Vậy đó, khi đến diện kiến nghệ nhân Đinh Khắc Ban, và nghe ông đàn, Xuân Hoạch bị cuốn hút và thao thức trong đêm vì tiếng đàn bí ẩn ấy.  
       Đó là những ngày tháng tập luyện đến chảy máu tay rồi mới đến độ bén tiếng đàn, theo đúng như ông thày nhận xét. Đúng là âm thanh khi bén tiếng đàn chỉ là vỡ vạc ban đầu, sau đó trò được cầm đàn học bài bản, theo thày trong canh hát. Thời gian trôi đi mươi năm, nghệ sĩ Xuân Hoạch được coi là người chân truyền cho tiếng đàn Đáy của ông thầy, nghệ nhân Đinh Khắc Ban. Anh đã được đệm cho nghệ nhân ca trù bậc thầy Kim Đức hát. Anh còn nhớ có lần bà Kim Đức, qua tiếng đàn của mình, đã bay bổng thăng hoa hát làm lay động người nghe, với những âm sắc “đổ con kiến” như hát châu rơi trên mâm đồng. Sau đó bà ví von khen ngón đàn Xuân Hoạch, rằng: “Gần như suối đổ trên vách núi xuống. Xa như tiếng hạc dội từ trên cao”.  Sau này khi nghệ nhân Đinh Khắc Ban “rửa tay gác kiếm” đã trao cây đàn, gắn bó với cuộc rong chơi nửa thế kỷ của mình, cho không ai khác đó là người kế vị chân truyền Xuân Hoạch.
        Với tài năng đặc biệt, nghệ sĩ Xuân Hoạch đã cùng Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Việt Nam đi khắp đó đây biểu diễn, với cây đàn Nguyệt của mình. Dường như anh đã đi khắp đất nước gieo những âm thanh đẹp tựa suối trong và cuộn trào như những lớp sóng biển tung bở cát trắng. Anh đã từng đoạt nhiều HCV trong các kỷ hội diễn chuyên nghiệp trên toàn quốc và đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997. Có lần anh còn tự sáng tác bản “Nhớ vùng quan họ” cho đàn Nguyệt để đi thi Hội diễn toàn quốc ở Cần Thơ. Bản nhạc này đã ghi dấu ấn kỷ niệm với HCV ngay tại quê hương sông nước miền tây, với phong trào đơn ca tài tử rầm rộ hàng trăm năm qua. Sau đó với cây đàn Đáy, anh cũng đoạt HCV vàng khi chơi bản độc tấu rất lạ tại cuộc thi ở Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vào năm 2005. Đến năm 2007, anh đã vinh dự được Nhà nước trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ghi nhận công sức cống hiến của anh, gần nửa thế kỷ qua cho nền âm nhạc truyền thống của dân tộc ta. Tiếng đàn của anh đã “bén ngọt” thực sự như cố nghệ nhân Đinh Khắc Ban khi tin tưởng trao cây đàn cho anh. Hiện trong tay anh còn có cây đàn Đáy cổ do nghệ nhân Nhân dân Quách Thị Hồ trao lại. Đó là những cổ cầm, báu vật của tiền nhân đi trước. Họ hy vọng, bắt đầu từ ngôi nhà này, tiếng đàn  của Xuân Hoạch sẽ được truyền đi, và trao lại cho thế hệ sau tiếp nối. 
2-Tiếng tơ tiếng trúc hồn quê
       Khi đến ngôi nhà NSND Xuân Hoạch ở ngõ Ao Phủ, kế gần bên là một căn phòng hòa nhạc được dựng bằng tranh tre nứa lá, tôi thấy anh đang hị hụi cùng với vợ se những sợi tơ để làm dây đàn. Anh cười đúng như hôm đi hát xẩm đêm ở chợ Đồng Xuân, xởi lởi chân tình. Tôi thắc hỏi sao không đi mua giây tơ công nghiệp về làm cho nó nhanh, đỡ phải nhọc công vợ chồng, đổ giọt mồ hôi. Anh thẽ thọt nói, rằng mình phải tự se tơ thành dây đàn mới để lại phần hồn trong nhịp phách, các cụ nói vậy. Thì ra cái âm sắc ám ảnh và ma mị của anh trên cây đàn Hồ là đây. Anh khoe một cây đàn mới làm từ vỏ quả bầu và một cây trúc làm cần đàn cho tôi xem. Xoay xoay cây đàn tre trúc cho tôi ngắm những họa tiết mà anh bỏ công đẽo gọt. Khi lên dây đàn, anh mới nói, tiếng dây tơ lạ lắm, nó như tiếng người ấy ông ạ. Thế là anh kéo vĩ lấy tiếng trên cây đàn nhị Hồ, và đẩy một cung nhạc lướt nhẹ, rồi hát. Đó là âm sắc nhị Hồ hợp với giọng hát trung trầm của anh. Giọng anh hơi khàn nhưng sao lại ấm áp mơ màng đến thế. Nó trôi trong tiếng nhị Hồ. Tôi bỗng như nghe thấy âm vang tự trong lòng, khi thương cho nàng Kiều chơi đàn: “Lọt tai nghe suốt năm cung. Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao”.
        Đó chỉ là những cung nhạc đọng lại ban đầu khi anh cho tôi nghe để biết thế nào là tiếng đàn dây tơ. Nó khác hẳn âm sắc của dây ni lông hay dây kim loại. Âm của dây tơ không ngân vang mà nó như tiếng người, khoan nhặt bày tỏ nỗi lòng. Xưa các cụ chỉ chơi đàn dây tơ nên: “Tiếng đàn tiếng của tơ lòng. Tình ta khắc khoải đục trong mơ màng. Tiếng đàn tơ không mênh mang. Nỉ non, xót đắng bàng hoàng con tim”. Nghệ sĩ Xuân Hoạch kể mình đã mất mấy năm trời để đi tìm lại tiếng dây tơ của ông cha xưa. Và, cũng đã mươi năm nay, anh chỉ chơi đàn dây tơ và dậy cho học trò hiểu về âm sắc, chứa đựng hồn người của nó. Anh truyền lại cho những nghệ sĩ trẻ với niềm hứng thú: “Mai sau dù có bao giờ. Đốt lò hương cũ se tơ phím này”. Tôi ngồi nghe nghệ sĩ kể chuyện về dây đàn tơ như được đắm chìm vào âm thanh kỷ ảo của nó.
        Nghệ sĩ Xuân Hoạch đưa cho tôi xem con tơ (cuộn tơ) mua được từ làng tơ lụa Nha Xá, tận Hà Nam để làm dây đàn như thế nào. Nói rồi anh lắp một dây tơ vừa làm xong lên chiếc đàn Đáy của nghệ nhân Đinh Khắc Ban để lại, rồi dạo một khúc đàn để cho tôi thấm được cái âm trong đục của nó. Anh bất ngờ cất tiếng hát bài “Hồng hồng tuyết tuyết”. Nét nhấn nhá của tơ lòng hiện rõ rệt, tôi cảm thấy tiếng đàn phụ họa cùng giọng ca, đẩy tâm hồn của người nghệ sĩ bay lên như hoa như tuyết, dào dạt cảm xúc. Đúng là: “Trong như tiếng hạc bay qua. Đục như nước suối mới sa nửa vời. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài. Tiếng mau sấm sập như trời đổ mưa”. Chắc hắn ai cũng nghĩ đại thi hào Nguyễn Du đã nói một cách chuẩn mực về âm sắc của dây đàn tơ. Trên tường nhà anh có tới chục chiếc đàn các loại đều lắp dây tơ do vợ chồng anh cùng làm. Nhiều người đã đến đặt anh làm và chỉnh âm. Dan díu với lụa tơ quả là con đường đưa âm thanh trở về với chính nó, sứ xở thiên đường âm nhạc về với cõi người.
3-Ông hát xẩm mơ
       Nói đến dây đàn tơ là chạm đến hồn cốt một đời đeo đuổi của NSND Xuân Hoạch. Ngay cả đến những chuyên gia Trung Quốc có lần sang đây, khi nghe Xuân Hoạch chơi nhị Hồ bỗng thốt lên rằng, đó chính âm nhạc Việt, thật độc đáo. Tiếng đàn nhị Hồ nhẹ như nắng xuân vậy, ấm và dịu lắng trong lòng người nghe. Vậy mà hiện nay người ta vẫn chưa hồ hởi thu nạp thứ dây tơ ấy. Họ tìm đến ni lông hay dây kim loại cho bền và ngân vang, nhưng lại ồn ã vô cảm. Âm thanh lắng đọng của cha ông vẫn còn bị lãng quên.
        Một đời lần hồi tìm kiếm, NSND Xuân Hoạch phô diễn tiếng đàn tơ làm nức lòng người, với những bài xẩm như “Mục hạ vô nhân”, “Trăng sắng vườn chè”. “Lỡ bước sang ngang” hay như “Tre xanh”, “Về làng”…Nghe du dương đến thế. Chính nghệ sĩ Văn Thao đã từng nói, chơi đàn dây tơ rất khó, nếu không chăm chút tinh luyện tìm lại những âm sắc đồng quê xưa. Còn NSND Xuân Hoạch luôn luôn nghĩ để mất đi những âm thanh của ông cha là có tội. Anh mơ rằng, đến một ngày nào đó mình sẽ hòa tấu trong một dàn nhạc dây dân tộc, chơi toàn bằng dây tơ. Ngày ấy không xa. Bởi lẽ sức quyến rũ của âm thanh dây tơ luôn chờ đợi ở đâu đó mà người nghệ sĩ sẽ tìm về.

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Gã lãng tử Đức Huy


                         Gã lãng tử Đức Huy


 Vương Tâm
        Nhỏ nhẹ duyên dáng và tài hoa. Ai cũng nhận xét về ca nhạc sĩ Đức Huy như vậy. Anh là một trong những số ít ca sĩ chỉ hát những ca khúc của mình sáng tác. Ấm áp chân tình. Mơ mộng và ngọt ngào đúng như một gã du ca trên những nẻo đường đời. Anh là hiện thân của một nghệ sĩ sống với muôn nẻo truân chuyên từ khi còn nhỏ. Âm nhạc đã chọn anh như một sự cứu rỗi trong cuộc sống…
1-Bắt đầu từ “Cơn mưa phùn”
       Mới 4 tuổi, cậu bé Đức Huy đã mang một nỗi buồn vô hạn, khi cha mẹ phải chia tay. Đức Huy theo mẹ cùng sống với cha dượng nay đây mai đó. Sinh (1947) trong một gia đình công giáo ở Sơn Tây (Hà Nội), bé Đức Huy sớm đã hòa mình với không khí âm nhạc thánh ca, và tình yêu âm nhạc đã nảy mầm từ những ngày theo cha mẹ đi lễ nhà thờ. Năm 1954, gia đình di cư vào phía nam, Đức Huy bắt đầu một cuộc sống lang thang theo công việc di chuyển của cha dượng khắp đó đây. Mỗi nơi sống vài năm ngỡ như vô định. Nay ở Đà Nẵng, lúc lại sống tại biển Nha Trang, khi lại lên Đà Lạt. Cuối cùng đơn vị của cha dượng được chuyển về Sài Gòn (1961). Khi đó Đức Huy đã bước sang tuổi 15. Tuy vậy, đến đâu Đức Huy vẫn được mẹ và cha dượng cho ăn học đến nơi đến chốn và tiếp xúc với âm nhạc nhà thờ thường xuyên. Dường như ngọn nguồn cảm xúc âm nhạc vẫn còn nằm ở đâu đó trong góc tâm hồn của Đức Huy. Nó chỉ phát huy sở trường bắt đầu từ ngày được về Sài Gòn ăn học. Kèm với đó, gia đình lại ở gần với một nhạc sĩ nổi tiếng, đồng thời cũng là bà con họ hàng từ bắc vào. Đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tác giả của ca khúc “Bài thánh ca buồn”, người anh họ của Đức Huy. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thấy cậu em có năng khiếu âm nhạc nên đã truyền dậy.
       Vừa đi học, Đức Huy vừa chăm chút từng ngón đàn ghi ta đầu tiên, trong cuộc đời mình. Do có năng khiếu trời ban và tâm hồn nhạy cảm, chỉ trong vòng một năm Đức Huy đã thành thạo những bài học cơ bản. Đúng như cá gặp nước vậy, Đức Huy say mê cây đàn ghi ta suốt ngày đêm, chăm chỉ luyện tập không biết mệt mỏi. Học mọi nơi mọi lúc. Luyện từng ngón đàn khó học được từ các bậc đàn anh. Có ngày nghe đĩa nhạc tới 40 lần để tìm cho ra những hợp âm của bản nhạc. Anh không hề bỏ qua những bộ phim ca nhạc nào. Nhất là những bản độc tấu ghi ta. Đức Huy dành mọi số tiền ít ỏi để mua đĩa hay vào rạp lắng nghe các nghệ sĩ biểu diễn. Lúc nào Đức Huy cũng sống trong cơn mộng du với những hợp âm trong những bản hòa tấu ghi ta. Chỉ trong hai năm khổ luyện và chịu khó học hỏi, Đức Huy bất ngờ xin tuyển vào ban nhạc Les Vampires, nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Đức Huy khi đó mới 16 tuổi đã nổi lên như một hiện tượng âm nhạc trẻ có tài năng. Anh là học sinh của trường Chu Văn An, trong khi đó các thành viên khác của ban nhạc đều được đào tạo từ những trường Tây có danh tiếng ở Sài Gòn.
        Không những là một nhạc công có tài, Đức Huy còn sớm thể hiện năng khiếu sáng tác ca khúc, và viết những bản phối khí cho ban nhạc. Sau này lên học Đại học Văn khoa, năm 1969, bất ngờ Đức Huy trình làng ca khúc “Cơn mưa phùn”. Anh hát cùng với nữ ca sĩ Thanh Tuyền và được bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, giọng hát của Đức Huy trong trẻo ngọt ngào và dịu dàng, gây ấn tượng truyền cảm dễ thương. Vừa chơi ghi ta, Đức Huy vừa hát tạo nên hình ảnh đáng yêu trong lòng bạn trẻ vào đầu thập niên 1970 ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Đức Huy xác định sự nghiệp mình theo đuổi  là âm nhạc, nên đã tham gia biểu diễn với những ban nhạc nổi tiếng nhất để mưu sinh và theo đuổi con đường sáng tác ca khúc. Với anh âm nhạc là người tình trăm năm. Sự quyến rũ của nó đã làm trái tim anh tan chảy. Sống với những cung bậc của giai điệu mê say. Mỗi khi cầm cây đàn ghi ta, nguồn cảm xúc trong anh trào dâng, và những tình khúc ra đời. Ngỡ như cuộc sống sẽ thăng hoa và mê say bất tận với âm nhạc, nếu không có cuộc ra đi bất ngờ trong cuộc đời anh, vào năm 1975, khi theo gia đình tha hương trên đất Mỹ.
2-Những năm tháng du ca trên tàu biển
        Lại bắt đầu con đường đi của mình trong đường đời. Cái mệnh thiên di của Đức Huy là vậy. Anh chàng thư sinh và tài hoa ngày nào, giờ đây phải làm người bảo mẫu, hay phục vụ trong một nhà hàng để kiếm ăn lần hồi. Lận đận trong gần 10 năm tìm việc mưu sinh, Đức Huy đã trải qua hàng chục công việc không đâu vào đâu. Khi bưng bê, khi quét dọn, rồi lăn vào bếp nấu ăn trong một nhà hàng. Có lúc sang hơn chút là làm chân văn thư lưu trữ hồ sơ. Cuối cùng âm nhạc lại tìm đến anh và cất tiếng gọi thử thách đến bất ngờ. Bắt đầu là làm nhạc công hát tiếng Anh cho một nhà hàng Trung Hoa. Nhưng sau đó hết việc lại xin vào hát cho một quán Bar của người Nhật. Thế là anh ngày đêm lao vào học tiếng Nhật, luyện hát những bài hát của xứ sở mặt trời mọc, Đức Huy nhanh chóng đứng lên sân khấu chỉ sau vài tháng rèn tập. Và đây chính là thời gian anh viết được ca khúc “Và tôi cũng yêu em”. Khán giả trong quán Bar vô cùng yêu thích ca khúc này, khi được nghe anh trình diễn bằng tiếng Nhật cùng hòa tấu với ban nhạc. Có thể nói đây là bài hát định dấu mốc “Son” cho nghiệp sáng tác của Đức Huy trong cộng đồng hải ngoại.
        Nhưng rồi cái số thiên di lại lôi kéo anh ra khỏi quán Bar người Nhật và ném anh lên con tầu định mệnh. Đó chính là con tầu du lịch lớn lênh đênh khắp các vùng đại dương bao la. Anh hát phục vụ du khách trong mỗi chuyến đi và dịch chuyển hết từ Hawaii, đến Tahiti, Carribbean, rồi sang Jamaica, hay Mexico…nghĩa là nay đây mai đó, với cả ngàn du khách, với con tàu cắm cờ Liên Hiệp Quốc của 64 quốc gia. Trên con tàu đó, Đức Huy vừa đàn vừa hát tiếng Anh và sáng tác. Anh biểu diễn theo chương trình và theo yêu cầu của người nghe. Một cuộc viễn du bằng âm nhạc của Đức Huy, bắt đầu từ năm 1984, kéo dài tới 1989. Có lẽ đây là 5 năm huy hoàng nhất về sáng tác và biểu diễn của Đức Huy. Chính từ chuyến du ca định mệnh này, tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào và có sức thu hút mạnh mẽ của âm nhạc Đức Huy. Đó chính là những tác phẩm để đời như: “Người tình trăm năm”; “Một tình yêu”, “Để quên con tim”, hay như “Tiếng mưa đêm”. “Bay đi cánh chim biển”, “Và con tim đã vui trở lại”…Hơn thế nữa, cũng tại nơi đây nguồn cảm hứng cho những tình khúc khác cho Đức Huy trong dịp này ra đời, đó chính là ca sĩ Thảo My. Cuộc tình thơ mộng giữa hai người được ghi dấu ấn sáng tác của Đức Huy, khi anh viết tặng riêng Thảo My các ca khúc nổi tiếng: “Đừng xa em đêm nay”, “Những đêm trăng tròn”, “Còn mãi thương nhau”
       Nhưng trớ trêu thay, sau cuộc viễn du âm nhạc và cuộc hôn nhân giữa hai người (vào năm 1991) là cuộc vật lộn vì mưu sinh không mấy thuận chèo mát mái. Vợ chồng Đức Huy-Thảo My chuyển hướng sang kinh doanh để nuôi các con ăn học. Hai người mở phòng thu, rồi mở Studio, quay sang làm nhà hàng kiếm tiền. Cùng với thời gian này, sân khấu hoạt động ca nhạc ở Hải ngoại thoái trào, các Show ca nhạc không còn được thịnh hành như trước. Đa số các nghệ sĩ đều phải làm nghề khác để mưu sinh. Đức Huy và Thảo My cũng nằm trong vòng quay khắc nghiệt đó. Nhưng càng làm ăn càng khó khăn. Cuộc sống hai vợ chồng nuôi ba con ăn học không dễ dàng gì. Mâu thuẫn gia đình một ngày một nặng nề. Họ đã chia tay sau hơn 13 năm chung sống. Ngay sau đó, nhạc sĩ Đức Huy tìm đường trở về Việt Nam, với mục đích tìm lại thị trường âm nhạc. Anh luôn mong ước được biểu diễn cho khán giả trong nước, nơi mà mình đã ra đi. Thêm một lần nữa, anh khát khao tìm lại chính mình trên quê hương và muốn xóa đi nỗi buồn dằng dặc, sau bao năm tha hương trên đất khách quê người.
3-Và con tim đã vui trở lại
       Thêm một lần “như cá gặp nước”, sau khi nhạc sĩ Đức Huy trở về định cư hẳn ở trong nước, với những hoạt động từng bừng trên sân khấu ca nhạc. Anh tham gia biểu diễn và đã xuất hiện trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, với cây đàn ghi ta quen thuộc. Giọng hát trong trẻo ngọt ngào vẫn như ngày nào. Năm 2005, nhạc sĩ Đức Huy lần đầu tiên phát hành Album “Và con tim đã vui trở lại” tại Việt Nam. Sau đó hai năm, anh đã tổ chức Liveshow riêng, thể hiện niềm vui trở về với khán giả trong nước. Những năm sau, nhạc sĩ Đức Huy còn được mời tham gia làm giám khảo cho các cuộc thi như “Bước nhảy hoàn vũ” và “Gương mặt thân quen”. Cũng từ đó, nhạc sĩ càng trở nên thân quen hơn với khán giả trong nước, khi anh về định cư hẳn từ năm 2012.
       Còn hơn thế nữa, một hạnh phúc mới đến với anh, đó là cuộc hôn nhân thứ hai vào năm 2013. Người vợ trẻ, sinh năm 1991, một khán giả yêu âm nhạc Đức Huy từ khi còn nhỏ. Say nhạc và say tình. Quả là trời cho nhạc sĩ Đức Huy sau chuyến trở về này. “Và con tim đã vui trở lại” đúng với nghĩa của nó. Giờ đây lời bài hát của Đức Huy mỗi khi được cất lên càng ẩn chứa niềm vui không bao giờ vơi cạn trong anh. Khán giả cũng hòa chung vơi niềm vui ấy: “…Và tôi cũng yêu em. Yêu em nồng nàn. Yêu em chứa chan…



Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Mắt Phồn Xương

MẮT PHỒN XƯƠNG

Hồn về cõi xa xăm bi tráng
Đầu ta rơi vì kẻ đớn hèn
Máu nhuộm đỏ sa cơ thất thế
Ngạo nghế cười lộng gió
Phồn Xương

Yên Thế 11-2017

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Vương Tâm- Nữ hoàng Bolero Hương Lan



Ca sĩ Hương Lan
         
Nữ hoàng Bolero với giai điệu quê hương

      Tôi đoan chắc, bất cứ ai say mê dòng nhạc nào, cũng đều yêu thích giọng hát ấm áp và buồn da diết của Hương Lan. Ắt hẳn, mọi người đều công nhận ca sĩ Hương Lan có một giọng hát với màu sắc riêng biệt, ở mọi cung bậc tình cảm, thu hút lòng người. Cho dù hát cải lương hay tân nhạc, Hương Lan bao giờ cũng thể hiện được nét đặc sắc của tác phẩm. Thấm đậm chất dân ca. Chân tình và nồng ấm…
1-Một thuở hào quang và đổ vỡ
Ca sĩ Hương Lan là một trong những số giọng ca hiếm hoi, khi mới 5 tuổi bước lên sân khấu biểu diễn, đã thu hút người xem. Đó là ấn tượng khó quên trong vở cải lương “Thiếu phụ Nam Xương”. Giọng hát của cô bé Trần Thị Ngọc Ánh (tên khai sinh của Hương Lan) ngày ấy, thể hiện một màu sắc và âm vực độc đáo, đầy triển vọng. Đượm buồn, trong trẻo làm xao xuyến lòng người. Ngọc Ánh được sự dìu dắt của người cha là nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, cùng với những người bạn trong đoàn hát như Sáu Tửng, Thanh Minh, Thanh Nga…Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, Ngọc Ánh đã bị khủng hoảng tinh thần, khi chứng kiến sự chia tay của bố mẹ (năm 1965). Lúc đó cô mới lên 9. Một tuổi thơ mênh mang nỗi buồn ám vào giọng hát làm cho người nghe nặng trĩu tâm tư. Từ đó Ngọc Ánh phải theo bố đi hát để vượt qua nỗi vất vả trong sự mưu sinh. Mỗi vai nhỏ trên sân khấu đều thấm đậm nỗi buồn cô đơn khi thiếu vắng người mẹ.
       Năm 1966, được nhạc sĩ Trúc Phương tình cờ phát hiện, Ngọc Ánh có giọng hát phù hợp với tân nhạc hơn, nên ông khuyến khích nghệ sĩ Hữu Phước cho con theo đuổi dòng nhạc mới. Được sự đồng ý của người cha, Ngọc Ánh chuyển sang một lĩnh vực mới, hy vọng đi hát sẽ kiếm được nhiều tiền hơn đỡ cho gia đình, thoát khỏi nghèo khó. Cái tên Hương Lan ra đời từ đó, bắt đầu một hành trình dấn thân vào xứ sở âm nhạc Bolero, tràn đầy hy vọng. Sự định hướng của Trúc Phương đã đem lại hiệu quả lớn cho cuộc đời âm nhạc của Hương Lan. Hầu như ca khúc nào do Hương Lan hát trên đài phát thanh đều được khán giả ái mộ và gửi thư khen ngợi. Kể cả những ca khúc được thu trên đĩa nhựa, giọng hát ngọt ngào, thanh khiết như ru lòng người của Hương Lan cũng để lại dấu ấn khó quên. Đặc biệt ai nấy đều yêu thích Hương Lan khi biểu diễn bài “Ai ra xứ Huế” của Duy Khánh. Báo chí trầm trồ khen ngợi, tôn vinh cô bé Hương Lan là “Thần đồng” ca nhạc. Từ đó sự nghiệp Bolero của Hương Lan bừng sáng, kéo dài được 8 năm. Có trung tâm ca nhạc định tổ chức thu âm và phát hành “Tiếng hát Hương Lan”, thì bị ngừng lại bởi những sự biến xã hội, vào năm 1975. Miền nam được hoàn toàn giải phóng. Một cuộc đời mới mở ra trước mắt đối với mỗi người nghệ sĩ vào ngày đó. Nhưng không ngờ, ca sĩ Hương Lan đột ngột quay lại với sân khấu cải lương, cùng cha về diễn cho đoàn Kim Chung. Đây quả là bước ngoặt đặc biệt của Hương Lan khi cô gặp nghệ sĩ Chí Tâm trên sàn diễn. Hai người tỏa sáng, thu hút khán giả qua các vở diễn nổi tiếng như: “Hán đế biệt Chiêu Quân”; “Cây sầu riêng trổ bông”; “Nắng thu về ngõ trúc”; “Tình yêu và bạo chúa”…Đồng thời, bên cạnh sự thành công nghệ thuật, giữa hai người cũng nảy sinh tình cảm và dẫn đến hôn nhân, vào cuối năm 1975. Hương Lan vừa tròn 19 tuổi. Rạng rỡ trong tình yêu và vinh quang trên sân khấu. Ngay năm sau Hương Lan sinh cậu con trai đặt tên là Bảo Nhi.
        Nhưng kèm theo một gia đình hạnh phúc là sự diễn biến trắc trở trong cuộc sống. Ba năm sau (1978), hai vợ chồng Hương Lan cùng con trai di cư sang Pháp, theo sự bảo lãnh của gia đình. Đầu tiên, họ định cư tại ngoại ô Paris, bắt đầu một cuộc sống tha hương, vất vả. Bởi khi mới sang, Hương Lan lại sinh con trai thứ hai, trong điều kiện kinh tế eo hẹp. Cả hai nghệ sĩ phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Hương Lan kiếm việc ở một nhà hàng, hỗ trợ cho chồng đi học tiếng Pháp và học nghề, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Hơn một năm sau, nghệ sĩ Chí Tâm xin được việc làm ở một công ty điện tử, cuộc sống phần nào đỡ vất vả hơn. Gia đình dọn về quận 13, thành phố Paris, tạm gọi là ổn định cuộc sống. Nhưng không ngờ khi dấn thân vào cuộc sống vì miếng cơm manh áo, cuộc tình nghệ sĩ đã vơi cạn, sự lo toan đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người. Những rạn nứt không thể hàn gắn theo thời gian. Bốn năm sau mỗi người một ngả. Hương Lan dẫn hai con sang Mỹ định cư (năm 1982). Tại đây, Hương Lan tìm lại niềm đam mê âm nhạc, đã từng gắn bó hơn 10 năm trước, với những niềm tin yêu và sự khích lệ của khán giả.  
2-Bến bờ huy hoàng và hạnh phúc mới
        Vượt qua sự đổ vỡ, Hương Lan vững bước tiến lên phía trước, khi tìm được động lực sống và khát kháo sáng tạo nghệ thuật. Ngay chỉ năm sau, Hương Lan được Trung tâm Thúy Nga mới thu âm và ghi hình cho một tuyển tập chương trình Paris By Night, với hai nhạc phẩm “Muộn màng” và “Trên đỉnh mùa đông”. Đó là mốc son đầu tiên trên đất Mỹ. Giọng hát Hương Lan lại thêm một lần tỏa sáng trên nền tảng âm nhạc Bolero tân kỳ. Khán giả nô nức đi tìm băng đĩa ghi âm giọng hát Hương Lan. Từ đó, giọng hát Hương Lan gắn bó với Trung tâm Thúy Nga, và trở thành hiện tượng trong dàn nghệ sĩ hải ngoại ngày đó. Hàng loạt Album ra đời, giọng hát ngọt ngào chán chứa nỗi niềm tha hương của Hương Lan, trở thành sự khích lệ tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Đó là sự xa nhớ quê hương, hy vọng một ngày về. Liên tiếp những bài hát của Hương Lan được nhiều người yêu thích như: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”; “Em đi trên cỏ non”; “Chiếc áo bà ba”; “Điệu buồn phương Nam”; “Mùa xuân của mẹ”; “Mắt Huế xưa”; “Dạ cổ hoài lang”; “Quê nghèo”…Khán giả và đồng nghiệp coi 10 năm ca hát liên tiếp sau đó là “Thập niên của Hương Lan”. Trong thời gian này, Hương Lan còn tìm được giọng hát song ca ăn ý với mình, đó là ca sĩ Tuấn Vũ. Hai người cũng được coi là cặp đôi âm nhạc tuyệt vời nhất trên sân khấu ca nhạc Paris By Night.
        Lộc tổ ban phát cho Hương Lan, một người con hết lòng vì sự nghiệp âm nhạc, cùng những hoạt động trên sân khấu. Bên cạnh đó, có thể nói lộc tổ còn đem lại hạnh phúc cho Hương Lan, bù đắp cho những ngày tháng lận đận. Bởi đúng vào ngày lễ tổ chức sinh nhật ca sĩ Evis Phương năm 1986, Hương Lan đã gặp được ý trung nhân, như một sự tình cờ. Đó là kỹ sư Đặng Quốc Toàn, người cũng đã từng một lần đổ vỡ hôn nhân, nuôi ba con riêng. Họ làm quen như những người bạn tâm giao ban đầu. Sau những lần gặp gỡ tìm hiểu, hai người có những chia sẻ tâm đầu hợp ý. Có lần bộc bạch chân tình, anh Toàn nói mình yêu Hương Lan không chỉ vì giọng hát, mà đó là tấm lòng của một người con hiếu thảo với cha mẹ và sự chăm nuôi con trẻ. Đúng là hai người đến với nhau vì sự cảm thông và thành thật. Mỗi bên đều có những nỗi đau buồn đã trải qua và những nỗi lo toan về những đàn con thân yêu trước mắt. Nhưng phải hai năm sau họ mới kết hôn, trở thành tổ ấm gia đình, cùng nuôi dưỡng, che chở cuộc sống cho cả 5 người con ngày một lớn khôn.
         Tính đến nay hai người đã gắn bó hạnh phúc gia đình đã được 30 năm. Đi đâu hai người cũng có mặt, vượt qua mọi khó khăn và là điểm tựa tinh thần cho nhau. Ngày từ những chuyến trở về quê hương đầu tiên năm 1996, Hương Lan cũng được chồng ủng hộ hết mình, bởi anh biết vợ mình một lòng cống hiến cho nghệ thuật, khao khát được trở về quê hương biểu diễn. Mãi đến sau này, vào năm 2009, anh cũng có mặt cùng Hương Lan về Việt Nam, tổ chức Liveshow với chủ đề “Ơn đời một khúc dân ca”. Những giọt nước mắt rơi vì tình yêu quê hương sâu nặng. Ơn nghĩa ấy giờ mới được trả. Tình yêu của khán giả bao lâu nay mới có dịp đền đáp. Hai vợ chồng Hương Lan hạnh phúc trong từng nét yêu thương ấy. Sống vì những niềm vui trong nhau.
3-Bí quyết tình yêu
       Gần đây, khi các con đã khôn lớn và trưởng thành, hai vợ chồng Hương Lan đã về quê mua một mảnh đất rộng ở Bình Phước, lập nông trại. Đây là chốn đi về sau những đêm biểu diễn, hay làm từ thiện của ca sĩ Hương Lan. Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, anh Toàn mỉm cười từ tốn nói: “Tất cả vì tình yêu. Giữa chúng tôi luôn có sự tôn trọng, tuyệt đối thành thật, không giấu diếm điều gì”. Còn ca sĩ Hương Lan tâm sự: “Chỉ biết rằng giờ đây lúc nào chồng tôi cũng đòi tôi hát cải lương cho nghe và luôn đứng bên cánh gà nghe tôi hát những ca khúc về quê hương và những bản nhạc say đắm về tình yêu”.  Đúng là cả hai cùng yêu tiếng quê hương và nguyện sống chết trên mảnh đất quê hương. Đó chính là cặp đôi lý tưởng trong cuộc đời nghệ sĩ.