Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Ký sự




Hương Ngải quê thơm

Vương Tâm

 
          Mong mãi rồi cổng làng Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) của tôi cũng được xây dựng, tạo nên một dấu ấn đúng với nghĩa của một miền hoa Ngái xưa mọc quanh thơm khắp làng, và ngập tràn những cổ tích về miền đất nghèo nhưng ham học và khéo tay. Xã mới làm lễ đón nhận danh hiệu làng nghề mộc, nức tiếng hàng trăm năm nay về những ngôi nhà cổ, mà người thợ của làng đã để lại trên khắp cái miệt Sơn Tây đỏ au màu đá ong này. Lần nào về làng trong lòng tôi cũng thổn thức với bao ký ức tràn về từ một cõi tâm linh nửa thực, nửa mơ...
1-Cổ tích tuổi thơ
        Ở tuổi lên mười, khi cắp sách đến trường làng, tôi vẫn chưa hiểu hết mọi chuyện của làng. Nhớ vào cái đận ấy, tôi cứ đeo cái túi dết của anh trai chạy dọc con mương mà hát những câu ca về chiếc đèn cù. Còn đó là những gánh phân trĩu trịt trên vai tôi đi như chạy ra cánh đồng. Và nữa, chuyện bọn trẻ chúng tôi vừa gặt lúa vừa bắt chuột trên cánh đồng. Tất cả tung tăng với cánh sáo diều ngân nga trong những chiều vàng âm u mây trắng Ba Vì từ xa bay về.  
         Nhưng ký ức tuổi thơ sâu đậm trong tôi còn là câu chuyện mà thày giáo Kính đã kể cách đây gần 60 năm. Giọng thày ấm áp và đầy cảm xúc khi kể lại cổ tích “Lưu Bình Dương Lễ”. Thày nói đây là chuyện xưa nói lên truyền thống hiếu học của làng. Nay không ai không biết tới chuyện Dương Lễ sau khi đỗ đạt làm quan, đã cho vợ đến giúp đỡ và nuôi cho Lưu Bình, người bạn thân của mình ăn học, suốt mấy năm trời. Khi thành tài và đỗ đạt, Lưu Bình vinh quy trở về thì người vợ đã bỏ đi biệt tích. Sau này Lưu Bình mới vỡ lẽ khi đến nhà Dương Lễ, người nuôi mình ăn học không ai khác chính là nàng Châu Ba, vợ của người bạn. Một nghĩa cử thật sâu sắc của tình bạn. Câu chuyện đề cao sự học hành mới là sự mở mang cho cuộc sống và còn ẩn chứa nỗi niềm nhân sinh cao cả của con người.
        Thầy còn dẫn chúng tôi ra tận quán Nghinh ở đầu làng. Nơi đó chính là dấu tích được nhắc đến trong câu chuyện cổ xưa. Thày còn đọc những câu thơ trong câu chuyện và kể về những người đã từng đỗ Đại Khoa qua các triều vua. Niềm tự hào trong tôi trào dâng. Những cây đa lớn rung lên trong gió. Quán Nghinh trầm tĩnh với bốn cột đá xanh nhẵn bóng với thời gian ngàn năm. Chúng tôi tựa vào những chiếc cột gỗ phía trong và nghe thây giảng vì sao quán biến thành chín gian. Con số 9 gọi là lão dương, tượng trưng cho sự bền chắc.
         Sau đó thày chỉ về phía những cây đa cổ còn sót lại kể rằng, trước có 7 cây đa bao quanh quán Nghinh, tạo nên chòm sao Bắc Đẩu. Sau này khi lớn lên tôi mới hiểu quán Nghinh là trung tâm chòm sao đó. Tôi còn học lời Khổng Tử được thờ tại đây, dậy rằng: “Dùng đức điều hành chính sự ví như ngôi sao Bắc Đẩu tọa lạc đúng vị trí của mình thì các ngôi sao khác ắt phải chầu lại”. Ông cha xưa của làng Hương Ngải đã dựng quán Nghinh với ý nghĩa đó. Quán chính là nơi đưa, đón hiền tài của làng, với mong mỏi trong tâm linh của thành hoàng làng, rằng tài năng, đức độ của họ luôn luôn tỏa sáng như sao Bắc Đẩu. Tôi rất nhớ hai vế đối mà thày giáo Kính đọc ở tại quán, mỗi khi dân làng tiễn người lên kinh thi cử: “Chúc sĩ tử ứng thí tranh khôi / Nghênh tân khoa hồi hương bái tổ”.
2-Đất thày  
        Sau này có dịp gặp lại thày giáo Kiều Xuân Cù, người đã dậy học ở ngôi trường đầu tiên ở Hương Ngải, những ký ức tuổi thơ lại dội về trong tôi. Ông về nghỉ hưu tại xã Cần Kiệm. Biết tôi là dân Hương Ngải, ông ôm chầm lấy và vỗ liên tục trên vai tôi tựa như gặp lại người thân trong gia đình. Ông lại kể chuyện về sự học hành của người Hương Ngải và thuộc vanh vách danh sách những ai đã từng đỗ đạt cao ở các triều vua xưa. Ông còn nhớ năm 1874, vua Tự Đức đã ban tặng sắc phong cho Hương Ngải với bốn chữ : “Mỹ tục khả phong” để khen thưởng truyền thống hiếu học và khát vọng không ngừng tiến bộ của dân làng.
         Ông nói, Hương Ngải không chỉ là “Kẻ Ngái ông nghè như lá tre”, với dòng họ Đỗ nổi tiếng, 8 đời kế tiếp nhau là Tiến sĩ và cử nhân, mà còn là đất của những thầy giáo học ở huyện Thạch Thất. Trong làng có nhiều gia đình theo nghề giáo đến mấy đời. Riêng gia đình bà Đỗ Thị Từ Tâm có truyền thống 5 đời dậy học, từ đời ông nội đến cháu của bà. Hiện có 8 người trong nhà bà đang làm nghề giáo viên. Đúng như ông nói, theo tổng kết mới đây, trên địa bàn Thạch Thất có khoảng 86 ngôi trường, thì có tới 80 % số trường đều có giáo viên người làng Hương Ngải. Thậm chí có một số trường có tới một phần ba là giáo viên của làng Hương Ngải đứng trên bục giảng. Hiện xã Hương Ngải có khoảng 300 thày cô đang dậy học ở các trường rải khắp huyện Thạch Thất.
        Nhưng có lẽ người thầy giáo nổi tiếng của làng phải kể đến nhà văn Nguyễn Tử Siêu (1887-1965). Ngoài là một thày giáo trong làng, ông còn là một lương y nổi tiếng và là một nhà văn có khí phách, thể hiện tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc. Nguyễn Tử Siêu là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta như “Hai bà đánh giặc”, “Vua Bà Triệu”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Trần Nguyên chiến ký”, “Tiếng sấm đêm đông”…Một số tác phẩm của ông đã bị thực dân Pháp cấm lưu hành. Đồng thời chúng còn quản thúc ông ở ngay tại làng như một phần tử chống đối. Chính trong giai đoạn bị giam lỏng này, ông đã vừa dậy học chữ Nho, vừa viết sách thuốc để lưu lại cho thế hệ mai sau. Đến cuối đời, ông có tới 43 tác phẩm, gồm 77 cuốn sách với nhiều thể loại. Đặc biệt bộ sách nổi tiếng về y học, gồm hàng chục cuốn về thuốc và hành nghề đông y có giá trị thực tiễn, và được coi là cẩm nang thực hành cho nhiều thày thuốc đời sau. Ông được giới chuyên môn đánh giá cao và được Nhà nước công nhận đưa vào “Tự điển những nhân vật lịch sử Việt Nam”, do NXB Khoa học Xã hội phát hành năm 1992.
         Theo lịch sử cách mạng của tỉnh Sơn Tây cũ ghi lại, nhà giáo kiêm nhà văn Nguyễn Tử Siêu còn tham gia hoạt động cách mạng vào đầu những năm kháng chiến. Ông đã từng là Chủ tịch mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây; Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Sơn Tây. Sau này ông còn là  Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam khóa I và II (1957-1965) cho đến lúc mất. Tiếp nối gương sáng của cha, người con trai lớn của Lương Tử Siêu là lương y Nguyễn Thiên Quyến, đã trở thành một danh y với 30 đầu sách nghiên cứu, dịch thuật về đông y. Năm 2012, lương y Nguyễn Thiên Quyến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Ông từng là Chủ Tịch Hội Đông y Hà Nội cho đến khi về hưu.
3-Đất nghề
         Những người thợ mộc làm nhà của đất “Kẻ Ngái” (tên cổ của làng Hương Ngải) đã nổi tiếng từ xa xưa. Cổ chuyện kể rằng, cách đây mấy trăm năm, triều đình mở cuộc thi dựng nhà 5 gian bằng cây chuối. Thợ nào làm nhanh nhất và đẹp nhất sẽ có thưởng và đem lại tiếng thơm cho làng xã. Khi ấy Hương Ngải có cụ Chánh mục họ Nguyễn tình nguyện tỉ thí tay nghề làm nhà với thiên hạ. Trong một ngày, cụ vừa đi chặt chuối và tre để làm con xỏ kết nối, vừa dựng từng phần. Cụ làm nhanh và gọn gàng từng phần chỉnh đẹp. Thân cây chuối dựng tường nhà, còn mái lợp bằng lá chuối tước trên vườn. Ngôi nhà của cụ Chánh được chấm nhanh nhất, đẹp nhất, có thể ở luôn. Nhà vua thấy thế ban sắc phong cho cụ, khen thưởng tài dựng nhà đẹp. Đó là chuyện kể về truyền thống làm nghề thợ mộc của làng đã có tiếng khắp lục tỉnh miền bắc.
         Tính đến nay, xã Hương Ngải có khoảng gần 900 hộ dân tập trung ở 9 thôn, thì có tới 35% hộ làm nghề mộc. Riêng làm những ngôi nhà gỗ theo truyền thống, với kiểu dáng xưa, cùng những họa tiết điêu khắc nghệ thuật cổ, nay xã có khoảng hàng trăm thợ giỏi. Nhiều nhóm thợ của làng đã được ký hợp đồng làm những công trinh văn hóa cổ và làm dựng nhiều đình chùa miếu mạo ở khắp nơi trên toàn quốc. Đáng chú ý, trong đó có các đình chùa nổi tiếng như chùa Hòe Nhai, ở Hà Nội, hoặc phục hồi Nhà Thái Học ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cùng với đó là công trình các ngôi nhà cổ trong khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn…
         Và giờ đây trên con đường về xã từ phía Đông là một dẫy phố gỗ và các nhóm thợ Hương Ngải làm việc suốt ngày đêm. Một số công ty đã được mở và nhiều xưởng mộc hối hả với những đơn đặt hàng. Đáng chú ý cơ sở sản xuất nhà cổ của gia đình ông Hòe, thường có hàng chục người liên tục đục đẽo, tạc hoa văn truyền thống. Tôi có dịp vào ngôi nhà mới theo mẫu cổ của ông Thạch ở xóm Trại, mới hay giờ đây không ít người trong vùng lân cận có thú chơi nhà cổ do những tay thợ giỏi của làng Hương Ngải làm. Ông Thạch cho biết với thời giá hiện nay, để làm ngôi nhà cổ 5 gian, với những loại gỗ tốt, thì cũng phải mất từ 1,5 đến 2,0 tỉ đồng. Ôi xem ra nghề chơi cũng lắm công phu. Đất làng nghề mà.
3-Cung đường mới
        Về xã Hương Ngải giờ đây có đến mấy con đường đi qua. Ngoài ba con đường cũ, hiện có hai con đường rải nhựa nữa từ Bún Thượng và từ ngay đầu con đường Huyện chạy về. Đường nào giờ cũng qua cổng làng mới xây. Mỗi lần về quê tôi lại thử đi qua một con đường mới với những nỗi niềm thương nhớ trong lòng. Đây là một khu công nghiệp mọc lên. Kia là một cánh đồng rau sạch hình thành. Và, nữa hình ảnh quán Nghinh tuổi thơ tôi, với lễ hội tưng bừng trong ngày rước kiệu hiện lên. Khi đó tôi thường dừng lại trước cổng làng và tâm hồn chợt rung lên theo nhịp khúc “Lưu thủy-Kim tiền” rộn ràng, trên cung đàn bầu xưa mà ông tôi đã dậy. Nhìn ra cánh đồng và những con đường mới chạy qua, trái tim tôi bỗng như trẻ lại; run rảy với những chú cá vàng quẫy dưới đầm trăng trước cổng làng, mà thầy tôi đã vớt từ chiếc lưới nhỏ xíu ngày nào…




Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014


Nụ Cười Trần Hạnh




Nụ cười Trần Hạnh
Vương Tâm
        Trong một thời gian khá dài, mỗi lần báo chí viết về NSƯT Trần Hạnh, đều chia sẻ về những nỗi niềm trần ai, bể khổ cuộc đời ông. Đến nỗi ông sợ và đôi khi phải tránh khéo không muốn ai đó có ý nghĩ thương hại mình. Giờ đây đã bước sang tuổi 85, ông vẫn phóng xe máy đi đèo hàng cho con dâu, ở ga Hàng Cỏ. Và vẫn nụ cười đôn hậu, nghệ sĩ Trần Hạnh nhanh nhẹn và thường nói với mọi người, tôi chả có gì buồn khổ trên đời này.
 1-Một thuở hoàng kim
       Hiện tôi gia đình tôi sống cũng ngõ với hai bố con ông, nên thường gặp nhau luôn. Thậm chí có lần, chúng tôi xuýt đụng xe nhau ở ngay đầu ngõ, ông phanh xe lại nở một nụ cười, với ánh mắt ngần ngại làm như mình có lỗi. Tôi nhìn theo và nhớ lại nụ cười ấm áp ấy một thời lừng danh trên sân khấu Hà Nội. Một hôm ngồi cùng ông trong quán trà ở đầu ngõ, cả hai chúng tôi đều im lặng. Làn khói thuốc như những sợi mây bay ngang trước đôi mắt u trầm của ông. Tôi bỗng nhớ đến giây phút nghệ sĩ thăng hoa nhất trong đời ông qua vai Nguyễn Trãi, trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa”, vào những năm đầu thập kỷ 60.
        Ký ức dội về trong tôi bởi lẽ, thời gian đó tôi cũng từng là thành viên đội kịch thiếu nhi, và đã được xem ông diễn vai Nguyễn Trãi. Nghệ sĩ Trần Hạnh là thần tượng của cánh trẻ chúng tôi. Giọng của ông ấm áp vang xa cũng là mẫu để cho mọi nghệ sĩ mơ ước. Ông ngâm thơ rất hay, lấp lánh một tư chất sang trọng của nhân vật kiệt xuất Nguyễn Trãi. Giải thưởng HCV sáng chói cho nghệ sĩ Trần Hạnh trong hội diễn Sân khấu toàn quốc, năm 1962. Liên tiếp Hội diễn Sân khấu lần sau ông cũng được trao HCV thứ hai qua vai Vũ Khiêm, trong vở “Tiền tuyến gọi”, năm 1970. Trước mắt tôi là một dàn diễn viên tài năng một thời cùng ông hiện lên. Đó là nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo, Quốc Toàn, Thanh Tú; Rồi nữa Hoàng Thanh Giang, Kim xuyến, Trịnh Mai, Nhật Đức, Phạm Bằng…Ông đã từng cùng mọi người diễn kịch phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo nhà nước xem, với những cảm xúc tươi mới và thăng hoa nhất, trong cuộc đời nghệ sĩ. Có lần, sau khi xem xong vở “Âm mưu tình yêu” của Đoàn kịch Hà Nội, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã gặp trực tiếp nghệ sĩ Trần Hạnh, tỏ lời khen ngợi vai diễn. Đến nay ông vẫn coi lời động viên đó như một niềm khích lệ lớn trên con đường phấn đấu nâng cao sự nghiệp nghệ thuật của mình.
        Sau đó, ông được trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, đợt đầu tiên (1982-19840, và là nhân vật không thể thiếu trong dàn diễn viên trẻ của một thời lững lẫy với vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ. Đó là những ngôi sao Trần Vân, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Trần Kiếm, Minh Vượng…Có thể nói với chùm kịch phản ánh hiện thực đa chiều và chống tiêu cực của Lưu Quang Vũ vào những năm giữa thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 đã làm nên một sắc màu “Chính kịch” vang dội của Đoàn kịch Hà Nội. Vào thời kỳ đỉnh cao của một đời nghệ sĩ bước sang giai đoạn mở cửa thì NSƯT Trần Hạnh đến tuổi nghỉ hưu, năm 1989.
        Mới đây, thời gian ồn ào nhất về hiện tượng Nguyễn Đức Kiên, một tội phạm kinh tế đã đưa ra xét xử, tôi cùng nghệ sĩ Trần Hạnh bất ngờ nghĩ đến thời hoàng kim của sân khấu “Tôi và chúng ta”. Chúng tôi trò chuyện về Nguyễn Đức Kiên, bởi kẻ tài phiệt này lập một trong những công ty lừa đảo ở ngay ngõ Lương Sử, nối liền với ngõ của những người nghèo khổ chúng tôi. Nghệ sĩ Trần Hạnh bộc bạch, thế mới biết những vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ có tính dự báo chính xác về những câu chuyện có thật sẽ xảy ra trong xã hội. Mỗi lời thoại ngày ấy sao mà nóng bỏng tâm can. Sự đấu tranh với những thế lực xã hội sao mà đầy chông gai. Thân phận con người luôn luôn bị đe dọa, khi đấu tranh bảo vệ công lý. Biết bao hiện tượng Nguyễn Đức Kiên xấu xa ngày ấy đã hiện lên dưới ánh đèn sân khấu. Mỗi lời kịch là một niềm trăn trở của người nghệ sĩ khi dám nói lên sự thật. Và giờ đây bao nhiêu sự thật đã phơi bầy!?
         Nghệ sĩ Trần Ngọc Hạnh mỉm cười, với ánh mắt tràn đầy suy tư. Tôi giật mình khi nghe ông thốt lên, ôi những hàng trăm ngàn tỉ vào tay của những kẻ lừa đảo. Ông tự hỏi sao họ lại cần nhiều tiền thế. Có thể ông chợt nhớ đến đồng lương hưu ít ỏi của mình. Nhiều no ít đủ mà, các cụ nói vậy mà đúng. Đừng có tham lam. Chợt ông lại cười, rồi nói với ba triệu bạc ông nuôi được cả đứa con lớn tuổi dại dột của mình. Có thể ông tự trào về số mệnh, và hướng tới sự an phận và cam chịu của một đời người, bởi ông đã quá mệt mỏi với những lo toan. Nào là vợ bị tai biến đến chục năm trời. Nào là con trai bị tai nạn, đến tận giờ đây vẫn còn chứng ngẩn ngơ. Một tay ông lo tất và trở nên bơ vơ khi vợ mất. Hỏi trên đời này, mấy ai ở tuổi 85 cô đơn như ông. Hằng đem ông với cái bóng mình ngồi vỗ về người con trai, đã bước sang tuổi 50, ngủ một giấc ngon lành. Và, cái bóng kiếp nạn ấy đã lầm lụi theo ông khi bước vào thế giới điện ảnh, truyền hình từ ngày về hưu cho đến nay.
2-Náo nức phim trường
         Ngỡ như ông trời không dồn đường cùng cho những ai đã quá nhiều cay đắng và tràn đầy niềm đam mê với nghề nghiệp và yêu thương cuộc sống. Tôi còn nhớ, sau khi về hưu nghệ sĩ Trần Hạnh không chịu ngồi yên mà cùng với một số anh em nghệ sĩ khác thành lập nhóm kịch sân khấu nhỏ. Đó là một mô hình sân khấu bắt kịp với nhu cầu thị trường. Người yêu sân khấu được gặp lại những gương mặt thân quen mà họ từng yêu mến như Trần Hạnh, Lê Mai, Dương Quảng, Trịnh Mai, Văn Hiệp…Nhiều người thật khó ngờ khi nghệ sĩ Trần Hạnh lại là một trong những nghệ sĩ diễn kịch hài rất có duyên, và khai phá ra loại hình kịch dạng “Đời cười” đầu tiên.
       Sau đó câu chuyện điện ảnh và truyền hình đến với ông như một lẽ đương nhiên. Ông là một số ít nghệ sĩ có thiên bẩm hóa thân nhân vật và gây ấn tượng sống động. Những dấu ấn của ông trên phim trường có lẽ là thành quả mà ông đã từng gặt hái thành công bởi tài năng diễn tả chân thực và sức tưởng tượng cao độ. Đó là vai Bí thư đảng ủy, trong phim “Làng nổi”; nhân vật ông Cẩn qua phim “Cuốn sổ ghi đời”; hoặc hình tượng Khiên, phim “Người cầu may”; trong đó còn có những vai hay khác như: Cụ Đồ, trong “Thời xa vắng”; bố Lài trong “Tướng về hưu”…Nghĩa là nếu tính số lượng vai diễn trong điện ảnh và truyển hình của nghệ sĩ Trần Hạnh có thể tới cả trăm. Nhưng nổi lên là “Giải Nam diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất” mà ông nhận được qua phim “Nước mắt đàn bà”, Liên hoan Phim VN lấn thứ 11-năm 1996. Mười bốn năm sau, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nghệ sĩ Trần Hạnh còn được vinh danh trong hạng mục “Giải thưởng Cống hiến” qua một vai trong phim “Ngõ lỗ thủng” của đạo diễn Quốc Trọng.
        Mới đây ông còn mất hút một thời gian, xa cái ngõ nhỏ phố nhỏ của mình để đi đóng mấy phim liền. Đó là “Bão qua làng” của đạo diễn Lê Mạnh; “Ngoại tình” do đạo diễn Trọng Trinh dàn dựng; và bộ phim “Cao hơn bầu trời”… Mấy phim này đang được chiếu trên truyền hình, tạo nên một không khí sôi nổi trên phim trường, bởi tính thời sự nóng bỏng, đang xảy ra trong đời sống. Nghệ sĩ Trần Hạnh trần tình, phim ảnh thời nay lợi hại thật, việc mới xẩy ra diễn lại ngay, trái tim mình luôn luôn đập rộn ràng với những khát khao được gửi gắm qua mỗi câu chuyện. Có đạo diễn nói về cái bản mặt rất điện ảnh của Trần Hạnh là những nỗi khắc khoải cứ hiện lên mồn một, và rằng mỗi nếp nhăn của ông tự nó kể chuyển và âu sầu với mọi nỗi đời sống động. Diễn như không diễn chút nào. Ông là một tài năng thành công cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
 3-Mơ mộng
         Mới đây có dịp gặp ông tại cửa hàng bán tạp hóa của cô con dâu, tôi hỏi về những dự án sắp tới, ông chỉ cười. Vẫn một nụ cười rất Trần Hạnh ấy trên hàng trăm vai của phim ảnh hiện lên như còn ẩn dấu một nét suy tư. Tôi thấy bâng khuâng sao đó nên ngồi bên ông. Chúng tôi lại im lặng. Một nỗi im lặng thật cô đơn giữa chốn đông người. Ông ngập ngừng điều gì đó rồi lại thôi.  
        Hình như có lần ông nói, ước mơ cuối cùng là được nhận một vai “lệch chuẩn” của mình. Một vai ông già khắc nghiệt hay tinh quái, hoặc kỳ dị trong đời. Khi đó nụ cười sẽ hiểm độc, hằn học và vang lên từ sự tà tâm. Ông muốn thử thách cảm xúc của mình. Sống thử một cuộc đời khác mình xem sao. Nhưng có lẽ chả bao giờ có vai như vậy dành cho ông. Bởi lẽ, cả một đường đời dằng dặc truân chuyên, ông đã dành trọn trái tim mình cho một mỹ cảm nhân sinh. Một tâm hồn chan chứa tình yêu cuộc đời, hướng về cõi vô thường, với mọi đắng cay đã trải nghiệm. Không ai dám giao một nhân vật thật kinh khủng cho ông. Bởi lẽ “Nụ cười Trần Hạnh” đã trở thành một thương hiệu, luôn ấm áp và ẩn chứa nỗi niềm hiền triết trong cõi phiêu linh.  


Box
      “Nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh, sinh năm 1929 tại ngõ Phát Lộc, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà nội. Ông mồ côi cha từ nhỏ, và phải đi làm thợ đường sắt từ rất sớm. Hai mươi ba tuổi ông lấy vợ và làm thợ đóng giày ở ngõ phố Tràng Tiền. Ông vừa làm thợ vừa sinh hoạt đội kịch của CLB Long Vân, cùng với các nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng… ở hồ Thuyền Quang, thuộc Thành đoàn Hà Nội.
       Năm 1960, ông được tuyển về Đoàn kịch Hà Nội và trở thành diễn viên chính. Nghệ sĩ Trần Hạnh được trao hai HCV cho vai Nguyễn Trãi, trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa”, năm 1962; và vai Vũ Khiêm trong vở “Tiền tuyến gọi”, năm 1970. Ông có hàng chục vai lớn nhỏ và có nhiều thành tích nổi bật, và được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên (1982-1984). Năm 1989 NSƯT Trần Hạnh về hưu theo chế độ.
       25 năm sau đó, NSƯT Trần Hạnh trở thành gương mặt thân quen qua hàng trăm tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình. Ông là một trong số nghệ sĩ có kỷ lục về số vai diễn nhiều nhất trên màn ảnh nhỏ. Khoảng 200 vai lớn nhỏ khác nhau và ông từng đoạt giải Diễn viên Nam xuất sắc nhất, trong Liên hoan phim truyện, năm 1996; Cùng với đó là “Giải cống hiến” xuất sắc năm 2010. Phim mới nhất mà NSƯT Trần Hạnh tham gia diễn xuất là “Bão qua làng”, hiện đang công chiếu trên màn ảnh nhỏ kênh VTV1, năm 2014.”