Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

 

       Chợt gặp em trong phách mộng, trống mê

 

Vương Tâm

 

        Tôi với NSƯT Bạch Vân quen nhau từ 30 năm nay. Hồi chị là nhân viên Sở VHTT &DL Hà Hội (Sở VH,TT) hay sang báo Hà Nội mới nơi tôi làm việc để đăng tin về hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Bạch Vân có năng khiếu viết báo từ lâu nên hay cộng tác. Nhưng có điều bao giờ tôi cũng được chị kéo ra hành lang hát tặng một câu ca trù mới học được. Giọng chị lạ lắm ngân vang bay bổng và đẹp như nắng sớm trải tấm lụa vàng trên bãi cỏ non.

 


Bần thần một cõi bơ vơ

 

          Sau ngày giải phóng Thủ đô các tụ điểm hát cô đầu bị cấm (1954). Ca trù dần rơi vào quên lãng. Nói đến hát cô đầu người ta đều nhìn mặt trái của nó trong hoạt động phía sau. Đó là những tệ nạn xẩy ra từ những cô đầu rượu. Riêng các cô đầu hát lại thuộc đẳng cấp khác. Quan khách đến họ hát theo yêu cầu và nhận những đồng bạc ít ỏi. Xong một đêm lại ra về nhà. Nhưng thiên hạ biết đâu khi nói đến hát ca trù là nói đến hát cô đầu họ đều miệt thị. Thời gian trôi đi vài chục năm ròng. Những dẫy nhà hát cô đầu cũng bị xóa sạch bong. Nhất là sau khi Khâm Thiên bị giặc Mỹ bom B52 (12-1972) làm tan nát không còn dấu vết gì của thập niên 50 hay 60. Nghiệp hát cô đầu coi như bị chôn vùi sâu ba tấc đất.

 

        Ấy vậy mà, Bạch Vân đã mạnh dạn đề nghị Sở VH cho thành lập Câu lạc bộ Ca trù (vào đầu năm 1990). Bạch Vân có bàn thuyết trình sự bảo tồn nghệ thuật ca trù truyền thống của dân tộc rất hay. Khi đó tôi là người được đọc những dòng chữ nóng hổi và ẩn chứa say mê bất thường đó của Bạch Vân. Lúc ấy tôi mới hay Bạch Vân đã từng là một ca sĩ (thuộc Đoàn ca múa Nghệ An) được đào tạo bài bản ở Trường VHNT Nghệ An và Khoa thanh nhạc (Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Nhạc viện Hà Nội). Giọng hát của Bạch Vân có màu sắc an tô riêng biệt và hiếm hoi vào thập kỷ 80. Chị tốt nghiệp Đại học Văn hóa, khoa Văn hóa quần chúng, chuyên ban Âm nhạc năm 1981. Chị dược các trường nghệ thuật miền Nam xin, đặc biệt là Gia Lai - Kon Tum với đề nghị của GĐ Sở VHTT Ngụy Như Kon Tum  Nhưng rồi chỉ một lần nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát trên đài phát thanh thế là Bạch Vân đổi hướng. Trong ký ức thơ ấu của mình, Bạch Vân luôn nhớ rằng mẹ mình chính là người hát dân ca lẩy Kiều, ngâm thơ cổ, ví dặm rất hay. Đất quê Thanh Chương của chị cũng là nơi sản sinh những bài ca trù cổ. Từ đó Bạch Vân càng đam mê dòng âm nhạc này. Chị bắt đầu học hành bài bản từ đầu. Một công trình nghiên cứu về ca trù được khởi thảo từ năm 1982. Đến năm 1986, Bạch Vân về Sở VH làm việc cũng chỉ với mục địch hoạt động phong trào và tiếp tục học hát ca trù trong dân gian. Một mình thầm lặng và trăn trở với hồn phách tơ vương: "Hồng Hồng, Tuyết Tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoát có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới thì tơ liễu..."

 

 Lận đận đời ca nương

 

         Đúng là "Mười lăm năm thấm thoát có xa gì", Bạch Vân nguyện ước trở thành ca nương và ngày đêm luyện tập. Câu chuyện ngỡ như đã lỡ nhịp khi chị bắt đầu sự nghiệp ở gần tuổi 30. Nhưng sẵn có giọng hát hay và đào tạo cơ bản, Bạch Vân dấn thân mày mò tầm sư học đạo. Ngẫm lại quãng đường gian truân khởi nghiệp cho đên nay chị không khỏi xúc động. Chị giật mình vì thời gian qua mau. Không còn lưu giữ được chút xao xuyến riêng tư trong đời người con gái. Bạch Vân bắt đầu hành trình hết sức gian nan của mình. Đúng là những lần đi gặp các nghệ nhân của Hà thành xưa đều bị từ chối. Thậm chí họ còn sợ sệt vì muốn tránh cái tiếng cô đầu xấu xa ám ảnh một thời. 

 

          Đó là những ngày Bạch Vân phải đi xe đạp xuống cơ sở và gặp gỡ những ca nương để học từng câu hát. Có người thương Bạch Vân thì dây cho vài ba câu. Thậm chí cả năm trời Bạch Vân mới học được một bài. Cứ học truyền miệng thế chẳng có văn bản hay khuông nhạc để tự mày mò. Bạch Vân đi khắp chốn tìm thầy. Nào lận đận Lỗ Khê, Quốc Oai. Khi lại tất tả Từ Liêm, Thạch Thất. Rồi mải miết đạp xe lên Bắc Ninh, ra Hải Phòng và quay về Hải Dương, đi xe máy vào Thanh Hóa,  Nghệ An, Hà Tĩnh… Cứ ở đâu có nghệ nhân hay giáo phường ca trù là chị đến. Bạch Vân nằn nì học từng câu ca nhỏ lẻ, những luyến láy rung hơi của mỗi nghệ nhân để tìm hiểu, so sánh.., vận động cácnghệ nhân trở lại nghề, đào tạo thế hệ trẻ.

 

        Đặc biệt Bạch Vân đã theo nghệ nhân Quách Thị Hồ trong bốn năm trời để mong được học một chút kỹ thuật cũng được. Giọng hát cùa Bạch Vân đã ám thị âm hưởng thanh thoát và đổ hột làm mê hoặc lòng người. Hơn nữa chị còn được cụ  Chu Văn Du, người chơi đàn đáy nổi tiếng ở Hưng Yên, phó quản ca giáo phường Khâm Thiên dậy trong ba năm về các thể cách cơ bản. Khi lên sân khấu biểu diễn lần đầu tiên, Bạch Vân đã trải qua một chặng đường khủng khiếp kéo dài cả chục năm trời. Mãi cho đến năm 1991, CLB Ca trù Hà Nội của chị mới được ra đời. Nơi hát ra mắt đầu tiên của CLB ở Quốc Từ Giám sau đó về hát cố định tại Bích Câu đạo quán. Chị đã cần mẫn theo bà Phó Thị Kim Đức ngay từ năm 1986 để thuyết phục bà trở lại nghề và dạy nhưng thử thách 3 năm có đức mới dạy 1 bài, 5 năm có đức dạy tiếp 2 bài.

 

. Ngay lập tức giọng hát Bạch Vân nổi lên như một hiện tượng. Đó là một ca nương đích danh. Những bài hát của các nho sĩ và nhà thơ nổi tiếng như: Dương Khuê,CaoBáQuát,NguyễnCôngTrứ,Tản Đà,Chu Manh Trinh,Nguyễn Khuyến...đều được thể hiện với sắc thái mới qua giọng hát Bạch Vân.

 

         Bạch Vân một mình lầm lụi tiến từng bước trong sự nghiệp gìn giữ văn hóa giáo phường ca trù ở Hà Nội. Đây là một tiền đề cho phong trào thành lập các CLB ca trù ở nhiều nơi. Giọng hát của Bạch Vân được phát huy tối ưu trong nghệ thuật hát ca trù. Kỹ thuật cộng với nội lực của chị hòa tan trong những câu ca cao vút bay bổng cao sang. Mỗi lời ca như vận vào đời mình. Hát bằng trái tim rung động mãnh liệt. Chị hát bằng cả trường đời lận đận cô đơn. Quên ngày, quên tháng sống trong mộng ước và tâm trạng thấm đẫm nỗi đau nhân sinh. Liên tiếp những năm này Bạch Vân đoạt những giải cao trong các cuộc thi: HCB hát dân ca (1988); Giải nhất giọng hát hay ca trù (1992); HCB thi Đơn ca chuyên nghiệp TQ năm 1992; đặc biệt Giải nghệ sĩ tài năng xuất sắc năm 1995… Ngoài ra Bạch Vân còn làm phim và tham gia hát ca trù cho các phim như: " Chợt nghe tiếng hát ca trù", đồng tác giả và cố vấn cho phim” Thể phách ca trù “ đạt giải HCB Liên hoan Phim truyền hình TQ 2004, cố vấn và tham gia chính trong phim” Lạt mềm buộc chặt”giải nhất Phim ngắn 2005."Trò đời" .. Bạch Vân được nhân danh hiệu Nghệ nhân và NSƯT (năm 2012).

 


Nặng nợ tang bồng

 

       Nay ca nương Bạch Vân vẫn một mình một bóng ở tuổi "Lục thập hoa giáp". Trong ngôi nhà nhỏ bé ngày nào, chị đang chuẩn bị công trình nghiên cứu để bào về luận án tiến sĩ. Cuốn sách đã xuất bản trước đó "Đào nương và nghệ thuật hát ca trù" (NXB HN-2019) của Bạch Vân là thành quả bảo vệ thành công luận án thạc sĩ (2004). Đây là một tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về đào nương và nghệ thuật ca trù duy nhất hiện nay. Cuốn sách như tổng kết cuộc đời đeo đuổi nghiệp dựng ca trù ở Thủ đô. Nội dung cuốn sách được trình bày khoa học theo từng chương mục cho những người muốn theo đuổi nghề hát ca trù. Nó còn gói ghém cả sự diễn giải tinh tế về khuôn mẫu âm nhạc trong kỹ thuật trình bày lời ca. Bởi ai cũng biết ca trù là một bộ môn nghệ thuật bác học trong ngôn ngữ âm nhạc và lời ca. Chính vì thế tác phẩm của NSƯT Bạch Vân đã được Hội Nhạc sỹ VN trao giải B thể loại sách (không có giải A) năm 2020.

 

        Giọng hát của Bạch Vân vượt thời gian. Hiện nay chị thường xuyên tham gia đào tạo giảng dậy hát ca trù. Sau khi rời địa điểm về hát tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), CLB Ca trù Hà Nội tạo nên một địa chỉ văn hóa sâu rộng. Tôi chợt nhớ có đêm Bạch Vân hát đến tận 2 giờ sáng để phục vụ khách. Giọng hát của Bạch Vân có sức thu hút lạ thường. Những âm sắc gợi cho du khách những niềm ẩn ức mà bấy lâu nay giữ kín. Đó là sự giải tỏa trong những bài thơ "Tỳ bà hành", "Hỏi gió", "Thét nhạc" hay "Chơi xuân kẻo hết xuân đi", hoặc "Trần ai ai dễ biết ai"...Nửa đêm về sáng Bạch Vân lầm lũi về nhà trong sự mệt mỏi rã rời. Chị thiếp đi trong cơn mơ tay gõ phách và miệng vẫn cất lời ca về những nỗi niềm buồn tủi của thân phận mà Nguyễn Công Trứ đã gieo vào tâm hồn bấy lâu nay rằng: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông"!

 

--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét