Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

 

 


NSND Thái Bảo

            PHIÊU BỒNG VỚI CÂY ĐÀN

         Vào giữa thập niên 80 Thái Bảo (sinh năm 1964 ở TP Vinh-Nghệ An) đã nổi danh là ca sĩ tay ngang dị biệt. Có lần tôi tới nhà chị hồi còn ở ngách chùa Phổ Giác trên phố Ngô Sĩ Liên để viết bài (1992). Thật ấn tượng với tôi đó là ngôi nhà âm nhạc của vợ chồng ca sĩ Thái Bảo vào thời khốn khó. Ở đó luôn vang lên những giai điệu của "Một thời hoa đỏ". Giọng hát cùa Thái Bảo là niềm vui cho bà con lao động xóm ga.

 

NÓNG BỎNG TỪ "VẾT CHÂN TRÒN TRÊN CÁT"

 

          Câu chuyện của chúng tôi giờ đây tại một ngôi nhà âm nhạc mới của ca sĩ Thái Bảo ở trước gò Đống Đa. Bên cạnh cây đàn dương cầm mà Thái Bảo vẫn luyện giọng hàng ngày còn có một cây kèn Sacxophone của người con trai. Đôi khi chị vẫn hát và biểu diễn cùng con trai đậm phong cách nhạc Jazz rất liêu trai. Mỗi lúc như thế ca sĩ Thái Bảo như trẻ lại tuổi đôi mươi. Biết bao ký ức tràn về cùng những âm thành bảy bổng. Chị ôm cây đàn ghi ta bên mình như vật báu và kể chuyện. Đó là một thời đi hát trong nhóm "Bồ câu trắng" với ca sĩ Thanh Lam khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Cả hai cùng học đàn ở khoa âm nhạc dân tộc (từ năm 1974) nhưng lại rất mê hát. Họ lặng thầm liên kết cùng bạn bè đi hát theo yêu cầu bất cứ đâu. Cuồng nhiệt và đam mê trong những giai điệu rộn ràng. Dường như trong giọng hát của mỗi người có những bí ẩn kỳ lạ. Họ muốn phô bày và dâng hiến. Đặc biệt giọng hát Thái Bảo lại phô bày quãng giọng Mezo Alto rất ma mị.

 

         Tuy nhiên sự nghiệp ca hát của Thái Bảo bắt đầu không mấy thuận lợi khi mới về Nhà hát ca múa nhạc Trung ương (năm 1983). Thái Bảo được biên chế chính thức là nhạc công biểu diễn đàn bầu. Nhưng rồi bất ngờ trong dịp dự Liên hoan ba nước Đông Dương ở Lào, nghệ sĩ Thái Bảo đã ôm cây đàn ghi ta hát trước mọi người. Ai nấy đều ngạc nhiên với giọng hát khác lạ của chị. Trầm ấm, khê khàn lộ rõ một cá tính nghệ thuật. Đoàn trưởng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khích lệ và đồng ý cho Thái Bảo được hát đơn ca. Nhưng cũng từ đây, khởi động một chặng đường đầy thử thách với giọng hát không được đào tạo thanh nhạc cơ bản như Thái Bảo.

 

       Bài hát đầu tiên mà Thái Bảo biểu diễn chính là ca khúc "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến. Không ít lời khen tiếng chê. Bởi lẽ bên cạnh Thái Bảo là những giọng hát nổi tiếng như: Thanh Huyền, Thu Hiền, Kiều Hưng, Trung Đức, Ái Vân...Có những nhận xét thỏa đáng làm cho Thái Bảo tỉnh ngộ cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Ngoài giờ biểu diễn Thái Bảo ngày ngày nhờ các nghệ sĩ Kiều Hưng và Lê Dung truyền dậy về kỹ thuật thanh nhạc. Năm tháng kiên trì và khiêm tốn học hỏi, Thái Bảo miệt mài tập luyện và khai thác những gì ưu việt của giọng hát mình. Chị đã tìm ra một sự hòa đồng ký thú với những cây đàn. Từ đây giọng hát Thái Bảo có sức thu hút người nghe. Nghệ thuật biểu diễn của Thái Bảo sâu lắng và truyền cảm mạnh qua những âm vực dị biệt. Ngay cả những bài hát mới chị hát cũng trầm ấm lắng sâu cùng với cây ghi ta. Các nghệ sĩ đàn anh chị đều thán phục Thái Bảo có sáng tạo trong xử lý tác phẩm khác người.

 

      Gần đây trong đêm diễn "Ký ức vui vẻ" (5-2021) VTV3, NSND Thái Bảo đã kể lại chuyến lên biên giới hát bài "Vết chân tròn trên cát" cho các chiến sĩ nghe. Khi đó chị còn trẻ. Một giọng hát say mê có sức truyền cảm sâu sắc khi kể chuyện với cây đàn về cuộc sống của một thương binh về làng. Ai ngờ gần nửa đêm các chiến sĩ đã đi bộ từ xa đến để được nghe chị hát lại "Vết chân tròn trên cát". Sau đó có người còn cúi lưng cho chị chép lại bài hát để họ mang về. Ca khúc này gắn bó với Thái Bảo gần 40 năm. Nó là sự khởi nghiệp và đồng hành cùng với cuộc đời ca hát hết sức thành công của Thái Bảo cùng những tác phẩm như: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ", "Bài ca không quên", "Thuyền và biển"; hay như "Quê nhà", "Huyền thoại mẹ", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"; Hoặc còn là "Mùa xuân bên cửa sổ", "Thời hoa đỏ", "Mưa rơi"... Đặc biệt là những ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn. Ca sĩ Thái Bảo được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001.

 



CÂY ĐÀN BẦU VỚI "THĂM BẾN NHÀ RỒNG"

 

         Cách đây không lâu tôi được xem một MV (5-2020) của ca sĩ Thái Bảo dựng lại bài ca "Thăm bến nhà Rồng" của nhạc sĩ Trần Hoàn. Thái Bảo biểu diễn bài hát này suốt 30 năm. Nhưng đây là lần đầu tiên ca sĩ Thái Bảo đến nơi mà chị đã trọn đời kể chuyện về Bác Hồ bằng âm nhạc. MV được quay tại bến Nhà Rồng cùng với cây đàn bầu quen thuộc. Chị hồi hộp nhớ lại ký ức thuở ban đầu đến với ca khúc này. Đó là vào năm 1991, khi nhạc sĩ Trần Hoàn mới viết xong tác phẩm, ca sĩ Thái Bảo đã đến gia đình nhạc sĩ xin bài để biểu diễn trong "Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc". Đây là một ca khúc mang âm hưởng dân gian nên nhạc sĩ Trần Hoàn phân vân không biết ca sĩ trẻ Thái Bảo có hợp không. Bởi lẽ giọng hát Thái Bảo thuộc dòng nhạc nhẹ. Cuối cùng vận may đã đến với Thái Bảo. Chị đã tập luyện cùng với sự theo dõi của nhạc sĩ. Ông muốn ca sĩ thể hiện ngoài tình cảm chân thành ấm áp còn phải đúng với âm sắc dân gian phù hợp với hình tượng Bác Hồ. Ca sĩ trẻ Thái Bảo đã không phụ lòng tác giả. Chị đoạt HCV với tiết mục biểu diễn với cây đàn bầu. Một phong cách nghệ thuật mới lạ cùng với giọng hát thiên phú của Thái Bảo đã làm rung động hàng triệu trái tim khán giả.

 

         Khi tâm sự với tôi, ca sĩ Thái Bảo bất ngờ kể về cha mình cũng có sự đồng hành trong thành công bài hát "Thăm bến nhà Rồng". Chị nói từ bé đã được nghe cha mình kể nhiều chuyện về Bác Hồ. Ông là giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Kim Liên nên nắm rất vững những chặng đường hoạt động cách mạng của Bác. Hơn nữa trong thời gian đi sơ tán cùng với mẹ, Thái Bảo có dịp sinh sống ở làng Sen (1972). Những câu chuyện cuộc đời bôn ba của Bác và ký ức tuổi thơ như đã nhập hồn Thái Bảo một thuở thân thương. Tiếng đàn và lời ca của bài hát đã trở nên gần gũi, tự nhiên. Không phải Thái Bảo hát nữa mà đã kể chuyện đúng như nhạc sĩ hình dung. Những hình ảnh được hiện lên trong câu chuyện có cả tình cảm của người cha thuở nào và hương sen quê Bác dịu dàng với giai điệu quê hương. Nghệ sĩ Thái Bảo hát với tất cả niềm yêu thương và cảm xúc dạt dào như dòng sông Lam nơi mình đã sinh ra.

 

        Trong nhiều chuyến đi biểu diễn khắp đất nước và nước ngoài Thái Bảo luôn giữ được cảm xúc sâu sắc ấy. Khi hát tốp ca với đàn tranh hay biểu diễn đơn ca với cây đàn bầu, Thái Bảo luôn tạo ấn tượng thấm đẫm tâm cảm đối với người nghe. Với MV "Thăm bến Nhà Rồng" dựng lại câu chuyện về một người cha là họa sĩ chuyên vẽ tranh Bác Hồ. Những ký ức của họa sĩ chính là sự trải nghiệm mà Thái Bảo đã đồng hành. Bài hát có sức sống với thời gian qua giọng hát ấm áp và ngọt ngào của Thái Bảo. Thậm chí có người còn nói đó là bài hát độc quyền mang tên Thái Bảo. Năm 2016 ca sĩ Thái Bảo được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", với những thành tựu ca hát gần 40 năm qua.

 



VĨ THANH

 

        Vợ chồng nghệ sĩ Thái Bảo có một con trai cũng làm nhạc công như bố. Đó là nghệ sĩ Saxophone Nguyễn Bảo Anh hiện biên chế Nhà hát Ca múa Việt Nam. Coi như cả nhà có thể lập một ban nhạc đi biểu diễn. Mọi chuyện ngỡ như dễ dàng nhưng tổ chức một đêm biểu diễn cho cả ba người không dễ dàng. Đó chính là ước mơ của NSND Thái Bảo trong tương lai. Một gia đình nghệ sĩ hạnh phúc đã 32 năm tồn tại và cùng hoạt động nghệ thuật. Những chuyến đi biểu diễn những tỉnh biên giới và hải đảo là mối kết giao sâu sắc và củng cố hạnh phúc bền vững.

 

         Đặc biệt chuyến đi Trường Sa đã ghi dấu tình cảm sâu nặng trong tâm cảm nghệ sĩ. Thái Bảo đã từng tâm sự với bạn bè rằng: "18 ngày lênh đênh trên biển, say sóng không ăn được gì, chỉ uống nước và buồn nôn...Nhưng khi dừng lại đảo để biểu diễn thì ai nấy đều khỏe như voi. Diễn mấy tiếng liền không ngưng nghỉ...". Tôi chợt nhớ tới những câu thơ mà nghệ sĩ Thái Bảo đã viết trong chuyến đi biên giới hồi cuối năm 1984. Hồn thơ ngày nào vẫn còn cháy bỏng: "Tôi đã đi suốt cả chặng đường dai/ Tuổi thanh xuân như bài ca năm tháng/ Những háo hức đam mê luôn bừng sáng/ Gió đông về tôi hát ấm tim anh"

 

Vương Tâm