Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Tình nhị hồ vẫn yêu âm xưa






NSND Xuân Hoạch
               Tình nhị hồ vẫn yêu âm xưa
Vương Tâm
         Tôi đã nghe tiếng đàn Nguyệt của anh Xuân Hoạch từ những năm giữa thập niên 70, trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là suối âm thanh ròn rã vui tươi và say đắm lòng người. Sau này lại còn nghe anh kéo nhị Hồ, hát xẩm ở sân khấu ngoài trời, tại chợ Đồng Xuân, tôi càng ngỡ ngàng. Một cảm giác lạ lùng khi nghe tiếng nỉ non, trầm buồn từ tiếng nhị Hồ trên tay anh. Mộng mị làm sao…
1-“Cung thương lầu bậc ngũ âm”
        Tôi muốn mượn câu thơ Kiều để nói về tài năng của NSND Xuân Hoạch, bởi lẽ anh không những thành thạo đàn Nguyệt, bộ môn được đào tạo chính thức tại trường Đại học Âm nhạc, mà anh còn chơi giỏi cả một số cây đàn khác như Nhị, Hồ, Bầu, Đáy, Song Loan. Đặc biệt riêng đàn Bầu hay đàn Nhị thì anh không hề được học một giờ nào trên lớp, chủ yếu tự học theo bạn và mày mò tìm hiểu. Với cây đàn Đáy thì lại có khác đôi chút, đúng với nghĩa không thày đố mày làm nên, anh phải tìm đến nghệ nhân lừng danh Đinh Khắc Ban học hỏi. Chơi đàn Đáy trong hát Ca trù đòi hỏi ngón nghề điêu luyện để có thế dẫn dụ ca nương mỗi khắc một đắm đuối hơn, đổ hột giọng ca thật nhuyễn cùng với lá phách buông đến độ ngây ngất lòng người. Vậy đó, khi đến diện kiến nghệ nhân Đinh Khắc Ban, và nghe ông đàn, Xuân Hoạch bị cuốn hút và thao thức trong đêm vì tiếng đàn bí ẩn ấy.  
       Đó là những ngày tháng tập luyện đến chảy máu tay rồi mới đến độ bén tiếng đàn, theo đúng như ông thày nhận xét. Đúng là âm thanh khi bén tiếng đàn chỉ là vỡ vạc ban đầu, sau đó trò được cầm đàn học bài bản, theo thày trong canh hát. Thời gian trôi đi mươi năm, nghệ sĩ Xuân Hoạch được coi là người chân truyền cho tiếng đàn Đáy của ông thầy, nghệ nhân Đinh Khắc Ban. Anh đã được đệm cho nghệ nhân ca trù bậc thầy Kim Đức hát. Anh còn nhớ có lần bà Kim Đức, qua tiếng đàn của mình, đã bay bổng thăng hoa hát làm lay động người nghe, với những âm sắc “đổ con kiến” như hát châu rơi trên mâm đồng. Sau đó bà ví von khen ngón đàn Xuân Hoạch, rằng: “Gần như suối đổ trên vách núi xuống. Xa như tiếng hạc dội từ trên cao”.  Sau này khi nghệ nhân Đinh Khắc Ban “rửa tay gác kiếm” đã trao cây đàn, gắn bó với cuộc rong chơi nửa thế kỷ của mình, cho không ai khác đó là người kế vị chân truyền Xuân Hoạch.
        Với tài năng đặc biệt, nghệ sĩ Xuân Hoạch đã cùng Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Việt Nam đi khắp đó đây biểu diễn, với cây đàn Nguyệt của mình. Dường như anh đã đi khắp đất nước gieo những âm thanh đẹp tựa suối trong và cuộn trào như những lớp sóng biển tung bở cát trắng. Anh đã từng đoạt nhiều HCV trong các kỷ hội diễn chuyên nghiệp trên toàn quốc và đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997. Có lần anh còn tự sáng tác bản “Nhớ vùng quan họ” cho đàn Nguyệt để đi thi Hội diễn toàn quốc ở Cần Thơ. Bản nhạc này đã ghi dấu ấn kỷ niệm với HCV ngay tại quê hương sông nước miền tây, với phong trào đơn ca tài tử rầm rộ hàng trăm năm qua. Sau đó với cây đàn Đáy, anh cũng đoạt HCV vàng khi chơi bản độc tấu rất lạ tại cuộc thi ở Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vào năm 2005. Đến năm 2007, anh đã vinh dự được Nhà nước trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ghi nhận công sức cống hiến của anh, gần nửa thế kỷ qua cho nền âm nhạc truyền thống của dân tộc ta. Tiếng đàn của anh đã “bén ngọt” thực sự như cố nghệ nhân Đinh Khắc Ban khi tin tưởng trao cây đàn cho anh. Hiện trong tay anh còn có cây đàn Đáy cổ do nghệ nhân Nhân dân Quách Thị Hồ trao lại. Đó là những cổ cầm, báu vật của tiền nhân đi trước. Họ hy vọng, bắt đầu từ ngôi nhà này, tiếng đàn  của Xuân Hoạch sẽ được truyền đi, và trao lại cho thế hệ sau tiếp nối. 
2-Tiếng tơ tiếng trúc hồn quê
       Khi đến ngôi nhà NSND Xuân Hoạch ở ngõ Ao Phủ, kế gần bên là một căn phòng hòa nhạc được dựng bằng tranh tre nứa lá, tôi thấy anh đang hị hụi cùng với vợ se những sợi tơ để làm dây đàn. Anh cười đúng như hôm đi hát xẩm đêm ở chợ Đồng Xuân, xởi lởi chân tình. Tôi thắc hỏi sao không đi mua giây tơ công nghiệp về làm cho nó nhanh, đỡ phải nhọc công vợ chồng, đổ giọt mồ hôi. Anh thẽ thọt nói, rằng mình phải tự se tơ thành dây đàn mới để lại phần hồn trong nhịp phách, các cụ nói vậy. Thì ra cái âm sắc ám ảnh và ma mị của anh trên cây đàn Hồ là đây. Anh khoe một cây đàn mới làm từ vỏ quả bầu và một cây trúc làm cần đàn cho tôi xem. Xoay xoay cây đàn tre trúc cho tôi ngắm những họa tiết mà anh bỏ công đẽo gọt. Khi lên dây đàn, anh mới nói, tiếng dây tơ lạ lắm, nó như tiếng người ấy ông ạ. Thế là anh kéo vĩ lấy tiếng trên cây đàn nhị Hồ, và đẩy một cung nhạc lướt nhẹ, rồi hát. Đó là âm sắc nhị Hồ hợp với giọng hát trung trầm của anh. Giọng anh hơi khàn nhưng sao lại ấm áp mơ màng đến thế. Nó trôi trong tiếng nhị Hồ. Tôi bỗng như nghe thấy âm vang tự trong lòng, khi thương cho nàng Kiều chơi đàn: “Lọt tai nghe suốt năm cung. Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao”.
        Đó chỉ là những cung nhạc đọng lại ban đầu khi anh cho tôi nghe để biết thế nào là tiếng đàn dây tơ. Nó khác hẳn âm sắc của dây ni lông hay dây kim loại. Âm của dây tơ không ngân vang mà nó như tiếng người, khoan nhặt bày tỏ nỗi lòng. Xưa các cụ chỉ chơi đàn dây tơ nên: “Tiếng đàn tiếng của tơ lòng. Tình ta khắc khoải đục trong mơ màng. Tiếng đàn tơ không mênh mang. Nỉ non, xót đắng bàng hoàng con tim”. Nghệ sĩ Xuân Hoạch kể mình đã mất mấy năm trời để đi tìm lại tiếng dây tơ của ông cha xưa. Và, cũng đã mươi năm nay, anh chỉ chơi đàn dây tơ và dậy cho học trò hiểu về âm sắc, chứa đựng hồn người của nó. Anh truyền lại cho những nghệ sĩ trẻ với niềm hứng thú: “Mai sau dù có bao giờ. Đốt lò hương cũ se tơ phím này”. Tôi ngồi nghe nghệ sĩ kể chuyện về dây đàn tơ như được đắm chìm vào âm thanh kỷ ảo của nó.
        Nghệ sĩ Xuân Hoạch đưa cho tôi xem con tơ (cuộn tơ) mua được từ làng tơ lụa Nha Xá, tận Hà Nam để làm dây đàn như thế nào. Nói rồi anh lắp một dây tơ vừa làm xong lên chiếc đàn Đáy của nghệ nhân Đinh Khắc Ban để lại, rồi dạo một khúc đàn để cho tôi thấm được cái âm trong đục của nó. Anh bất ngờ cất tiếng hát bài “Hồng hồng tuyết tuyết”. Nét nhấn nhá của tơ lòng hiện rõ rệt, tôi cảm thấy tiếng đàn phụ họa cùng giọng ca, đẩy tâm hồn của người nghệ sĩ bay lên như hoa như tuyết, dào dạt cảm xúc. Đúng là: “Trong như tiếng hạc bay qua. Đục như nước suối mới sa nửa vời. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài. Tiếng mau sấm sập như trời đổ mưa”. Chắc hắn ai cũng nghĩ đại thi hào Nguyễn Du đã nói một cách chuẩn mực về âm sắc của dây đàn tơ. Trên tường nhà anh có tới chục chiếc đàn các loại đều lắp dây tơ do vợ chồng anh cùng làm. Nhiều người đã đến đặt anh làm và chỉnh âm. Dan díu với lụa tơ quả là con đường đưa âm thanh trở về với chính nó, sứ xở thiên đường âm nhạc về với cõi người.
3-Ông hát xẩm mơ
       Nói đến dây đàn tơ là chạm đến hồn cốt một đời đeo đuổi của NSND Xuân Hoạch. Ngay cả đến những chuyên gia Trung Quốc có lần sang đây, khi nghe Xuân Hoạch chơi nhị Hồ bỗng thốt lên rằng, đó chính âm nhạc Việt, thật độc đáo. Tiếng đàn nhị Hồ nhẹ như nắng xuân vậy, ấm và dịu lắng trong lòng người nghe. Vậy mà hiện nay người ta vẫn chưa hồ hởi thu nạp thứ dây tơ ấy. Họ tìm đến ni lông hay dây kim loại cho bền và ngân vang, nhưng lại ồn ã vô cảm. Âm thanh lắng đọng của cha ông vẫn còn bị lãng quên.
        Một đời lần hồi tìm kiếm, NSND Xuân Hoạch phô diễn tiếng đàn tơ làm nức lòng người, với những bài xẩm như “Mục hạ vô nhân”, “Trăng sắng vườn chè”. “Lỡ bước sang ngang” hay như “Tre xanh”, “Về làng”…Nghe du dương đến thế. Chính nghệ sĩ Văn Thao đã từng nói, chơi đàn dây tơ rất khó, nếu không chăm chút tinh luyện tìm lại những âm sắc đồng quê xưa. Còn NSND Xuân Hoạch luôn luôn nghĩ để mất đi những âm thanh của ông cha là có tội. Anh mơ rằng, đến một ngày nào đó mình sẽ hòa tấu trong một dàn nhạc dây dân tộc, chơi toàn bằng dây tơ. Ngày ấy không xa. Bởi lẽ sức quyến rũ của âm thanh dây tơ luôn chờ đợi ở đâu đó mà người nghệ sĩ sẽ tìm về.

1 nhận xét:


  1. con kính chào thầy,
    Con là một người Việt xa xứ đang theo học Cao học tại môi trường giáo dục Hàn Quốc. Là một người viết thơ thế hệ trẻ, con có đọc, xem và theo dõi những bài viết, thú vui của thầy. Con thấy rất tâm đắc thú chơi ấm của thầy. Rất mong thầy chỉ dạy ạ.

    Trả lờiXóa