Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Vương Tâm- Về Gò Bồi "Nhớ quê Nam" của Xuân Diệu




         Về Gò Bồi “Nhớ quê Nam” của Xuân Diệu
  
 Vương Tâm




        Vừa qua kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố thi sĩ Xuân Diệu (18-12-1985/18-12-2015), tôi có may mắn đến Quy Nhơn, và được nhà thơ Trần Thị Huyền Trang (Hội Văn nghệ Bình Định) đưa đến vạn Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, nơi Xuân Diệu chào đời. Sau này chính nhà thơ Xuân Diệu đã nhận định, Gò Bồi là “cái nôi đầu tiên của văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dậy với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất: Quê má đẻ ra mình”...
1-Ngôi nhà bên sông
        Gò Bồi hình thành một thị trấn từ năm 1610, là phố buôn bán của người Hoa trên bờ sông Kôn. Đoạn sông chảy qua vạn Gò Bồi khá dài, men theo xã Phước Hòa thông ra đầm Thị Nại, rồi thoát ra biển. Có thời tầu thuyền các nước còn vào tận nơi lấy hàng. Gò Bồi trở thành bến cảng “Nước mặn” tấp nập, người người khắp nơi đổ về làm ăn. Do hàng thế kỷ trôi qua, phù sa dồn tụ làm lòng sông dâng lên, các tàu lớn không thể vào, nên trấn Gò Bồi chỉ còn lại những ký ức cùng mái ngói rêu phong và dấu vết thời gian mà người dân nơi đây khó thể quên. Một người ở đây ghi dấu lại những vần thơ nói về quê mình: “Gò Bồi tiếp biển một dòng sông. Tôm cá tươi màu thuận gió đông. Cá thu sắp dãy người chen chúc. Xuôi ngược thuyền ghe nước mấy dòng” (Gò Bồi quê mẹ). Chúng tôi vượt qua con cầu khá đẹp trên con sông Gò Bồi, rẽ qua phố chợ để đi tới ngôi nhà kỷ niệm Xuân Diệu. Vạn Gò Bồi vẫn sầm uất đông vui, với khu chợ Gò Bồi thu hút khách hàng từ bảy làng xã chung quanh Tuy Phước tìm về. Hàng năm cứ vào mùng hai tết, trên sông Gò Bồi cả mấy xã chung quanh còn tổ chức hội đua thuyền rồng, làm khuấy động cả một vùng Tuy Phước.
        Nhà lưu niệm- Nhà thơ Xuân Diệu” nằm ngay trên bờ sông Gò Bồi. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang chỉ ra bến sông nói, tuổi thơ Xuân Diệu (còn có cái tên gọi là cậu Bàng) gắn bó hơn 15 năm, với sông nước nơi đây. Sinh năm 1916, là con vợ lẽ nên tới năm 1927, cậu Bàng phải theo cha ra học tại Quy Nhơn và ở nội trú trong trường. Tuy vậy, thỉnh thoảng cậu Bàng vẫn về thăm mẹ, và bơi lội trên con sông quê hương. Cậu nhớ mãi giọng hò của mẹ ngày nào đã cùng cha đối đáp trên sông giữa hai phường, hai xã. Nào là, những lời oán trách tình duyên; nào là lời hô bài chòi: “Cu kêu ba tiếng chim kêu. Cho mau đến tết dựng nêu ăn chè”. Lại cho khi chính cậu Bàng còn hát bắt chước người lớn rằng: “Nhất là vợ dại trong nhà. Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đời”, cho dù chẳng hiểu gì cả. Tám năm sau, Xuân Diệu rời Quy Nhơn ra Hà Nội học, nhưng vẫn mang theo những câu hát của mẹ hay của bà trong tâm trí của mình.
       Trí nhớ của nhà thơ thật siêu việt. Trong nhiều lớp giảng về sáng tác cho chúng tôi một thời trên đất Quảng Bá, Hà Nội, ông vẫn đọc vanh vách những câu thuộc từ lời ru của mẹ: “Tiếng ai than khóc nỉ non. Phải vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”. Hay lại có câu: “Trò Ba đi học đường xa. Cơm canh ai nấu, cửa nhà ai coi”; hoặc tâm sự đắng cay chua xót của người con gái: “Anh cầm cây viết, danh dứt đường ân nghĩa. Em cầm cây kim, em thêu chữ ân tình”. Hay kể có lần ông sực nhớ về sự cô đơn buồn tủi trong cuộc đời cô gái quê rằng: “Sớm mai em xách cái thỏng ra đồng. Em bắt con cua em bỏ vô thỏng. Nó kêu cái rỏng. Nó kêu cái rảnh. Nó kêu chàng ôi! Chàng giờ an phận tốt đôi. Em đây lỡ lứa mồ côi một mình.”. Nhà thơ còn nói đó là nghe bà ngoại đọc mà thuộc.
       Chúng tôi dừng chân bên bức tượng đồng, chân dung nhà thơ Xuân Diệu, với nhiều cảm xúc thân thương và những ký ức tràn về, từ mái tóc bồng bềnh và đôi mắt thăm thẳm nỗi buồn. Đúng là mái tóc rất đặc trưng của Xuân Diệu ngày nào ở Hà Nội. Dài và lượn sóng, bồng mượt trước ngọn đèn, trên bục nói chuyện làm cánh thơ trẻ chúng tôi bị mê hoặc. Ông có nụ cười hiền lành và dễ gần. Tôi sực nhớ có lần nhà thơ nói chuyện về thơ tình ở thư viện Hà Nội vào năm 1970. Mái tóc ấy như làn mây bồng bềnh trôi dưới ngọn gió, cùng ánh sáng lung linh. Cái giọng nói đặc sệt thổ âm “Nẫu” của xứ Gò Bồi nghe quyến rũ như rót vào tai vậy. Tôi nhớ mãi câu thơ, định nghĩa tình yêu mới của ông, rất độc đáo: “Đến như tia chớp ấy thôi. Mà gieo trận bão kinh người trong anh”. Ấn tượng và mạnh mẽ chứ không còn là cái thuở “yêu là chết ở trong lòng một ít...”. Đúng là mái tóc ấy, giờ đây gặp lại ở Gò Bồi đã làm những ký ức trong tôi trỗi dậy, bồng bềnh.
2-Những nỗi niềm từ đất
       Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang còn kể đất vạn Gò Bồi này còn là nới lưu giữ nhiều kỷ niệm với những nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn thi ca nước nhà. Đầu tiên là nhà thơ Hàn Mặc Tử có thời về đây để theo thày chữa bệnh nan y. Đó là vào năm 1939, Hàn Mặc Tử về Gò Bồi, trú ngụ với mẹ để trị bệnh phong. Cũng trong thời gian này Hàn Mặc Tử còn tặng nhà thơ Xuân Diệu tập thơ của mình và còn đề tặng với những dòng lưu niệm thân tình về cuộc sống: “Tôi gửi Anh tập thơ của tôi, vì đọc thơ anh tôi thấy nỗi đau của tôi được xoa dịu nhiều lắm”. Tuy vậy khi đến Gò Bồi, nhà thơ Hàn Mặc Tử không dám xuất hiện thường mặc cảm với cuộc đời, nên trốn chui trong túp lều cuối vườn nhà. Người mẹ đã ngày đêm cơm cháo thuốc thang nuôi con, nhưng rồi bệnh tình không thuyên giảm. Thời gian sau Hàn Mặc Tử về trại phong Quy Hòa, rồi mất. Mẹ của Hàn vẫn ở lại mưu sinh và chết tại Gò Bồi. Mộ của bà hiện ở bên kia sông Gò Bồi, cô đơn lạnh lẽo như số phận buồn tủi của người con. Vậy là hiện ở Gò Bồi có hai ngôi mộ, một là nơi yên nghỉ của mẹ của nhà thơ Xuân Diệu và một là mộ của mẹ nhà thơ Hàn Mặc Tử.
       Khi đứng trước tủ sách tư liệu trong phòng lưu niệm, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nhắc đến cuốn sách mà nhà thơ Xuân Diệu viết về nhà thơ và soạn kịch nổi tiếng Đào Tấn. Chị cho biết, chính nhà viết kịch Đào Tấn cũng được sinh ra ở vạn Gò Bồi này, trước ngày chào đời của Xuân Diệu chừng 70 năm. Gia đình Đào Tấn nổi tiếng là nhà làm thuốc ở trấn Gò Bồi, nên dân chúng trọng vọng và tin yêu. Đào Tấn làm thơ nổi tiếng với nhiều bài thơ về quê hương và thế sự. Sau này ông mới viết kịch, sinh thời sự nghiệp và cuộc đời của ông có nhiều uẩn khúc và tạo nhiều dư luận trái chiều khó lý giải, trong thời gian ông đi làm quan của triều Nguyễn. Ai cũng biết nhà thơ Xuân Diệu muốn làm nhiều việc để đền đáp nơi sinh thành. Ông đã viết sách về dân ca quê hương mình, cùng với đó còn có công trình nghiên cứu lớn cuối cùng về danh nhân Đào Tấn, một đồng hương ở Tuy Phước. Ông dành nhiều năm trời để viết tham luận và viết sách về Đào Tấn để minh chứng cho một nhân tài nghệ thuật đặc biệt của đất Bình Định. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang cho biết những dòng cuối cùng của công trình nghiên cứu về Đào Tấn được Xuân Diệu hoàn thành vào ngày 7-12-1985, chỉ trước khi ông trút hơi thở cuối cùng 11 ngày (18-12-1985).
       Đúng là cả một đời nhà thơ sống và luôn mong nhớ về quê mẹ, với những sáng tác và công việc nghiên cứu văn hóa và danh nhân quê hương Gò Bồi, Bình Định. Chúng tôi ngồi bên thềm nhà lưu niệm và nhớ đến những câu thơ mà ông viết về nơi đây: “Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ. Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh. Thức những ngôi sao, thức những bóng cành. Đêm quê hương thương cái hương của đất”. Sau đó nhà thơ Trần Thị Huyền Trang bồi hồi đọc tiếp, với mầu âm đúng chất “Nẫu” mà nhà thơ Xuân Diệu thường đọc cho mọi người nghe, vẫn bài “Đêm ngủ ở Tuy Phước” rằng: “Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển lên cứ nhắc. Khi má anh sinh ra. Anh đã thở hơi nước mắm cùa vạn Gò Bồi...”. Tôi thấy rưng rưng nỗi niềm với những ký ức của nhà thơ bỗng dội về ngay bên con sông của tuổi thơ ông.
3-Vẫn còn đó một ngôi nhà Xuân Diệu “24 Cột cờ”
      Sau khi chia tay người quản lý “Nhà lưu niệm -Nhà thơ Xuân Diệu” ở Gò Bồi, Câu chuyện giữa chúng tôi bỗng chợt nhắc đến ngôi nhà, mà Xuân Diệu sinh thời đã sống và lưu dấu nhiều kỷ niệm, từ sau ngày giải phóng thủ đô. Đó là địa chỉ 24 Cột cờ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Với 30 năm sống ở đây, cùng gia đình nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Xuân Diệu thường mời bạn bè đồng nghiệp về đàm đạo và trao đổi những vấn đề văn học và thời sự. Sự nghiệp văn học của Xuân Diệu cũng được tiếp nối và rực rỡ từ căn nhà này, với số lượng hàng chục cuốn sách ra đời. Số nhà 24, Cột cờ là một địa chỉ văn hóa của giới văn nghệ và luôn mở cửa đón tiếp mọi người với câu thơ nổi tiếng, mà nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Nhà tôi 24 Cột Cờ. Ai yêu thì ghé ai hờ thì qua”. Sau khi nhà thơ mất (18-12-1985), Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thủ tướng chính phủ đã có chủ trương thành lập “Phòng Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu” và giao cho gia đình quản lý. Nhưng vậy là từ đó đến nay, dự án vẫn chỉ là dự án...  
      Tuy ở Gò Bồi, Tuy Phước, “Nhà lưu niệm- Nhà thơ Xuân Diệu” đã là di tích văn hóa-lịch sử cấp tỉnh (Bình Định); nhưng ở Hà Nội, 24 Cột cờ trở thành ngôi nhà văn chương của hàng chục triệu người yêu văn học trên toàn quốc. Vậy sao giờ đây mọi chuyện vẫn nằm trong im lặng. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu viết trong bài Chiều chờ đợi, với bao tâm sự: “Cho lòng xin chút hương. Cho lòng xin chút lửa. Cho lòng xin chút thương. Cho lòng xin chút nữa”. Thật đáng buồn cho cuộc đời một “Ông Hoàng thơ tình”, trọn đời cống hiến cho cách mạng. Đã ba mươi năm ông đi xa, mà ngôi nhà 24, Cột Cờ, Hà Nội, “Phòng Lưu niệm Xuân Diệu” vẫn chưa mở cửa.  

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Vương Tâm - Thơ- Phôn Cho anh



Vương Tâm

Phôn cho anh

Phôn cho anh nhé
Dù chỉ một lời nhắn hỏi
Hay nụ cười bối rối
Thoảng qua

Phôn cho anh mặc nỗi chia xa
Đừng ngại ngần điều ngăn cách
Anh hằng mong nghe lời từ ánh mắt
Dù chẳng thấy nhau

Phôn cho anh gửi một lời đau
Tiếng lòng ấy nửa chừng bay mất
Thì hơi thở sẽ vang lên dồn dập
Anh lắng nghe an ủi ấm lòng

"Phôn" cho anh dù chỉ nói không
Em áp ngực để trái tim cất tiếng
Khoảng thinh không ngàn cánh chim bay lượn
Ríu rít bầu trời trong xanh

"Phôn" cho anh, có thể em chẳng đành
Thì cứ khóc thầm cùng tiếc nuối
Tiếng tình yêu lại miên man thầm gọi
Đập rung lên tín hiệu ban đầu.

Vương Tâm- Nhà văn Y Ban và những hệ lụy bất thường




      Nhà văn Y Ban và những hệ lụy bất thường
       Vương Tâm
      Chắc chắn có rất nhiều “Fan” hâm mộ nhà văn Y Ban giống tôi. Bằng chứng sách của Y Ban in ra liên tục hàng năm và bán khá chạy. Có cuốn còn in nối bản như cuốn “Cuối cùng thì đàn bà muốn gì?” gần đây nhất, vào hạ tuần tháng 9-2015. Tôi có thói quen hay chờ hóng chuyện của Y Ban mỗi cuối tuần. Sau chuyến đi Paris về, Y Ban vẫn thế xởi lởi và kể toẹt mọi chuyện vui, buồn hay bực tức, với những lời dẫn dụ, bỗ bã hồn nhiên...
1-Người lắm “tai tiếng” văn chương
       Phải nói nhà văn Y Ban là một hiện tượng lạ về văn chương ở nước ta. Hanh thông ngay từ bước đầu vào nghiệp văn, với giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, vào năm 1989-1990. Ấn tượng về hai truyện ngắn “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” và “Người đàn bà có ma lực” đã khẳng định một cái tên Y Ban, với giọng điệu mới lạ, thể hiện một hiện thực chát chúa của xã hội. Kế tiếp năm sau, Y Ban còn được trao giải B, cuộc thi của NXB Hà Nội, cho tập truyện ngắn mang cùng tên “Người đàn bà có ma lực”. Ngay từ những năm đó, văn của Y Ban đã thể hiện một bút pháp sinh động, cuốn hút người đọc bằng những chi tiết độc đáo. Có nhà nghiên cứu khi đó nói, Y Ban sẽ là một nhà văn rất ấn tượng trong tương lai. Chẳng bao lâu, chị còn cho ra đời tập truyện ngắn “Miếu hoang”, và được nhận giải C của Hội Liên hiệp VHNT VN. Đến năm 1996, Y Ban được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Năm; một mạch thẳng tiến và thành danh chỉ 6 năm bước vào con đường văn chương, với một gương mặt khó quên.
       Nhưng có lẽ giờ đây, nói đến Y Ban người đọc còn nhắc đến cuốn sách và truyện ngắn cùng tên: “I am đàn bà”, xuất bản 2006. Tập truyện ngắn này là một bước tiến mới của Y Ban sau 16 năm cầm bút, nhưng lại xảy ra những hệ lụy oái oăm kèm theo. Riêng truyện ngắn “I am đàn bà” được trao giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (2006-2007), nhưng ngay sau đó bị cho là phạm quy nên phải treo giải, với lý do đã in sách trước đó. Tất nhiên đây là một cú sốc với một tài năng đang được dư luận đánh giá cao. Y Ban còn chưa kịp hồi tâm, thì ngay lập tức tập truyện ngắn “I am đàn bà” cũng có lệnh bị thu hồi, mà không nói rõ lý do. Ngỡ như Y Ban choáng váng khó đứng vững sau những vận hạn khó lường. Nhưng không ngờ, cái được của Y Ban sau “tai họa” lại là sự kiếm tìm ráo riết của bạn đọc, họ lùng mua sách in lậu ở thị trường tự do. Y Ban và cái tên “I am đàn bà” nổi như cồn trên các diễn đàn văn học, cũng như thông tin trên các mạng xã hội. Đó có thể nói là một “sự cố” của một nữ văn sĩ hiếm có ở nước ta đã xảy ra. Hơn thế nữa, với những cách thể hiện bạo dạn về tình dục trong tình yêu và hôn nhân gia đình, ẩn chứa những nỗi niềm về sự sống, truyện ngắn của Y Ban trở nên “hot”. Thời điểm này có nhà sách đã giao kèo độc quyền in tác phẩm của Y Ban. Lại một lần nữa cái tên Y Ban có sức thu hút các nhà xuất bản trên toàn quốc và được bạn đọc đón chờ.
      Nhưng hệ lụy văn chương thật khó lường, 4 năm sau (2011) cái tên Y Ban lại được được lên bàn mổ khi xuất bản tập truyện ngắn mi ni: “Này hỏi thật thấy gì chưa đấy?”. Thấy gì là thấy gì? Họ phân tích rồi kêu lên, rắc rối lắm chuyện, thế là lại bị thu hồi. Đúng là chưa có nhà văn nào từ trước đến nay bị hai lần thu hồi sách như thế. Có lẽ sách của Y Ban bị thu hồi do những trang viết quá mạnh dạn về tình dục và những chi tiết tự nhiên chủ nghĩa. Hẳn là như vậy chứ chẳng có chuyện “chính chị chính em” gì cả. Nhưng khi cho lệnh thu hồi cũng không nói rõ lý do nên bạn đọc lại càng tò mò. Sách in lậu truyện Y Ban càng được dịp thả phanh cho các nhà sách kiếm lời. Y Ban chỉ được cái tiếng nhưng chả có miếng là vậy.
      Ngỡ mọi chuyện “quá tam ba bận” đến thế thôi, ai ngờ lại thêm một sự cố nữa xảy ra; Đó là chuyện nhà văn Y Ban không nhận “Bằng khen”, của Hội Nhà văn VN năm 2013, trao cho tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” (NXB Phụ nữ-2012). Y Ban gửi một bức thư ngỏ cho ông Chủ tịch Hội Nhà văn VN và 14 vị ủy viên BCH, bày tỏ những bức xúc trong lòng rồi từ chối không nhận bằng khen. Thậm chí Y Ban còn từ bỏ ghế Ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn VN ngay sau đó. Chính vì sự ồn ào nổi lên dày đặc, khắp các trang mạng làm cho sách của Y Ban, thêm một lần lên ngôi. Chả thế mà năm 2014, Y Ban được mời chào, viết như “lên đồng” và cho phát hành liên tiếp ba cuốn: Tiểu thuyết “ABCD”; Tập truyện ngắn mini “Sống ở đời biết khi nào ta khôn?” và tập truyện ngắn “Người đàn bà và những giấc mơ”. Thừa thắng xốc tới vào đầu năm 2015, NXB Phụ nữ in luôn cho Y Ban tập truyện ngắn: “Cuối cùng thì đàn bà muốn gì?”. Đặc biệt cuốn này bán hết veo 2000 bản ngay từ khi phát hành, sau đó đã được in nối bản. Y Ban đã phải ký mỏi tay vào những cuốn sách bán được, để tặng bạn đọc, trong các Hội sách trong năm 2015.
2-Những nghi vấn không đâu!
      Người ta có đặt ra một câu hỏi, phải chăng Y Ban tìm cách gây liên tiếp các  “chiêu trò” để tạo danh tiếng và gây sự ồn ào với mục đích bán sách. Vậy nên mới viết sách như “điên” vậy. Trong 25 năm mà viết tới 20 cuốn sách. Ấy là chưa nói có đến những cuốn sách được in nối bản hay tái bản. Nhưng chả phải, là bạn đồng nghiệp trong làng báo nhiều năm, tôi nhận biết Y Ban chính là hình ảnh đích thực trong văn chương chị. Bởi tôi thường được nghe Y Ban kể nhiều chuyện vặt thường ngày. Chân thực và hài hước. Đôi khi còn cay nghiệt và khổ đau. Đó là những chi tiết và sự kiện của chồng, con, mẹ và anh chị em, hay bạn bè, đồng nghiệp của chính Y Ban. Những “Hắn”, những “Thị” hay “Ả”, hoặc “Y”...trong truyện ngắn hay tiểu thuyết đều từ đấy mà ra. Chúng được mã hóa, với những tính cách nhân vật trong câu chuyện được miêu tả, tiềm tàng năng lượng sống và khởi sắc về chi tiết. Chính vì điều đó mà truyện của Y Ban có sức hấp dẫn, và sách của chị bán được nhiều, chứ không cần trông chờ vào chiêu trò tạo dựng.
       Thêm nữa, chuyện bị thu hồi sách đâu phải do Y Ban có thể dựng nổi kịch bản. Hay chuyện bị báo Văn nghệ treo giải thưởng lại càng không. Còn chuyện tự rút giải “Bằng khen” chỉ là sự bức xúc cá nhân, phản ứng lập tức mà không hề có ý thức chuẩn bị tạo dư luận. Tính bộc trực và đôi khi phản kháng nóng vội này đã từng làm Y Ban khá liểng xiểng trong đường đời. Nào chuyện anh, em trái tính, trái nết trong gia đình phải đối diện. Lại còn cả chuyện vận hạn ở cơ quan nữa chứ, cũng truân chuyên lắm. Chả thế có lần trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Y Ban đã từng tuyên bố, đôi lúc định tự tử vào những lúc khủng hoảng tinh thần.
      Cuộc sống dầy đặc sự cố vây quanh Y Ban đã tràn vào những trang văn là vì vậy. Đôi khi Y Ban tự nhủ tuổi Tân Sửu (1961) của mình, họa, phúc khó lường, đành chịu mà vượt lên. Nhiều chuyện “tiếu lâm” mà Y Ban thỉnh thoảng chém gió trên Facbook, chính là tự đùa với chính mình, sau những ám ảnh nào đó vừa xảy ra. Những là hóm hỉnh, hài hước bên ngoài nhưng lại là ứa lệ bên trong. Những là  tiếng cười rộn rã, xôn xao phía trước lại là tiếng lòng dữ dội bùng nổ phía sau. Tôi đã từng không ít lần thấy Y Ban khóc khi kể những chuyện uẩn khúc trong lòng. Kể cả những nỗi đoạn đường đời của những người bán hàng rong hay kẻ ăn mày, ăn xin. Gặp những chuyện oan trái là đánh động đến trái tim của chị. Đó chính là Y Ban sau những lời bỗ bã ngoài quán cà phê. Tính nhân bản luôn luôn nổi bật trong các tác phẩm của Y Ban. Đó chính là chiều sâu của câu chuyện mà chị viết về nỗi đau, thân phận đàn bà. Chị muốn nhấn về cái xấu, cái ác, sự đổ vỡ để người đọc căm ghét nó và muốn sống chân thành với nhau, cùng gây dựng niềm tin yêu cuộc sống.
3- “Sex” ư? Đâu có gì lạ!
        Không ít lần người ta bàn tán đến những tác phẩm của Y Ban có tính thời thượng, cố bám lấy những chuyện đậm chất “sexy”, chứ chả có gì ghê gớm. Có người còn ví đó chỉ là những tiết mục “đời cười” câu khách trên sân khấu, không chứa đựng ý tưởng sâu sắc của một vở “Chính kịch” mang tính thời đại. Thực ra mỗi nhà văn đều mang bản sắc riêng và có cách tiếp cận hiện thực của mình. Đối thoại với những nhân danh “Chính kịch” này, nhà văn không hề dao động mà còn nhấn mạnh, yếu tố “Sex” là một nét văn hóa tự thân của đời sống con người, chan chứa nguồn mạch phát triển, sinh sôi. Nó ẩn hiện lấp lánh trong những chi tiết của câu chuyện như một đòi hỏi tự nhiên.
       Sự cách tân khi ứng xử với tình dục là làm nổi bật tính văn hóa của nó, chứ không phải thóa mạ “Sex” bởi những chi tiết lộ liễu. Tôi chợt nhớ có lần Y Ban bày tỏ, “Sex” là chuyện không mới, nhưng cũng không bao giờ cũ, trong đời sống. Nhưng trong văn chương, “Sex” luôn luôn được làm mới, với những số phận nhân vật mà tác giả phủ lên đó những ý nghĩa nhân bản, “làm sạch” tâm hồn con người. Mới đây vào dịp đầu tháng 10-2015, nhà văn Y Ban đăng đàn trên truyền hình để bàn về tình dục cùng với một thạc sĩ tình dục học, trong Hội sách và di sản, tại Hoàng thành Thăng Long. Chị nhấn mạnh ý kiến được nêu ra: “Một khi tình dục được nhìn nhận đúng đắn thì đạo đức sẽ tự do vượt thoát khỏi sự tác động của dục vọng để thăng hoa”. Và đó cũng chính là nỗi niềm được ẩn dấu trong mỗi chi tiết mà Y Ban viết ra trong mỗi câu chuyện. Chị có niềm tin tác phẩm của mình có sức sống lâu bền, bởi được nhiều độc giả đón nhận. Người đọc chia sẻ với những nỗi đau, hay sự phẫn nộ của tác giả thể hiện, qua những biến động trong cuộc sống, mà họ cần phải đối diện. Đó chính là những điều lắng đọng sâu xa trong tác phẩm của Y Ban, chứ không phải là những ồn ào qua những “Scandal” nổi cộm. Phải chăng vì lẽ đó, mà bạn đọc càng ngày, càng thích đọc truyện của Y Ban!?